(P.TS&TT - Văn Lang, 25/4/2019) – Ngày 25/4/2019, Khoa Xây dựng Trường Đại học Văn Lang kết hợp với BIM Lab Khoa Kỹ thuật Xây dựng Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM và Công ty CBS Việt Nam tổ chức Workshop "BIM - TRẢI NGHIỆM THÀNH CÔNG - ỨNG DỤNG BIM VÀO CÔNG TRÌNH THỰC TẾ" tại Phòng 203A - Trụ sở Trường Đại học Văn Lang, 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, Tp.HCM.
Ban chủ nhiệm Khoa Xây dựng Trường Đại học Văn Lang và lãnh đạo BIM Lab, Công ty CBS đã có mặt tham dự Workshop, gồm:
- TS. Nguyễn Khắc Cường (Trưởng khoa Xây dựng), ThS.Từ Đông xuân (Phó trưởng khoa Xây dựng), Th.S Nguyễn Bảo Tuấn (Trưởng bộ môn Kỹ thuật Kiến trúc – Khoa Kiến trúc) - Trường Đại học Văn Lang.
- TS. Nguyễn Anh Thư - Giám đốc Trung tâm BIM Lab - Khoa Kỹ thuật Xây dựng - Trường Đại học Bách khoa Tp. HCM.
- Cô Hoàng Ngọc Lan - Giám đốc chi nhánh Việt Nam Công ty CSB.
Tiếp cận & ứng dụng công cụ BIM hiệu quả cho Kiến trúc sư và Sinh viên
BIM là một phương pháp tối ưu hóa thiết kế quá trình thi công và vận hành của công trình xây dựng. Về cơ bản, BIM được hình thành bởi một mô hình 3D trên máy tính và có thể được nâng cấp bằng cách thêm thông tin như thời gian, chi phí sử dụng..., tạo ra một tập hợp các mô hình BIM với thông tin phong phú, có thể được sử dụng trong suốt vòng đời dự án. Bằng cách này các đối tác tham gia dự án có thể xem xét và đánh giá hiệu quả dự án trước khi thực hiện.
Ở phần đầu của Workshop, KTS. Trần Võ Phương Duy (cựu sinh viên Kiến trúc Trường Đại học Văn Lang tốt nghiệp năm 2009), hiện là BIM Manager của Công ty COFICO - cho biết: “Ở Việt Nam, một trong những thách thức đối với công việc của một kiến trúc sư là thực trạng phối hợp các nhiệm vụ trong một dự án còn yếu kém. Công cụ BIM còn khá mới tại Việt Nam, nhưng BIM có thể vẽ được công trình một cách tổng thể nhất với tất cả chi tiết, giúp tiết kiệm thời gian thiết kế, gia công và thi công những bảng vẽ bê tông, bảng vẽ cơ điện… Đây chính là cơ hội cho các bạn trẻ sử dụng BIM trong công tác thiết kế và thi công dự án”.
Đi sâu vào ứng dụng chi tiết của BIM, ThS. KS. Đào Quý Phước, Giải nhất Loa Thành đồ án thiết kế 2016, hiện là Trưởng bộ phận Kỹ thuật & Triển khai dự án BIM Lab - cho biết: “Với những công trình quy mô không còn dùng thiết kế truyền thống thì BIM cho phép bạn bóc tách được mọi chi tiết. Trong mọi vấn đề, các bạn sinh viên không cần cố làm những công việc mà máy làm tốt hơn. Hãy thực hiện ngay với Đồ án tốt nghiệp của các bạn.”
Kỹ năng làm việc trong BIM team
BIM đang là một xu thế tất yếu trong thiết kế và quản lý dự án, thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và được ứng dụng ngày càng rộng trong thực tế xây dựng. Các chương trình đào tạo kỹ thuật xây dựng, đào tạo kiến trúc, kỹ thuật nhiệt - điện công trình... tại Trường Đại học Văn Lang đang tích cực hướng sinh viên đến các chuẩn mực mới, hiện đại của thực tiễn ngành nghề, trong đó có việc trang bị các hành trang kiến thức, kỹ năng và cả cảm hứng về BIM.
Để thành công được với ngành nghề này, KTS.Koyama khuyên sinh viên Trường Đại học Văn Lang 02 điều:
- Phải thực sự có đam mê và hứng thú với kiến trúc, xây dựng thì mới có thể đi được lâu dài và thành công trong tương lai.
- Quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để tìm hiểu thực tế các dự án, công trình; từ đó chọn được chuyên môn mà mình muốn phát triển trong triển vọng nghề nghiệp trong rất nhiều mảng khác nhau trong Kiến trúc – Xây dựng như: kết cấu, cơ điện, quản lý và bán sản phẩm...
TS. Nguyễn Khắc Cường cũng cho biết Khoa Kiến trúc và Khoa Xây dựng Trường Đại học Văn Lang sẽ thảo luận để đưa BIM vào chương trình đạo tạo, hỗ trợ sinh viên kiến thức về BIM để có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn trong tương lai.
Tuệ Khánh