(P. Tuyển sinh – Văn Lang, 27/10/2017) - Trong hai ngày 24 - 25/10/2017, chương trình hiến máu nhân đạo đợt 1 năm học 2017-2018 đã diễn ra tại Trụ sở 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1. Đây là hoạt động thường kỳ do Hội Chữ thập đỏ thành phố - Trung tâm hiến máu nhân đạo và Đội Công tác Xã hội Trường Đại học Văn Lang phối hợp tổ chức.
Buổi sáng 24/10 mở đầu cho chương trình Hiến máu tình nguyện đợt 1, trước cổng Trụ sở Trường ĐH Văn Lang đã nhộn nhịp từ sớm.
Trong hai buổi sáng 24 - 25/10, có 250 sinh viên, cựu sinh viên, cán bộ - giảng viên – nhân viên Văn Lang và một số người ngoài Trường đã tham gia hiến máu.
Vì sao việc hiến máu cần theo quy trình?
Đợt hiến máu nào cũng vậy, Đội Công tác Xã hội Trường ĐH Văn Lang đều tổ chức bài bản thành 8 bước với các khu chức năng riêng. Nhìn vào quy trình ấy, hẳn có bạn cảm thấy hơi rắc rối, nhưng đó là điều cần thiết và bắt buộc để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người hiến máu và sự trôi chảy vận hành của cả buổi sáng đông đúc. Hiến máu là nghĩa cử cao đẹp, nhưng sẽ không có ý nghĩa khi ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tham gia.
Ở Trường ĐH Văn Lang, hoạt động hiến máu được tiến hành theo hình thức xe lưu động nên không có bước xét nghiệm máu (huyết sắc tốt, virus viêm gan B) trước khi hiến. Vì vậy, việc bác sĩ kiểm tra sức khỏe, tư vấn rõ ràng cho từng người và cả sự thành thật của mỗi bạn là điều rất quan trọng.
Bước 1: Đăng kí Hiến máu
Mỗi đơn vị máu đều phải có hồ sơ, trong đó có các thông tin về người hiến máu. Đây là một thủ tục cần thiết trong quy trình hiến máu để đảm bảo tính xác thực thông tin về người hiến máu.
Bước 2: Gửi đồ
Nhằm tạo điều kiện cho các bạn hiến máu thoải mái, không vướng bận về tư trang, đồ đạc cồng kềnh, Đội Công tác xã hội bố trí hẳn một khu giữ đồ khá chuyên nghiệp do các tình nguyện viên phụ trách.
Bước 3: Khám sức khỏe
Các bác sĩ đến từ Trung tâm Hiến máu nhân đạo Tp. HCM khám sơ bộ, kiểm tra huyết áp, nhịp tim và tư vấn xem bạn có đủ sức khỏe để được hiến máu không. Các tình nguyện viên đo cân nặng của bạn xem đủ tiêu chuẩn hiến máu (tối thiểu 45 kg).
Bước 4: Uống trà đường
Mỗi bạn hiến máu ít nhất phải uống 3 ly trà đường, giúp ổn định lượng đường trong máu và quá trình lấy máu diễn ra dễ dàng hơn.
Bước 5: Hiến máu
Các bạn ngồi đợi và lên xe hiến máu theo chỉ dẫn của các bác sĩ và tình nguyện viên. Nhờ sự động viên nhiệt tình, lời trêu đùa từ các bác sĩ, 2 ngày qua không có trường hợp nào phải ngất đi hay lo sợ quá mức mà phải ngừng việc hiến máu giữa chừng.
Sau khi nghỉ ngơi xong, tình nguyện viên sẽ phát lại cho bạn giấy chứng nhận hiến máu.
Bước 6: Nghỉ nghơi
Sau khi hiến máu xong, các tình nguyện viên đỡ và dẫn bạn đến khu chăm sóc để nghỉ ngơi khoảng 10 phút. Đối với các trường hợp bị choáng hay máu ra nhiều quá (do không giữ chặt bông gòn) sẽ nghỉ ngơi lâu hơn, khoảng 15-20 phút và được “bonus” thêm 1 ly trà đường và 1 viên kẹo sữa, hiệu quả tức thì!
Bước 7: Ăn, uống sữa
Sau khi nghỉ ngơi xong các bạn sẽ được hướng dẫn chuyển qua khu Ăn. Những khảu phần bổ dưỡng được bố trí ngay ngắn và kịp thời đáp ứng. Chị Hương – Nhân viên căng tin cho biết, trong 2 ngày qua chị và các cô nhân viên khác phải dậy từ rất sớm để đi chợ mua nguyên liệu và sau đó lên trường cùng các TNV chế biến các phần ăn cho người hiến máu nhằm phục vụ kịp thời không để quá trình hiến máu bị trì trệ.
Bước 8: Nhận quà
Mỗi bạn sẽ nhận được một phần quà bồi dưỡng, tuy nhỏ nhưng đủ để các bạn cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa như thế nào. Một số bạn còn tình nguyện quyên góp sữa từ phần quà vào cuộc vận động kêu gọi ủng hộ sữa do Đội Công tác Xã hội phát động.
Toàn bộ quy trình hiến máu, nhìn có vẻ dễ nhưng để thực hiện được một cách tuần tự như vậy, Đội Công tác Xã hội nói riêng đã phải họp bàn nhiều lần và có những buổi training kỹ lưỡng cho các tình nguyện viên.
Sau hai ngày diễn ra đợt hiến máu tại Trụ sở, kết quả thu được 177 đơn vị máu 250ml, 69 đơn vị máu 350ml và 4 đơn vị máu 450ml.
Đợt 2 của chương trình Hiến máu tình nguyện sẽ diễn ra tại Cơ sở 2 ngày 31/10 – 02/11.
Vì sao các bạn tham gia hiến máu tình nguyện?
Phạm Thái – SV năm cuối ngành Kỹ thuật Công trình Xây Dựng – là người đầu tiên tham gia hiến máu vào sáng ngày 24/10 chia sẻ: “Lần này là lần thứ 6 mình hiến máu, như những lần trước lần này cũng vậy, mình cảm thấy hết sức bình thường, không sợ hãi gì cả. Mình cảm thấy rất vui vì tham gia những hoạt động thiện nguyện như này!".
Phạm Thị Thu Hà – SV năm ba, ngành Tài chính Ngân hàng, thành viên Đội Công tác Xã hội – đã hiến máu liên tục trong 5 học kỳ qua. “Lần đầu đi hiến máu mình rất hồi hộp và sợ hãi, nhưng đây là lần thứ 5 rồi cảm giác sợ hãi không còn nữa. Máu cho đi thì có thể tái tạo được, tại sao mình không dùng nó để cứu sống người khác? Mình cảm thấy rất vui vì việc làm của mình đã giúp đỡ phần nào cho những hoàn cảnh khó khăn.”
Bùi Thị Tống Bảo – SV năm ba, ngành Ngôn ngữ Anh – vẫn hồi hộp khi nhớ về lần đầu đi hiến máu: “Đến học kì 1 năm 2, mình đã dám vượt qua nỗi sợ máu và đi đăng kí. Cảm giác lần đầu có nhiều sự lạ lẫm pha lẫn nỗi sợ hãi, nhưng tất cả đã tan biến khi mình gặp các tình nguyện viên. Họ đã động viên, an ủi mình rất nhiều; lúc ấy mình bỗng thấy Văn Lang thân thiện, đáng yêu vô cùng. Nhưng trớ trêu thay, mình đã không vượt qua được vòng kiểm tra huyết áp và nhịp tim. Bác sĩ đã hủy bỏ hồ sơ của mình và giải đáp: “Mạch con yếu quá, chờ đợt sau con nha!”. Lần đầu đó gọi là lần hụt. Lần đầu tiên chính thức của mình là học kì sau đó. Hiểu rõ được quy trình và ý nghĩa của chương trình nên mình không còn sợ hãi như lần trước nữa, can đảm đi đăng kí 1 mình và vượt qua được hết các bước kiểm tra. Không hiểu sao lúc bước xuống xe vào khu nằm nghỉ, được các bạn, anh/ chị tình nguyện viên quan tâm hỏi han: “Em còn chóng mặt không? Ăn kẹo sữa nè em”, “Giữ tay thẳng đừng co lại em nhé!”, mình đột nhiên bật khóc, không phải vì đau mà vì vì nhớ nhà. Cảm giác hiến máu lần thứ 3 không còn sợ hãi và hồi hộp nhiều như trước nữa. Đặc biệt là khi được bác sĩ Thủy hỏi han, cô còn trấn an tinh thần: “Không sao đâu con, mạnh mẽ lên nào, hiến máu có gì đâu mà sợ!” Mình không còn cảm giác sợ hãi, tim đập mạnh như lần trước nữa. Mình quả thực cảm thấy hiến máu tình nguyện là một hành động thiết thực và ý nghĩa, nên cứ đến đợt là mình lại tự giác đăng kí nếu đủ sức khỏe.”
Chương trình Hiến máu tình nguyện học kỳ 1, năm học 2017 – 2018 lấy chủ đề “Một giọt máu, triệu tấm lòng”. Qua nhiều năm tổ chức, gặp lại những gương mặt quen thuộc hiến máu nhiều lần, có thể thấy sinh viên Văn Lang tham gia hoạt động này không chỉ để tính điểm rèn luyên, quan trọng hơn các bạn đã cảm thấy ý nghĩa của việc “cho đi”, mong muốn đóng góp phần nhỏ bé cho xã hội.
Tống Bảo – BP.
Ảnh: Tình Nguyễn