“Mô hình sử dụng chế phẩm TP (Trichoderma – Pseudomonas) phòng trừ bệnh héo rũ hại lạc tại các tỉnh miền Trung” của chị Hoàng Thị Hồng Quế (Đại học Huế) được đánh giá là một trong những sản phẩm sáng tạo tiêu biểu tham gia Ngày Phụ nữ sáng tạo 2017.
Công tác tại Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế, chị Hoàng Thị Hồng Quế nhận thấy hiện nay thông tin về sản phẩm phòng trừ bệnh cho cây trồng vẫn chưa được nhiều hộ nông dân tại tỉnh Thừa Thiên Huế biết đến và ứng dụng. Chính vì vậy, cây trồng chính tại địa phương là cây lạc cho năng suất thấp. Bệnh hại đã làm tổn thất rất lớn đến diện tích trồng lạc, đặc biệt là nhóm bệnh héo rũ do nấm gây ra làm thiệt hại kinh tế cho bà con. Do đó, cần phải xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm tại các địa phương để quảng bá sản phẩm chế phẩm TP, giúp người nông dân tại các tỉnh có điều kiện tiếp cận học hỏi phương pháp sử dụng chế phẩm.
Theo chị Hồng Quế: Hiện nay trên thị trường sản phẩm chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh cho cây lạc còn hạn chế, chỉ có sản phẩm ở dạng phân bón hữu cơ có bổ sung vi sinh vật đơn lẻ. Trong nghiên cứu của chị Quế, chế phẩm sinh học TP kết hợp nấm đối kháng Trichoderma và vi khuẩn đối kháng Pseudomonas có tác dụng tương hỗ và thúc đẩy phát huy hiệu quả phòng bệnh. Hai chủng Trichoderma và Pseudomonas là chủng vi sinh bản địa đã được chị Quế và đồng nghiệp tuyển chọn và đăng ký ở ngân hàng gen Thế giới. Chế phẩm sử dụng chất mang dạng bột và đơn giản dễ sử dụng bằng phương pháp xử lý hạt giống trước khi gieo, mang đến chất lượng cao hơn so với các sản phẩm khác.
Đánh giá về lợi ích của việc sử dụng chế phẩm sinh học TP, theo chị Hồng Quế, chế phẩm có hiệu quả cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Về kinh tế, khi sử dụng chế phẩm TP, tỉ lệ bệnh héo rũ của cây lạc giảm xuống xuống 15-20%, kích thích cây lạc sinh trưởng phát triển tốt năng suất tăng 15-20%, từ đó hiệu quả kinh tế thu được tăng từ 400.000 - 800.000 đồng/sào tùy giống lạc.
Về hiệu quả xã hội, việc sử dụng chế phẩm TP trong sản xuất lạc góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập bền vững cho các hộ trồng lạc và phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Đặc biệt, việc sử dụng chế phẩm sinh học TP không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, rất thân thiện với môi trường và an toàn cho người lao động. Nếu chế phẩm TP được sử dụng và nhân rộng trong sản xuất lạc tại các vùng trồng lạc sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, từ đó gián tiếp giúp giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bằng những lợi ích thu được trong việc sử dụng chế phẩm đối với kinh tế, xã hội và môi trường chị Hoàng Thị Hồng Quế mong muốn người dân sẽ sẵn sàng đón nhận sản phẩm chế phẩm TP để có thể áp dụng và nhân rộng mô hình này.
Ngày hội sẽ tôn vinh những ý tưởng sáng tạo, sáng kiến của phụ nữ trong lĩnh vực giảm nhẹ RRTT và thích ứng với BĐKH. Ngày Phụ nữ Sáng tạo năm 2017 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào dịp 20/10.
Lệ Thủy - theo Phụ nữ Việt nam