(P.TS&TT – Văn Lang, 21/8/2019) - Sáng ngày 27/8/2019, Hội thảo “Đối thoại doanh nghiệp Pháp – Việt” do Tổ chức Pháp ngữ AUF và Trường Đại học Văn Lang đồng tổ chức tại sảnh tầng 6, tòa nhà LV, Cơ sở 3 (69/68 Đặng Thùy Trâm, P.13, Q. Bình Thạnh, Tp.HCM).
Để ứng tuyển dự án AUF năm 2018, Trường Đại học Văn Lang xây dựng Dự án “Tăng cường sự “tương tác đa chiều chuyên nghiệp” thông qua đối thoại Trường Đại học Văn Lang – các doanh nghiệp” để phục vụ mục tiêu xây dựng một mô hình đối thoại mới “tương tác” với các đối tác (có yếu tố nước ngoài); “đa chiều” trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, tự nhiên, xã hội; “chuyên nghiệp” trước đòi hỏi của thị trường lao động và đem lại hiệu quả cao. Mô hình này kỳ vọng giúp sinh viên cải thiện nội lực bản thân, điều chỉnh và bổ sung kỹ năng cần thiết trong quá trình đào tạo.
Mô hình “tương tác đa chiều chuyên nghiệp” thông qua đối thoại là một chuỗi hoạt động được xây dựng theo 3 giai đoạn. Hội thảo “Đối thoại doanh nghiệp Pháp – Việt” sáng ngày 27/8/2019 là sự kiện khởi đầu giai đoạn 1 của Dự án. Buổi đối thoại “tương tác đa chiều chuyên nghiệp” giữa Nhà trường với các doanh nghiệp/ tổ chức kinh tế - xã hội nhằm đánh giá tổng quan về nguồn nhân lực, ngành nghề đào tạo, công tác giáo dục, nhu cầu thị trường lao động và các kỹ năng cần đào tạo cho sinh viên.
Trong phiên khai mạc, bà Anna Nguyễn Thị Bích Hằng - Tổng Giám Đốc Action Coach CBD Firm trình bày tham luận “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu trong tuyển chọn nhân lực của doanh nghiệp”. Bà đề cập đến 03 yếu tố quan trọng nhất trong phỏng vấn tuyển dụng: KIẾN THỨC (chiếm 4%), KỸ NĂNG (26%) và quan trọng nhất là THÁI ĐỘ (70%).
Sau phiên Khai mạc, các đại biểu chia 3 Tiểu ban tham gia tọa đàm chuyên sâu. Mỗi Tiểu ban sinh hoạt học thuật trong một không gian riêng, với các chủ đề chuyên biệt phù hợp tính chất ngành đào tạo. Các bạn sinh viên cũng tham gia đông đảo để nghe chuyên gia trình bày tham luận và đặt câu hỏi học tập.
(1) Tiểu ban Môi trường - Sinh học: chủ đề “Cơ hội và thách thức – Giải pháp cấp bách đáp ứng nhu cầu ngành” (phòng họp Hoàng Sa 2, lầu 6)
(2) Tiểu ban Kinh doanh – Tài chính – Du lịch: chủ đề “Thách thức và giải pháp đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngành Kinh doanh – Tài chính – Du lịch” (sảnh Thư viện, lầu 6)
(3) Tiểu ban Kiến trúc – Xây dựng: chủ đề “Cơ hội và thách thức đối với sinh viên trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” (phòng Khánh tiết, tầng trệt)
Tổng kết từ 3 Tiểu ban, 29 doanh nghiệp, 3 tổ chức - đoàn thể, 86 giảng viên – nhân viên và 271 sinh viên Văn Lang đã tham dự tọa đàm nghiêm túc. 11 tham luận đã được trình bày và đóng góp ý kiến giá trị cho kết luận của Hội thảo. Từ các trao đổi trực tiếp của sinh viên Văn Lang, có thể thấy các bạn mong muốn tìm kiếm cơ hội làm việc trong các môi trường quốc tế. Đó là động lực để Nhà trường tiếp tục cải tiến chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế của người học và thị trường.
Từ Kết luận của Hội thảo, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng đặt ra công việc cho các Khoa, phòng, trung tâm chức năng cần triển khai thời gian tới: (1) Phối hợp doanh nghiệp xây dựng chương trình định vị bản thân; (2) Tổ chức chương trình truyền cảm hứng nghề nghiệp; (3) Nâng cao kỹ năng cho sinh viên; (4) Tiếp tục triển khai đào tạo BIM; (5) Tổ chức chương trình nâng cao khả năng sử dụng Tiếng Anh cho sinh viên; (6) Hợp tác với doanh nghiệp tổ chức DACUM phục vụ năng lực ngành đào tạo.
Hội thảo “Đối thoại doanh nghiệp Pháp – Việt” hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án “Tăng cường sự “tương tác đa chiều chuyên nghiệp” thông qua đối thoại Trường Đại học Văn Lang – các doanh nghiệp”. Kết quả đạt được từ Hội thảo là cơ sở để Văn Lang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ giai đoạn 2, giai đoạn 3 với trọng tâm: đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên (tháng 9, 10/2019) và Hội chợ việc làm (tháng 11/2019).
Tuệ Khánh – BP.
Ảnh: Nguyễn Linh