Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là công chức, sau khi tốt nghiệp xuất sắc ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), Huỳnh Hạnh Phúc làm việc cho một công ty lớn tại Việt Nam.
Tưởng chừng câu chuyện của chàng trai quê Bình Định dừng ở đây, nhưng đó mới chỉ là chuẩn bị cho một khởi đầu mới. Sau một năm làm việc, Phúc nghỉ việc và xin được học bổng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của ĐH Missouri (Mỹ).
Cuối năm 2012, anh đồng sáng lập và điều hành Thư quán doanh nhân ở 3 thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội – nơi cung cấp các khóa học GMAT, CFA và IELTS.
Khi còn đang học Missouri, Phúc đã nộp đơn xin học bổng của ĐH Harvard. Anh cho rằng anh đến với Harvard là một cái duyên, và động lực để anh quyết định nộp đơn cho Harvard cũng rất “sến”. “Tôi quyết định nộp đơn cho Harvard sau khi xem bộ phim “Chuyện tình Harvard”. Nghe tưởng đùa nhưng rất thật” – anh nói.
Tháng 8/2013, Phúc nhập học ngành Chính sách công, ĐH Harvard với suất học bổng 88.000 USD/ 2 năm.
Tốt nghiệp Harvard, Phúc chọn về Việt Nam, làm quản lý chiến lược cho một hãng vận tải mới nổi với mức lương 100 triệu đồng/ tháng. Nhưng một dự án giáo dục vì cộng đồng khác đã khiến anh từ bỏ vị trí và mức thu nhập này.
Chọn làm cộng đồng vì biết ơn cuộc sống
Phúc biết đến Teach for All từ tháng 10/2015 qua một người bạn học chung ở Harvard. Teach for All là một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận quốc tế thành lập năm 1989, hiện đã có mặt ở 44 nước trên thế giới, trong đó có 10 nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Teach for Vietnam là một trong số đó.
Teach for All là làn sóng giáo dục đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục của 10 nước ASEAN đưa vào kế hoạch chiến lược và ủng hộ về mặt chính sách. Giải pháp mà tổ chức này đưa ra là tuyển chọn các bạn trẻ xuất sắc với kỹ năng cạnh tranh từ đa ngành nghề, đào tạo các kỹ năng cần thiết liên tục cho quá trình giảng dạy trước và trong suốt 2 năm.
Những bạn trẻ được tuyển chọn cho Teach for Vietnam bước đầu sẽ tiến hành giảng dạy tiếng Anh cho học sinh trong các trường phổ thông, tổ chức hoạt động ngoại khóa, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy chủ động với các giáo viên trong hệ thống, khởi xướng các dự án giúp cải thiện và hỗ trợ giáo dục tại địa phương.
Hiện tại, Teach for Vietnam đã được tỉnh Tây Ninh cho phép triển khai chương trình tại các trường học trong hệ thống công với tầm nhìn nâng cao nguồn nhân lực cho tỉnh. Hiện nay, nhóm đã bắt đầu dạy các chương trình hè cho các em. Ngoài việc tham gia vào giờ học trên lớp cùng với các giáo viên tiếng Anh của trường, nhóm sẽ tổ chức các hoạt động ngoại khóa khác vào buổi chiều, cùng tổ chức dự án cộng đồng liên quan tới môn tiếng Anh, lồng ghép các kỹ năng mềm vào các giờ học và hoạt động đó.
“Một số mảng quan trọng của địa phương mà họ cần thì mình dạy thêm cho các em biết. Ví dụ như Tây Ninh đang tập trung làm nông nghiệp chất lượng cao thì chúng tôi sẽ dạy chủ đề nông nghiệp, tình yêu thiên nhiên, động vật… bằng tiếng Anh”.
“Teach for Vietnam đặt mục tiêu bồi dưỡng tinh thần lãnh đạo ở 3 nơi: lớp học, trường học và cộng đồng. Trong lớp học, các em vẫn học theo khung chương trình của Bộ có lồng ghép các kỹ năng mềm, áp dụng phương pháp giảng dạy mới kèm tài liệu phụ trợ. Trong nhà trường, nhóm sẽ làm việc với các giáo viên, hiệu trưởng để nâng cao nhận thức tầm quan trọng của các kỹ năng tiếng Anh, trong đó có cả nghe, nói, từ vựng. Ngoài cộng đồng, nhóm sẽ xây dựng các hoạt động ngoại khóa, các chương trình nghệ thuật…”- Phúc chia sẻ.
Tham vọng của nhóm không chỉ là nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh cho các em học sinh và giáo viên, đặc biệt là các em ở các tỉnh thành vùng sâu vùng xa, mà còn muốn bồi dưỡng các kỹ năng mềm cho trẻ em ở những địa phương này.
“Tuy nhiên, kỹ năng mềm là thứ rất khó đánh giá và nhiều nước cũng đang phải đối mặt với vấn đề này chứ không riêng Việt Nam. Teach for Vietnam đang tham vọng và cố gắng đưa ra được khung đánh giá đó”.
Hiện ngoài Tây Ninh, nhóm cũng đang làm việc với một số tỉnh thành khác, và mục tiêu của Phúc là làm tốt ở tỉnh đầu tiên trước để sau đó phong trào lan ra dễ dàng hơn.
Khi được hỏi đã bao giờ nuối tiếc khi bỏ một công việc tốt để thực hiện một dự án cộng đồng với vô vàn khó khăn, Phúc nói: “Tôi luôn cảm thấy mình nhận được nhiều hơn cái mình trao đi. Những khoản tiết kiệm dành dụm được trong quá trình làm ở công ty cũ, từ tiền học bổng, những năng lượng, vật chất mà tôi bỏ vào, tôi luôn nhận được nhiều hơn thế. Tôi còn thấy rất vui vì học được nhiều điều ở Teach for Vietnam”.
"Tôi không cố gắng định nghĩa thành công là gì, mà cố gắng sống làm sao để trở thành người có giá trị hơn, miễn sao làm được nhiều thứ có tác động tới nhiều người. Và qua quá trình đó, nhiều người biết đến, muốn hỗ trợ và muốn lăn xả cùng làm, tạo nên một phong trào”.
Nguyễn Thảo (Theo Vietnamnet)