TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Những tác động của thói quen đọc sách đối với khả năng đọc hiểu của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh Trường Đại học Văn Lang

Bài viết được trích tóm tắt từ nghiên cứu khoa học "The Effects of Reading Habits on Reading Comprehension among EFL Students at Van Lang University" của sinh viên Phạm Ngô Minh Uyên, K23 Khoa Ngoại ngữ, hướng dẫn bởi PGS. TS. Phạm Vũ Phi Hổ - Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Văn Lang. Cùng với 7 đề tài khác được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, đề tài của sinh viên Minh Uyên đã xuất sắc được lựa chọn đăng trên International Journal of TESOL &Amp; Education1(2), 15–44.

Đọc là một trong những kỹ năng cơ bản và cần thiết trong quá trình học một ngôn ngữ mới, đặc biệt với sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh. Hình thành thói quen đọc sách tốt có những ảnh hưởng nhất định đối với quá trình rèn luyện khả năng đọc hiểu của bạn. Từ những tác động tích cực ấy, bạn có thể điều chỉnh thói quen đọc sao cho phù hợp hơn với mục tiêu và quá trình học tập, rèn luyện kỹ năng đọc của bản thân.

Theo hai nghiên cứu của Sangkaeo(1) và Sakinah(2), lần lượt vào năm 1999 và 2018, thói quen đọc hình thành trên năm tiêu chí chính: quan điểm và thái độ đối với việc đọc sách, tần suất đọc, nguồn tư liệu đọc, mục đích đọc và khối lượng thời gian trong ngày dành cho việc đọc. Từ việc kết hợp tất cả các yếu tố này, một độc giả mới có thể tiếp tục giữ vững và phát triển thói quen đọc sách tốt.

Vào năm 2002, một nghiên cứu của Harris và Smith(3) xác định khả năng đọc hiểu thông thường bao gồm bốn giai đoạn. Trong giai đoạn một, nhận biết, người đọc cần xác định chính xác thông điệp được truyền tải của tác giả thông qua các từ, câu và cấu trúc ngữ pháp. Giai đoạn hai, phân tích, yêu cầu độc giả chia toàn bộ bài đọc thành từng phần dựa trên cấu trúc của bài. Người đọc trong giai đoạn ba, phát triển, cần đánh giá được tầm quan trọng của lượng thông tin mà họ có được từ nội dung bài đọc; nghĩa là họ cần xác định chính xác thông tin đó đã đáp ứng đủ mục đích khi họ quyết định đọc bài hay không, có liên quan đến toàn bộ bài đọc hay không. Giai đoạn cuối cùng là áp dụng, độc giả sẽ sử dụng kiến thức, thông điệp và thông tin từ việc đọc để giải quyết các vấn đề.

Có thể kết luận rằng khả năng đọc hiểu được xây dựng thành một nhóm các kỹ năng và hoạt động phức tạp, giúp người đọc có thể hiểu và truyền đạt lại thông điệp và ý nghĩa của bài đọc một cách chuẩn xác. Thái độ đối với việc đọc sách là một trong hai yếu tố tác động nhiều nhất (0.710 trên thang đo Pearson Correlation) đến việc hình thành một thói quen đọc tốt cũng như cải thiện khả năng đọc hiểu của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh.

Việc có thái độ tích cực đối với quá trình đọc sách đồng nghĩa với việc cảm thấy đọc sách là một hoạt động thú vị và mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống (M=3.88, N=50). Dựa trên phân tích số liệu của phỏng vấn bán cấu trúc, có thể kết luận rằng nhờ việc kết hợp đọc sách và làm việc, độc giả cảm thấy thư giãn, bình tĩnh hơn và có nhiều ý tưởng mới trong công việc.

nghien cuu khoa hoc sinh vien a

Độc giả cũng thể hiện thói quen đọc tích cực khi tăng số lần đến thư viện (43.75%), tìm hiểu và sưu tầm những đầu sách hữu ích (37.50%), lựa chọn và đề xuất sách hoặc tài liệu Anh ngữ cho bạn bè (31.25%). Phần lớn những người có khả năng đọc hiểu tốt (56.25% số lượng người tham gia phỏng vấn) xác nhận rằng chính hoàn cảnh và thói quen của gia đình đã tác động rất lớn đến thói quen này của họ.

Trên thực tế, khi duy trì được lối tư duy tích cực này, sinh viên sẽ có xu hướng đọc nhiều hơn, dễ dàng hiểu được nghĩa từ vựng mới, tiếp thu nhanh cấu trúc câu phức tạp và nâng cao được khả năng suy luận cũng như giải quyết các câu hỏi và tình huống đặt ra.

Hầu hết người có khả năng đọc hiểu từ mức khá đến xuất sắc (58.82%) thường duy trì được thói quen đọc từ ba mươi phút đến trên một tiếng mỗi ngày. Họ thường dành một khoảng thời gian cố định trong ngày, thường là trước thời gian ngủ, để đọc từ ba đến bốn trang sách và sẽ đọc xong ít nhất một quyển sách trong vòng một tháng (M=4.00, N=50).

Ngoài sách giáo khoa, mỗi ba tháng, những sinh viên này cũng chọn đọc một đến hai tư liệu học thuật liên quan đến chuyên ngành của mình hoặc vấn đề mình đang muốn nghiên cứu chuyên sâu hơn. Tăng thời gian đọc và tần suất đọc trong một hoặc vài tháng cũng là khía cạnh ảnh hưởng nhiều nhất đến việc cải thiện khả năng đọc hiểu của người đọc.

nghien cuu khoa hoc sinh vien b

Mục đích độc giả hướng đến là yếu tố then chốt trong việc hình thành một thói quen đọc tốt (0.608 trên thang đo Pearson Correlation). Tuỳ theo nhu cầu của độc giả, mục đích đọc có thể là để giải trí (M=3.80), thư giãn và giảm thiểu căng thẳng (M=3.74), hoặc nhằm tăng trí tưởng tượng (M=3.94), rèn giũa tính cách (M=3.64) hoặc vì học tập và tiếp nhận các thông tin mới (M=3.76).

Theo khảo sát và bài kiếm tra tiến hành trên 50 sinh viên trong khoa, trong số các mục tiêu trên, học tập và cải thiện điểm số chính là khía cạnh quyết định việc cải thiện khả năng đọc hiểu trong môi trường học thuật. Nhờ vào việc đọc các tài liệu học thuật, một độc giả có thể hiểu được ý nghĩa các từ vựng chuyên ngành cũng như các cấu trúc câu phức tạp thường được sử dụng để trình bày các bài tiểu luận, luận hoặc nghiên cứu bằng tiếng Anh.

Việc đọc để giải trí, chẳng hạn như đọc các tác phẩm truyện ngắn, truyện cổ tích, tiểu thuyết bằng tiếng Anh cũng góp phần làm gia tăng sự phong phú trong vốn từ của người đọc. Thông qua việc đọc các tác phẩm này, độc giả dần hiểu được các phong tục, văn hóa, tập quán, quan điểm sống của con người trên khắp thế giới. Vào năm 2008, Patel và Jain(4) khẳng định khi người đọc xây dựng thói quen đọc dựa trên mong muốn và mức độ hài lòng của mình, họ sẽ tìm đọc nhiều sách, báo hơn và từ đó, thói quen đọc của họ cũng sẽ kéo dài trong thời gian lâu hơn.

Nguồn tư liệu đọc cũng không gói gọn chỉ mỗi sách báo mà có thể mở rộng ra thành tất cả những nội dung được viết dưới dạng văn bản. Dựa trên số liệu khảo sát và phỏng vấn (M=3.56 và 75%), người đọc với khả năng đọc hiểu và tư duy ngôn ngữ khá tốt thường có thói quen đọc từ vựng hoặc câu trên các quảng cáo, nhãn hiệu sản phẩm viết bằng tiếng Anh. Điều này cũng tương thích với mục đích đọc để học (M=4.36) của sinh viên bởi thông qua việc đọc các từ vựng ngẫu nhiên, các bạn có thể tiếp thu nhanh được các từ thường dùng, nâng cao được khả năng giao tiếp chuẩn mực hơn.

Việc đọc ngẫu nhiên, theo số liệu phỏng vấn, là một quá trình thú vị và thường được phát triển tự nhiên sau một thời gian dài học tiếng Anh tại lớp. Từ những phân tích trên, có thể khẳng định rằng nguồn tài liệu đọc rất đa dạng và phong phú và thói quen đọc nên được hình thành một cách tự nhiên, tránh sự gượng ép.

Tóm lại, để hình thành một thói quen tốt và tác động tích cực đến khả năng đọc hiểu của mình, người đọc cần chú ý đến các yếu tố như thái độ đối với việc đọc, thời gian đọc mỗi ngày, tần suất đọc, mục đích và nội dung đọc. Sinh viên Văn Lang, đặc biệt là sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh hướng tới mục tiêu tạo ra môi trường khuyến khích thói quen đọc, thoải mái chia sẻ và nâng cao khả năng đọc hiểu của bản thân.

Phạm Ngô Minh Uyên - K23 Khoa Ngoại ngữ

------------------------------------------------

Chú thích:
(1) Sangkaeo, S. (1999). Reading Habits Promotion In ASEAN Libraries. Retrieved from: https://eric.ed.gov/?id=ED441496
(2) Sakinah, S. (2018). The Correlation between Students’ Reading Habits and Reading Achievement in English Education Study Program at Jambi University. Retrieved from https://repository.unja.ac.id/3362/1/ARTICLE1.pdf
(3) Harris, L.A., & Smith, C.B. (2002). Reading Instruction Diagnostic Teaching in The Classroom. New York, NY: Richard C. Owen Publishers
(4) Patel, M.F., & Jain, P.M. (2008). English Language Teaching (Methods, Tools, & Techniques). Jaipur, India: Sunrise Publishers & Distributors.


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag