(P.TS&TT - Văn Lang, 22/4/2019) – Sáng nay, 22/4/2019, tại Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gặp gỡ lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang và đồng ý đặt tên Hội trường Cơ sở 3 là Hội trường Trịnh Công Sơn.
Sáng 22/4/2019, Trường Đại học Văn Lang hân hạnh được đón tiếp gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, gồm ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) và chồng bà là doanh nhân Nguyễn Trung Trực, cùng Giáo sư Tương Lai – nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, cố vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, một người bạn thân thiết của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Một buổi trò chuyện đầm ấm và gần gũi được tổ chức ngay trên sân khấu của Hội trường Cơ sở 3, giữa lãnh đạo, thầy cô Trường Đại học Văn Lang và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong một không gian du dương những giai điệu bất hủ của cố nhạc sĩ.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh mở đầu buổi trò chuyện: “Với một hội trường đẹp như vậy, tôi hy vọng một ngày nào đó, nhóm du ca Trịnh Công Sơn của chúng tôi sẽ có cơ hội biểu diễn ở đây, hát cho sinh viên trên sân khấu này.” Bà cho rằng ý định của Trường Đại học Văn Lang khiến gia đình bà thật sự xúc động.
Giáo sư Tương Lai là thầy giáo của Kỹ sư Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Văn Lang cách đây 60 năm. Ông tiếp lời ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, chậm rãi đọc lại những ca từ nổi tiếng của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi…” Sự tử tế là những gì Trịnh Công Sơn để lại cho cuộc đời, và nó còn “cuốn đi”, còn “đậu lại” trong nhân thế bằng những hình ảnh đẹp. Ông cho rằng việc đặt tên Trịnh Công Sơn cho một hội trường đại học là một hình ảnh đẹp như thế. Nó khơi gợi trong những con người trẻ như sinh viên một sự trong sáng, một sự tử tế để họ bước ra cuộc đời và sống tử tế.
Chồng ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – doanh nhân Nguyễn Trung Trực – chia sẻ cụ thể hơn về những dự định cho âm nhạc Trịnh Công Sơn trong 2 năm tới, hướng đến kỷ niệm 20 năm ngày mất của cố nhạc sĩ. Bên cạnh những dự án phim về Trịnh Công Sơn, tour biểu diễn Huế - Sài Gòn – Hà Nội và biểu diễn tại các trường đại học, ông chủ động đề nghị Trường Đại học Văn Lang nghiên cứu giảng dạy môn “Trịnh Công Sơn học” – một chuyên đề đã được giảng dạy ở Mỹ và Nhật Bản.
Kỹ sư Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị và TS. Nguyễn Cao Trí – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Văn Lang cùng đồng ý rằng môn Trịnh Công Sơn học sẽ là một điểm nhấn thú vị trong chương trình đào tạo ngành Văn học ứng dụng, Piano, Thanh nhạc, Đông phương học của Trường Đại học Văn Lang. Qua âm nhạc Trịnh Công Sơn, sinh viên có thể học được cả về bản sắc văn hóa và tâm tính dân tộc.
Trên cơ sở đồng ý của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong thời gian tới, Trường Đại học Văn Lang sẽ tổ chức buổi Lễ công bố tên Hội trường Trịnh Công Sơn và đêm nhạc Trịnh tại Trường Đại học Văn Lang. Đây sẽ là một sự kiện văn hoá dành cho sinh viên và giảng viên Trường Đại học Văn Lang, đánh dấu giai đoạn chính thức đưa Hội trường Trịnh Công Sơn vào đời sống học đường đang vận hành tại Cơ sở 3.
Mai Yến
Ảnh: Nguyễn Linh