(Phòng Tuyển sinh - Văn Lang, 08/11/2017) - Sáng 07/11/2017, Trường ĐH Văn Lang và Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác tại Trường ĐH Văn Lang (Trụ sở - 45 Nguyễn Khắc Nhu, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh).
Năm 2014, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Văn Lang tổ chức thành công Hội thảo “Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt”, với sự hỗ trợ của Hội Mỹ thuật Tp.HCM và Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế (VICAS Huế). Từ sự kiện này, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp và VICAS Huế cùng hướng đến tinh thần: mong muốn lưu giữ, phát triển những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc. VICAS Huế đã trở thành cầu nối, hỗ trợ tích cực giảng viên, sinh viên Văn Lang trong công tác điền dã, nghiên cứu khoa học tại Huế, các tỉnh duyên hải miền Trung và Bắc Tây Nguyên. Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường ĐH Văn Lang và VICAS Huế lần này là bước tiến tốt đẹp của quá trình xây dựng, phát triển mối quan hệ của hai bên trong ba năm qua.
Tham dự và chứng kiến Lễ ký kết có lãnh đạo VICAS Huế: TS. Trần Đình Hằng (Phân Viện trưởng), ThS. Nguyễn Hữu Thông (nguyên Phân Viện trưởng); đại diện Trường ĐH Văn Lang: PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu (Ủy viên Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng), TS. Mã Thanh Cao (Phó trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế & Nghiên cứu Khoa học); Khoa Mỹ thuật Công nghiệp: ThS.HS. Phan Quân Dũng (Trưởng khoa), ThS. Nguyễn Đắc Thái (Phó trưởng khoa).
Theo nội dung Biên bản ghi nhớ, Trường ĐH Văn Lang và VICAS Huế sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động:
- Trao đổi chuyên môn, tham khảo và đóng góp ý kiến các chương trình đào tạo;
- Phối hợp tổ chức, hỗ trợ hoặc tư vấn các hội thảo, buổi nói chuyện chuyên đề, các hoạt động nghiên cứu khoa học và các hoạt động học thuật khác của giảng viên và sinh viên;
- Trao đổi giảng viên, chuyên viên, sinh viên của hai đơn vị trong các hoạt động khoa học cụ thể và phù hợp;
- Ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thiết kế sản phẩm;
- Liên kết xuất bản các sách chuyên khảo, giáo trình dùng cho giảng dạy, ứng dụng…
VICAS Huế và Khoa Mỹ thuật Công nghiệp đã thống nhất sẽ triển khai một số hoạt động ngay sau Lễ Ký kết. Trước mắt, hai đơn vị sẽ cùng thực hiện Dự án sách về Bình phong ở Huế, tiếp nối hoạt động Triển lãm đồ án nghiên cứu vốn cổ của sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa sau chuyến đi điền dã tại Huế, và Tọa đàm “Hoa văn trang trí – bình phong Huế dưới góc nhìn đào tạo ứng dụng” do Khoa Mỹ thuật Công nghiệp phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM, Hội Mỹ thuật Tp.HCM và VICAS Huế tổ chức năm 2015.
Sau dự án sách, dự kiến vào học kỳ hè năm học 2017-2018, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp sẽ đưa sinh viên ngành Thiết kế Công nghiệp đi nghiên cứu thực tế tại làng gốm Phước Tích (Huế), ngôi làng cổ thứ hai được nhà nước xếp hạng “di tích quốc gia” (sau làng cổ Đường Lâm). Gốm Phước Tích được chọn để tiến Vua – đặc biệt là chiếc “om ngự” để Vua ăn cơm. Hiện nay, làng nghề cổ truyền này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, và công thức sản xuất “om ngự” đã bị thất truyền. Thông qua công tác điền dã cùng sinh viên, với sự hỗ trợ của các nhà sử học, dân tộc học, các nghệ nhân dân gian địa phương, kết quả kỳ vọng có thể phục dựng lại chiếc “om ngự” vừa để bảo tồn vốn cổ, vừa góp phần quảng bá du lịch cho một ngôi làng cổ lưu dấu nhiều giá trị văn hóa của dân tộc.
HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC NỔI BẬT GIỮA KHOA MỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP, TRƯỜNG ĐH VĂN LANG
VÀ VICAS HUẾ (2014 – 2016)
- Năm 2014, Hội thảo “Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt” thu hút gần 150 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, phê bình chuyên môn, nhà quản lý, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp tham gia. Sự kiện này thu hút đặc biệt truyền thông - những nhà báo, phóng viên quan tâm đời sống văn hóa nước nhà. VICAS Huế đã cử các chuyên viên của Viện tư vấn công tác tổ chức cho Trường ĐH Văn Lang, và tham gia Hội thảo với hai bài tham luận “Thổi hồn cho mỹ thuật đương đại: chất Việt truyền thống trên đất phương Nam qua huyền thoại, truyền thuyết, lịch sử” (TS. Trần Đình Hằng), “Sự khác biệt trong phong cách kiến trúc hai miền Nam Bắc và bản sắc Việt trong thiết kế cung đình Huế” (NCS. Nguyễn Phước Bảo Đàn).
- Năm 2015, Thầy trò ngành Thiết kế Đồ họa lên đường ra Huế nghiên cứu vốn cổ bình phong. Tận mắt thấy, tận tay sờ và tận tai nghe các nhà nghiên cứu, nghệ nhân ở Huế giới thiệu về vẻ đẹp của các tác phẩm mỹ thuật truyền thống, sinh viên đã về vẽ lại, đem đến sự ngạc nhiên, thích thú với công chúng tham dự triển lãm các sản phẩm tại Họa thất của Khoa.
Tháng 12/2015, buổi tọa đàm “Hoa văn trang trí – bình phong Huế - dưới góc nhín đào tạo ứng dụng” được tổ chức tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút gần 80 nhà nghiên cứu, họa sỹ, doanh nghiệp, giảng viên, cơ quan truyền thông. Sự kiện này một lần nữa khẳng định hướng đi đúng của Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, được xã hội ủng hộ.
- Năm 2016, thầy trò ngành Thiết kế Thời trang tiếp nối hành trình nghiên cứu kỹ thuật dệt thổ cẩm tại dân tộc Cơ Tu. VICAS Huế đã trở thành cầu nối giữa Văn Lang với sở ban ngành địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đoàn Văn Lang. Trường ĐH Văn Lang vô cùng cảm kích vì những hỗ trợ của VICAS Huế thời gian qua.
Biên bản ghi nhớ giữa VICAS Huế và Trường ĐH Văn Lang có hiệu lực 5 năm (2017-2022). Biên bản ghi nhớ này vừa thể hiện tâm huyết cùng lưu giữ, khôi phục, và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc có nguy cơ bị mai một; vừa kỳ vọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bằng đóng góp nghiên cứu thuộc lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng. Được sự ủng hộ tích cực từ phía lãnh đạo Trường ĐH Văn Lang, hy vọng các hoạt động hợp tác, gắn kết giữa hai đơn vị thời gian tới sẽ đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, thiết thực.
Nguyễn Liên