Đó là Thạc sĩ Lê Huy Khoa, Hiệu trưởng Trường Hàn ngữ Việt - Hàn Kanata, 43 tuổi (trong ảnh), đã miệt mài nỗ lực nghiên cứu, biên soạn, xuất bản từ điển, những quyển “cẩm nang” Việt - Hàn hữu ích, góp phần kết nối văn hóa hai dân tộc Hàn Quốc - Việt Nam thông qua ngôn ngữ.
Khoa kể, năm 1995, sau khi lấy bằng cử nhân tiếng Trung Quốc, anh chọn tu nghiệp sinh tại Hàn Quốc. Để theo đuổi niềm đam mê ngôn ngữ, anh phải vừa học vừa làm nơi xứ người với công việc bốc vác, xếp dỡ hàng hóa. Bằng ý chí, cùng quyết tâm tự học, miệt mài gần một năm, Khoa đã làm phiên dịch cho các bạn tu nghiệp sinh người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Năm 1997, Khoa được một công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam mời làm đại diện tại Hàn Quốc. Từ đây, Khoa chính thức học tiếng Hàn tại Học viện ngôn ngữ Yonsei và nhận chứng chỉ năng lực ưu tú tiếng Hàn sau hai năm. Nhận thấy bất đồng ngôn ngữ là rào cản của các tu nghiệp sinh Việt Nam, bước đầu anh đã biên sọan cuốn Tự học câu và từ, được cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc đón nhận nồng nhiệt. Sau đó, khi mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển, đòi hỏi cần có một công cụ hữu ích cho người Việt Nam để học tiếng Hàn. Với suy nghĩ này, Lê Huy Khoa bắt đầu nghiên cứu thực hiện từ điển.
Sau bảy năm, cuốn từ điển 20 nghìn từ do Khoa biên soạn được xuất bản vào đúng dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22-12-1992 - 22-12-2002). Với tựa đề “Cuốn từ điển của hai dân tộc”, trong lời giới thiệu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Dương Chính Thức viết: “Cuốn sách là kết quả đầy trân trọng của một quá trình lao động say mê và nhiệt tình của tác giả trong suốt thời gian làm việc ở Hàn Quốc. Cuốn sách đã được biên soạn công phu, kỹ lưỡng qua việc lựa chọn những loại mục từ thường gặp nhất trong các mặt của cuộc sống, cách giải thích nghĩa chính xác, các thí dụ sử dụng phù hợp với ngữ cảnh”.
Đến tháng 6-2015, cuốn từ điển này được bổ sung 120 nghìn từ, được xem là cuốn từ điển chi tiết, đầy đủ, giới thiệu tổng thể về tiếng Hàn Quốc một cách thiết thực, hữu ích nên ông He Giông Kim, người lập một thư viện sách tiếng Việt ở Xơ-un đã đặt mua để phục vụ nhu cầu học tập của người Việt Nam và cả người Hàn Quốc.
Bên cạnh cuốn từ điển Hàn - Việt, Lê Huy Khoa còn biên soạn một số cuốn sách như: Cẩm nang giao tiếp tiếng Hàn, Tự học giao tiếp tiếng Hàn, Ngữ pháp cơ bản tiếng Hàn, 300 cấu trúc ngữ pháp cơ bản tiếng Hàn, 1.200 câu luyện dịch tiếng Hàn..., là những tài liệu học tập và tham khảo cần thiết, đáp ứng nhu cầu học, luyện dịch của người học tiếng Hàn.
Khoa chia sẻ: Khi học tiếng Hàn, hãy học phương pháp qua từ Hán Việt vì 80% tiếng Hàn là từ gốc Hán. Nhiều văn bản tiếng Hàn đều sử dụng từ gốc Hán; hiện tượng từ đồng âm khác nghĩa trong tiếng Hàn rất nhiều,... Với phương pháp này việc học tiếng Hàn sẽ đạt hiệu quả. Ngoài ra, Lê Huy Khoa cùng tác giả Lê Hữu Nhân đã biên soạn cuốn Sổ tay du lịch Hàn Quốc: Đất nước - con người - văn hóa, cung cấp thông tin về đất nước và con người xứ sở kim chi, giúp người Việt Nam khi đặt chân đến Hàn Quốc dễ dàng hòa nhập vào sinh hoạt hằng ngày tại nước bạn.
Thạc sĩ Lê Huy Khoa còn là một dịch giả. Anh dịch các tác phẩm, như Không bao giờ là thất bại - Tất cả là thử thách của Chung Giu Iêng, người sáng lập và là cố chủ tịch của tập đoàn Hyundai; hồi ký của cựu Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc - Không có gì là huyền thoại. Trong lời giới thiệu cuốn sách này, anh viết: “Hàn Quốc là một dân tộc rất cần cù, giỏi chịu đựng và luôn luôn sáng tạo, vươn lên. Đặc biệt, tinh thần vượt khó của họ là rất đáng khâm phục... Cuộc đời Li Miêng Pắc là một minh chứng rõ ràng rằng bất cứ việc gì nếu quyết tâm làm sẽ được, nghèo và khó khăn vẫn có thể học tập tốt, xấu xí vẫn có thể thành công, điều kiện yếu kém hơn người khác cũng vẫn có thể thành công”.
Là người gắn bó với đất nước Hàn Quốc, anh Khoa nhận thấy, giáo dục chính là bí quyết lớn nhất để Hàn Quốc trở thành một cường quốc về kinh tế. Muốn nâng cao giá trị bản thân và đưa đất nước đi lên, thanh niên, sinh viên Việt Nam có một con đường là tìm mọi cách để tiếp cận, học hỏi và lĩnh hội những kiến thức của các nước tiên tiến. Giống như người Hàn Quốc đã bôn ba học hỏi trong suốt cả quá trình xây dựng đất nước của họ.
CHÂU PHONG (THEO NHÂN DÂN)