(Phòng Tuyển sinh – Văn Lang, 08/7/2018) – Một mùa tốt nghiệp tháng 7 lại về. Trong niềm vui chào đón dấu mốc 20 khóa sinh viên Văn Lang trưởng thành, Nhà trường hân hoan chúc mừng khóa sinh viên đầu tiên chuyên ngành Đồ họa truyền thông tương tác tốt nghiệp. Nỗ lực bắt kịp xu hướng đào tạo designer của Khoa Mỹ thuật Công nghiệp đã đến ngày thu nhận thành quả.
Chuyên ngành Đồ họa truyền thông tương tác thuộc ngành Thiết kế Đồ họa, Khoa Mỹ thuật công nghiệp, tuyển sinh khóa đầu vào năm 2014. Số lượng sinh viên đăng ký học chuyên ngành này tăng dần theo từng khóa, minh chứng cho nhu cầu của người học và hướng đào tạo đúng đắn của Khoa.
Đây là lĩnh vực thiết kế 3D thú vị, thức thời, nhưng vô cùng áp lực (về ý tưởng, thời gian, tài chính…), đặc biệt từ năm 2 khi khối lượng môn học chuyên ngành nặng hơn. Khóa 1 chuyên ngành Đồ họa truyền thông tương tác có 16 sinh viên. Sau 4 năm học, có 7 sinh viên bảo vệ thành công Đồ án tốt nghiệp và 5 sinh viên ra Trường đúng hạn.
Dù số lượng Đồ án khiêm tốn, nhưng tín hiệu vui là kết quả của sinh viên chuyên ngành Đồ họa truyền thông tương tác rất khả quan. 5/7 Đồ án đạt điểm trên 8.0, trong đó có đến 3 Đồ án đạt điểm 9.0 (làm tròn).
Đồ án tốt nghiệp - sản phẩm hoàn chỉnh
Trong chương trình đào tạo gồm 8 học kỳ (tương đương 4 năm), sinh viên chuyên ngành Đồ họa truyền thông tương tác trải qua nhiều học phần hấp dẫn. Những sản phẩm đầu tay của các bạn là những đồ án nhỏ, bài tập kết thúc học phần từ đơn giản đến công phu (Nghệ thuật chữ, Trang trí cơ sở, Nhiếp ảnh, Kịch bản, Quay phim, Diễn họa chuyên ngành, Thiết kế không gian 3D, Thiết kế giao diện (Web + App), Thiết kế âm thanh, Kỹ thuật phần mềm, Kỹ thuật Hoạt hình, Thiết kế Nhân vật, VFX nâng cao…).
Tuy nhiên, sản phẩm hoàn chỉnh của một chuyên viên Đồ họa truyền thông tương tác thực thụ chỉ hoàn thiện sau khi sinh viên hoàn thành đầy đủ chương trình 8 học kỳ. Đồ án tốt nghiệp dù phát triển theo hình thức nào (MV, TVC, phim ngắn, hoạt hình…) cũng đòi hỏi quy tụ hầu hết kiến thức, kỹ năng học suốt 4 năm. Sinh viên có khoảng 5 tháng (học kỳ 8) để thực hiện Đồ án tốt nghiệp – một khoảng thời gian khiêm tốn để nuôi dưỡng ý tưởng và hoàn thiện một sản phẩm Đồ họa truyền thông tương tác chuyên nghiệp, vì sản phẩm Đồ án tốt nghiệp bao gồm video (sản phẩm chính) và cả bộ nhận diện kèm theo như ngành Thiết kế Đồ họa truyền thống.
Đồ án tốt nghiệp “Short Film: Khúc Thụy Du” của SV Dương Huệ Phúc (GV. Nguyễn Quốc Thanh hướng dẫn) thực hiện trong gần 7 tháng, từ khâu chuẩn bị đến khảo sát địa điểm quay, chọn trang phục, diễn viên. Đồ án gồm: 1 phim ngắn, 3 potser, 1 bộ quà tặng và các ấn phẩm khác. Bộ phim thể hiện câu chuyện tình cảm giữa chàng họa sĩ nghèo và cô gái điếm trong bối cảnh Sài Gòn xưa. Phúc chia sẻ: quãng thời gian đáng nhớ và khó khăn nhất là giai đoạn Onset, cả ekip lặn lội đội mưa nắng ngoài đường, diễn đi diễn lại, set up tới lui, mệt nhưng rất vui! Đồ án Khúc Thụy Du được Hội đồng đánh giá cao, đạt 9.18 điểm.
Đồ án phim hoạt hình 3D “Z Cemetery” của SV Nguyễn Minh Hồng Huy (HS. Phan Vũ Linh hướng dẫn) đạt 9.21 điểm. Tham vọng làm một phim ngắn 5 phút của cô bạn đã bị thu nhỏ lại để vừa sức với thời gian 6 tháng thực hiện, kể cả thời gian làm tiền tốt nghiệp (học kỳ 7) nhưng vẫn “xém không kịp”. Đối với thể loại phim hoạt hình, tất cả các khâu kỹ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, trau chuốt để khi diễn hoạt không bị lộ khuyết điểm trên cơ thể nhân vật. Tất cả các bước hoàn thành đều “sát nút”, sản phẩm được nộp ngay trước giây phút Hội đồng bắt đầu chấm bài sơ khảo.
Z Cemetery là một sản phẩm mới lạ về thế giới của những linh hồn đứa trẻ. Phim hoạt hình ra đời, đi kèm bộ mô hình các nhân vật có hình thù đáng yêu, đặc sắc; một mô hình đầu nhân vật làm bằng ống cắm bút Wacom, chậu cây cảnh và hũ đựng kẹo, cùng một bộ bàn ghế kệ phù hợp cho không gian làm việc của một 3D Artist mang màu sắc u ám, ma mị của concept phim. Quả là một Đồ án tốt nghiệp công phu và ấn tượng!
Thoạt nhìn, gian trưng bày triển lãm đồ án tốt nghiệp của sinh viên chuyên ngành Đồ họa truyền thông tương tác khá tương tự ngành Thiết kế Đồ họa truyền thống. Tuy nhiên, để có hệ thống sản phẩm nhận diện phong phú đi kèm video chủ đạo, khối lượng công việc của các bạn áp lực hơn; bù lại, khi được trình bày chỉn chu, gian trưng bày của các bạn thực sự rất sinh động.
Đồ án tốt nghiệp – nhận thức và trưởng thành
Không nhiều ngành học thuận lợi cho sinh viên làm việc freelancer ngay từ năm hai như Đồ họa truyền thông tương tác. Tất cả các bạn sinh viên chuyên ngành này tại Văn Lang đều tận dụng kỹ năng dựng phim, chụp hình, quay phim học tập trên giảng đường… để tham gia các dự án nhỏ bên ngoài hoặc tạo lập ekip làm việc bán chuyên. Sinh viên “lăn xả” các công việc thực tế vừa là yêu cầu bắt buộc của chương trình học, vừa là điều kiện cần để giỏi hơn trong nghề.
Để thực hiện Đồ án tốt nghiệp “Shan Tuyết Tea” – phim quảng cáo về một loại cổ trà 400 năm tuổi ở thôn Pang Cáng (xã Suối Giáng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), team Nguyễn Đoàn Như Anh đã đến tận địa phương quay phim để đảm bảo chất lượng hình ảnh, bám sát mạch truyện. Vì áp lực deadline, yêu cầu hạn chế quay thêm ngày để tránh phát sinh chi phí thuê máy móc, ăn ở, môi trường, thời tiết cản trở quá trình ghi hình, nên đây thực sự là quãng thời gian khó khăn với ekip. Bù lại công sức ekip, Đồ án tốt nghiệp đạt 8.92 điểm (ThS. Đào Chí Đắc hướng dẫn).
Dự án lớn đi cùng nhiều khó khăn, sinh viên càng nhận thức được mình còn nhiều khiếm khuyết. So với những bài tập kết thúc học phần riêng lẻ trong năm, các bạn cầu toàn hơn nhiều, và cũng khiêm tốn hơn nhiều. Đây thực sự là một kết quả đáng mừng ngoài điểm số mà Đồ án tốt nghiệp mang lại cho sinh viên trước khi tốt nghiệp.
Qua đồ án tốt nghiệp này, em nhận ra mình còn quá “non” trong kinh nghiệm nghề nghiệp, chưa có sự trải nghiệm nhiều và chắc chắn đó là bài học lớn với em. Ngoài ra, em còn học được tính nhẫn nại và khiêm nhường; không thể nào vì cái lợi cá nhân mà bỏ qua sự nhẫn nại thúc giục cả team mình chạy hì hục, cách làm đó sẽ không đem lại kết quả gì tốt cả. Tất cả phải từ từ đúng tiến độ và luôn “In the mood for work”.
Đồ án này cho em kinh nghiệm về việc lên ý tưởng kịch bản, điều phối sản xuất và xử lý hậu kì; nâng cao kỹ năng quản lý khối lượng công việc đồ án, quản lý dữ liệu. Vì khối lượng em quay còn khá nhiều nên sau clip của Đồ án tốt nghiệp, em dự định sẽ làm 1 clip khác theo phong cách Travel để giới thiệu chi tiết hơn về vùng đất và cách làm trà Shan Tuyết này với độ dài 5-6 phút.
Với em, góp ý của các thầy cô đều rất đáng quý, bởi vì em nghĩ sau này ra đời chắc gì đã có ai tận tình nói cho mình biết chỗ nào chưa được đâu. Qua Đồ án này, em học hỏi được rất nhiều kỹ năng chuyên ngành. Sắp tới, em vẫn cố gắng sẽ hoàn thiện kế hoạch ban đầu đã dở dang là làm tiếp tập phim hoạt hình của mình tiếp tục va chạm học hỏi thêm nhiều kiến thức khác nữa, vì việc học là không ngừng nghỉ mà. Theo em, tính khả thi, thực tế là yếu tố quyết định thành công của Đồ án tốt nghiệp chuyên ngành Đồ họa truyền thông tương tá,c bởi ngành ra đời cũng là do thực tế xã hội đang rất cần nhân lực.
Xét về sự năng động và trải nghiệm sớm trong công việc, sinh viên chuyên ngành Đồ họa truyền thông tương tác đứng “top” trong các ngành tại Văn Lang. Như cô bạn Hồng Huy nói vui, “chúng em đi làm sớm nên đã có kha khá kinh nghiệm, và không còn cảm thất sợ khi “đụng độ” bất cứ công việc nào chưa từng làm.” Mong các bạn luôn giữ được ngọn lửa yêu nghề, sự cầu toàn với công việc như đã làm với Đồ án tốt nghiệp.
Trong một dấu mốc đẹp của Trường Đại học Văn Lang: tháng 7/2018, tròn 20 khóa khóa sinh viên của Trường tốt nghiệp và trưởng thành; thì những cánh chim non trẻ đầu tiên của ngành Đồ họa Truyền thông Tương tác cũng đã cất cánh bay lên.
Chúc mừng khóa sinh viên đầu tiên chuyên ngành Đồ họa truyền thông tương tác, Trường ĐH Văn Lang chính thức tốt nghiệp!
Bích Phương
Ảnh: Nguyễn Linh, SV