TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Trường Đại học Văn Lang tư vấn chọn ngành học Kỹ thuật – Kiến trúc – Thiết kế - Mỹ thuật cùng Báo Thanh niên

(P.TS&TT – Văn Lang, 19/03/2020) – Ngày 05/03/2020 vừa qua, ThS. Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Văn Lang tham gia Chương trình tư vấn trực tuyến “Chọn ngành học tương lai” số thứ 7 của báo Thanh niên, với chủ đề xoay quanh nhóm ngành Kỹ thuật – Kiến trúc – Thiết kế - Mỹ thuật.

Thường niên, Trường Đại học Văn Lang tham gia các Ngày hội Tư vấn Tuyển sinh do Báo Thanh niên tổ chức trên địa bàn một số tỉnh thành và tư vấn trực tuyến (online). Năm 2020, với nhu cầu thông tin tuyển sinh của học sinh THPT trong thời gian ở nhà phòng dịch Covid-19 tăng cao, Trường Đại học Văn Lang tiếp tục đồng hành cùng Báo Thanh niên trong Chương trình tư vấn trực tuyến “Chọn ngành học tương lai” được phát sóng trên các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnienYouTube Báo Thanh Niên. Chương trình tư vấn số thứ 07 ngày 05/3/2020 vừa qua có chủ đề về nhóm ngành Kỹ thuật - Kiến trúc - Thiết kế - Mỹ thuật.

vlu livestream thanhnien aThS. Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Văn Lang (thứ 2 từ trái sang) tham gia tư vấn về nhóm ngành Kỹ thuật – Kiến trúc – Thiết kế - Mỹ Thuật cùng báo Thanh niên (05/3/2020).

TẠI SAO KHỐI NGÀNH KỸ THUẬT RẤT QUAN TRỌNG, NHU CẦU NHÂN LỰC RẤT LỚN NHƯNG ÍT NGƯỜI THEO HỌC?

Mở đâu chương trình, ThS. Võ Văn Tuấn nhận định về tầm quan trọng của khối ngành Kỹ thuật trong sự phát triển của nền kinh tế: “Hiện nay, nhóm Kỹ thuật thuộc những ngành nghề đang khan hiếm nhân lực nhất của Việt Nam. Thị trường cần nhân lực nhóm kỹ thuật - công nghệ không chỉ từ bậc đại học mà cả các bậc cao đẳng - trung cấp. Theo khảo sát nhân lực giai đoạn 2020 - 2025 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.HCM, nhóm Kỹ thuật Công nghệ cũng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nhu cầu nhân lực của xã hội (chiếm 35%), sau đó mới đến các nhóm ngành khác.

Điều này không khó hiểu, bởi trong sự vận động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của công nghệ kỹ thuật trở nên quan trọng hơn trước đây rất nhiều. Không chỉ các ngành Công nghệ Thông tin, mà nhu cầu nhân lực còn tập trung ở các ngành Cơ khí, Điện - Điện lạnh - Điện công nghiệp, Tự động hóa, Kỹ thuật Môi trường, Công nghệ Sinh học, Điện tử - Viễn thông, Công nghệ Kỹ thuật Ô tô,… Đây là những lĩnh vực rất cơ bản để tổ chức đời sống hiện đại, vận hành trên nền tảng công nghệ. Số sinh viên theo học nhóm kỹ thuật cũng ít hơn so với các khối kinh tế hoặc xã hội - nhân văn, do đó, nhìn chung càng đẩy nhu cầu nhân lực lên cao.

Bản thân tôi là người học Công nghệ Thông tin, tôi thấu hiểu chuyện ứng dụng công nghệ vào đời sống. Trong bất cứ tổ chức nào, xã hội nào, những nhân sự giỏi về kỹ thuật luôn rất cần thiết và quan trọng. Xây một công trình, vận hành mọi thiết bị, xử lý kỹ thuật để bảo vệ môi trường, thiết kế các hệ thống điện và nhiệt, lập trình tạo ứng dụng mới…, tất cả những công việc như thế sẽ tiếp tục được nâng tầm mạnh mẽ hơn trong thời đại kỷ nguyên số như hôm nay.

Chính vì vậy, ở Trường Đại học Văn Lang, nhiều năm qua, chúng tôi duy trì chất lượng đào tạo cao ở các ngành kỹ thuật rất đặc thù như Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Công nghệ Sinh học, Kỹ thuật Nhiệt, Kỹ thuật Xây dựng, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật Phần mềm, và gần đây nhất là ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô. Tỷ lệ sinh viên ra trường và có việc làm ở những ngành này luôn rất cao so với mặt bằng chung, nhiều ngành như Kỹ thuật Nhiệt hay Kỹ thuật Phần mềm có mức lương khởi điểm của sinh viên rất cao. Tuy nhiên quy mô sinh viên theo học lại thấp hơn các ngành khác, mặc dù chúng tôi đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực rất mạnh, cũng bởi một yếu tố quan trọng: học ngành Kỹ thuật KHÓ hơn các ngành khác”.

Sau khi lắng nghe nhận định từ ThS. Võ Văn Tuấn, một thí sinh đang quan tâm đến ngành nghề Xây dựng có câu hỏi đặt cho Trường Đại học Văn Lang: Em có tìm hiểu về khối ngành Xây dựng thì có 2 ngành là Quản lý Xây dựng và Kỹ thuật Xây dựng, em không biết 2 ngành này khác nhau điểm nào?

qlxd aSinh viên Khoa Xây dựng Trường Đại học Văn Lang đi thực tế công trình tại Cơ sở 3, phục vụ môn học Kết cấu bê tông cốt thép (2)

Trả lời thắc mắc của bạn thí sinh, ThS. Võ Văn Tuấn giải đáp: "Đây là 2 ngành độc lập có mã ngành riêng. Trường Đại học Văn Lang hiện cũng đang đào tạo 2 ngành này. Theo nghị định 99 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên học chuyên sâu tối thiếu 150 tín chỉ và được cấp bằng Kỹ sư sau khi tốt nghiệp. Ngành Kỹ thuật Xây dựng đào tạo các kỹ sư có kỹ năng thực hành và khả năng tổ chức quản lý, lập các biện pháp thi công và thiết kế các loại công trình xây dựng nhằm phục vụ cho nhu cầu đa dạng của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, theo kịp sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

Nếu em đam mê lĩnh vực xây dựng nhưng không muốn học chuyên sâu về kỹ thuật xây dựng, thì ngành Quản lý Xây dựng có thể là một lựa chọn mới mẻ và phù hợp. Đây là ngành học tổng hòa giữa kiến thức kinh tế và kiến thức kỹ thuật. Kỹ sư Quản lý Xây dựng có đủ kiến thức và kỹ năng về kinh tế để lập, phân tích, đánh giá dự án đầu tư; thẩm định dự án đầu tư trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; đồng thời hiểu biết về lĩnh vực chuyên ngành nên chủ động nắm dự toán xây dựng công trình, giá dự thầu thi công xây dựng công trình; quản lý dự án xây dựng công trình. Các kiến thức về kỹ thuật trong xây dựng giúp Kỹ sư Quản lý Xây dựng có khả năng thiết kế, đề xuất, đánh giá và lựa chọn giải pháp kỹ thuật – công nghệ phù hợp từng bộ phận trong công trình".

KIẾN TRÚC – THIẾT KẾ - MỸ THUẬT ĐÓNG VAI TRÓ THẾ NÀO TRONG ĐỜI SỐNG?

Khi MC - Nhà báo Thùy Ngân nhắc đến nhóm ngành đặc thù Kiến trúc - Mỹ thuật, ThS. Võ Văn Tuấn khẳng định đây là nhóm ngành chỉ dành cho những bạn trẻ có năng khiếu và thật sự đam mê: “Với xu hướng của con người ngày càng yêu cầu cao về thẩm mỹ và sáng tạo, tôi nhận thấy rằng trong vài năm trở lại đây, số sinh viên theo học các ngành thiết kế mỹ thuật tăng lên đáng kể. Một phần nữa là vì quan niệm xã hội và quan niệm của các bậc phụ huynh về các ngành thiết kế đã mở hơn trước rất nhiều. Không ít bậc cha mẹ đồng hành và ủng hộ con học vẽ từ sớm, theo đuổi ước mơ trở thành Kiến trúc sư hay Họa sĩ thiết kế.

Ở Việt Nam, ngoài những ngành quen thuộc như Kiến trúc, Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Nội thất, thì tôi cho rằng có một ngành rất hay mà thị trường đang rất khát nhân lực, đó là ngành Thiết kế Sản phẩm (ngành Tạo dáng, ngành Thiết kế Công nghiệp). Ở các nước phát triển, đây là một trong những nghề hot nhất. Các bạn theo học sẽ trở thành họa sĩ thiết kế tạo ra kiểu dáng các sản phẩm sử dụng trong đời sống hằng ngày, từ vật dụng rất nhỏ như trang sức đến vật dụng lớn như ô tô, xe máy,… Ở Văn Lang, chúng tôi rất tự hào vì mình là một trong những đơn vị ít ỏi hiện nay đào tạo bài bản và chất lượng cao ngành học đặc thù này. Với vai trò to lớn của nhóm ngành Kiến trúc - Thiết kế - Mỹ thuật hiện nay, tôi khuyên các em học sinh có thể tìm hiểu thêm ngành này”.

hoa sacSinh viên Kiến trúc - Mỹ thuật ngoài năng khiếu ngành nghề còn có đam mê nghệ thuật mãnh liệt. "Hòa Sắc", "Kiến Xây" là 02 ngày hội truyền thống vô cùng sáng tạo và độc đáo của sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp và Kiến trúc Trường Đại học Văn Lang, thể hiện được chất riêng của những ngành học màu sắc và khác biệt này.

Với những thí sinh gửi câu hỏi quan tâm về Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Văn Lang liên quan đến khối ngành Kiến trúc - Mỹ thuật, ThS. Võ Văn Tuấn đưa ra một vài lưu ý cho thí sinh: "Năm 2020, Trường Đại học Văn Lang trải qua 25 năm hình thành và phát triển, hiện đang tuyển sinh 32 ngành đào tạo, trong đó có 5 ngành Kiến trúc - Mỹ thuật và 08 ngành Kỹ thuật. Tôi lưu ý, nếu các em học sinh muốn xét tuyển vào những ngành Kiến trúc, TK Sản phẩm, TK Thời trang, TK Đồ họa, TK Nội thất của Trường Đại học Văn Lang, các em cần có điểm thi môn năng khiếu Vẽ. Em có thể đăng ký thi tại Trường ĐH Văn Lang hoặc lấy điểm từ 07 trường đại học sau để xét: Trường ĐH Kiến trúc Tp.HCM, Trường ĐH Mỹ thuật Tp.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Bách khoa Tp.HCM, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Nghệ thuật Huế. Các em cũng có thể tham gia 2 kỳ thi Vẽ tại Văn Lang và tại một trường khác nếu không trùng ngày thi.

Cuối cùng, tôi có vài lời khuyên đến các bạn thí sinh, hi vọng các bạn có thể an tâm trước tình hình dịch bệnh, đừng quá lo lắng, các trường đại học có những phương án hỗ trợ thí sinh tuyệt đối. Đối với năm 2020, quy mô tuyển sinh và các khối ngành không có gì khác biệt. Thí sinh nên tập trung vào các ngành nghề mình đam mê và có khả năng, đừng vì lựa chọn theo các ngành đang hot hay dễ học mà bỏ qua các ngành Kỹ thuật – Công nghệ. Hãy biết nắm bắt xu hướng để không bỏ qua cơ hội việc làm trong tương lai. Các bạn nam cần mạnh mẽ và tiên phong trong việc học các ngành Kỹ thuật – Công nghệ, phát triển tối đa được thế mạnh của bản thân khi theo học các ngành này.”

Mời các bạn xem lại Chương trình tư vấn trực tuyến “Chọn ngành học tương lai” chủ đề nhóm ngành Kỹ thuật – Kiến trúc – Thiết kế - Mỹ thuật.

 

Tuệ Khánh tổng hợp


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag