(P.TS&TT – Văn Lang, 30/7/2019) - Từ ngày 24-29/6, Trại hội nhập quốc tế về thiết kế 2019 (International Intergrated Design Camp 2019 – IIDC) được tổ chức tại Trung tâm thiết kế Hàn Quốc - Seoul. Với mục tiêu cùng cộng đồng tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn bằng những thiết kế và công nghệ đang phát triển, 1 giảng viên hướng dẫn và 2 sinh viên Trường Đại học Văn Lang đã tham gia IIDC.
ThS. Nguyễn Đắc Thái - Phó Trưởng Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang hướng dẫn trực tiếp và đồng hành cùng sinh viên Lê Thị Minh Thy và Kiều Vũ Hoàng Anh (ngành Thiết kế Đồ họa) trong 01 tuần tại Hàn Quốc tham gia IIDC 2019. Ảnh: Logo Trường Đại học Văn Lang – đại diện duy nhất của Việt Nam – hiện diện trong danh sách các trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành thiết kế nổi tiếng tham dự IIDC 2019.
IIDC 2019 được tài trợ bởi Bộ Thương mại, Công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc (MOTIE), cung cấp cho giảng viên và sinh viên trong các ngành thiết kế, công nghệ và kỹ sư một môi trường để hợp sức tạo ra những sản phẩm thiết kế ấn tượng, phục vụ cộng đồng. Chủ đề của IIDC 2019 là “Hướng tới hội nhập: những thành phố thông minh và bền vững”. Sinh viên tham gia IIDC được kì vọng sẽ đạt được khả năng phát triển các giải phát thiết kế cho một tương lai vị nhân sinh, bền vững và sinh thái; tiếp nhận công nghệ đang phát triển trong công việc, trong một cấu trúc đa văn hóa và gồm nhiều ngành học thuật.
Ban tổ chức IIDC 2019 gồm những đơn vị đại học hàng đầu trong ngành Mỹ thuật công nghiệp: Viện Xúc tiến thiết kế Hàn Quốc, Trường Đại học Hanseo, Trường Đại học Quốc gia Seoul về khoa học và công nghệ, Học viện Quốc gia Ulsan về khoa học và công nghệ (UNIST), Trường Đại học Kookmin, Trường Đại học Bách khoa Hàn Quốc, Trường Đại học Yonsei.
Sau buổi Lễ khai mạc, Ban tổ chức giới thiệu cấu trúc của IIDC 2019 gồm 13 nhóm và 4 chủ đề: Connectivity (Kết nối), Moblility (Chuyển động), Productivity (Năng suất) và Security & Safety (An toàn). Với sự hướng dẫn của 13 giảng viên quốc tế, tất cả sinh viên các nhóm đều tiến hành các dự án thiết kế theo quy trình làm việc kiểu “kim cương đôi”, qua các bước: nghiên cứu, tổng hợp, phát triển ý tưởng, thành phẩm và thuyết trình. Ban Lê Thị Minh Thy chia sẻ: “Mô hình làm việc giúp em nghĩ ra nhiều ý tưởng hơn rất nhiều so với cách làm việc cảm tính phổ biến ở Việt Nam. Ở trường Văn Lang, những bạn nào thường tham gia workshop của Khoa tổ chức thì cũng quen với cách làm việc này.”
Kết quả làm việc sau 1 tuần ở IIDC 2019 sẽ là một sản phẩm phù hợp với chủ đề, hướng tới thành phố thông minh và bền vững. Sản phẩm được đánh giá về mặt thiết kế và công năng, được trình bày ở dạng thực thể hoặc mô hình máy tính; và được thuyết trình trước Hội đồng IIDC vào ngày cuối cùng của sự kiện.
BABOOM – VÒNG TAY THÔNG MINH CHO BÀ MẸ SAU SINH
Đây là sản phẩm của nhóm C3, do sinh viên Kiều Vũ Hoàng Anh (Trường Đại học Văn Lang) cùng 06 sinh viên nước ngoài thực hiện, gồm: Jeanne Cottin (Trường Thiết kế Strate), Kim Dongju (Trường ĐH Hanseo), Kim Namkyun và Lee Ju Hae (Trường ĐH Hongik), Park Seungtae (Trường ĐH Kookmin), Yong ZiFong (Trường ĐH quốc gia Singapore). Nhóm được giáo sư Bora Shin (Trường Cao đẳng thiết kế ArtCenter, Mỹ) hướng dẫn; ông là Cựu trưởng bộ phận thiết kế chiến lược của thị trưởng Los Angeles, Cựu Giám đốc sáng tạo của Verynice - Los Angeles, Cựu trưởng bộ phận thiết kế tại UNICEFF - New York.
Nhóm bắt đầu với câu hỏi “Làm sao chúng ta có thế thiết kế cho số đông chưa thế kết nối internet? và “Làm sao chúng ta có thể thiết kế một hệ thống hỗ trợ người phụ nữ tái hòa nhập môi trường làm việc sau khi sinh?”. Ý tưởng hình thành khi nhóm đặt mình vào vị trí người mẹ sau sinh để vạch ra “những điểm khó chịu nhất” trong lịch trình sinh hoạt một ngày của cô ấy: lo lắng cho con khi ở chỗ làm; căng thẳng khi một mình phải chịu trách nhiệm chăm sóc con nhỏ; không thể nghỉ ngơi đầy đủ vì phải chăm em bé vào buổi tối…
Từ đây, nhóm của Hoàng Anh đưa ra các phác thảo cho sản phẩm vòng tay thông minh BABOOM, với những tính năng nổi trội:
- Luôn giám sát nhịp tim để kiểm tra sức khỏe của bé mọi lúc mọi nơi.
- Những dữ liệu về chu kì giấc ngủ của bé đều được hiển thị trên app Baboom.
- Phát ra chuông báo ngay lập tức khi bé cần được chăm sóc.
Sản phẩm thông minh BABOOM có thể phân chia trách nhiệm chăm sóc trẻ giữa bố và mẹ để người mẹ yên tâm quay lại làm việc sau khi sinh; bởi cả bố và mẹ đều được theo dõi tình trạng của con mình ở nhà qua App Baboom trên điện thoại.
Vòng tay BABOOM làm bằng nhựa y tế không gây dị ứng TPU, được thiết kế cho cả gia đình với 3 kích thước và 3 màu: xanh thiên thanh cho bé, màu cam tươi cho mẹ và màu xanh ô liu cho bố. Sản phẩm có 3 trục gia tốc đo nhịp tim và chuyển động của bé, nhiều đèn LED với các màu sắc khác nhau để thông báo, chống thấm nước và có tuổi thọ pin cao phù hợp cho một ngày dài của bố mẹ tại nơi làm việc.
Với vòng tay thông minh BABOOM và app tải sẵn trong điện thoại, bố mẹ có thể được thông báo ngay những thay đổi bất chợt trong cử động hay nhịp tim, chu kỳ ngủ, hay tâm trạng tức thì của bé. Ngay cả khi em bé đói, vòng tay sẽ báo hiệu để bố mẹ tới bên bé ngay.
Vòng tay BABOOM cũng hỗ trợ chăm sóc người mẹ sau sinh tốt hơn, khi giúp bố mẹ kiểm soát và duy trì một chu kì ngủ lành mạnh hơn cùng nhau, phân chia thời gian chăm sóc bé một cách công bằng. Trong trường hợp người mẹ cần ngủ nhiều hơn, người bố sẽ được đánh thức bởi âm báo rung của Baboom để dậy chăm sóc cho bé, không có âm thanh nào phát ra nên không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của người mẹ.
Nhóm C3 của Kiều Vũ Hoàng Anh đã thức trắng đêm cuối cùng để hoàn thành bản thuyết trình sản phẩm. Bạn chia sẻ: “Worshop IIDC 2019 đã mở ra một chân trời hoàn mới cho em. Em không những được gặp gỡ các giảng viên hướng dẫn dày dặn kinh nghiệm làm việc với các công ty hàng đầu thế giới mà còn được kết bạn và làm việc chung với các anh chị nghiên cứu sinh tài năng. Trong 8 ngày workshop, nhờ có các thầy cô và các anh chị trong workshop, em đã trưởng thành hơn rất nhiều trong cả cách suy nghĩ và làm việc. Sau khi được trải qua một môi trường làm việc quốc tế chuyên nghiệp, em nhận ra những yếu tố tất yếu dẫn đến làm việc nhóm hiệu quả chính là tinh thần trách nhiệm và thái độ làm việc. Đó là những bài học vô cùng quý giá khi đi làm sau này”.
LIGHT HOUSE – We will save you!
Với chủ đề “Urban Nomad”, nhóm của Lê Thị Minh Thy phải tìm ra phương pháp đảm bảo an toàn cho người dân nhập cư. Chọn khảo sát Gosiwon – một khu nhà ở được chia ra từng phòng cho thuê, tuy giá rẻ nhưng phòng rất nhỏ chỉ dùng để ngủ; nhóm đã quyết định chọn ý tưởng đèn báo động với phần mềm cảm ứng nhiệt có thể tạo ra vòng tròn ảo trên tường. Khi gặp nguy hiểm, người dân chỉ cần chạm vào vòng tròn, hệ thống báo động sẽ thông báo cho quản lý khu nhà và cảnh báo hàng xóm qua App điện thoại.
Tập trung vào cách làm việc theo mô hình nhóm hiệu quả, Minh Thy cho biết các bạn sinh viên trong nhóm đều học được rất nhiều điều bổ ích: “Cách mọi người làm việc ở đây rất thú vị, giảng viên hướng dẫn hầu như không nhúng tay vào những việc mà tụi em làm. Giảng viên chỉ hỗ trợ những phần khó về kỹ thuật, góp ý phát triển ý tưởng hoặc đưa ra lời khuyên, câu hỏi khi tụi em đi vào ngõ cụt; còn lại hầu như bản thân tụi em tìm hiểu. Đặc biệt, khi làm xong việc tụi em mới nghỉ ngơi, năng suất làm việc của mọi người rất cao, rất đáng học hỏi.”
Từ kết quả quá trình nghiên cứu và tổng hợp thông tin, các thành viên trong nhóm liên tục tung ra và lựa chọn ý tưởng, phác thảo sketch. Minh Thy chia sẻ: “Tối 27/6, sau khi về khách sạn nghỉ ngơi 30 phút, mọi người lại tập trung dưới tầng hầm khách sạn. Thật bất ngờ khi em cũng gặp được nhiều nhóm khác ở đây. Mọi người cùng nhau làm việc, tranh luận rất là nhộn nhịp. Những con người từ khắp nơi trên thế giới ngay tại giờ phút này có thể ngồi làm việc cùng nhau mà không có sự bốc đồng nào thì quả là kỳ diệu.”
Sinh viên các nhóm tự tin thuyết trình về dự án thiết kế. Một số nhóm thuyết trình xong thì ra thẳng ghế sofa nằm ngủ. Hình ảnh đó làm Minh Thy nhớ đến sinh viên Mỹ thuật Văn Lang sau mỗi lần nộp bài xong thì lăn ra ngủ ngon lành.
Trại Hội nhập quốc tế về thiết kế IIDC 2019 gắn kết rất nhiều sinh viên quốc tế các ngành thiết kế, vừa là môi trường học tập lý tưởng để phát huy những tài năng mỹ thuật, vừa là sân chơi để sinh viên giao lưu văn hóa, hội tụ bản sắc từ khắp các vùng đất khác nhau trên thế giới. Trải nghiệm của Hoàng Anh và Minh Thy tại IIDC 2019 chính là động lực lớn để sinh viên Văn Lang cố gắng học tập và trau dồi ngoại ngữ, tiếp cận những cơ hội học tập quý báu.
Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang đã đặt quan hệ hợp tac với các trường thiết kế của Hàn Quốc từ nhiều năm qua. Trên cơ sở đó, Khoa luôn chú trọng tìm kiếm những cơ hội trải nghiệm quý giá cho sinh viên, từ các triển lãm, workshop, giao lưu, cuộc thi và giải thưởng... Trong kỳ sau của bài viết này, website Trường Đại học Văn Lang sẽ có bài phỏng vấn ThS. Nguyễn Đắc Thái - Phó Trưởng Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, người trực tiếp hướng dẫn sinh viên tại IIDC 2019, về những thành tựu và dự định phát triển các ngành Mỹ thuật Công nghiệp Văn Lang từ cơ hội hợp tác với Hàn Quốc.
Tuệ Khánh tổng hợp
Nguồn: Minh Thy, Hoàng Anh