(P. Tuyển sinh – Văn Lang, 22/12/2017) – Tác phẩm “Kết nối lịch sử Mậu Thân 68” của nhóm sinh viên Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Văn Lang đã giành giải Nhất trong cuộc thi Nghệ thuật sắp đặt 2017 - “Bản hùng ca Mậu Thân 1968” do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Tp. HCM phối hợp với Hội Mỹ thuật Tp. HCM tổ chức.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy giành chính quyền Tết Mậu Thân năm 1968 là một trong những chiến dịch quân sự có tầm ảnh hưởng lớn, mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Để kỷ niệm sự kiện lịch sử ý nghĩa này, Hội Mỹ thuật Tp. HCM đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Tp. HCM tổ chức cuộc thi Nghệ thuật sắp đặt 2017 - “Bản hùng ca Mậu Thân 1968”, khai thác những cách nhìn mới, ấn tượng của người trẻ về lịch sử chiến tranh của dân tộc, bằng một khuynh hướng sáng tác hậu hiện đại rất độc đáo, thiên về ngôn ngữ mỹ thuật và nghệ thuật thị giác.
Sáng 21/12/2017, 5 tác phẩm công phu của 5 nhóm họa sĩ trẻ đã ra mắt trong Lễ khai mạc triển lãm và công bố trao giải, tại Trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Tp.HCM. Đó là: Kết nối lịch sử Xuân Mậu Thân 68 (nhóm SV Trường ĐH Văn Lang), Bản hùng ca Xuân Mậu Thân (nhóm SV Trường ĐH Mỹ thuật), Đêm trắng đồng Vĩnh Lộc (CLB Họa sĩ trẻ, Trường ĐH Kiến trúc Tp.HCM), Khúc ca Xuân Mậu Thân (CLB Điêu Khắc trẻ, Trường ĐH Kiến trúc Tp.HCM), Nữ dân công hỏa tuyến (nhóm SV Trường ĐH Sài Gòn).
“Kết nối lịch sử Xuân Mậu Thân 68” của nhóm sinh viên khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Văn Lang xuất sắc đạt giải Nhất. Đây là kết quả của 8 tháng lao động miệt mài, say mê của thầy và trò sau những chuyến đi thực tế đến tận nơi sự kiện diễn ra, gặp gỡ, trò chuyện với những nhân chứng lịch sử. Tác phẩm hoàn thiện được ý tưởng một cách trọn vẹn nhất nhờ sự đầu tư đủ lớn từ nguồn ngân sách Trung ương (50 triệu đồng/ nhóm), và sự hỗ trợ từ phía Khoa, Ban Giám hiệu Trường ĐH Văn Lang.
Nhóm sinh viên thực hiện đề tài: Đỗ Lê Hương Quỳnh, Trương Hoàng Linh, Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Trường Giang, Huỳnh Trần Thi Uyên, Nguyễn Nguyễn, Phương Hòa Lộc, Phan Phi Phụng, Phạm Hoàng Duy Nhân, Nguyễn Huy Hoàng
Giảng viên hướng dẫn: HS. Đào Chí Đắc
“Kết nối lịch sử Xuân Mậu Thân 68” tái hiện một thành phố trẻ đang vươn lên gắn liền với biểu tượng về ký ức Mậu Thân 1968. Một cánh tay vững chãi, mạnh mẽ, vươn cao, rực sáng, nở hoa. Cánh tay vừa mang ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, vừa thể hiện sự tin tưởng của quân dân miền Nam vào ngày mai tươi sáng của dân tộc.
Thầy và trò Trường ĐH Văn Lang thực hiện đề tài thật sự công phu, đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết. Hệ thống poster liên hoàn “bên ngoài” tác phẩm (Mùa xuân 1968, Những nhành mai thắm đỏ, Hãy vùng lên, Khối quá khứ, Chiến dịch huyền thoại, Trường tồn mãi) mang ý nghĩa dẫn dắt. Hệ thống nghệ thuật sắp đặt “bên trong” tác phẩm được trưng bày trong một không gian kín, mỗi chi tiết từ chất liệu, âm thanh, màu sắc, hình khối, ánh sáng đều được tính toán kỹ lưỡng, bài trí theo một hệ thống ý tưởng xuyên suốt… Người xem bước vào không gian đầy huyền ảo ấy đã trải qua những cảm xúc mạnh, từ ấn tượng, bất người và cả xúc động khi chạm vào từng hiện vật.
Dưới góc độ chuyên môn, NGND. HS. Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Tp.HCM tại lễ trao giải, dành nhiều lời khen ngợi cho nhóm sinh viên Văn Lang: Các em trình bày cái nhìn về lịch sử khá độc đáo, khác biệt. Toàn bộ đô thị bao trùm trong bóng tối, ở giữa có một khối sáng bùng lên. Ánh sáng rọi từ trên xuống dưới nở hoa. Ý tưởng nở hoa trong lòng đất và sự nổi dậy, được thể hiện rất rõ, rất mạnh. Ngôn ngữ mỹ thuật, nghệ thuật thị giác được biểu đạt một cách tinh tế.
Tác phẩm của nhóm sinh viên Văn Lang nhận được sự quan tâm của khách tham quan, cũng như các đơn vị báo chí, truyền thông. Các em đã làm được một việc thật sự có ý nghĩa, không chỉ kết nối người trẻ hôm nay với quá khứ hôm qua, mà còn giúp những chứng nhân lịch sử chạm đến một phần ký ức của mình - một thời thương đau nhưng rất đỗi tự hào. Tại buổi triển lãm, nhiều các cô, các chú cựu binh đã đứng ngắm mãi tác phẩm, nhiều cô chú mắt rưng rung xúc động. Đây có lẽ là phần thưởng đặc biệt nhất, cũng là những lời khen tặng ý nghĩa nhất cho công sức, tâm huyết các em đã bỏ ra.
Đối với những thành viên thực hiện đề tài, đây là một cơ hội để các em hiểu thêm về quá khứ hào hùng của dân tộc sau khi hoàn thành “đứa con tinh thần” của mình như Hương Quỳnh khi đại diện các bạn chia sẻ tại buổi lễ cũng như các thành viên trong nhóm.
“Từ những chuyến đi thực tế, những cuộc tiếp xúc giao lưu với nhân chứng lịch sử, chúng em rất xúc động trước tinh thần quả cảm, sự hi sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ để có được hòa bình hôm nay.
Chúng em chỉ hiểu lịch sử qua sách vở, không cảm nhận được nỗi đau, sự sợ hãi của cha anh thời đó. Nhưng chúng em mong muốn giữa lịch sử và hiện đại có sự kiên kết để mình biết ơn, trân trọng, sự phát triển của hôm nay.
Với tác phẩm này, chúng em mong có thể thể hiện phần nào đó, lòng tri ân vô hạn của thế hệ trẻ đối với những người đã ngã xuống, thể hiện lòng cảm phục sâu sắc trước chiến công oanh liệt của cha anh. Quá khứ vẫn ở đó như một bài học về lòng dũng cảm, yêu nước bất diệt."
“Ý tưởng tuyệt vời là những gì chúng ta nhớ đến từ lịch sử và những gì sẽ tạo thành khác biệt trong tương lai” (Charlotte và Peter Fiell viết trong lời giới thiệu cuốn Graphic Design thế kỷ XXI). Đó là lời nhắn gửi sâu sắc đến những người trẻ trong lĩnh vực thiết kế về tính hai mặt của một sản phẩm mỹ thuật: tính lịch sử và sự khác biệt. Tính lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc là nền tảng tinh thần, là chất liệu ý tưởng của các sáng tạo nghệ thuật. Đó là hướng đào tạo từ những ngày đầu của các ngành thiết kế thuộc khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Văn Lang. Hy vọng ngoài chương trình học chính khóa, những cuộc thi sáng tạo mang tính thể nghiệm mới như nghệ thuật sắp đặt lần này sẽ thu hút nhiều sinh viên Mỹ thuật Văn Lang tham gia và ghi dấu ấn tiếp theo, khám phá thêm nhiều tố chất nghệ thuật của các bạn.
Quý thầy cô và các bạn sinh viên có thể đến chiêm ngưỡng tác phẩm “Kết nối lịch sử Mậu Thân 68” của nhóm sinh viên Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố (81 Trần Quốc Thảo, Q.3, Tp.HCM). Triển lãm mở cửa đến đến ngày 5/1/2018.
Nguyễn Liên