TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Ứng dụng vốn cổ dân tộc - lối đi của Mỹ thuật Đại học Văn Lang trên đường hội nhập design quốc tế

(P.TS&TT - Văn Lang, 17/5/2020) - Ngày 12/5/2020, Trường Đại học Văn Lang khai mạc Triển lãm online về thiết kế mỹ thuật quốc tế - ICAD 2020. Đây là sự kiện do Đại học Văn Lang kết hợp với Hiệp hội Khoa học - Nghệ thuật Hàn Quốc và Đại học Handong tổ chức, một lần nữa chứng tỏ hướng đi đúng đắn khi kết hợp ứng dụng vốn cổ dân tộc trong xu hướng hội nhập design quốc tế.

Mỗi dân tộc luôn có nền văn hoá, nền văn minh đặc trưng không giống bất kỳ quốc gia nào khác, chứa đựng và tồn tại rất nhiều giá trị vật thể và phi vật thể, tạo nên giá trị truyền thống cho dân tộc đó. Truyền thống là phải có sự trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ kế tiếp, tạo nên một sự liên kết có tính lịch sử. Mỗi thế hệ đã kiến tạo nhiều giá trị vật chất và tinh thần theo nhiều thể loại và hình thành nên những “vốn cổ” ẩn mình trong dân gian mang giá trị bản sắc rất riêng.

Nói đến bản sắc văn hoá là nói đến nền tảng của văn hoá một dân tộc. Muốn hội nhập thế giới thì chắc chắn phải giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, các quốc gia, nhưng để hội nhập sâu, giao lưu rộng, thì yếu tố bản sắc trong giao lưu văn hóa mới thực sự là nền tảng cho giao lưu quốc tế. Nhà nghiên cứu văn hoá Phan Ngọc nói rõ: “Chuyện giao lưu văn hoá đã có từ thời thượng cổ, nhưng chỉ hai chục năm gần đây người ta mới thấy chính giao lưu văn hoá là nền tảng của giao lưu quốc tế”.

Văn hoá hàm chứa nhiều lĩnh vực sâu và rộng, trong đó có các loại hình nghệ thuật: mỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ…, và thiết kế (design). Để làm nghệ thuật giàu tính bản sắc thì cần sự thấu hiểu văn hóa của dân tộc để truyền tải qua tác phẩm, sản phẩm, thiết kế. Có một lực lượng hoạ sĩ, nhà thiết kế có khả năng sáng tạo tác phẩm có giá trị văn hoá bản sắc ngay khi cần là điều không tưởng, mà đòi hỏi phải có một hệ thống đào tạo những con người này một cách hệ thống bài bản, tạo ra một lực lượng sáng tác chính quy, chuyên nghiệp.

Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang đã định hướng chương trình đào tạo nghiên cứu vốn cổ hơn 4 năm nay. Các ngành Thiết kế Đồ hoạ, Thiết kế Nội thất, Thiết kế Thời trang đã tổ chức các chuyến hành trình về cố đô Huế tìm hiểu nét văn hoá miền Trung và vẽ ghi các hoa văn, hoạ tiết trong đại nội, đình, chùa, nhà rường và tất cả các kiểu bình phong Huế… Riêng ngành Thời trang dẫn sinh viên lên vùng biên giới A Lưới để sống với người dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu học cách làm thổ cẩm, chất nhuộm màu lên vải thổ cẩm… Đã có những đồ án tốt nghiệp ra trường ứng dụng vốn cổ dân tộc vào thiết kế, và đạt giải thưởng của triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2019 (đồ án nhà hàng ẩm thực Âm Phủ - Huế của sinh viên Lê Ngô Ngọc Tín; đồ án “Trang sức cưới hình tượng Phượng Hoàng trong hoa văn cung đình Huế” của Nguyễn Võ Kim Ánh, ngành Thiết kế Công nghiệp (Thiết kế Sản phẩm),…

DH van lang trien lam von co dan toc 02Thầy trò khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang khảo sát vốn cổ dân tộc tại cung Trường Sanh, Huế, năm 2015.

Không dừng lại ở hệ thống đào tạo thế hệ trẻ, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang cùng Hiệp hội Nghiên cứu - Thiết kế Hàn Quốc và các trường đại học đào tạo thiết kế ứng dụng tổ chức nhiều hội thảo và triển lãm quy mô quốc tế, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thiết kế đương đại. Năm 2020, Khoa chủ trì ICAD 2020 - tên gọi của hội thảo, triển lãm về nghệ thuật và thiết kế, với 13 nước tham gia bài viết, tác phẩm…, với chủ đề chung là công nghệ - nghệ thuật – thiết kế đương đại.

vlu icad my thuat design poster

Mỹ thuật Văn Lang thật sự đang bước trên đường hội nhập design quốc tế. Giảng viên và sinh viên đã có những bài viết, những tác phẩm, đồ án thiết kế đồ hoạ, nội thất, sản phẩm tham dự ICAD 2020. Cuộc hội nhập quốc tế năm 2020 lần này trong lúc cả thế giới đề cập đến cách mạng công nghiệp 4.0 như là một chủ đề toàn cầu, với những lo lắng về công nghệ chiếm lĩnh, robot thống trị, trí tuệ nhận tạo (AI) thay thế con người…, quả là thách thức về chủ đề sáng tạo cho các nhà làm nghệ thuật và thiết kế hiện nay.

Tuy nhiên, ý thức về dân tộc tính, bản sắc văn hóa đã bám rễ sâu trong mỗi con người Việt tự bao giờ. Lần lượt các tác phẩm, thiết kế ra đời với chủ đề gắn liền đất nước và con người Việt Nam. Mỗi địa danh, mỗi làng quê trên tổ quốc này đã là nét tiêu biểu và đặc trưng, trở thành chủ đề cho tác phẩm (Cao nguyên Đồng Văn của tác giả Ca Lê Dũng và Quê hương của tác giả Trần Văn Thi). Hai bức tranh về phong cảnh vùng miền này mang đến người xem hiểu biết về vẻ đẹp thiên nhiên, kiến trúc, con người, động thực vật, giống như đại sứ du lịch giới thiệu với quốc tế về thắng cảnh, con người Việt Nam.

 ICAD2020 Catalogue Professionals 020 2Tác phẩm "Cao nguyên Đồng Văn" (họa sĩ Ca Lê Dũng, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang)

Vốn cổ ẩn mình trong dân gian, luôn chờ đợi con người khám phá và khai thác. Trên những bình phong trấn trước cửa nhà rường, trước ngôi đình, biệt phủ ở Huế hay các tỉnh phía Nam sẽ thấy hình ảnh con vật đầu rồng mình ngựa chạm khắc, tô trát nổi lên và được sơn hay khảm gốm, sứ tạo thành đề tài “Long mã kỵ hà đồ” mang ý nghĩa sâu, rộng về văn hoá ứng xử của người Việt. Từ chủ đề này, tác giả Võ Ánh Xuân Thương đã sáng tác tác phẩm có tên The Blessing (Phước lành).

ICAD2020 Catalogue Professionals 158 2Tác phẩm The Blessing (họa sĩ Võ Ánh Xuân Thương, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang)

Tuồng là nghệ thuật sân khấu lâu đời và rất đặc trưng của người Việt, ở đó mỗi nhân vật được hoá trang gương mặt, ước lệ cho tính cách nhân vật mà mình biểu diễn. Các gương mặt tuồng ẩn chứa đủ mọi tính cách của con người và đã trở thành nghệ thuật mặt nạ Tuồng. Tác giả Trần Xuân Hưng lấy cảm hứng sáng tác tượng và tranh với chủ đề này (Face of the tranditional Tuong theater).

ICAD2020 Catalogue Professionals 054 1Tác phẩm "Faces of the traditional Tuong theatre" (Trần Xuân Hùng)

Ngoài tranh và tượng, văn hóa dân tộc Việt còn thể hiện rõ trong loạt sản phẩm của Mỹ thuật Văn Lang tham dự ICAD 2020, như loại hình nghệ thuật sắp đặt của tác giả Lê Ngô Quỳnh Đan với tác phẩm Installation art Tet 2020. Chủ đề Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam đã trở thành niềm tự hào cho mỗi người con nước Việt. Tết là nét đẹp văn hóa dân tộc mà ai cũng hướng về khi hết năm và sum họp gia đình trong ngày đầu năm mới.

ICAD2020 Catalogue Professionals 081Tác phẩm "Installation art Tet 2020" (nhà thiết kế Lê Ngô Quỳnh Đan, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang)

Trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm, phải kể đến đồ án thiết kế chiếc ghế dài (bench) được tác giả lấy cảm hứng từ chợ nổi miền Tây Nam bộ Việt Nam. Chợ nổi là nơi hò hẹn của các dòng sông tạo nên ngả năm ngả bảy, nơi các xuồng, ghe mang nông sản tụ họp trao đổi mua bán từ khoảng bốn đến năm giờ sáng. Hình ảnh chiếc xuồng, chiếc ghe neo đậu giữa sông được cắm cây sào tre xiêu vẹo, treo nông sản muốn bán trên ngọn sào (còn gọi là cây Bẹo) như những nét cọ chấm phá trên bức tranh sông nước đồng bằng… Từ cảm hứng đó, nhóm tác giả Huỳnh Thanh Quyền và Lê Long Vĩnh đã thiết kế chiếc ghế dài sử dụng trong sảnh, trong các công trình trung tâm thương mại, du lịch. Floating market Bench là tên của sản phẩm thiết kế, mặt ngồi cách điệu từ hình chiếc xuồng, chiếc ghe, hai chân được cách điệu từ hình ảnh cây sào tre (bẹo) xiêu vẹo tạo hình bốn chân ghế, tạo cảm giác bồng bềnh trên sông nước. Sản phẩm không đơn thuần là chiếc ghế ngồi mà còn là sản phẩm mang thông điệp về vùng miền, địa danh có giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Sản phẩm có thể trở thành một đại sứ du lịch cho thương hiệu địa danh này, thúc đẩy văn hoá du lịch địa phương, cần thiết trong bối cảnh giao lưu quốc tế.

thump ung dung von coTác phẩm "Floating market Bench" (ThS. họa sĩ Lê Long Vĩnh và Huỳnh Thanh Quyền, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang)

Kết lại, khi con người và thế giới kết nối, xích lại gần nhau, để tránh bị hoà tan trong bối cảnh hoà nhập, mỗi quốc gia trở về chú ý tính dân tộc, tinh thần bản sắc của văn hoá mình. Điều đó đã làm cho thế giới sinh động muôn màu bản sắc. Nhìn lại ICAD 2020, với chủ đề đương đại về nghệ thuật và thiết kế trong bối cảnh toàn cầu, các tác giả đã sáng tạo nhiều chủ đề phong phú và đặc trưng. Tính truyền thống trong bản sắc văn hóa được khai thác từ nhiều góc nhìn đa chiều, ứng dụng đa dạng cách thể hiện và chất liệu. Có thể nói, ICAD 2020 đã minh chứng cho định hướng ứng dụng vốn cổ dân tộc - lối đi của Mỹ thuật Đại học Văn Lang trên đường hội nhập design quốc tế là đúng đắn, rất đáng quan tâm và cần phát triển hơn nữa trong tương lai.

 

ThS. Lê Long Vĩnh
Trưởng ngành Thiết kế Nội thất
Trường Đại học Văn Lang


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag