Thời đi học, tôi không bao giờ chịu dùng lại bộ sách giáo khoa cũ của người khác để lại mà đều muốn bố mẹ mua cho một bộ mới tinh tươm, thơm mùi giấy mỗi khi năm học đến. Tôi nghĩ đó là chuyện hết sức bình thường. Nhưng kể từ khi gặp Dũng, tôi mới hiểu, với một số người, việc có một cuốn sách cũ thôi đã là rất may mắn!
Hơn cả 1 tủ sách
Hơn 1 tuần nay, đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM vắng hẳn, với nguyên nhân được cho là do hai bãi giữ xe hai đầu đường sách vừa bị dẹp bỏ. Nhưng có một tủ sách giản đơn, đặt ở giữa phố vẫn thu hút khá đông người ghé thăm. Đó là "tủ sách chuyền tay" - một tủ sách cho mượn và ký gửi hoàn toàn miễn phí, dành cho tất cả mọi người.
Đúng là như vậy! Nếu như bạn không thể đọc hết một cuốn sách ngay tại tủ sách, bạn có thể đến quầy trực để đăng ký mượn sách về trong khoảng 10 ngày. Nếu không có dịp ghé qua đường sách thì vẫn có thể mượn sách qua kênh online là fanpage của nhóm. Sách vẫn sẽ được giao miễn phí đến tận tay người đọc dù là trong thành phố hay ở các địa phương khác. Đến hạn, "team thu hồi" của tủ sách sẽ nhắn tin hoặc gọi điện nhắc khách trả sách.
Thật bất ngờ là dự án này không phải của một đơn vị xuất bản hay một doanh nghiệp nào đó mà là dự án của Huỳnh Quang Dũng, 24 tuổi, nhân viên văn phòng cùng nhóm bạn của mình.
Cách đây khoảng 6 tháng, trong một lần dọn phòng, Dũng phát hiện ra mình có khá nhiều sách dư thừa. “Bỏ thì tiếc mà bán thì không hay. Thế là mình thành lập dự án với mong muốn là cầu nối để chia sẻ sách với mọi người”, Dũng nói. Từ vài chục cuốn ban đầu, đến nay tủ sách đã có gần 2.000 đầu sách khác nhau được bạn bè và người yêu sách khắp nơi gửi về.
Nhưng đó chưa phải là tất cả lý do mà Dũng thành lập nên tủ sách này.
"Mẹ là số 1"
Sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, Dũng là con út. Có được ngày hôm nay, Dũng vẫn không quên được những ngày tháng tuổi thơ cơ cực, nghèo khổ.
“Ngày đó, gia đình mình thuộc dạng nghèo nhất vùng. Cha lại hay cờ bạc, rồi say xỉn rồi về đốt hết sách vở của mấy chị em, không cho đứa nào đi học. Một mình mẹ thay cha nuôi cả đàn con. Mẹ bắt 6 đứa phải vào được giảng đường đại học, không đứa nào được có ý định bỏ học. Thế rồi 6 đứa lần lượt bước vào các trường Bách Khoa, Nhân văn, Kinh tế Luật, Dược và Sư phạm", Dũng xúc động nhớ lại.
9x quê Đồng Nai kể, anh chị em của cậu từng học chung 1 bộ sách. "Vậy nên khi lớn lên như bây giờ, mình muốn làm dự án về sách để có thể chia sẻ nhiều hơn văn hoá đọc - thứ mà mình và anh chị không được hưởng trọn vẹn”, Dũng nói về mục đích thật sự đằng sau dự án sách vì cộng đồng.
Mẹ Dũng làm đủ việc để có tiền cho 6 anh chị em đi học. Sáng mẹ Dũng đi phụ bán cá, sau đó xin người ta đầu cá rồi bán lại cho người nuôi heo, dư đồng nào dành đồng nấy. Đến tối, mẹ Dũng lại đi xách nước thuê, hai tay hai thùng nước, mỗi ngày xách đến 50 thùng, có lẽ thế mà sau này thành bệnh gai đốt cột sống, đau nhức xương khớp...
"Lúc đó, bà nội và các bác trong nhà đều khuyên can mẹ cho các con nghỉ học để đi làm công nhân hoặc buôn bán phụ gia đình, nhưng mẹ nhất quyết không đồng ý. Mẹ kêu tụi mình phải đi học bằng được thì mới thành người”, Dũng nói.
Nhờ có mẹ mà giờ đây 6 anh em trong gia đình đều có học thức, trở thành người thành đạt trong xã hội. Dũng cho biết: “6 anh chị em không ai học khá, ai cũng 12 năm học sinh giỏi, chỉ có duy nhất năm lớp 8, Dũng bị học sinh khá mà sợ không dám về nhà”.
“Đã bao giờ bạn thắc mắc với mẹ tại sao ngày đó lại quyết tâm cho mọi người đi học chưa”, chúng tôi đặt câu hỏi. Dũng trả lời: “Mẹ nói, nhà người ta có điều kiện thì cho vàng cho bạc, bố mẹ nghèo chỉ cho được con chữ thôi”.
Mẹ Dũng tên là Một. Trong mắt Dũng, mẹ đúng là “số 1”, như tên mà mọi người thường gọi bà.
Giống như anh chị, Dũng có một công việc tốt với một thu nhập khá ổn định. Đều đặn 2 ngày/ lần, cậu lại bỏ ra khoảng 200 ngàn tiền túi đến bưu điện thành phố để gửi sách cho những người đăng ký mượn sách khắp cả nước, duy trì hoạt động của dự án tủ sách chuyền tay.
Đến nay, số tiền đầu tư cho dự án và website sách chuyền tay vượt con số 50 triệu đồng. Nhiều sinh viên tìm đến với dự án của Dũng để được thử sức trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, có người muốn xin học bổng hay đơn giản vì yêu sách.
Hiện nay, Facebook là kênh hoạt động chính của nhóm. Bằng khát vọng và sự nỗ lực của bản thân, website “sách chuyền tay” mà Dũng ấp ủ đang thành hình từng ngày để trong một ngày sớm nhất, nó sẽ trở thành mạng chia sẻ sách miễn phí đầu tiên và lớn nhất cả nước như những gì mà 9X này mong muốn.
Lê Nam (Theo Thanh Niên)