TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Văn học ứng dụng và những nghề nghiệp triển vọng trong xã hội hiện đại

(TS&TT - Văn Lang, 27/7/2019) - Khơi dậy tiềm năng, cá tính sáng tạo của người học; khai thác ý tưởng marketing, xây dựng thương hiệu một cách ấn tượng, nhân văn; xây dựng mô hình kinh doanh nghệ thuật độc đáo… - những định hướng nghề nghiệp thiết thực đó là điểm đặc biệt, mới mẻ của ngành Văn học ứng dụng Trường Đại học Văn Lang.

Văn chương là những thứ mông lung, không thực tế, nên học Văn chẳng để làm gì? Đó là một suy nghĩ SAI LẦM. Học Văn cho bạn nền tảng để thực hiện hiệu quả những công việc liên quan tới con người, mà nếu khéo léo vận dụng bạn sẽ trở thành người giàu ý tưởng độc sáng, có thể dẫn dắt tư tưởng và ý muốn của người khác, của cộng đồng.

Ai có thể ứng dụng Văn học? Bất cứ ai. Nhưng để thâm nhập, đi trước, dẫn đầu xu hướng ứng dụng văn học nghệ thuật vào các lĩnh vực kinh tế liên ngành, bạn cần trải qua đào tạo bài bản, được dẫn dắt ý tưởng và thực hành các đồ án, dự án có tính thực tiễn cao.

Mọi lĩnh vực nghề nghiệp đều có thể vận dụng thế mạnh Văn học ở phương diện này hay phương diện khác. Ba hướng ứng dụng Văn học thành công nhất trong kinh tế hiện đại và cũng đang được ngành Văn học ứng dụng Trường Đại học Văn Lang triển khai đào tạo là: nghệ thuật học, quan hệ công chúng và truyền thông.

vlu a


 Nghệ thuật học

Nghệ thuật học là lĩnh vực gần gũi, gắn bó mật thiết với Văn học. Ngày nay Văn học cũng như các lĩnh vực nghệ thuật khác đều phát triển mạnh theo hướng thương mại hóa. Với hướng ứng dụng văn học vào nghệ thuật, sinh viên được trang bị kiến thức về sân khấu Việt Nam và sân khấu phương Đông, điện ảnh và phê bình điện ảnh, thực hành kỹ thuật viết hoàn thiện các loại kịch bản sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình (có thể bấm máy quay ngay được); kỹ thuật chuyển thể tác phẩm văn học sang các loại hình nghệ thuật khác, quản trị nghệ thuật, phát triển mô hình kinh doanh nghệ thuật thời công nghệ.

vlu van hoc xu huong hien dai aMột giờ học diễn kịch của sinh viên ngành Văn học ứng dụng Trường Đại học Văn Lang

vlu b
  Quan hệ công chúng

Hướng ứng dụng Văn học vào Quan hệ công chúng giúp sinh viên khai thác, thể hiện ý tưởng xây dựng, quảng bá thương hiệu. Storytelling marketing là một dẫn chứng tiêu biểu cho xu hướng ứng dụng Văn học vào quảng cáo, xây dựng thương hiệu được nhiều “ông trùm” kinh doanh sử dụng. Có thể hiểu storytelling marketing là kể chuyện về thương hiệu hoặc gắn liền với thương hiệu. Có nhiều cách để tạo câu chuyện và lan tỏa câu chuyện của mình ra cộng đồng. Cách mà một nhãn hàng lớn mong muốn là loại câu chuyện hấp dẫn, phù hợp với hóa cộng đồng và giàu tính nhân văn, thổi “hồn” thương hiệu, biến thương hiệu thành một phần của văn hóa cộng đồng, tạo nên sức sống bền vững trong kinh doanh.

Không dễ tạo ra những “storytelling” thú vị, những câu chuyện lay động, những thông điệp giá trị để truyền tải đến công chúng. Bạn cần được đào tạo bài bản kiến thức văn học liên ngành quan hệ công chúng và thực hành các kỹ năng thể hiện ý tưởng. Sinh viên học ngành Văn học định hướng ứng dụng quan hệ công chúng sẽ trải qua các học phần Thể hiện ý tưởng, Xây dựng và quảng bá thương hiệu, Nghệ thuật và kinh doanh, Xử lý khủng hoảng truyền thông, Tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật, Nghệ thuật trả lời phỏng vấn,…; thực hiện các dự án sáng tạo.

vlu van hoc xu huong hien dai bSinh viên ngành Văn học ứng dụng Trường Đại học Văn Lang được tham gia nhiều chuyên đề học thuật về xu hướng truyền thông và PR hiện đại.
Ảnh: buổi giao lưu với Giáo sư Alisa Freedman - Trường Đại học Oregon (Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Nhật Bản - về “Emoji và culture literacy” (biểu tượng cảm xúc và ký hiệu văn hóa), 01/11/2018.

vlu c
Báo chí  - truyền thông

Báo chí - truyền thông là ngành gần gũi với Văn học. Thực tế, những người học Văn học đều có thể nhanh chóng thích nghi với nghề báo chí - truyền thông. Ứng dụng Văn học vào truyền thông là con đường phát huy lợi thế “văn hay chữ tốt”, giàu ý tưởng và tinh thần nhân văn cao đẹp của văn chương nghệ thuật, giúp người học “đi nhanh” và “đi xa” hơn trong lĩnh vực này. Những loại hình truyền thông vốn phát huy tối ưu thế mạnh người học Văn học ứng dụng là: phỏng vấn sâu, phóng sự, viết kịch bản phim tư liệu, xây dựng ý tưởng và quản trị chương trình truyền thông nghệ thuật,…

vlu van hoc xu huong hien dai cSinh viên ngành Văn học ứng dụng Trường Đại học Văn Lang thực hành kỹ năng dẫn chương trình (MC)


Ngành Văn học ứng dụng - cách đào tạo “ứng dụng”

Lộ trình đào tạo ngành Văn học ứng dụng đưa người học trải qua ba giai đoạn: thưởng thức (nghệ thuật), khám phá (bản thân và nghệ thuật) và vận dụng ý tưởng liên ngành. Đây cũng là hành trình người học trải nghiệm nghệ thuật, thay đổi tư duy, khám phá bản thân.

Ngành Văn học ứng dụng sử dụng các phương pháp giảng dạy mới mẻ. Hầu hết các học phần chuyên ngành sử dụng phương pháp trải nghiệm thực tiễn không gian nghệ thuật và liên ngành sân khấu, điện ảnh, truyền thông, doanh nghiệp; giảng dạy sóng đôi (một giảng viên và một chuyên gia PR/nghệ sĩ cùng dạy song song trong một buổi học, kết hợp đối thoại giữa hai giảng viên - nhóm sinh viên; phát hiện, phát triển ý tưởng độc sáng của người học); sinh viên cùng tham gia thực hiện dự án khoa học, dự quảng bá nghệ thuật/truyền thông với giảng viên, chuyên gia.

vlu van hoc xu huong hien dai dSinh viên Khóa 23 ngành Văn học ứng dụng tham quan và tìm hiểu quy trình làm báo ở Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng (07/10/2017).

Kết quả quá trình học tập được đánh giá bằng sự tiến bộ của người học qua các ý tưởng đề xuất. Cuối cùng, sinh viên đạt được trình độ: xây dựng một sản phẩm ứng dụng văn học, có tính thực tiễn cao (có thể đưa vào vận hành trong thực tiễn kinh tế, nghệ thuật). Ví dụ: kịch bản điện ảnh chuyển thể tác phẩm văn học, viết kịch bản phim quảng cáo, kể chuyện thương hiệu, xây dựng ý tưởng mô hình kinh doanh nghệ thuật,…

Tóm lại, Văn học ứng dụng là ngành đào tạo khai thác, vận dụng các thế mạnh độc đáo của văn chương nghệ thuật làm gia tăng hiệu quả sáng tạo và khả năng tương tác công chúng trong các lĩnh vực khác như nghệ thuật học (điện ảnh, sâu khấu, truyền hình,…), quan hệ công chúng, marketing (xây dựng và quảng bá thương hiệu), truyền thông, kinh doanh nghệ thuật…

Ba mục tiêu đào tạo lớn cũng là ba kết quả đạt được của người học Văn học ứng dụng là: 1) Thay đổi, phát triển tư duy xã hội và năng lực cảm thụ nghệ thuật; 2) Có phổ rộng tri thức chuyên ngành văn học và liên ngành (nghệ thuật, truyền thông, quan hệ công chúng); 3) Năng lực sáng tạo và ứng dụng văn học liên ngành nghệ thuật, truyền thông, quan hệ công chúng.

Lê Hoàng Hải Như
Giảng viên ngành Văn học ứng dụng

Trong thời đại của kỷ nguyên số, trong cơn sốt của ngành Quan hệ Công chúng - PR đầy cạnh tranh, Văn học ứng dụng là một lối đi thứ hai cho bạn. Văn học ứng dụng là "người anh em" với PR - Quan hệ công chúng, cho phép bạn chọn một lối đi riêng nơi mà ý tưởng được chuyển thành nội dung, nội dung thay đổi xã hội; giúp bạn làm việc trong một phạm vi nghề nghiệp đa dạng hơn cả ngành PR.

Trong bài nghiên cứu gần nhất, TS. Hồ Quốc Hùng - Phó Trưởng Khoa Xã hội Nhân Văn Trường Đại học Văn Lang đã viết: “Từ lâu, ta quen nếp nghĩ đến với Văn học là đi tìm cảm xúc, đồng cảm với thân phận con người qua hình tượng nghệ thuật, cao hơn là tìm tư tưởng của tác giả và các thủ pháp nghệ thuật biểu đạt của họ. Nói cách khác, chú trọng đọc và hiểu văn bản là mục tiêu chính. Nhưng nếu xét dưới nhiều góc độ khác của văn học thì sẽ thấy tác phẩm Văn học còn là một tổng hợp các tri thức, kỹ năng để xử lý vô cùng bổ ích cho người học. Nếu bố trí hợp lí các môn học sẽ tạo ra tương tác trong nhận thức, thì mỗi tác phẩm ngoài những giá trị về tư tưởng, đạo lý, nghệ thuật ngôn từ còn cho thấy vô vàn kinh nghiệm sống, các tình huống, cách ứng xử, kỹ năng thuyết phục để chuyển tải đến độc giả những thông điệp nào đó mà nhà văn muốn hướng tới.”

Văn Lang là trường tđại học tiên phong ở Việt Nam đưa Văn học (Ứng dụng) vào giảng dạy, với đội ngũ giảng viên là các tiến sĩ, thạc sĩ, nhà báo nổi tiếng: TS. Hồ Quốc Hùng (Trưởng ngành, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Tp.HCM), Nhà báo Dương Trọng Dật, GS.TS. Trần Đình Sử, PGS. TS La Khắc Hòa (nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội), TS. Nguyễn Hoài Thanh (nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Tp.HCM), Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải - "bà trùm" phỏng vấn của làng báo chí Việt Nam,...

Ngân Trần

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag