Học chuyên về Kinh tế – Tài chính và Chính trị, có kinh nghiệm tham gia các dự án trong ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư quốc gia và tập đoàn tư vấn quản trị nhưng Cao Thăng Nhật Minh, một 9X từng học tập, sinh sống và làm việc tại 9 thành phố, ở 7 quốc gia khác nhau, lại chọn cho mình hướng đi mới gắn liền với công nghệ trí tuệ nhân tạo sau khi tốt nghiệp.
Những dự án hoạt động xã hội
Nhật Minh bắt đầu hành trình du học tại Canada từ năm đầu THPT và quá trình học của cậu gắn liền cùng hàng loạt dự án hoạt động xã hội. Minh kể: “Mình ở nội trú nên có nhiều thời gian. Năm lớp 12, vì đam mê nhiếp ảnh và muốn tổ chức một sân chơi cho các bạn cùng sở thích, mình trở thành Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh tại trường, tổ chức các sự kiện, trong đó có trưng bày ảnh, bán đấu giá lấy tiền để làm các chương trình thiện nguyện”.
Cũng vì đam mê các hoạt động xã hội nên khi bước chân vào giảng đường, ngoài việc học, Minh tiếp tục tham gia tổ chức giúp đỡ du học sinh quốc tế tại trường: “Đã trải qua 4 năm ở Canada nên mình muốn giúp các em học sinh THPT, các bạn du học sinh quốc tế nhanh chóng hòa nhập môi trường, vượt qua những khó khăn ban đầu”. Để phục vụ tốt cho hoạt động này, cậu đăng ký một khóa học tư vấn tâm lý cho du học sinh, để cùng các bạn tháo gỡ những khó khăn từ áp lực việc học, sống xa nhà…
Khi trở thành sinh viên năm thứ ba, Nhật Minh là Giám đốc ban Sự kiện, Hội Sinh viên Tài chính tại trường. Cậu tổ chức nhiều sự kiện khác nhau, với mong muốn giúp các bạn sinh viên định hướng rõ hơn cho tương lai. Mỗi năm, những sự kiện do Minh tổ chức thu hút hơn 1.000 người đến dự, trong đó có phần chia sẻ của khoảng 200 người, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Dự án “hút” 2 triệu đôla sau 6 tháng
Là sinh viên chuyên ngành Kinh tế – Tài chính, những năm đầu theo học, Nhật Minh cũng theo làn sóng của sinh viên Kinh tế, mong muốn được làm việc trong những môi trường tuyệt vời, với những công việc về kiểm toán, tài chính. Thế nhưng, năm thứ tư đại học, Nhật Minh tham gia chương trình “Vườn ươm doanh nghiệp” ở Canada và sự kiện này đã đưa chàng du học sinh trẻ rẽ ngang sang một lĩnh vực mới mẻ, gặt hái thành công ngoài mong đợi.
“Đa phần những người trong giới công nghệ có khả năng lập trình và kiến thức sâu về ngành nghề. Họ rất am hiểu công nghệ nhưng lại không có được kiến thức quản trị để xây dựng doanh nghiệp, cũng như chưa có kinh nghiệm để vận hành một công ty.
Đây là lý do họ muốn phối hợp với những học sinh kinh doanh ưu tú và họ dùng những học sinh thực tế như mình để giúp đỡ các kỹ sư, bác sĩ, giúp họ biến ý tưởng thành hiện thực”, Minh chia sẻ về lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Trong suốt dự án, Minh làm việc cùng 2 bác sĩ người Canada, chuyên điều trị bệnh tiểu đường. Theo các bác sĩ tham gia dự án, họ đang chịu áp lực về việc nhiều bệnh nhân không biết mình bị bệnh và nguy cơ hoại tử vết thương cao.
Với mong muốn giúp bệnh nhân chủ động và tránh quá tải cho bệnh viện, các bác sĩ sử dụng phần mềm theo dõi bệnh nhân ở nhà. Người bệnh chỉ cần chụp ảnh ngón chân và gửi đến bác sĩ, phần mềm kỹ thuật hóa sẽ báo cho bác sĩ biết bệnh nhân có vấn đề hay không. Nếu không có vấn đề, bệnh nhân không cần đến viện để tránh quá tải, mất thời gian đi lại.
Minh còn giúp các bác sĩ xây dựng chiến lược cạnh tranh, chuẩn bị hồ sơ xây dựng công ty, khẳng định thương hiệu và gọi vốn đầu tư. Sau 6 tháng làm việc cùng nhau, Nhật Minh đã giúp công ty gọi vốn được 2 triệu đôla cho các bác sĩ hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Tuy nhiên, với Minh, những gì gặt hái trong quá trình tham dự “Vườn ươm doanh nghiệp” mới là hành trang bổ ích nhất: “Thời gian làm việc trong vườn ươm, mình không chỉ giới hạn trong phạm vi dự án mình theo đuổi, mình còn có những cuộc trao đổi riêng cá nhân với nhiều người và học hỏi rất nhiều từ họ. Đó là CFO của Yahoo, ban lãnh đạo của Amazon, hiệu trưởng của các ngôi trường hàng đầu, cùng CEO của hàng loạt công ty tên tuổi…
Chính kinh nghiệm, niềm đam mê dành cho kinh doanh và trí tuệ nhân tạo, gặp gỡ nhiều người trong lĩnh vực này đã thôi thúc mình chấp nhận rủi ro và dấn thân vào lĩnh vực này. Mình quyết không bỏ lỡ những cơ hội, nhất là khi mình có thể là một phần của tương lai”.
Nhận xét về tương lai của phần mềm trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, Nhật Minh cho biết, đây sẽ là lĩnh vực rất phát triển. Trí tuệ nhân tạo giúp người dùng tiết kiệm thời gian để đào sâu hơn nghiên cứu, nâng cao hiệu suất: “Trong nông nghiệp, một máy đo độ ẩm, độ sáng, chất đất sẽ giúp nông dân tiết kiệm thời gian chăm sóc cây. Trong y tế, thiết bị giám sát người bệnh từ xa sẽ giúp bác sĩ không quá tải, bệnh nhân bớt thời gian đi lại, bệnh viện có khả năng chăm sóc và quản lý bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa.
Với thời gian tiết kiệm được, người dùng sẽ có thêm thời gian nghiên cứu, phân tích và phát triển lĩnh vực của mình, để lại những việc “nhỏ nhặt” cho công nghệ. Và còn rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác có thể ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo”.
Nhật Minh chia sẻ, tháng Bảy này ra trường, cậu sẽ làm việc cho một quỹ y tế, với dự án chẩn đoán sức khỏe cho bệnh nhân, giúp công ty về phần mềm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Bệnh nhân chỉ cần trả lời 9 câu hỏi vào buổi sáng hoặc tối là có thể thu về những nhận định về sức khỏe. Ứng dụng này áp dụng cho cả lĩnh vực thể thao và quân sự.
Theo Phạm Văn (Sinh viên Việt Nam/Dân Trí)