(P.TS&TT – Văn Lang, 04/9/2019) - Sáng ngày 03/9/2019, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Ngày thiết kế Ý tại Việt Nam 2019" và hướng đến Diễn đàn giáo dục Italia – Việt Nam (tháng 10/2019) do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tổ chức, Trường Đại học Văn Lang phối hợp cùng Lãnh sự quán Ý, Đại học Vernice (IUAV Vernice), Tổ chức SCE Project Asia và Trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM tổ chức Hội thảo khai mạc Workshop “Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế” tại Cơ sở 3 (69/68 Đặng Thùy Trâm, P.13, Q. Bình Thạnh, Tp. HCM).
Workshop Kiến trúc “Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế: Tp. Hồ Chí Minh - đô thị thông minh và văn hóa” nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày thiết kế Italia ở Việt Nam lần thứ 3, không chỉ kỉ niệm 46 năm Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Italia (1973 – 2019) mà còn là cầu nối hữu nghị, hợp tác song phương của hai nước trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế - thương mại, giáo dục – đào tạo, trong đó có vấn đề đang cấp thiết là bảo tồn di sản văn hóa.
Hội thảo khai mạc Workshop “Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế” quy tụ được các diễn giả uy tín:
- KTS. Luigi Croce – Giám đốc và Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sư Venice, Đại học Venice (IUAV)
- Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng
- KTS Luigi Campanale, Giám đốc điều hành (CEO) SCE Project Asia
- TS. KTS. Nikhil Joshi – Đại học Quốc gia Singapore
- KTS. Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Tp.HCM
- TS. Vũ Thị Hồng Hạnh – Phó Trưởng Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM
Đông đảo lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang cũng tham dự Hội thảo: Ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, TS. Nguyễn Cao Trí – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, TS. Nguyễn Đắc Tâm – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng, ThS. Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực, TS. Đỗ Phú Hưng – Trưởng Khoa Kiến trúc.
Có 06 tham luận của các chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước được trình bày tại Hội thảo. Với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh – thành phố thông minh và đô thị văn hóa”, các diễn giả đã thảo luận, đặt vấn đề nghiên cứu, tiếp cận các di sản và quy hoạch thành phố trong bối cảnh hiện nay; định hướng hành động cụ thể, tập trung vào công tác quản lý, tu bổ tôn đạo, bảo tồn di sản văn hóa, nhằm giải quyết thoả đáng mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, giữa bảo tồn và phát triển. Nhiều vấn đề của bảo tồn di sản đã được đưa ra thảo luận như “làm mới hay phục hồi” di sản trong bối cảnh kinh tế hiện đại; những yêu cầu cần thiết của công tác bảo tồn trong xã hội hiện nay; những giải pháp bảo tồn mới nhằm đảm bảo cân bằng giữa giá trị lịch sử và đô thị hóa; làm thế nào để áp dụng kinh nghiệm nước ngoài cho hợp lý,…
Các tham luận trình bày tại Hội thảo khai mạc Workshop "Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế: Tp. Hồ Chí Minh - thành phố thông minh và đô thị văn hóa", 03/9/2019:
1. KTS. Luigi Croce, “Cách tiếp cận của Ý đối với các công trình Di sản và Quy hoạch đô thị”
2. TS. Đỗ Phú Hưng, “Áp dụng tiêu chí bảo tồn di sản thế giới vào Việt Nam và những trường hợp điển hình”
3. TS. Nguyễn Anh Tuấn, “Tầm quan trọng của các công trình Di sản trong quy hoạch của Tp.HCM tương lai”
4. TS. Nikhil Joshi, “Bảo tồn các khu di sản thế giới: những nghiên cứu điển hình từ Đông Nam Á”
5. TS. Vũ Thị Hồng Hạnh, “Tổng quan về di sản kiến trúc tại Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh trước thế kỷ 20”
6. Ông Trần Ngọc Chính, “Nỗ lực của Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam trong việc phát triển giá trị di sản văn hóa”
Tham gia Hội thảo “Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế”, KTS. Luigi Croce, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sư Venince đã chia sẻ cụ thể về áp lực của sự phát triển theo xu hướng hiện đại và quá trình đô thị hóa: “Những di sản kiến trúc luôn phải đối mặt với tình trạng đe dọa bị tháo dỡ hoặc phá bỏ; những công trình kiến trúc xưa cũ đã giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh ký ức đô thị và tạo nên bản sắc riêng cho từng thành phố. Tại Ý, chúng tôi đã đạt được những thành công trong việc bảo tồn các biểu tượng kiến trúc lịch sử thông qua việc điều chỉnh các công trình kiến trúc ấy cho phù hợp với nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Với những kinh nghiệm có được từ các dự án bảo tồn di sản, tôi hi vọng có thể hợp tác cùng những nhà phát triển và các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể cho di sản Việt Nam giữa làn sóng phát triển mới”.
Ở tham luận thứ 2, TS. Đỗ Phú Hưng - Trưởng Khoa Kiến trúc Trường Đại học Văn Lang khái quát một số mô hình bảo tồn di sản đã áp dụng thành công trên thế giới. Nhìn lại các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam cũng được ghi vào danh mục di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, TS. Đỗ Phú Hưng nhận định: "Một trong những thách đố của Việt Nam hiện nay là chạy đua với thời gian để bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử trong bối cảnh các áp lực của phát triển đô thị, kinh tế và công nghiệp. Bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình phát triển đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ và khả năng linh hoạt vận dụng các nguyên tắc khoa học để lựa chọn phương án xử lý thích hợp cho từng di tích cụ thể. Cần giới thiệu những di sản văn hóa và thiên nhiên tại TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ những kiến trúc cổ còn tồn tại, để giúp TP. Hồ Chí Minh vừa trùng tu vừa giữ gìn tốt, thúc đẩy việc hình thành và quản lý quy hoạch đô thị thông minh."
Việc trở thành di sản thế giới là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển mình của các di sản trong sự phát triển kinh tế nói chung và phát triển du lịch, dịch vụ nói riêng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). TS. Nikhil Joshi đến từ Đại học Quốc gia Singapore đã có những chia sẻ thú vị: “Thế nào là Di sản văn hóa thế giới? Làm thế nào để bảo tồn Di sản? Tại sao phải bảo vệ Di sản?”. Từ cách đặt vấn đề này ông đưa ra hàng loạt minh chứng cho thấy sự xuống cấp của di sản khi bị con người khai thác kiệt quệ phục vụ mục đích du lịch, tu bổ, phục chế không đúng dẫn đến những sai lầm không thể cứu chữa... Do đó, ông nhắn nhủ cần hết sức thận trọng trong việc bảo tồn di sản, phải gắn với phát triển kinh tế bền vững của cả cộng đồng; khi mà du lịch phát triển không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân ở các địa phương mà còn làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành nghề, tác động đến các di sản văn hóa.
Để có thể nhận diện tổng thể di sản kiến trúc đô thị niên đại từ cuối thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 20, TS. Vũ Thị Hồng Hạnh trình bày tham luận Tổng quan về di sản kiến trúc tại Sài Gòn, các loại hình di sản kiến trúc từ thời kỳ khởi lập và giai đoạn phát triển đầu tiên đô thị Sài Gòn, các công trình – di tích quy mô lớn, có mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng qua hoạt động liên tục và lâu dài của con người, đã từng hoặc đang có đời sống trong đô thị.
Từ đó, với góc độ quản lý phát triển di sản văn hóa của Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Ông Trần Ngọc Chính khẳng định: “Bảo tồn di sản là một công việc đòi hỏi nỗ lực từ nhiều các ban ngành, địa phương. Bảo tồn di sản không chỉ giúp phát triển kinh tế và văn hóa mà còn góp phần tăng cường bản sắc dân tộc cho quốc gia. Bằng cách bảo vệ những công trình mang tính biểu tượng, chúng ta có thể kế thừa và tiếp tục lưu truyền văn hóa của đất nước cho thế hệ tương lai cũng như tạo ra một động lực lớn cho sự phát triển của du lịch và nền kinh tế”.
Tiếp nối chuỗi sự kiện Ngày thiết kế Italia từ 03-07/9/2019 tại Trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM, nhiều hoạt động khác sẽ được tiếp tục tổ chức hướng tới kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Italia, gồm: Hội thảo Kỹ thuật (10/9/2019), Hội thảo Thương mại (11/9/2019), Diễn đàn giáo dục Việt – Ý (06-7/10/2019).
Trong đó, được sự tin tưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Trường Đại học Văn Lang sẽ đăng cai tổ chức chuỗi sự kiện Diễn đàn Giáo dục Việt – Ý tại Cơ sở 3 của Trường từ 06-7/10/2019.
Kim Ngân
Ảnh: Tình Nguyễn