TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Cô giáo 9X với giấc mơ hoa hồng và trẻ tự kỷ

Là một cô giáo dạy trẻ tự kỷ, Uyên cảm nhận được cuộc sống của những đứa trẻ sống khép mình, chẳng muốn chơi với ai. Từ những lần tiếp xúc và dạy dỗ ấy, Uyên nghĩ riêng cho mình một kế hoạch phải mở một vườn hoa hồng, vừa kinh doanh lấy tiền lãi làm từ thiện vừa để thực hiện ước mơ cho trẻ tự kỷ.

Cơ duyên đến với trẻ tự kỷ

Đó là trường hợp của Nguyễn Thị Uyên (1990) trú tại xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Uyên hiện đã tốt nghiệp thạc sỹ khoa tâm lý của một trường đại học ở nước ngoài, từ ngày có cơ duyên với trẻ tự kỷ, Uyên cảm thấy sống hạnh phúc và có ý nghĩa hơn. Uyên chia sẻ: “Gia đình có 6 anh chị em, trong đó có một người em bị chứng bệnh ít nói và sống khép kín. Qua quá trình tiếp xúc và chia sẻ với em tôi, tôi cảm nhận và thấy rằng chỉ có tình thương yêu, sự chia sẻ giữa những tâm hồn với nhau mới đem đến một kết quả nào đó, đó là tình người và sự cảm thông. Hơn nữa, em tôi rất thích hoa hồng, nhờ hoa hồng mà em tôi mới vui vẻ và gần với mọi người hơn. Do vậy, tôi luôn ước mình là cô giáo tâm lý và sẽ có một vườn hồng để dành riêng cho trẻ tự kỷ”. Sau này lớn lên, Uyên đã thi vào khoa tâm lý của một trường đại học ở Hà Nội, rồi tiếp tục học lên thạc sỹ.

nguyen thi uyenNhiều vị khách biết được tâm huyết của Uyên, nên rất ủng hộ và quan tâm đến vườn hồng. Ảnh: H.Q

Lúc ra trường, Uyên vừa xin đi dạy ở các trung tâm trẻ tự kỷ, vừa kinh doanh buôn bán nhỏ về hoa hồng tại Hà Nội. Nhiều lần kế hoạch của Uyên thất bại, công việc không suôn sẻ, kinh doanh thua lỗ… Uyên xách ba lô trở về quê. Khi về Nghệ An, Uyên vẫn không từ bỏ ước mơ xây một vườn hoa hồng để kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người tự kỷ, đem cuộc sống vui vẻ đến với họ. Để tiếp tục nuôi những ước mơ, Uyên vay mượn tiền của bạn bè, người thân mở ki ốt kinh doanh với số vốn nho nhỏ, đồng thời tiếp tục xin vào trung tâm bảo trợ xã hội dạy những trẻ tự kỷ. Sau một thời gian kinh doanh, tháng 7 vừa rồi Uyên đã có một địa điểm rộng rãi hơn, thuê nhân viên về chăm sóc vườn hồng, tổng giá trị đầu tư hơn 300 triệu đồng. Với một cô gái mới ra trường, đã mạnh dạn đầu tư vào những ước mơ lớn như Uyên thật khâm phục.

Vườn hồng và nghề giáo

Sau khi chuyển địa điểm mới, công việc của Uyên gặp nhiều khó khăn. Đó là những lần xã hội đen đến đòi bảo kê, những lần kẻ gian đột nhập vào vườn hồng ăn cắp nhiều chậu hồng giá trị. Uyên nhớ lại: “Mới chuyển đến địa điểm kinh doanh gần 2 tháng, tôi đã bị kẻ gian lấy mất hàng chục cây hoa hồng giá trị khoảng mấy chục triệu. Cũng bởi vì do tôi chưa có kinh nghiệm quản lý, nhiều khi đi dạy buổi tối về muộn quá, vườn hồng lại không có người trông nên thường xuyên mất cây hoa hồng. nhiều lúc chán quá, tôi định bỏ nghề trồng hoa hồng, để tập trung vào dạy trẻ”. Tuy nhiên, cơ duyên với hoa hồng và trẻ tự kỷ cứ đến với Uyên, muốn bỏ cũng không được. Sau đó Uyên đã thuê 2 nhân viên về chăm sóc và 1 bảo vệ canh giữ cây hồng. Mỗi tháng Uyên chi ra hàng chục triệu đồng cho các chi phí, doanh thu cũng đạt hơn 100 triệu đồng.

Nhiều người bảo, giờ là chủ vườn hồng hàng trăm triệu sao vẫn còn đi dạy trẻ, Uyên chỉ cười nhẹ và nói rằng đó là cơ duyên. Nói về nghề giáo dạy trẻ tự kỷ, Uyên cho rằng không phải ai cũng dạy được và gắn bó được lâu. Dạy trẻ tự kỷ cần sự chịu khó, hòa quyện tâm hồn với trẻ, đi sâu vào tâm lý và đặc biệt là cần có thời gian để nghiên cứu kỹ tâm lý của mỗi bé. Khó khăn, vất vả là thế nhưng mỗi ngày không đến với trẻ Uyên cảm thấy hụt hẫng đến lạ thường. Nghề dạy trẻ tự kỷ luôn vất vả và có những đặc thù riêng như không được tiết lộ thông tin cá nhân, danh tính của các trẻ, không chụp ảnh và chia sẻ...

Anh Tào Thám – trú thành phố Vinh, Nghệ An một khách hàng thường xuyên của vườn hồng chị Uyên cho biết: “Đến với vườn hoa của Uyên là vì mê hoa hồng, tôi cũng biết được rằng cô ấy kinh doanh hoa hồng để lấy kinh phí giúp trẻ tự kỷ. Đó là những ước mơ đáng được ghi nhận, Uyên là người có tâm và sẽ được nhiều người ủng hộ”.

Thời gian tới, Uyên tiếp tục mở rộng địa điểm kinh doanh sau đó dùng những vườn hồng này để tạo không gian chơi và công ăn việc làm sau này cho trẻ tự kỷ. Ngoài ra, số tiền có được từ kinh doanh hoa hồng sắp tới Uyên cũng sẽ dùng để làm từ thiện. 

Cô Tôn Thị Trí (1985) hiện là giáo viên của Qũy bảo trợ trẻ em Nghệ An cho biết: “Tôi dạy ở đây đã được 8 năm, cô Uyên mới về trung tâm được 2 năm nhưng đối với trẻ, cô ấy luôn tận tâm, trách nhiệm và cố gắng giúp đỡ các trẻ trong mọi hoàn cảnh, như dạy thêm cho trẻ ngoài giờ mà không lấy thêm kinh phí, quan tâm trẻ từng chút một”.

Cô Trí cho biết thêm, hầu hết các trẻ tự kỷ vào học ở trung tâm có độ tuổi từ 2 -12 tuổi, khi vào các em có nhiều biểu hiện bệnh khác nhau, nhưng đa số khi học ở trung tâm một thời gian, nếu có kết quả khả quan là người nhà đưa trẻ về nhà để hòa đồng với môi trường khác. Để giúp trẻ hòa đồng nhanh, có nhiều nơi họ đã có mô hình như đưa trẻ đi trồng hoa, chăm sóc cây cối và thậm chí lớn lên trẻ còn vào các vườn hoa này làm việc vì vậy cô Uyên đã mạnh dạn đầu tư và thực hiện ước mơ.

Hồng Quân - Theo Lao động


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag