(Phòng Tuyển sinh – Văn Lang, 09/9/2017) – Tối 29/8/2017, Đoàn sinh viên đại diện tham quan, học tập tại Đền Hùng năm 2017 đã trở về Trụ sở Trường ĐH Văn Lang, kết thúc trọn vẹn hành trình 12 ngày đêm dọc miền đất nước. Website Trường trích đăng bài chia sẻ của Ban Truyền thông, dù biết trải nghiệm, cảm xúc của 25 thành viên thật khó gói trọn trong một bài viết.
Đi để trải nghiệm…
Được tham gia Đoàn SV đại diện tham quan, học tập tại Đền Hùng năm nay là một phần thưởng quý giá trong đời sinh viên Văn Lang. Mười hai ngày đêm trôi qua, chúng tôi đã có những trải nghiệm thật sự thú vị, học hỏi nhiều điều mới mẻ. Và một điều đặc biệt, chuyến đi đã giúp chúng tôi khám phá thêm về bản thân, trả lời được câu hỏi “Mình là ai? Thế mạnh của mình là gì?” như chị Châu Thoại Vệ - Phó Đoàn mong muốn trong ngày đầu gặp gỡ.
Ngày 19/8, Đoàn chính thức lên đường, nhưng trước đó cập rập biết bao nhiêu việc cần phải chuẩn bị. Thực sự, chúng tôi chưa có kinh nghiệm tổ chức một chuyến đi xa dài ngày và đông thành viên như thế. 23 con người là 23 cá tính đến từ các ngành học khác nhau, để tìm được tiếng nói thống nhất là điều không dễ dàng gì. Ai cũng sốt sắng lo lắng cho Đoàn, biết nhường “cái tôi” qua một bên vì tập thể. Chúng tôi lắng nghe chia sẻ và góp ý của các anh chị đi trước, ghi tâm lời dặn dò của các Thầy Cô lãnh đạo Nhà trường, tôn trọng ý kiến của nhau một cách chân thành, và nỗ lực hết mình hoàn thành công việc được giao, để chuẩn bị thật tốt cho chuyến đi.
Có lẽ, nhờ phân công “đúng người, đúng việc” nên Minh Toàn, Trâm Anh (khoa Mỹ thuật Công nghiệp) và các bạn trong team thiết kế đều phát huy thế mạnh bản thân. Mỹ Duyên (khoa Du lịch) hỗ trợ rất tốt việc tìm thêm những địa điểm tham quan mới ngoài lộ trình định sẵn. Các bạn khoa Tài chính - Kế toán đảm nhận vai trò thủ quỹ, hậu cần không mấy khó khăn, các bạn PR thể hiện sở trường truyền thông, viết lách… Mỗi người đều có cơ hội thể hiện năng lực, vận dụng kiến thức đã tích lũy trên giảng đường; điều này khiến việc tổ chức nhân sự dễ dàng và cực kỳ ý nghĩa!
Chúng tôi lên đường theo đúng kế hoạch, trong tâm thế an nhiên, vui vẻ, đầy hứng khởi:
“Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè hành trình
Sinh viên tiêu biểu
Mười hai ngày đêm
Dọc miền đất nước
Đến với Đền Hùng
Hướng về nguồn cội
Nghìn năm Văn Lang…”
Theo vòng bánh xe lăn, chúng tôi dần bứt mình ra khỏi nhịp sống quen thuộc của một Sài Gòn đông đúc, náo nhiệt. 23 con người hòa vào nhau thành một gia đình, cùng nhau khám phá, trải nghiệm những vùng đất mới.
Tại điểm dừng chân Đức Phổ (Quảng Ngãi), chúng tôi ấn tượng đặc biệt với bức tượng nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm được đặt ở vị trí trang trọng của bệnh xá. Bức tượng được khắc họa trong tư thế đầu dựa vào tay trái, tay phải đặt trên quyển sách, mắt nhìn xa xăm phía trước, dáng vẻ như đang suy nghĩ về cuộc đời, số phận mỗi con người. Thầy Hồng Quang – Trưởng đoàn chia sẻ: Bức tượng này đã được Ban Giám hiệu Trường ĐH Văn Lang đến tận nơi trao tặng trong ngày khánh thành bệnh xá. Nghe vậy, những người con Văn Lang chúng tôi cảm thất thấy thật tự hào và xúc động.
Thay vì thuê xe chở thẳng một mạch đến cửa động Thiên Đường, chúng tôi chọn cùng nhau đi bộ chinh phục đoạn đường dài hơn 2 cây số. Vừa đi, vừa hát, vừa nói, vừa cười, các bạn nam phụ giúp mang ba lô, các bạn khỏe hơn sẽ dìu bạn yếu hơn. Cứ như thế, chúng tôi chinh phục hơn 500 bậc thang, lên đến cửa động một cách vui vẻ. Cảm giác vượt lên chính mình thật tuyệt vời!
Đặt chân đến Đền Hùng, cả Đoàn hăm hở quyết tâm cùng nhau đi bộ lên Đền Thượng nằm chót vót trên đỉnh núi Nghĩa Cương. Nhận lời “cảnh báo” của các anh chị đoàn trước về độ cao và số lượng bậc thang không dễ chinh phục nhưng Đoàn chúng tôi đã đến đích nhanh một cách bất ngờ. Minh Nghi ngạc nhiên thốt lên:“Tụi mình đến Đền Thượng thật rồi hả? Sao lẹ quá vậy? Có thấy xa lắm đâu ta ơi?” khiến cả đoàn vừa bật cười, vừa sung sướng vì đã vượt qua chướng ngại vật một cách dễ dàng như thế.
Thưởng thức đặc sản địa phương cũng là trải nghiệm đáng nhớ và hấp dẫn nhất: bánh tráng cuốn thịt heo hai đầu da ở Đà Nẵng, cháo lươn ở Nghệ An, bánh bèo - nậm - lọc ở Huế, cao lầu ở Hội An,… Đặc biệt là ở Hà Nội, món bún thang, nộm bò, bánh cuốn, cốm, hoa quả dầm và vô vàn món ăn ngon khác được bán ở những quán ăn có không gian khá nhỏ với chiếc ghế xếp bàn nhựa quen thuộc, mang đậm hình ảnh Việt Nam… Những món ăn này, Sài Gòn đều có, nhưng thưởng thức món ngon ở tại địa phương quả thật ngon gấp bội phần.
Đi để trưởng thành…
Hành trình về miền Đất Tổ đưa chúng tôi đi qua gần 20 tỉnh thành của đất nước. Tại mỗi điểm dừng chân, dù thời gian hạn chế nhưng chúng tôi đã kịp quan sát cuộc sống, và có cơ duyên trò chuyện với người dân địa phương… Tất cả trải nghiệm đều rất mới lạ, thật nhiều cảm xúc.
Tôi nhớ sự thân thiện của bác chèo đò đưa chúng tôi tham quan danh thắng Tam Cốc – Bích Động (Ninh Bình). Đó là một người phụ nữ nhỏ bé nhưng rất vững tay chèo, luôn cười khi nói chuyện, kể rành rẽ từng địa danh quê hương. Bác hào hứng kể bộ phim KONG nổi tiếng đã được quay tại quê hương mình. Bác kể về cuộc sống của người dân mưu sinh bằng nghề chèo đò, vất vả nhưng chẳng ai bỏ nghề cả “1300 hộ dân ở đây sống bằng nghề chèo đò đưa khách du lịch tham quan. Mỗi chiếc đò sẽ được đánh số và sẽ đón khách theo thứ tự. Mỗi gia đình chỉ có cơ hội “ra khơi” 2-3 lần/ tháng, tiền công cho mỗi lần như vậy là 150.000 đồng”.
Nghe cô kể thấy mà thương. Tôi từng thắc mắc: số tiền ít ỏi là thế, họ có thể bỏ, làm một nghề khác thu nhập cao hơn? Nhưng thấy cách cô vui vẻ kể chuyện, thấy những người dân nơi đây cần mẫn với công việc của mình, tôi tự hiểu rằng: đây là cuộc sống họ chọn, để gắn mình với quê hương. Mưu sinh là một lẽ, quan trọng hơn là họ yêu mảnh đất này, nơi họ sinh ra, chở che, và nuôi sống nhiều đời. Cũng như tôi, và các bạn của mình, đã chọn cho mình ngành học hiện tại, và chọn Văn Lang làm nơi để thực hiện ước mơ tương lai của mình.
Tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), trải nghiệm lần đầu làm một thợ gốm thật sự đặc biệt! Chúng tôi được tận mắt nhìn, tự tay tạo hình sản phẩm từ đất sét dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Nhìn thì đơn giản, còn khi bắt tay vào làm thì khó vô cùng. Chúng tôi làm thử, nhưng phải chịu thua, chỉ biết đứng nhìn các bác, các chú thợ gốm làm một cách say sưa, ngưỡng mộ. Có đi mới biết, có làm mới hay. Những cái ly, cái đĩa, cái chén, … có thể mua ở bất cứ nơi đâu tại Sài Gòn với mức giá vừa phải mà tôi thường thấy, được làm theo một quy trình bài bản và khắt khe.
Đến với vùng đất mỏ – vùng đất vàng đen của Tổ quốc, đoàn tham quan Vịnh Hạ Long, ấn tượng với sự hiện đại của bảo tàng Quảng Ninh. Với hệ thống điện cảm ứng và thiết kế mới mẻ, bảo tàng Quảng Ninh là hình ảnh của một bảo tàng mang tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam. Chúng tôi được nghe giới thiệu thêm về lịch sử, văn hóa, con người nơi đây, đặc biệt còn được trải nghiệm quy trình khai thác than ngay tại hầm mỏ mô phỏng do bảo tàng xây dựng theo đúng kích thước thực tế.
Tôi chợt nhận ra đất nước Việt Nam mình đẹp quá, ở mỗi tỉnh có biết bao nhiêu cảnh đẹp, bao nhiêu câu chuyện lịch sử đáng để tự hào rồi. Lòng tự nhủ, sau này, khi có cơ hội sẽ đi khám phá nhiều tỉnh thành khác nữa của đất nước mình, đi để trải nghiệm, đi để học hỏi những bài học từ cuộc sống mà trên giảng đường ta chưa có cơ hội khám phá, trải nghiệm.
*******
Tại Dốc Lết, chúng tôi ngồi bên nhau, kể cho nhau những điều đã học được sau chuyến đi. Diệu Ngân đã sáng tác một bài vè khá dài để tặng cho Đoàn. Bài vè dí dỏm như một “profile” tính cách, sở trường của từng thành viên của Đoàn: “Trưởng Đoàn dễ thương, Thầy Quang đầu trọc…. - Những lúc nghiêm nghị - Khiến ai cũng sợ - Nhưng lúc vui chơi - Thì tít mắt cười -Còn chị Phó Đoàn - Thoại Vệ xinh đẹp - Kinh nghiệm vốn có - Chia sẻ cùng Đoàn…, Ngân Ngố trưởng nhóm - Loi nhoi nhất Đoàn…”
“… Thời gian rất ngắn
Nhưng tình rất đậm
Khắc ghi trong lòng
Kỉ niệm khó phai
Yêu lắm mọi người
Sinh viên tiêu biểu
Đến đây chào nhé
Và hẹn gặp lại ^^”
Lời chào tạm biệt trong bài vè cũng đã khép lại hành trình lần thứ 21 của Đoàn sinh viên đại diện tham quan, học tập tại Đền Hùng, Trường ĐH Văn Lang. Thành quả lớn sau chuyến đi là niềm vui vì sự gắn kết và trưởng thành “từng chút một” của mỗi thành viên. Khi chúng tôi ngồi kể chuyện bên ánh lửa trại, thầy Trưởng Đoàn nhận xét trong đêm cuối hành trình: “12 ngày qua, thầy nhận ra được sự trưởng thành của các em mỗi ngày. Nhớ lại, ngày đầu tiên thầy phải nhắc nhở các em về sự tự giác, về tác phong, về giờ giấc… Các em đã biết lắng nghe và chịu thay đổi. Các em biết quan tâm nhau nhiều hơn, biết giảm bớt cái tôi, biết vì tập thể nhiều hơn. Đó là điều vô cùng tuyệt vời!”.
Trần Quỳnh Như
Sinh viên năm 4, khoa Quan hệ Công chúng & Truyền thông
(Ban Truyền thông Đoàn SV đại diện tham quan, học tập tại Đền Hùng 2017)