(P.TS&TT – Văn Lang, 01/10/2019) – Đêm nhạc Trịnh - “Nối Vòng Tay Lớn” do Trường Đại học Văn Lang và gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn song hành tổ chức. Đây cũng là sự kiện chính thức công nhận hội trường rộng lớn tại Cơ sở 3 Văn Lang được mang danh xưng Trịnh Công Sơn - một tượng đài trong làng âm nhạc Việt Nam.
Lời hẹn tháng Tư…
Cách đây 5 tháng, sáng ngày 22/4/2019, trong chuyến thăm Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lãnh đạo Trường bày tỏ ý định được đặt tên cho Hội trường lớn là Trịnh Công Sơn. Xúc động trước thành ý này, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) và chồng bà là doanh nhân Nguyễn Trung Trực đồng ý với lời đề nghị của Trường Văn Lang.
Bà Trịnh Vĩnh Trinh bày tỏ: “Với một hội trường đẹp như vậy, tôi hy vọng một ngày nào đó, nhóm du ca Trịnh Công Sơn của chúng tôi sẽ có cơ hội biểu diễn ở đây, hát cho sinh viên trên sân khấu này.”
Kể từ tháng 5, Hội trường Cơ sở 3 đã đưa vào vận hành xuyên suốt trong đời sống học đường Văn Lang, tổ chức nhiều sự kiện lớn cấp Trường, cấp Khoa. Danh xưng “Hội trường Trịnh Công Sơn” đã trở nên gần gũi trong thói quen gọi tên của giảng viên, sinh viên Văn Lang. Tuy vậy, lời hứa với gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về một đêm nhạc Trịnh tổ chức ngay trong Hội trường Trịnh Công Sơn vẫn được Văn Lang âm thầm lên kế hoạch thực hiện.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh xúc động: “Thật vinh hạnh đối với gia đình chúng tôi – được Đại học Văn Lang chọn danh xưng Trịnh Công Sơn đặt tên cho hội trường mà chúng ta đang chứng kiến. Thực chất, đây là một trong những giảng đường đại học thuộc loại lớn nhất – hiện đại nhất – và theo tôi – đẹp nhất ở nước ta hiện nay. Thay mặt gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi xin chân thành bày tỏ lòng tri ân sâu sắc trước tình yêu, và nghĩa cử văn hóa giàu ý nghĩa này của Đại học Văn Lang.”
Hội trường đại học đầu tiên tại Việt Nam mang tên Trịnh Công Sơn
Trước chương trình âm nhạc Nối Vòng Tay Lớn, Lễ công bố tên Hội trường Trịnh Công Sơn đã diễn ra trang trọng tại mặt tiền cửa Hội trường.
Đại diện Hội đồng Quản trị, Ban giám hiệu Trường Đại học Văn Lang có Ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), TS. Nguyễn Đắc Tâm – Phó Chủ tịch HĐQT, TS. Nguyễn Cao Trí - Phó Chủ tịch HĐQT, ông Lê Ngọc Sơn - Ủy viên thường trực, Chánh văn phòng HĐQT, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng, ThS. Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực.
Đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có Bà Trịnh Vĩnh Trinh, Ông Nguyễn Trung Trực, Nhà thơ Nguyễn Duy.
Đây là tác phẩm của KTS. Hồ Thiệu Trị - Tổng giám đốc HTT Group, kiến trúc sư nổi tiếng với hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề. Nhiều người rất bất ngờ khi KTS. Hồ Thiệu Trị chính là "tổng công trình sư" thiết kế toàn bộ kiến trúc Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang. Người nổi danh với những công trình kiến trúc lớn (Tòa nhà Quốc hội, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Triển lãm và Hội nghị quốc tế TP.HCM) nay thể hiện thêm tài năng với lĩnh vực điêu khắc. Ông từng tâm sự: đôi khi tạo ra một bức tượng nhỏ nhưng thể hiện được thần thái, sự hài hòa trong hình khối và đường nét thì đó chính là tác phẩm nghệ thuật.
Với Văn Lang, bức tranh điêu khắc chân dung của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thực sự là một món quà độc đáo lưu lại tại Cơ sở 3 như một dấu ấn kỷ niệm. Sự hiện diện tác phẩm điêu khắc của một tượng đài âm nhạc Việt Nam trong không gian đại học là điều thật đặc biệt! Món quà như một minh chứng về sự nối tiếp tinh thần Trịnh Công Sơn nơi giảng đường đại học, là dấu ấn văn hoá của sinh viên và giảng viên Trường Đại học Văn Lang. Hằng năm, những sự kiện âm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ được tổ chức tại Hội trường này, nối dài tình yêu nhạc Trịnh với người trẻ.
“Một cõi đi về” - đưa nhạc Trịnh về trong không gian đại học
Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như có mối nhân duyên với học đường. Ông bắt đầu sáng tác ca khúc khi đang thời học sinh, sinh viên. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của Trịnh Công Sơn ra đời trong thời gian ông đang dạy học tại vùng đất cao nguyên (1963-1964)…
Đêm nhạc Nối Vòng Tay Lớn được thưởng thức ngay trong hội trường đại học mang tên Trịnh Công Sơn gợi nhắc chúng ta về những ngày đầu công chúng được thưởng thức nhạc Trịnh - cũng chính từ các giảng đường đại học, trong các sinh hoạt văn nghệ của giới học sinh, sinh viên. Đưa nhạc Trịnh vào không gian đại học không chỉ dừng ở việc đặt tên cho một hội trường, mà Trường Văn Lang mong muốn tinh thần nhân văn trong di sản Trịnh Công Sơn sẽ được giảng dạy cho sinh viên, được sinh viên phân tích, thấm nhuần và ứng dụng, để đơn giản là thế hệ trẻ biết cách yêu, cách sống, cách ứng xử với quê hương đất nước, với thiên nhiên, với sự sống và cái chết, để làm giàu đẹp vốn văn hóa của mỗi người.
“Từ hôm nay, chúng tôi nghĩ đến các thế hệ sinh viên Văn Lang, mỗi khi bước vào hội trường này và nhìn thấy chân dung Trịnh Công Sơn, hoặc mỗi khi nghe nhạc Trịnh, các bạn sẽ nghe với một tâm thế khác, như nghe lời tâm tình của một người thầy lớn đang hiện diện trong đời sống học đường Văn Lang.
Ngày nay, trong xu hướng phát triển toàn diện cho người học, các trường từ phổ thông đến đại học đang nỗ lực đào tạo theo phương pháp STEAM, tích hợp Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật), Math (toán học) và cả Art (nghệ thuật). Nghĩa là, bên cạnh sự ưu việt của khoa học kỹ thuật, lúc nào cũng cần bồi đắp những giá trị văn hóa, nghệ thuật, tăng cường những trải nghiệm nhân văn trong học đường.”
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tự bạch: “Với ca khúc – tôi là người tình của thiên nhiên – là người bạn của những em bé. Qua ca khúc – tôi đã đến gần – và đã đi xa những chuyện tình – đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người – và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn”. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ đi về trong cõi trần gian 62 năm, nhưng với một di sản âm nhạc đậm triết lý nhân sinh, nhạc sĩ đích thực đã sống một cuộc đời ứng với chiều kích to lớn của không gian và thời gian: “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về”.
May mắn thay, âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn luôn được gìn giữ và lưu truyền rộng rãi, nhất là trong giới trẻ, trong học đường. Tâm huyết của lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang mang nhạc Trịnh về trong không gian đại học để tiếp nối, kế thừa và nhân rộng hơn nữa âm nhạc, văn hoá và tính nhân văn, tử tế trong nhiều thế hệ sinh viên. Như TS. Nguyễn Cao Trí khẳng định: “Sẽ còn nhiều công việc cần làm, nhiều hoạt động văn hóa sẽ được tổ chức để lan tỏa điều mà chúng ta muốn hôm nay; nhưng tôi tin với sự ủng hộ của gia đình và tình yêu bất diệt với nhạc Trịnh trong thế hệ trẻ, chúng ta sẽ làm được.”
“Nối Vòng Tay Lớn” – đêm nhạc của hoài niệm và gắn kết
Trong “gia tài âm nhạc” đồ sộ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với hơn 600 ca khúc được sáng tác ở nhiều thể loại chủ đề, 17 ca khúc nổi bật đã được chọn biểu diễn trong đêm nhạc Nối Vòng Tay Lớn. Hầu hết người nghe đều biết, thậm chí thuộc lòng từng bài: Diễm xưa, Sóng về đâu, Ta thấy gì đêm nay, Hạ trắng, Còn tuổi nào cho em, Ru ta ngậm ngùi, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Ngẫu nhiên, Biển nhớ, Xin mặt trời ngủ yên, Tình xót xa vừa…
Với sự nối kết từ phía gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đêm nhạc tại Văn Lang quy tụ những ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi trong dòng nhạc Trịnh: ca sĩ Cẩm Vân, Đức Tuấn, Lân Nhã, Tấn Sơn, Hoàng Trang; Saxophonist Trần Mạnh Tuấn, Pianist Tuấn Mạnh; ban nhạc NS. Đức Thịnh & Music One. Sự xuất hiện của các ca sĩ chuyên nghiệp tạo sức hút lớn cho chương trình, với gần 2.000 khán giả trực tiếp đến Cơ sở 3, lấp kín Hội trường và ngồi theo dõi tại màn hình LED ở sảnh. Livestream toàn chương trình được phát sóng trên Fanpage Trường Đại học Văn Lang đạt hơn 20.000 lượt xem, cùng nhiều tương tác tích cực, khen ngợi từ sinh viên và phụ huynh.
Các ca sĩ, nghệ sĩ không chỉ thể hiện đẳng cấp chuyên nghiệp trong từng phần trình diễn mà còn giao lưu thân thiện cùng khán giả. Sinh viên Văn Lang không kìm được phấn khích khi cô Cẩm Vân khen ngợi Cơ sở 3 Văn Lang đẹp chuẩn quốc tế, cô rất muốn quay lại đây để hát cùng sinh viên một dịp gần nhất. Ca sĩ Đức Tuấn xuất hiện cuối chương trình mang lại nguồn năng lượng cực “sung” cho khán giả, và chính cách cổ vũ hết mình của sinh viên Văn Lang đã tạo cảm hứng trình diễn cho anh. Tài năng trẻ Pianist Tuấn Mạnh với ngón tay dạo phím đàn như “phép thuật”, mái đầu xù độc đáo; phong cách trình diễn tự tin, có phần “tinh quái” đã trở thành anh chàng được bạn trẻ Văn Lang tìm kiếm nhiều nhất sau đêm diễn…
Tháng 8/2019, nhóm nhảy LYRICÍST vừa đạt thành tích Quán quân cuộc thi Super 24 mùa thứ 8 (diễn ra tại Singapore) - cuộc thi nhảy quy mô Đông Nam Á. Biên đạo múa của nhóm - Alexander Tú là một thành viên chính thức trong gia tộc họ Trịnh, kết hôn cùng cháu gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 2016. Với tâm huyết nghiên cứu văn hóa dân tộc, yêu mến dòng nhạc Trịnh, anh Alexander Tú đã dàn dựng một tiết mục múa trên nền nhạc "Diễm xưa", vượt qua khoảng 1.000 clip của rất nhiều nhóm nhảy khác trên toàn thế giới để trúng tuyển trình diễn tại Dance Prom 2016 - ngày hội vũ đạo danh tiếng và lớn nhất nước Anh. Khán giả trong đêm nhạc Nối Vòng Tay Lớn tại Trường Đại học Văn Lang đã may mắn thưởng thức vũ đạo mãn nhãn của LYRICÍST trên nền nhạc đầy mê hoặc. Từ hát các thể loại, nhạc cụ, vũ đạo... âm nhạc Trịnh Công Sơn trở thành niềm cảm hứng bất tận để khai phá thành công trên rất nhiều địa hạt của nghệ thuật trình diễn.
-----------
Dư âm Đêm nhạc Trịnh Công Sơn - "NỐI VÒNG TAY LỚN" ngày 27/9/2019 vẫn còn vang vọng trong không gian Văn Lang, và còn rộn ràng trong lòng người Văn Lang thật lâu về sau. Với chúng ta, Hội trường Cơ sở 3 được vinh hạnh mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một niềm vui, niềm vinh hạnh không chỉ dành cho Nhà trường mà còn là một nguồn động lực to lớn thôi thúc cho mỗi thế hệ sinh viên yêu nghệ thuật luôn cố gắng, phát triển, sẵn sàng bước ra cuộc đời và sống thật tử tế.
Bích Phương
Ảnh: Minh Phương