(P.TS&TT – Văn Lang, 08/05/2019) - Sáng ngày 07/05/2019, Trường Đại học Văn Lang tham dự phiên họp toàn thể lần thứ 13 Hội nghị Hiệu trưởng các trường thành viên Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tại Châu Á – Thái Bình Dương (CONFRAISIE). Sự kiện diễn ra tạiTrường Đại học Kinh tế - Luật - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Trường Đại học Văn Lang tham dự Hội nghị Hiệu trưởng CONFRAISIE cùng gần 100 đại biểu đến từ 88 trường đại học, các tổ chức giáo dục và nghiên cứu thuộc 11 quốc gia, các bộ trưởng, thứ trưởng phụ trách giáo dục đại học của các nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Vanuatu. PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng và TS. Trần Cẩm Thi - Phó Trưởng Khoa Du lịch đại diện Trường Đại học Văn Lang tham dự sự kiện lớn của AUF.
Với sự tham dự của 88 trường đại học có giảng dạy tiếng Pháp và các tổ chức giáo dục các nước Châu Á - Thái Bình Dương, Hội nghị CONFRAISIE tập trung thảo luận về chính sách giáo dục và khoa học, vai trò của tiếng Pháp trong các trường đại học, liên kết giữa các trường có sử dụng tiếng Pháp trong khu vực với đại học của các khu vực khác trên thế giới. Chủ đề Hội nghị CONFRAISIE lần thứ 13 được lựa chọn là "Đối thoại Đại học – Doanh nghiệp: Thách thức và trách nhiệm xã hội của giáo dục Đại học”, xoay quanh thách thức mà các trường đại học đang đối mặt: chất lượng của các chương trình đào tạo và nghiên cứu, cơ hội tìm việc làm của sinh viên tốt nghiệp cũng như trách nhiệm xã hội của trường đại học.
Hội nghị cũng là dịp để lãnh đạo các trường đại học trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và các giải pháp để phát triển trường đại học trong bối cảnh môi trường kinh tế, chính trị, xã hội nhiều biến động.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo gửi lời chào mừng đến các trường Đại học thành viên của Tổ chức Đại học Pháp ngữ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và khẳng định: “CONFRAISIE là một diễn đàn đối ngoại hợp tác đa phương, tập hợp 88 trường Đại học có sử dụng tiếng Pháp từ 11 quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Mục đích của mạng lưới là thúc đẩy sự tương tác giữa các thành viên với nhau cũng như giữa các đối tác trong và ngoài khu vực thông qua các dự án và chuyển giao công nghệ chuyên môn, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến chất lượng đào tạo về nghiên cứu. Một trong những thách thức đang đặt ra trong các trường Đại học là đối thoại giữa trường Đại học và Doanh nghiệp, thách thức và trách nhiệm xã hội của giáo dục Đại học. Đây cũng chính là mối quan tâm sâu sắc của các cơ quan, nhà nước và giáo dục đào tạo Việt Nam. Tôi hi vọng sau hội nghị này, những nhà quản lý giáo dục từ nhiều nước sẽ chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về những bài học và kinh nghiệm trong việc đối thoại và hợp tác giữa trường Đại học với Doanh nghiệp. Và không chỉ là đối thoại, mà phải là hợp tác tích cực có hiệu quả nhằm đáp ứng tốt các nhu cầu của Trường Đại học cũng như của xã hội”.
Để vượt qua các thách thức đặt ra, các thành viên của CONFRASIE đảm nhận vai trò tổ chức, điều hòa, phối hợp hoạt động tương tác và phối hợp hành động giữa các thành viên trên tình thần triển khai các giải pháp mang tính cụ thể, sáng tạo trong bối cảnh hợp tác đa phương, cũng như liên kết liên ngành, thông qua cầu nối CONFRASIE.
----------------------------------------------------------------------
Khoa DU LỊCH
chương trình HAI VĂN BẰNG PHÁP – VIỆT
Năm 1997, Trường ĐH Văn Lang trở thành thành viên ĐH ngoài công lập đầu tiên của tổ chức đại học cộng đồng Pháp ngữ (AUF). Từ đó, thông qua các chương trình hợp tác với ĐH Toulouse le Mirail, ĐH Ré Union (Pháp), ĐH UQÀM (Canada), Khoa Du lịch từng bước xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Những chương trình như “Mô phỏng doanh nghiệp du lịch” đã trở thành một dấu ấn riêng của Trường.
Năm 2009, chương trình đào tạo ngành Du lịch của Văn Lang được chính thức công nhận tương đương với chương trình của Perpignan, hai trường ký kết chương trình hợp tác đào tạo Hai bằng Đại học.
Năm 2010, chương trình bắt đầu tuyển sinh khoá đầu tiên, đào tạo ngành Quản trị Khách sạn và Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, bằng 2 ngôn ngữ Pháp – Việt. Hoàn thành 7 học kỳ tại Khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Lang và học kỳ cuối tại ĐH Perpignan (Pháp), sinh viên sẽ được nhận bằng Cử nhân Kinh tế của Trường ĐH Văn Lang và bằng Master 1 của ĐH Perpigan có giá trị quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi để sinh viên đăng ký học tiếp Master 2 tại Pháp, rút ngắn thời gian học Thạc sĩ xuống còn 1 năm.
Năm 2014 đánh dấu một bước quan trọng của chương trình Hai văn bằng Pháp – Việt các ngành Du lịch tại Văn Lang: 11 sinh viên khóa đầu tiên của chương trình tốt nghiệp (ngày 01/10/2014). Chương trình có lượng sinh viên đăng ký theo học tăng dần mỗi năm.
Kim Ngân (tổng hợp)
Ảnh: Hiếu Trần