TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Văn Lang mang Tết gắn kết cộng đồng

(P.TS&TT - Văn Lang, 16/01/2020)Những phần quà nhỏ nhưng chứa đựng nhiều tình cảm yêu thương, sẻ chia, đóng góp từ cán bộ, giảng viên và nhân viên của hệ thống giáo dục Văn Lang đã được gửi đến những hoàn cảnh kém may mắn tại mái ấm Thiên Phước và mái ấm Thiên Ân trong chuyến thiện nguyện Chung tay vì cộng đồng diễn ra vào ngày 15/01/2020.

Những đứa trẻ “may mắn” tại mái ấm Thiên Phước
(140 Đỗ Đăng Tuyến, Ấp Lô 6, Xã An Nhơn Tây, Huyện Củ Chi, Tp. HCM)

6h30 sáng, đoàn chúng tôi xuất phát từ Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang, mang theo những món quà đã được mọi người trong Trường chuẩn bị kỹ lưỡng. Cùng lúc đó, 2 chuyến xe của Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Công nghệ Sài Gòn cũng lăn bánh, bắt đầu hành trình sẻ chia vì cộng đồng.

VLU CTCD 1Đội hình xuất phát trong chuyến thiện nguyện "Chung tay vì cộng đồng" đầu năm 2020 của Trường Đại học Văn Lang

Hơn 1 tiếng đồng hồ di chuyển ra khỏi trung tâm thành phố, chúng tôi có mặt tại Mái ấm Thiên Phước - huyện Củ Chi, nơi nuôi dưỡng những trẻ em mang trong mình các căn bệnh dị tật bẩm sinh, động kinh, bại não, down…Đón chúng tôi là những gương mặt các em nhỏ tại mái ấm, ngây ngô, ngờ nghệch, nhưng vô cùng tình cảm. Mỗi khi nhìn thấy ai bước từ trên xe xuống, các em đều chạy đến ôm chầm lấy, dắt vào mái ấm như đón người thân đi xa mới về.

VLU CTCD 2Vừa bước xuống xe, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang đã được các em nhỏ chạy lại ôm chầm và dẫn vào mái ấm.

Sau khi sắp xếp các phần quà đã được chuẩn bị từ trước, gồm quần áo, sữa, mì tôm, đồ chơi và một ít bánh mứt cho các em vui chơi ngày Tết, chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện với sơ Chi, người phụ nữ đã gắn bó với mái ấm nhiều năm qua để chăm sóc các em. Vui mừng khi gặp chúng tôi, sơ mời mọi người cùng ngồi và trò chuyện. Sơ kể về các em đang sống tại mái ấm với niềm hạnh phúc lấp lánh trên khuôn mặt như chính người mẹ kể về những đứa con của mình. Niềm vui của sơ chính là khi thấy các em vui tươi và khỏe mạnh qua từng ngày, tưởng rằng những điều ấy đơn giản nhưng lại vô cùng khó khăn với các em, vì mỗi em mỗi hoàn cảnh khác nhau, em thì bị bố mẹ bỏ rơi khi vừa sinh, em thì vì gia đình khó khăn không đủ điều kiện chăm sóc, nhưng các em chung một số phận là mang trong mình những căn bệnh khó lòng chữa khỏi. Điều mong muốn duy nhất của các sơ tại mái ấm là các em sẽ không còn phải đau đớn, được ăn uống đầy đủ 3 bữa mỗi ngày.

PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cũng là người khởi xướng chương trình Chung tay vì cộng đồng trong Khối thi đua 23 (gồm 7 trường đại học: Công nghệ Sài Gòn, Văn Lang, Hoa Sen, Nguyễn Tất Thành, Hutech, Huflit, Y khoa Phạm Ngọc Thạch) xúc động khi nghe sơ Chi kể về các em nhỏ và nỗi vất vả của các sơ. Không biết phải nói gì hơn, cô chỉ mong các sơ có thật nhiều sức khỏe, luôn giữ được sư nhiệt huyết và lòng bao dung để các em luôn có những người mẹ bên cạnh chăm sóc.

VLU CTCD 38Các thầy cô của các trường đại học trong Khối thi đua 23 hỏi thăm tình hình sức khỏe của các em nhỏ và các sơ tại mái ấm Thiên Phước.

Sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe, sơ Chi dẫn chúng tôi lên tầng 2, nơi chăm sóc những em bị bệnh nặng. Trong khoảng 60 em nhỏ tại mái ấm Thiên Phước, hơn một nửa trong số đó không thể tự đi lại và sinh hoạt, tất cả hoạt động trong ngày từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh đều do một tay các sơ hỗ trợ. Nhìn các em nhỏ bé, gầy gò, yếu đuối nhưng phải mang trong mình nhiều đau đớn bệnh tật, lòng chúng tôi trĩu nặng, chỉ có điều khiến mọi người yên lòng là sự tận tụy mà các sơ dành cho các em.

VLU CTCD 11Tầng 2 của mái ấm Thiên Phước là nơi chăm sóc các em nhỏ bị bại liệt không thể tự sinh hoạt bình thường.

Ở một góc trong căn phòng nhỏ, khi mọi người đều chú ý đến các em khác, một chút tủi thân hiện rõ lên khuôn mặt hốc hác vì bệnh tật của cậu bé tên Vũ. Ở lâu và hiểu rõ tính khí của từng em, sơ Chi nhẹ nhàng lại gần xoa đầu và vỗ về tấm lưng cong vẹo của cậu bé: “Con tủi thân vì không ai quan tâm đến con hả, các cô chú sẽ đến chơi với con nhé!”. Nghe vậy, mọi người trong đoàn tiến lại chọc cười cậu bé, nụ cười ngây ngô liền xuất hiện trở lại trên gương mặt em.

VLU CTCD 14Vũ hờn giận khi các thành viên trong đoàn không quan tâm đến cậu bé.

Ở dưới sân mái ấm, các chiến sĩ Xuân tình nguyện của Trường Đại học Văn Lang cùng Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch và Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn vui đùa cùng các em nhỏ có sức khỏe tốt hơn, có thể đi lại bình thường. Các anh chị sinh viên dùng âm nhạc để gắn kết, sẻ chia, tạo tiếng cười cho các em. Tiếng nhạc được phát ra từ chiếc loa thùng lớn, chiếc micro tưởng chừng quen thuộc với nhiều người nhưng lại lạ lẫm với các em khi phát ra giọng nói. Một số em còn thể hiện khả năng làm ca sĩ, không khí yên tĩnh của mái ấm những ngày bình thường được thay thế bằng tiếng cười, tiếng hò reo cổ vũ, tiếng nhạc xuân rộn ràng.

VLU CTCD 17Các chiến sĩ Xuân tình nguyện hò reo khi các em nhỏ thể hiện khả năng ca hát bất ngờ

Vừa đến giờ cơm trưa, các em được sơ gọi vào, một vài em có thể tự xúc ăn nhưng đa phần đều phải do các sơ mớm thì mới có thể ăn được. Thấy thế mỗi người một tay vào phụ các sơ, bữa trưa vì thế mà nhanh hơn ngày thường. Sơ Chi đùa vui “Phải gì ngày nào cũng có mọi người, các con vừa được vui chơi mà còn ăn cơm nhanh và ngoan hơn”.

VLU CTCD 4Tất cả mọi người trong đoàn thiện nguyện phụ giúp các sơ cho các em nhỏ tại Mái ấm Thiên Phước ăn trưa.

Kết thúc buổi trưa cũng là lúc đoàn chúng tôi phải rời đi, để các em nghỉ ngơi sau một buổi vui chơi, chạy nhảy. PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu đại diện cho Trường Đại học Văn Lang và Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn gửi đến mái ấm 30 triệu đồng để các sơ có thêm điều kiện chăm lo cho các em. Sơ Chi cám ơn đoàn và mong sẽ được gặp lại mọi người trong một ngày gần nhất. Vẫy tay chào tạm biệt, chúng tôi biết rằng các em là những đứa trẻ kém may mắn vì phải mang nhiều bệnh tật đau đớn, nhưng các em cũng là những đứa trẻ may mắn khi nhận được sự chăm sóc tận tụy của các sơ tại mái ấm Thiên Phước.

VLU CTCD 19PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cùng đại diện Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn trao 30 triệu đồng cho mái ấm Thiên Phước.

VLU CTCD 3Tại mái ấm Thiên Phước, các em nhỏ rất thích có người đến thăm vì được vui chơi và trò chuyện.

VLU CTCD 5Sinh viên Văn Lang cùng chơi với các em nhỏ để các em tạm quên đi đau đớn của bệnh tật

VLU CTCD 6Các chiến sĩ Xuân tình nguyện Trường Đại học Văn Lang và sơ xoa bóp tay chân cho các em bị bệnh bại liệt

VLU CTCD 16Các em nhỏ tại Mái ấm Thiên Phước vô tư vui đùa cùng các anh chị sinh viên Trường Đại học Văn Lang.

VLU CTCD 20Hình ảnh các em nhỏ tại mái ấm Thiên Phước được các sơ chụp lại làm kỉ niệm


Mái ấm Thiên Ân – nơi nương tựa của những mảnh đời già neo đơn
(93/6, Đường số 8, Khu phố 5, Phường Tam Phú, Quận Thủ Đức, Tp. HCM)

Sau bữa ăn trưa vội vã, chúng tôi tiếp tục tìm đến một mái ấm khác tại Quận Thủ Đức - Tp.HCM. Cũng là những mảnh đời kém may mắn, mang trong mình nhiều căn bệnh nhưng mái ấm Thiên Ân là nơi chăm sóc và nuôi dưỡng hơn 100 cụ bà có cảnh đời neo đơn.

Vừa bước vào cổng, Sơ Bích - Phó Chủ nhiệm của mái ấm cười rạng rỡ chào chúng tôi và PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu sau một năm gặp lại, cảm ơn vì Văn Lang đã nhớ đến mái ấm vào những ngày cuối năm bận rộn. Chúng tôi được sơ Bích dẫn vào phòng khách dùng trà và trò chuyện khoảng 30 phút trong lúc chờ các cụ đọc kinh sau bữa cơm trưa. Sơ kể về một năm qua của mái ấm, có nhiều cụ đã đến để tìm chốn nương tựa cho những ngày cuối đời nhưng cũng đã có hơn 10 cụ mất vì tuổi cao, sức yếu.

VLU CTCD 22Buổi gặp gỡ của đoàn thiện nguyện Khối thi đua 23 và các cụ già của Mái ấm Thiên Ân diễn ra trong căn phòng nhỏ nhưng ấm áp niềm vui

Mái ấm Thiên Ân thường được gọi vui là ngôi nhà bốn phương, nơi đây chăm sóc cho các cụ từ Bắc chí Nam, không người thân thích, không nhà cửa, có cụ từng đi nhặt ve chai, bán vé số, ăn xin, tối đến thì ngủ ở lề đường hoặc trong công viên, đến khi không còn đủ sức tự kiếm sống thì tìm đến mái ấm để nương nhờ các sơ chăm sóc.

Các cụ đọc kinh xong, chúng tôi được sơ Bích dẫn vào căn phòng nhỏ có khoảng 50 cụ, số còn lại do sức khỏe không tốt nên đã ở lại phòng. Biết nhà có khách, các cụ vui, gương mặt hoan hỉ. Nhìn những gương mặt nhiều nếp nhăn hằn theo dấu vết của thời gian nhưng hớn hở như những đứa trẻ thơ có quà, chúng tôi cảm thấy ấm lòng vì biết được rằng ở đây các cụ được chăm sóc tốt.

VLU CTCD 26Nụ cười rạng rỡ của các cụ bà tại mái ấm Thiên Ân khi gặp gỡ đoàn thiện nguyện từ Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn

Bất ngờ lớn là khi các cụ dành tặng cho đoàn thiện nguyện một vài điệu nhảy dễ thương do các cụ tự dàn dựng, ai nấy tươi cười vui vẻ như quên đi những khó khăn ngày thường. Thay mặt cho cả đoàn, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang gửi lời cảm ơn các sơ của Mái ấm Thiên Ân vì đã hết lòng chăm lo cho các cụ, mong rằng các cụ sẽ luôn giữ được sự lạc quan và sức khỏe để vui sống mỗi ngày, để những năm sau khi quay lại mái ấm, cô và cả đoàn sẽ được gặp lại các cụ.

VLU CTCD 23Các cụ bà của Mái ấm Thiên Ân dành tặng đoàn thiện nguyện "Chung tay vì cộng đồng" của Khối thi đua 23 những điệu nhảy bất ngờ, dễ thương.

Để các cụ có thêm niềm vui và phấn khởi khi Tết đến, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn gửi đến mái ấm nhiều phần quà quần áo, sữa, nhu yếu phẩm cùng 10 triệu đồng, mỗi cụ được mừng tuổi một phong bao lì xì 200.000 đồng. Đoàn cũng tìm đến phòng những cụ yếu hơn không thể đi lại để thăm hỏi tình hình sức khỏe và mừng tuổi các cụ.

VLU CTCD 29Trường Đại học Văn Lang trao tặng 10 triệu đồng cho mái ấm Thiên Ân - Quận Thủ Đức, Tp.HCM

VLU CTCD 34PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang đến phòng các cụ bà có sức khỏe yếu không thể đi lại để mừng tuổi các cụ

VLU CTCD 32Nụ cười hạnh phúc của các cụ bà tại Mái ấm Thiên Ân khi nhận bao lì xì mừng tuổi cho năm mới Canh Tý 2020

VLU CTCD 33Các bạn sinh viên Trường Đại học Văn Lang dìu cụ bà về phòng sau buổi gặp gỡ đoàn thiện nguyện

VLU CTCD 27Trò chuyện, hỏi thăm tình hình sức khỏe là cách để các cụ quên đi ốm đau, bệnh tật và vui sống mỗi ngày

Trời vừa xế chiều, cũng đã đến lúc chúng tôi phải về để các cụ có không gian yên tĩnh nghỉ ngơi. PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu nắm tay sơ Bích cảm ơn và hứa sẽ thường xuyên đến mái ấm để thăm các cụ, đoàn cũng sẽ giới thiệu mái ấm với mọi người để mái ấm được nhiều người biết đến và giúp đỡ về kinh tế, giúp các sơ có điều kiện chăm lo cho các cụ.

Trên đường di chuyển về trường, chúng tôi ai nấy mang trong mình một cảm giác thật khó tả, vừa buồn nhưng cũng vừa vui. Buồn vì nhiều mảnh đời bất hạnh, đau khổ phải sống với bệnh tật, neo đơn, nhưng vui vì xã hội có thật nhiều người tốt bụng và nhân hậu đồng hành giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn. Một chuyến đi đầu năm của Trường Đại học Văn Lang cùng các đại học bạn trong Khối thi đua 23 giúp chúng tôi cảm nhận những ý nghĩa khác của mùa xuân, khi đặt mình cạnh mọi người và đồng cảm hơn với những người khác trong cộng đồng.

VLU CTCD 36Đoàn thiện nguyện Khối thi đua 23 cùng chụp hình với các sơ và các cụ trước khi chào tạm biệt mái ấm Thiên Ân.

Hoàng Luân


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag