(P. Tuyển sinh – Văn Lang, 27/9/2017) - Cuối tháng 6/2017, Văn Lang chia vui cùng thầy trò khoa Kiến trúc khi 2 nhóm sinh viên đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi ARCHICAD – BIM 2017 và 1 nhóm xuất sắc đạt giải Nhì. Ngày 17 – 20/8, nhóm sinh viên đạt giải đã tận hưởng chuyến đi Singapore 3 ngày – phần thưởng sau cuộc thi. Điều vui hơn là, sau chuyến đi, ngoài tinh thần vui chơi, các bạn đã nhận thức được nhiều bài học chuyên ngành giá trị “như được đọc 10 quyển sách về Kiến trúc và con người”. Xin được chia sẻ nhật ký hành trình thú vị ấy cùng bạn đọc Văn Lang!
Chúng tôi là A131 gồm: Phạm Phú Thịnh, Nguyễn Thị Hải Yến, Nguyễn Văn Thịnh. Chúng tôi là 3 con người với những “màu” khác nhau, nhưng chúng tôi như những mảnh ghép bù đắp cho nhau trong cuộc sống. Cuộc thi ARCHICAD - BIM 2017 là một thử thách đáng nhớ.
Chuyến đi Singapore là phần thưởng chúng tôi nhận được sau khi đạt giải Nhì của cuộc thi. Đi là để vui chơi hết mình, đi cũng là để học hỏi mở mang tầm nhìn. Như cách triển khai công việc trong cuộc thi, chúng tôi chia nhau nhiệm vụ tìm kiếm đi đâu, làm gì, ăn gì, mua gì… khi đặt chân tới Singapore sao cho chuyến đi có thể tham quan thật nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu trong mơ ước.
Lịch trình và hành lý đã chuẩn bị đầy đủ! Và đúng hẹn, 3 con người chúng tôi cũng thầy Mai Quốc Bửu – Giảng viên Khoa Kiến trúc xuất phát bay sang Singapore bắt đầu kì nghỉ hè “muộn”. Lịch trình từ sân bay Tân Sơn Nhất tới sân bay Changi (Singapore) không quá lâu, chỉ mất khoảng 90 phút nên chuyến bay diễn ra một cách thoải mái.
Lớp mây mờ dần tan, chúng tôi được thông báo mình chuẩn bị đáp xuống địa phận của Singapore. Hiện ra trước mắt chúng tôi là quan cảnh của sân bay Changi. Theo như đúng lịch trình, sân bay Changi sẽ là điểm tham quan cuối cùng mà chúng tôi sẽ ghé thăm, nhưng Singapore thật biết hút khách du lịch. Vừa đáp xuống sân bay, chúng tôi choáng ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy của một trong 10 sân bay tốt nhất thế giới. Sân bay Changi như nói lên được bộ mặt tổng thể kiến trúc hiện đại của Singapore.
Không chần chừ lâu, 4 thầy trò chúng tôi đẩy nhanh vali đến quầy làm thủ tục nhập cảnh. Sau đó, thầy giới thiệu và dẫn chúng tôi đi tham quan sân bay. Cảm xúc không ngừng dâng trào, ấn tượng không chỉ ở kiến trúc đẹp mà cả những nhân viên hải quan cực kỳ hiếu khách, dễ thương, chuyên nghiệp, lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ hành khách.
Dạo một vòng sân bay Changi, thầy trò chúng tôi chọn UBER làm phương tiện di chuyển đến hostel ở China Town mà trước đó bên BTC cuộc thi đã book sẵn. UBER là một trong những phương tiện di chuyển khá rẻ dành cho khách du lịch khi đến đây. Đi UBER cũng là cách giúp chúng tôi có cái nhìn tổng quan hơn về quy hoạch của Singapore. Thật lạ khi trên đoạn đường chúng tôi di chuyển chỉ toàn gặp xe hơi, thi thoảng là vài chiếc xe máy của những anh shipper. Được biết, Chính phủ Singapore khuyến khích người dân sử dụng những phương tiện vận chuyển tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường là tàu điện ngầm (MRT), xe đạp, ... và đánh thuế khá cao những phương tiện thải nhiên liệu độc hại.
Chúng tôi từ lâu đã biết Singapore là quốc gia có mật độ cây xanh nhiều nhất châu Á nhưng không thể tin nổi, cây xanh được trồng nhiều tới mức tạo cảm giác như đang được đi vào một khu rừng xanh ngát nào đó. Thấp thoáng qua những tán cây um tùm, những toà nhà cao tầng dần hiện ra rõ ràng với nhiều hình dáng khác nhau, ngày càng dày đặc hơn. Xe sắp vào tới trung tâm thành phố, chúng tôi vô cùng háo hức. Những toà nhà liền kề nhau như những con nhà phố san sát của Sài Gòn thân quen. Những mảng xanh xuất hiện giữa những khối nhà cao vút, con người chỉ là một phần nhỏ giữa kiến trúc và cây xanh.
China Town là khu ở dành cho khách du lịch nhộn nhịp nhất Singapore. Chúng tôi bắt đầu những bước chân hối hả, “hối hả” không phải vì công việc, “hối hả” ở đây là do niềm đam mê khám phá cái mới của 3 sinh viên Kiến trúc hối thúc chúng tôi phải đi thật nhanh, thật nhiều… Dạo một vòng chợ Chinatown, trời cũng quá trưa, thêm mùi đồ ăn nghi ngút bay từ con phố ẩm thực khiến bụng chúng tôi thêm cồn cào. Món ăn Trung Hoa là một lựa chọn khá an toàn khi mọi đồ ăn đều lạ lẫm. Chúng tôi đã order những phần mỳ và cơm, kèm theo vịt quay với vị sốt đặc trưng của người Hoa.
No nê rồi, bốn thầy trò quyết định đi tham quan khu Downtown bằng tàu điện ngầm (MRT) - phương tiện mà 90% công dân Singapore dùng để di chuyển hàng ngày. Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy số người tập trung dưới mỗi trạm MRT đông hơn số người trên mặt đất bình thường. Dù rất đông người nhưng ở đây không có cảnh chen chúc, xô lấn nhau. Một lần nữa, chúng tôi thấm thía tại sao Singapore được vinh danh là một quốc gia văn minh bậc nhất Châu Á.
Chưa đầy 5 phút ngồi tàu điện, chúng tôi đã đến nơi khu Downtown - khu trung tâm của Singapore. Bước ra khỏi tàu, chúng tôi không ngờ là mình đang ở trong một toà nhà cao tầng. Không khỏi bất ngờ, chính những tầng hầm của công trình này cũng là trạm MRT. Thầy Bửu đã từng đi Singapore cách đây 2 năm, Thầy còn là thành viên của Hội Kiến trúc Xanh Tp.HCM, nên Thầy đã giải thích: để được công nhận là một “công trình Xanh” thì ở Singapore, dưới mỗi công trình phải có trạm MRT nhằm mục đích tiết kiệm nhiên liệu bằng cách tạo điều kiện cho người dân đi làm không phải sử dụng phương tiện đi lại.
Tối đó, chúng tôi lại ra khu chợ gần khách sạn để thưởng thức bia Tiger - “quốc tửu” của Tân Gia Ba (Singapore). Để thưởng thức “quốc tửu”, bạn phải bỏ ra một cái giá khá cao đưa passport chứng minh bạn đã trên 18 tuổi. Đấy là cách mà Singapore hạn chế những hậu quả do bia rượu hoặc thuốc lá mang lại cho người sử dụng. Chúng tôi mua 3 chai bia Tiger với giá 25$ để thưởng thức. Không thể chê vào đâu! Mùi vị lúa lên men được gợi lên rõ ràng và chân thật nhất. Kết thúc ngày đầu tiên đầy thú vị tại Đảo quốc Sư Tử.
Chúng tôi bắt đầu ngày tham quan thứ hai, quay lại khu Downtown để tham quan “bàn tay” của Singapore.
Thực chất, tôi không thích bề ngoài của công trình này cho lắm! Nhưng khi bước vào bên trong, tôi lại hoàn toàn bị thuyết phục bởi không gian trưng bày cùng những gian thuyết minh về công trình!
Việc mua vé tham quan công trình ở Singapore cũng thật đặc biệt. Dẫu đến từ đâu, bạn cũng sẽ được hưởng mức vé ưu đãi từ 25$ cho du khách thường, 15$ cho học sinh, sinh viên hoặc giáo viên. Từ việc ưu đãi như thế, chúng tôi hình dung ra được cách mà Chính phủ Singapore quan tâm đến việc giáo dục như thế nào.
Đúng như cái tên “Artscience”, bước vào bên trong là một loạt những hình thức triễn lãm, trình chiếu bằng công nghệ tiên tiến từ hình ảnh, ánh sáng, âm thanh,… Mọi thứ được sắp xếp khoa học thể hiện sự tiên tiến của công nghệ trình chiếu trên thế giới hiện nay.
Theo như kế hoạch định trước khi đến Singapore, chúng tôi vinh dự có một cuộc hẹn tham quan ở công ty thiết kế mặt đứng YKK AP. Đây là một trong những đơn vị tài trợ chính cho cuộc thi ARCHICAD - BIM thường niên. Chúng tôi được ông Shinobu Abe là đại diện Công ty YKK AP tiếp đón.
Chúng tôi đã hỏi ông Abe: “Chúng tôi thấy làm lạ rằng những công trình kiến trúc ở đây thường lưu giữ lại những công trình “cũ” trước đó và được bảo tồn đúng cách, theo ông thì việc này xuất phát từ một quy định nào đó hay do chủ đầu tư muốn giữ lại bản sắc cũ giữa một bản sắc mới trong Kiến trúc?”
Câu trả lời nhận được là: “Đúng như vậy, đầu tiên chúng tôi đến khu đất và khảo sát, chúng tôi thường nhận ra được vẻ đẹp mang giá trị theo thời gian, và chúng tôi đề xuất phương án với chủ đầu tư rằng vừa tạo ra một công trình mới nhưng lại có thể bảo tồn những công trình cũ. Và chủ đầu tư rất thích những phương án đó vì họ hiểu được giá trị sâu sắc đó!” Qua câu trả lời đó, tôi nhận ra rõ hơn một ý niệm sâu sắc: “Cái mới tôn vinh cái cũ và cũ tôn vinh cái mới” và “Kiến trúc hoà tan”. Đây là những điều mà sinh viên Kiến trúc Văn Lang được thầy cô hay hướng đến khi thực hiện đồ án.
Sau chuyến thăm quan công ty YKK AP, chúng tôi được thầy Bửu giới thiệu đến khu Geylang để thưởng thức món cháo ếch Singapore nổi tiếng ở khu Geylang. Giá ăn ếch ở đây tầm 8$/ 1 con ếch đã chế biến. Bốn thầy trò thưởng thức món đặc sản cùng nồi cháo trắng nóng hổi và hành lá.
Chúng tôi di chuyển đến khu Orchard - được mệnh danh là thiên đường mua sắm của Singapore, là nơi quy tụ đầy đủ những thương hiệu nổi tiếng trên khắp thế giới. Được biết, ở đây nổi tiếng với cửa hàng điện thoại Apple Store mà hàng nghìn người dân châu Á đổ xô về đây để trở thành những chủ sở hữu Iphone sớm nhất mỗi khi những dòng điện thoại mới ra mắt.
Nhìn từ xa, một khối nhà không quá “hầm hố” về hình thức nhưng lại toát lên vẻ sang trọng, huyền bí, lung linh đúng như cách mà Apple đã trao cho Iphone một thiết kế hoàn mỹ, không chi tiết thừa. Sự tinh giản được đẩy cao hết mức thấy được một không gian thuần khiết bằng những tấm kính cường lực dày 1cm và có kích thước vượt quy chuẩn bình thường.
Kiến trúc ở đây mang lại sự hấp dẫn lạ kì cho người đến xem, từ những tấm kính cao 13 mét đến những chi tiết nội thất đơn giản tinh tế. Kiến trúc lúc này như một tấm nền cho những chiếc điện thoại, máy tính bảng của Apple trở nên lấp lánh hơn, sang trọng hơn, huyển bí hơn…
Cảm xúc không gian được nối tiếp theo một mạch liên tục bằng một cái cầu thang ốp đá cong lượn khổng lồ. Người thiết kế kiến trúc như hoà làm một với người thiết kế của Apple, họ có sự tương đồng lớn trong suy nghĩ thiết kế “Less is more”. Đơn giản nhưng tỉ mỉ, sắc cạnh đến từ góc nhỏ trong công trình. Bước lên cầu thang, khu nhận hàng sau khi thanh toán cũng thiết kế rất độc đáo. Khách hàng được ngồi trải nghiệm sản phẩm đan xen những ghế ngồi được trồng cây bên trong.
Tiếp tục ngày thứ 3 tại Singapore, chúng tôi rong ruổi tìm kiếm những công trình kiến trúc mới để khám phá. National Gallery Singapore không thể nằm ngoài kế hoạch!
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đến đây là mặt đứng của công trình được bọc một lớp kim loại tổng hợp màu vàng đặt giữa 2 khối nhà cũ. Được biết, đặc điểm của dự án này là hai tòa nhà lịch sử được bảo tồn nguyên vẹn, công trình cho phép khách tham quan chứng kiến lịch sử của Singapore. Mái nhà mới và cấu trúc hỗ trợ của nó trải dài ngang qua Tòa án Tối cao và Tòa nhà Tòa thị chính, sẽ không can thiệp vào các tòa nhà hiện có. Cấu trúc giống cây sẽ được xây dựng trong không gian trống giữa các tòa nhà, chẳng hạn như sân và các hành lang liên kết.
Một lần nữa, cái cũ được giữ lại một cách rõ ràng hơn và cái mới được lồng ghép vào hài hoà với công trình trước đó. Điều này giúp nâng tầm giá trị của một công trình mang tính lịch sử lên một tầm cao mới.
Nanyang Technological University theo định nghĩa là một “làng đại học” với nhiều cụm công trình tổ hợp với nhau. Vì khu này rất rộng, nên chúng tôi di chuyển bằng xe buýt công cộng của trường và tất nhiên hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi đến tham quan 2 công trình tiêu biểu của trường Nanyang là The Hive và khu nhà School of Art, Design and Media.
School of Art thu hút chúng ta từ cái nhìn đầu tiên bằng những hệ mái phủ cây xanh và kéo dài xuống đất. Công trình như một cụm đồi nhỏ của toàn khu đồi mà Nanyang University toạ lạc. Tiếc một điều khu nhà vẫn chưa hoàn thành xong nên chúng tôi không thể vào tham quan cụ thể.
Đi về phía đỉnh đồi, chúng tôi bắt gặp The Hive - khu căn tin chính và to nhất của trường. Wow! Chúng tôi đã biết đến công trình này qua hình ảnh trước đó, nhưng lúc đến thì trời dần tối, công trình lấp lánh như một cây đèn toả sáng cho toàn khu.
Lucas Film là hãng film khá nổi tiếng với tựa phim Starwar. Lucas đã chọn Singapore để mở văn phòng thứ 2 của mình. Ấn tượng của chúng tôi là về hình khối và cách tiếp cận công trình. Lấy cảm hứng từ những tàu con thoi trong phim Starwar, các kiến trúc sư của Andrew Bromberg of Aedas đã biến một công trình trong phim thành công trình thực tế.
Lối vào của công trình được ẩn hoàn toàn vào khu vườn của công trình! Theo như bên thiết kế cho biết, họ muốn nhân viên được hoà mình vào không gian rừng xanh như những khu rừng ở Amazone.
Nhưng vì một số lí do, chúng tôi không thể xin tham quan chi tiết khu làm việc của hãng phim. Nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ cho một lần ghé tham quan “con thoi” của Lucas!
***
4 ngày quý giá ở Singapore sắp kết thúc. Chúng tôi trở lại sân bay và tranh thủ làm thủ tục để có nhiều thời gian trải nghiệm không gian của Changi.
Chuyến đi tuy chỉ vỏn vẹn 4 ngày nhưng mang lại rất nhiều cung bậc xúc cảm cho những sinh viên Kiến trúc trẻ như chúng tôi. Có đi mới thấy, có thấy mới hiểu! Trực tiếp tham quan những công trình kiến trúc đặc sắc của Singapore, chúng tôi như được đọc 10 quyển sách về kiến trúc và con người. Singapore không chỉ dạy cho chúng tôi cách nhìn nhận về Kiến trúc mà còn gửi gắm thông điệp lớn lao, đó là cách con người ứng xử với thiên nhiên, với đô thị…
Cảm ơn chuyến đi Singapore của những bài học và giấc mơ…
Bài, ảnh: Phú Thịnh, Hải Yến, Văn Thịnh
Nhóm sinh viên Khoa Kiến trúc đạt giải Nhì ARCHICAD – BIM 2017