(Truyền thông – Văn Lang) Ngày 14-15/10/2017, Hội thảo “Kỹ năng thẩm định thông tin và các vấn đề pháp lý về chia sẻ trên mạng xã hội” do Viện đào tạo Văn hóa - Nghệ thuật & truyền thông, Khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông (QHCC&TT) trường Đại học Văn Lang phối hợp cùng Quỹ văn hóa và ngoại giao nhân dân (Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp. HCM), trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM đã được tổ chức tại P.203A, CS1 trường Đại học Văn Lang (số 45 Nguyễn Khắc Nhu, Quận 1, Tp. HCM).
Đến dự buổi hội thảo có Thư ký đại diện Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp. HCM bà Sara Feuerstein, PGS.TS. Phạm Ngọc Doanh - Trưởng Khoa QHCC&TT, Phó Viện trưởng Viện đào tạo Văn Hóa - Nghệ thuật - Truyền thông và đại diện Ban tổ chức ông Huỳnh Lưu Đức Toàn, ông Quách Cảnh Toàn, cùng với các giảng viên của Khoa QHCC&TT trường Đại học Văn Lang, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM (KHXH&NV).
Trường Đại học Văn Lang là một trong 4 trường đại học, cao đẳng thuộc dự án News Literacy của Quỹ văn hóa và ngoại giao nhân dân (Lãnh sự quán Hoa Kỳ tạiTp. HCM) gồm có Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Tp. HCM; Đại học Ngân hàng Tp. HCM; Đại học Văn Lang; Cao đẳng Phát thanh và Truyền hình 2. Vì thế, buổi hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên Đại học Văn Lang, Đại học Khoa học xã hội nhân văn, Đại học Ngân hàng Tp. HCM...
Buổi hội thảo với mục tiêu hướng dẫn sinh viên phát triển tuy duy phản biện, khả năng phân biệt đánh giá thông tin trên mạng xã hội (MXH), đồng thời hỗ trợ sinh viên hiểu rõ những khuôn khổ pháp lý tại Việt Nam khi tham gia vào hoạt động trên MXH.
“Mạng xã hội là sản phẩm của thế kỉ 21, phát triển với tốc độ chóng mặt và dần trở thành một phần không thể tách rời của những người trẻ. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng chứa trong nó những nguy cơ tiềm ẩn, có khả năng gây hại cho người dùng. Đó là nạn đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo, tin tức giả mạo gây hoang mang dư luận. Việc trang bị cho người trẻ những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tương tác an toàn trên mạng xã hội là vô cùng cần thiết, đặc biệt là các sinh viên ngành Quan hệ Công chúng và Truyền thông, những Nhân viên truyền thông và phóng viên tương lai” – PGS.TS Phạm Ngọc Doanh khẳng định trong lời phát biểu mở đầu cho chương trình.
Bà Sara Feuerstein cũng khẳng định tầm quan trọng của việc hiểu, đánh giá những thông tin tiếp nhận từ mạng xã hội. Bà nhấn mạnh việc phát hiện, đặt câu hỏi đến việc suy nghĩ, phân định và thảo luận những thông tin tiếp nhận từ mạng xã hội trước khi chia sẻ là điều rất cần thiết. Phát biểu bằng ngôn ngữ tiếng Việt không thuần thục lắm, bà Sara Feuerstein vẫn thể hiện được tình cảm chân thành, nhiệt huyết đến với các bạn sinh viên Văn Lang. Bà mong muốn khóa học sẽ mang lại những hiểu biết cơ bản hỗ trợ các bạn trẻ trong kỹ năng thẩm định thông tin.
Trong 3 buổi học gồm 5 chuyên đề sâu sắc : vấn đề chia sẻ thông tin trên MXH, cách phân biệt thông tin giả (Fake news) và ứng dụng; cách ứng xử trên MXH; các vấn đề pháp lý về việc quản lý các hoạt động trên MXH tại VN; an ninh mạng. Các chuyên đề được các chuyên gia nghiên cứu và truyền đạt với nội dung và ví dụ thực tế phong phú, với sự chia sẻ của ThS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt, TS. Hoàng Xuân Phương, Ths. Phan Văn Tú, LS. Nguyễn Tiến Hòa, chuyên gia Bùi Duy Hải (tập đoàn VNG).
Sau chương trình, sinh viên Văn Lang biết được cách định nghĩa và phân loại các thông tin khác nhau trên MXH; kỹ năng đọc và tiếp cận thông tin; các kỹ năng thẩm định thông tin; hiểu được các đặc điểm và các cách ứng xử trên MXH; các cơ sở pháp lý và những lời khuyên để bảo vệ môi trường mạng của bản thân. Những ví dụ thực tế, bài tập ứng dụng, những thắc mắc của bản thân được giải đáp giúp sinh viên gợi mở, học hỏi và tạo cơ sở căn bản để tăng cường khả năng thẩm định thông tin, biết suy luận và bảo vệ bản thân trước những nguồn thông tin bất lợi.
Chương trình ngoại khóa về “Kỹ năng thẩm định thông tin và các vấn đề pháp lý về chia sẻ trên mạng xã hội” là một chương trình bổ ích và rất có ý nghĩa của Viện, Khoa QHCC&TT Văn Lang. Trong sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, việc phân loại, đánh giá và thẩm định các thông tin trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt từ mạng xã hội thực sự rất cần thiết. Là những người làm truyền thông, phóng viên trong tương lai, sinh viên PR cần hiểu rõ nguồn gốc, biết cách đánh giá từ nhiều góc độ khi nhận được thông tin. Chương trình không những hỗ trợ sinh viên trong công việc của tương lai mà còn bảo vệ sinh viên trong cuộc sống cá nhân.
Một số hình ảnh của Hội thảo:
Bài Quỳnh Chi; ảnh Hoàng Anh, Nguyễn Linh