Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hậu Giang phì nhiêu, tươi đẹp nhưng chị Đặng Nguyệt Quế lại bén duyên với “xứ cơ cầu” Bạc Liêu. Lập thân, lập nghiệp trên vùng đất mới với bao nhiêu lạ lẫm, khó khăn nhưng chị đã vượt qua mọi trở ngại để sống nhiệt huyết và làm việc hết mình, gặt hái được những thành công bước đầu đáng ghi nhận.
Xuất thân trong gia đình khó khăn, sớm ý thức được hoàn cảnh của mình, người con gái của vùng đất Hậu Giang đã ngày đêm nỗ lực hết sức mình để mưu sinh, học tập. Và giờ đây, ở cái tuổi "tam thập nhi lập", Đặng Nguyệt Quế tiếp tục cống hiến đam mê và sức sức trẻ của mình cho cây lúa và sự nghiệp trồng người trên vùng đất Bạc Liêu.
Năm 2008, tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư Trồng trọt tại Trường Đại học Cần Thơ, cùng với bao hoài bão, nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Quế xin về công tác tại Bộ môn Khoa học Cây trồng và Phát triển Nông thôn thuộc Khoa Nông nghiệp trường Đại học Bạc Liêu.
Về công tác tại Đại học Bạc Liêu, chị Quế được phân công phụ trách giảng dạy các học phần: Sinh lý thực vật, Sinh học phân tử, Khoa học cây trồng, Chọn giống cây trồng bảo vệ thực vật... Ở môi trường mới, sau những giờ miệt mài với công tác chuyên môn, chị tiếp tục dấn thân vào những công trình, đề tài nghiên cứu khoa học đã theo đuổi từ thuở sinh viên về cây lúa.
Chị Quế tâm sự: “Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất của cây lúa từ xưa đến nay. Nơi mình sinh ra và lớn lên cũng như nơi mình công tác hiện nay là một trong những tỉnh chuyên canh cây lúa lớn của đồng bằng. Do đó, mình lấy cây lúa làm chủ thể nghiên cứu chính với mong muốn nâng cao chất lượng, làm sao cho cây lúa hạn chế bệnh tật, rủi ro, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu để đạt năng suất cao nhất, giúp bà con dân mình đỡ khổ, vươn lên làm giàu từ chính cây lúa”.
Những nhiệt huyết, những đam mê ấy đã giúp nữ giảng viên trẻ bước đầu hoàn thành những công trình nghiên cứu có ý nghĩa, mang tính thực tiễn cao như: “Thanh lọc giống lúa mùa một bụi đỏ theo hướng phẩm chất tốt cho vùng lúa - tôm huyện Hồng dân, tỉnh Bạc Liêu”, “Tình hình gây hại của nhện gié trên lúa hè thu năm 2013 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu”, “Đánh giá khả năng phòng trị bệnh đạo ôn hại lúa do nấm Pyricularia oryzae Cav. của hai chủng xạ khuẩn BL7 và BL15 trên vùng đất nhiễm mặn tỉnh Bạc Liêu”... Và ngay cả đề tài của luận án tiến sĩ sẽ được bảo vệ năm 2019 tới đây tại Đại học Cần Thơ cũng là một công trình nghiên cứu về cây lúa: “Nghiên cứu và ứng dụng xạ khuẩn trong phòng trị bệnh đạo ôn hại lúa do nấm Pyricularia oryzae Cav. trên vùng đất nhiễm mặn”.
Vừa là một giảng viên trực tiếp đứng lớp, lại đam mê nghiên cứu khoa học, nên Đặng Nguyệt Quế có nhiều tiếp xúc hơn với sinh viên khi hướng dẫn các em thực hiện các đề tài nghiên cứu. Nữ giảng viên trẻ chia sẻ: “Hoạt động nghiên cứu khoa học thực sự không phải dễ dàng, cần phải đam mê và đầu tư đúng mức để tìm tòi, phát hiện những điều mới mẻ có ích cho xã hội. Hoạt động này giúp sinh viên thực hành các phương pháp nghiên cứu khoa học - nội dung mà chỉ có thực hành thì mới có thể hiểu sâu sắc được; đồng thời, giúp các bạn rèn luyện bản lĩnh tư duy độc lập, sáng tạo; là bước đệm cần thiết, hành trang quí giá của các em khi ra trường...”.
Bên cạnh thời gian giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học, chị Quế còn là một Bí thư Đoàn khoa năng nổ, nhiệt tình. “Bản thân mình luôn ý thức được vai trò quan trọng của hoạt động Đoàn, Hội sinh viên trường. Đây là môi trường bổ ích để bản thân mình, đồng nghiệp và các bạn trẻ tôi luyện bản lĩnh chính trị, tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn để có thể đáp ứng tốt hơn cho công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học”, chị Quế cho biết. Chính vì vậy, bản thân Nguyệt Quế luôn tích cực, chủ động nhận nhiệm vụ và luôn hoàn thành xuất sắc các công trình, phần việc được giao, thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện hè, hiến máu nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn thoát nghèo…
Vận dụng chuyên môn với kiến thức sẵn có, trong các chiến dịch Hè tình nguyện, Nguyệt Quế chịu trách nhiệm chính về tổ chức tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân lĩnh vực trồng trọt và hỗ trợ lĩnh vực chăn nuôi như tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa cao sản cho bà con nông dân trong Chiến dịch hè tình nguyện ở Vĩnh Lợi năm 2012; hỗ trợ thực hiện công trình hầm ủ Biogas trong Chiến dịch hè tình nguyện ở huyện Đông Hải năm 2013; tập huấn kỹ thuật sản xuất rau sạch trong Chiến dịch hè tình nguyện ở Vĩnh Lợi năm 2014; tập huấn kỹ thuật trồng rau mầm tại các huyện Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi các năm 2015, 2016, 2017...
Với những nỗ lực và đóng góp trong công tác chuyên môn cũng như công tác Đoàn, Hội, Đặng Nguyệt Quế đã vinh dự được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của cơ quan và các cấp Đoàn, Hội... Gần đây nhất, tháng 9/2017 chị vinh dự được tuyên dương là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực của tỉnh Bạc Liêu.
Nhật Bình - theo Báo Ảnh Dân tộc & Miền núi