(P.TS&TT - Văn Lang, 20/5/2019) – Từ tháng 10/2018 đến tháng 5/2019, 30 giảng viên Trường Đại học Văn Lang và Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã tham gia các khóa học của chương trình giáo dục Phần Lan nhằm hỗ trợ giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy. Sau khi các khóa học kết thúc, các giảng viên cho biết họ đã thay đổi tích cực hoạt đọng giảng dạy và thật sự cảm kích sự hỗ trợ của chương trình ý nghĩa này.
Chương trình Phần Lan là chương trình hợp tác do Trường Đại học Văn Lang phối hợp với Finland Educational Center (Trung tâm giáo dục Phần Lan) thực hiện từ năm 2018, với 02 chương trình được tổ chức song song:
- Pathway Program: chương trình dạy các môn kỹ thuật tiên tiến cho sinh viên từ khắp các nơi đăng ký, tổ chức dạy và học theo mô hình 2 năm ở Trường Đại học Văn Lang và 2 năm ở các trường đối tác Phần Lan. Chương trình đang tuyển sinh khóa 2 và bước đầu có những bước tiến đáng khích lệ.
Xem thêm: Khai giảng chương trình Giáo dục Phần Lan tại Trường Đại học Văn Lang - Chương trình Teacher Training Program trải qua chuỗi 5 lớp, kéo dài từ tháng 10 năm 2018 đến tháng 5 2019. Các khóa học được giảng dạy bởi các giáo sư Phần Lan, học viên là các giảng viên đến từ các ngành của Trường Đại học Văn Lang và Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Các khóa học tập trung vào nội dung chính là các phương pháp giảng dạy đại học tiên tiến ở Phần Lan, gây được sự quan tâm, chú ý và thích thú từ đội ngũ giảng viên được tham dự training.
Sau khóa học, website Trường Đại học Văn Lang đã nhận được nhiều chia sẻ, cảm ơn của đội ngũ giảng viên tham gia khóa đào tạo. Tất cả những cảm nhận này đều là những lời cảm kích gửi đến các giáo sư Phần Lan và sự hào hứng vì đã áp dụng thành công các phương pháp giáo dục tiên tiến.
"Với tôi, trải nghiệm tại lớp học trong chương trình Phần Lan là một cơ hội lớn, giúp tôi hiểu sâu sắc hơn triết lý của một nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới. Bản thân tôi đã áp dụng một số phương pháp giảng dạy vào lớp học và cảm thấy rất mới mẻ, thú vị, sinh viên dường như cũng chủ động và hào hứng với bài giảng hơn. Tôi rất ấn tượng với cách các giảng viên Phần Lan chuẩn bị tài liệu cho mỗi buổi học, tận tụy, chu đáo và tỉ mỉ đến từng chi tiết, điều mà có lẽ tôi chưa từng làm được trong suốt quá trình giảng dạy của mình. Tôi cảm thấy cần cố gắng học hỏi nhiều hơn nữa để hoàn thiện bản thân mình. Điều tôi thích nhất ở khóa học là chúng tôi có cơ hội giao lưu với các anh chị đồng nghiệp khác trong trường để lắng nghe và chia sẻ quan điểm dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Hoạt động ấn tượng nhất với tôi là khi chúng tôi được luân phiên đóng vai nhà tham vấn tâm lý, chúng tôi dường như quên mất việc đang phải thực hiện một hoạt động do giảng viên đề ra. Thay vào đó, chúng tôi tâm sự thật lòng về chính vướng mắc trong cuộc sống, công việc và tình cảm của mỗi người, để nhận lại được những lời sẻ chia, tư vấn rất đỗi chân thành. Tuy khóa học đã kết thúc, nhưng với tôi, nó là cột mốc cho một khởi đầu mới, khi chúng tôi có thể cùng nhau ngồi lại để bắt đầu những dự án mới trong tương lai, để cùng nhau trải nghiệm và trưởng thành hơn trong cuộc sống lẫn công việc. Cảm ơn nhà trường đã quan tâm tới giảng viên và tạo điều kiện để chúng tôi có được cơ hội này."
"Xin gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia trong chương trình Teacher Training Programme. Chúng tôi đã được cập nhật rất nhiều thông tin hữu ích về phương pháp giảng dạy đại học Phần Lan cũng như vai trò của người giảng viên ở bậc giáo dục đại học. Được cùng thảo luận với các chuyên gia và giảng viên của Đại học Văn Lang đã giúp chúng tôi có thêm nguồn cảm hứng không chỉ trong công tác giảng dạy mà còn đồng hành cùng sinh viên trên con đường phát triển bản thân của các em. Xin chân thành cảm ơn."
"Trải qua bốn khóa học thuộc “Teacher Training Program” được tổ chức bởi Trường Đại học Văn Lang và các tổ chức từ Phần Lan đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức cũng như kỹ năng hữu ích để phục vụ cho việc giảng dạy của mình. Những kiến thức học được từ khóa học này đã được tôi áp dụng vào các bài giảng của mình và các sinh viên trong lớp tôi rất hào hứng và thích thú.
Chân thành cảm ơn Trường Đại học Văn Lang và các trường Đại học từ Phần Lan đã tổ chức một khóa học rất bổ ích cho giảng viên. Cảm ơn Trường Đại học Văn Lang đã tạo điều kiện cho giảng viên từ trường khác như tôi đến tham gia và học hỏi. Hy vọng chúng ta sẽ có nhiều cơ hội học hỏi hơn nữa trong tương lai. Chúc Văn Lang ngày càng phát triển và đạt nhiều thành công mới. Chúc nền giáo dục của chúng ta có được những sự thay đổi tích cực rõ rệt!"
Ngô Lê Uyên - Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng
"Cảm ơn "Teacher Training Program 2018-2019" đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp, nơi đây tôi có cơ hội trao dồi kỹ năng sư phạm, học hỏi các Thầy Cô siêu dễ thương và làm bạn với nhiều đồng nghiệp cực kỳ dễ mến. Hy vọng VLU sẽ tiếp tục có những chương trình bổ ích cho giảng viên như thế này."
Phạm Thị Như Quỳnh - Khoa Tài chính Kế toán Trường Đại học Văn Lang
"Tham gia Chương trình Phần Lan là cơ hội giảng viên ngẫm nghiệm công việc của mình trong bối cảnh cụ thể của trường cũng như môi trường giáo dục có nhiều chuyển biến. Cám ơn các Thầy Cô Chương trình Phần Lan đã chia sẻ tận tình các kiến thức, phương pháp. Tôi tin rằng đây là điểm khởi đầu cho những thay đổi hữu ích trong công việc của tôi và các đồng nghiệp."
Hoàng Hoa Sơn Trà - giảng viên Khoa Tài chính Kế toán Trường Đại học Văn Lang
" Khóa học về Counselling và Work life Oriented Learning Environment đã hoàn thiện chương trình Teacher Training của Phần Lan từ tháng 11/2018 đến nay, thành một chương trình vừa cung cấp đầy đủ những khái niệm về môi trường đại học tân tiến, cung cấp những công cụ hữu ích cho dạy học và quản lý sư phạm vừa đem đến những trải nghiệm cùng cảm xúc sâu sắc cho người học.
Cũng như trong mọi lớp học bình thường, kết quả của mỗi người đạt được sẽ không giống nhau. Nhưng chắc chắn đây là một lớp học vô cùng có sức hút và thành công về mặt phương pháp. Bởi vì rất nhiều người ban đầu đến lớp chỉ vì tò mò và đã ở lại đến cuối cùng vì sự thú vị và ý nghĩa mà nó mang lại.
Đầu tiên, thú vị ở không khí mà Mika và Petjia tạo ra trong lớp học. Như lời hai thầy nói, họ đến không phải để dạy, họ đến để trao đổi, để lắng nghe và trò chuyện và cả để học từ chúng tôi, nên lớp học lúc nào cũng vô cùng thoải mái.
Thú vị ở những cánh cửa mà thỉnh thoảng chúng tôi được chọn để bước vào, như cách bước vào một cuộc trò chuyện, hay xa hơn, đó là cách chúng tôi đối diện cuộc sống, công việc. Chúng tôi nhận ra mình có muôn vàn tâm trạng, sắc thái, ý nghĩ và cả cảm xúc. Chúng tôi rất tự nhiên đem những màu sắc ấy vào tất cả mọi việc của đời sống như giảng dạy, nói chuyện với sinh viên, ứng xử với người thân, đồng nghiệp, với khách hàng...
Và rồi thú vị hơn khi Mika để chúng tôi tự khám phá ra mình không hoàn thiện đến mức nào. Chúng tôi được đặt vào nhiều vai trò khác nhau, nhìn vào những khía cạnh khác nhau của cùng một sự việc và xấu hổ khi thấy chính mình cũng không tránh khỏi những "cái bẫy" của sự trì hoãn, sự ngạo mạn, sự thờ ơ, sự không thông hiểu...
Giống như với 14 năm đi dạy của mình, tiếp xúc với rất nhiều sinh viên, tôi nghĩ mình đủ hiểu các em và có lời giải cho hầu hết những khó khăn hay vướng mắc của các em, cả chuyện học hành cho đến gia đình, riêng tư. Nhưng hóa ra, tôi chưa bao giờ biết lắng nghe đúng cách, chưa bao giờ thực sự quan tâm các bạn có thay đổi không sau lời khuyên của tôi hay sự thay đổi ấy đã diễn ra như thế nào.
Thú vị cuối cùng chính là cách mà chúng tôi nhận ra những thay đổi đang diễn ra trong chính mình. Để sau mỗi buổi học, chúng tôi không kiềm được lòng mình, phải nói với nhau về sự thay đổi ấy, và phải hành động. Trước tiên với bài viết này và sau đó là một đề tài nghiên cứu khoa học về tư vấn học đường tại Văn Lang.
Đó là những kết quả thiết thực nhất, mở đầu cho những thay đổi lớn hơn sau này.
Trong những ngày tháng mà công trường cơ sở 3 đang tấp nập ngoài kia, Văn Lang đang chuyển mình mạnh mẽ và khao khát xây dựng thương hiệu lớn mạnh hơn bao giờ hết, những người thầy - người bạn Phần Lan hỏi chúng tôi rằng mình phải làm gì để lớn lên, để phát triển. Câu hỏi đến sau 3 ngày chúng tôi được nhìn sâu vào chính mình, để thấy sự trở mình của bản thân. Thật là đúng lúc!
Không có sự khó khăn nào bằng việc ứng xử với con người: lắng nghe, trò chuyện, chất vấn, hỏi, trả lời, thấu hiểu, tranh cãi, khuyến khích, an ủi, truyền cảm hứng, tìm cách, mở lối đi... Và cũng không có sức mạnh nào to lớn bằng sức mạnh của con người. Nếu mỗi cá nhân đều vận động để phát triển và các cá nhân đó đều biết lắng nghe, biết dựa vào sức nhau, biết nhìn về một phía, thì sợ gì tập thể không phát triển?!
Chúng tôi là những người may mắn đã theo chương trình này đến cùng và chúng tôi đang thay đổi, đang hành động, từ những điều nhỏ nhất trong chính cuộc sống của mình cho đến những việc làm có ảnh hưởng rộng lớn hơn. Hy vọng có nhiều người hơn bước ra khỏi sự trì hoãn để tham gia chương trình này hoặc bất kỳ khóa học nào khác để cùng cảm nhận được sức mạnh của việc THAY ĐỔI, của bản thân và của cả ngôi trường mà chúng ta đang đồng hành: Văn Lang."
-----------------------------------------
Trong những bước chuyển mình mạnh mẽ của Trường Đại học Văn Lang, đội ngũ giảng viên đóng vai trò vô cùng quan trọng để hình thành văn hóa học đường và xây dựng chất lượng đào tạo, uy tín thương hiệu. Các chương trình bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên sẽ tiếp tục được triển khai, là cơ hội cho giảng viên Văn Lang làm mới chính mình và truyền tải năng lượng tích cực cho sinh viên. Đây cũng là những bước đi cơ bản trong lộ trình cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Văn Lang hướng đến nền giáo dục tiên tiến, hội nhập quốc tế.
Kiều Oanh (tổng hợp)