Quyết định rời môi trường nghiên cứu thuộc “loại top” và đầy hấp dẫn ở nước ngoài, TS Lê Anh Tuấn (Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ (AIST) – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) trở về nước với khao khát xây dựng và phát triển một nhóm nghiên cứu riêng của mình.
Quyết tâm theo đuổi nghiên cứu"hot topic"
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 2001, TS Lê Anh Tuấn tiếp tục học cao học tại Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) rồi lại làm nghiên cứu sinh ở ĐH Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc). Năm 2007, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về khoa học vật liệu và làm tiếp Postdoc (sau tiến sĩ) ở Hàn quốc thêm 2 năm. Sau đó, anh từ chối lời mời sang Tây Ban Nha làm tiếp để về nước để khởi nghiệp.
“Thực sự đây là một trong những quyết định rất khó khăn, nhưng đến nay đã chứng minh được là đúng đắn. Ngoài nguyên nhân từ lời thầy nhắn nhủ trong buổi bảo vệ tốt nghiệp, mình cũng muốn về Việt Nam để định hướng một hướng nghiên cứu độc lập” – TS Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Thời gian đầu với tiến sĩ trẻ thực sự khó khăn. Nhưng với môi trường tốt của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, sự hỗ trợ của các thầy cô đi trước và đồng nghiệp, anh từng bước đã xây dựng và phát triển một nhóm nghiên cứu riêng của mình.
Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã tập hợp được khoảng 20 thành viên, bao gồm các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học tại nhóm với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành và công bố quốc tế. “Mỗi năm nhóm chúng tôi nghiên cứu công bố được từ 6-8 bài báo trên các tạp chí ISI” – Lê Anh Tuấn tự hào.
Chia sẻ nghiên cứu tâm huyết nhất từ khi trở về Việt Nam, TS Lê Anh Tuấn say sưa nói về công nghệ nano bạc (nanosilver technology). Anh cho biết, đây là một chủ đề nghiên cứu "hot topic" rất được nhiều quốc gia và các nhà khoa học ở trên thế giới đặc biệt quan tâm, do khả năng ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống như điện tử, dược phẩm, nông nghiệp, y tế...
Hiện nay, chúng tôi đang tập trung phát triển ứng dụng công nghệ nano bạc trong 2 lĩnh vực chính là y tế và nông nghiệp với hiệu quả cao. Một số chế phẩm nano mới sử dụng công nghệ này đang được khảo nghiệm trong xử lý hiệu quả các dịch bệnh trong nông nghiệp và y tế.
Ngoài ra, đây là một hướng nghiên cứu liên ngành của vật liệu, vật lý, sinh học, y tế, điện tử. Do vậy, để làm chủ được công nghệ này cần phải có đủ kiến thức và thiết bị phân tích hiện đại của nhiều lĩnh vực liên quan.
Trước những thách thức, TS Tuấn và các cộng sự đã tạo ra một mạng lưới các chuyên gia, cùng kết hợp lại và giải quyết các bài toán công nghệ này. Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã có khoảng 16 công bố khoa học liên quan từ các kết quả nghiên cứu của mình. Một số công trình đã được các nhà khoa học trên thế giới trích dẫn. Đặc biệt, công trình đăng trên tạp chí Advances in Natural Science: Nanoscience and Nanotechnology của Việt Nam đã được trích dẫn trên 250 lần tính từ năm 2012.
“Hiện nay, chúng tôi đang tập trung phát triển ứng dụng công nghệ nano bạc trong 2 lĩnh vực chính là y tế và nông nghiệp với hiệu quả cao. Một số chế phẩm nano mới sử dụng công nghệ này đang được khảo nghiệm trong xử lý hiệu quả các dịch bệnh trong nông nghiệp và y tế. Dự kiến vào cuối năm 2017 sẽ công bố và đưa ra thị trường tại Việt Nam” – TS Lê Anh Tuấn thông tin.
Mong mỏi của nhà khoa học trẻ
Đầy tâm huyết với nghiên cứu khoa học, TS Lê Anh Tuấn cho rằng, rất cần một môi trường làm việc khoa học để các giảng viên trẻ có thể hết mình với những nghiên cứu và sáng tạo ý tưởng mới. Cùng với đó, sự đánh giá và ghi nhận phải đảm bảo đúng theo năng lực và sản phẩm tạo ra, để họ có thể đảm bảo nguồn lực tài chính cho nghiên cứu và cho cuộc sống.
Cơ chế đánh giá khoa học cũng cần minh bạch và trong suốt; cơ chế hỗ trợ tài chính đa dạng hơn và dài hơi hơn, hướng đến các mục tiêu dài hạn để những giảng viên trẻ có thể theo đuổi đam mê nghiên cứu, từ ý tưởng và cho đến ra sản phẩm cuối cùng.
Để có đề tài chất lượng, theo TS Lê Anh Tuấn, các nhà khoa học cần hợp tác với nhau để đưa ra những nhiệm vụ nghiên cứu lớn. Ngoài ra, cần triển khai được mô hình hợp tác với công nghiệp hay liên hệ với đời sống, từ đó mới hình thành các đề tài nghiên cứu lớn có chất lượng và có ý nghĩa đối với Việt Nam.
“Hiện thực hóa những nghiên cứu hiện tại rất khó khăn. Với Luật Khoa học Công nghệ sửa đổi ban hành, hy vọng sẽ có cơ chế thông thoáng để các doanh nghiệp cùng đầu tư vốn và nhân lực của mình ngay từ đầu cùng các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu ứng dụng theo mô hình mà các phòng thí nghiệm ở Hàn Quốc đang làm”