(P.TS&TT - Văn Lang, 13/07/2020) - Ngày 04/7/2020, Trường Đại học Văn Lang tổ chức đêm giao lưu âm nhạc, nghệ thuật chủ đề Vọng Cố Đô với sự tham gia của Câu lạc bộ Nhã nhạc Cung đình và Ca Huế Phú Xuân. Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ gạo cội, nhằm tôn vinh một giá trị văn hoá của dân tộc Việt Nam, một loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hoá Phi vật thể của nhân loại: Nhã nhạc Cung đình Huế.
Nhã nhạc Cung đình Huế và hành trình trở thành Di sản Nhân loại
Nhã nhạc Cung đình Huế là thể loại nhạc được biểu diễn trong các dịp lễ, hội hoặc các sự kiện tôn nghiêm thời phong kiến từ thế kỷ XIII. Các triều đại Lý, Trần đều đã có dàn nhạc và chia thành hai nhóm, nhạc triều chính và nhạc dân sự.
Từ những năm 30 của thế kỷ XVII, Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ (1572-1643) được coi là Tiên Tổ của Nhạc xứ Đàng Trong khi lập ra Hoà Thanh Thự để truyền dạy các bài ca, vũ nhạc dùng trong nghi lễ của phủ Chúa và sáng tác nhiều khúc nhạc mà ngày nay vẫn được dùng trong Nhã Nhạc Cung Đình Huế.
Tiếp thu và kế thừa truyền thống của các triều đại trước, vương triều Nguyễn (1802-1945) đã xây dựng và phát triển hoàn chỉnh hệ thống Nhã nhạc Cung đình. Dưới thời các vua Nguyễn, Nhã nhạc là một hệ thống bài bản, gắn liền với các nghi lễ và sinh hoạt trong Đại Nội. Đây cũng được xem là thời kỳ vàng son của âm nhạc Cung đình Đại Việt – Việt Nam.
Năm 1942 là năm cuối cùng triều Nguyễn cử hành lễ Tế Nam Giao và cũng là lần cuối Nhã nhạc Cung đình Huế được biểu diễn trọng thể trước công chúng.
Đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, với sự bảo trợ của Giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sỹ Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thiên Đạo, các nghệ nhân Nhã nhạc Cung đình còn lại đã tập hợp và lập ra Câu lạc bộ Nhã nhạc và Ca Huế Phú Xuân do nghệ nhân Trần Kích (1921 - 2010) làm Chủ nhiệm.
Năm 1995, nhóm Phú Xuân được mời sang Pháp trình diễn và thu đĩa tiếng tại Nhà Văn hóa Thế giới ở Paris. Chuyến lưu diễn đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng âm nhạc quốc tế. Từ 1996, các nghệ nhân Phú Xuân truyền dạy Nhã nhạc và Ca Huế cho sinh viên của Học viện Âm nhạc Huế. Năm 2003, UNESCO công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
Năm 2008, nghệ nhân Trần Kích, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhã nhạc và Ca Huế Phú Xuân được Bộ Văn hoá nước Cộng hoà Pháp phong tặng tước vị Hiệp sỹ Văn hoá và Nghệ thuật. Nhã Nhạc Cung Đình Huế ngày nay đã trở thành tài sản văn hoá của dân tộc và nhân loại.
Đại học Văn Lang mang di sản đến gần với sinh viên
Với mong muốn kết nối âm nhạc truyền thống và thi ca đương đại, Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật, Trường Đại học Văn Lang phối hợp cùng Câu lạc bộ Nhã nhạc Cung đình và Ca Huế Phú Xuân tổ chức đêm giao lưu âm nhạc, nghệ thuật với chủ để Vọng Cố Đô, với sự tham gia của các nghệ sĩ gạo cội như NSND Thanh Hoài, nhóm nghệ sĩ Câu lạc bộ ca nhạc Phú Xuân (Huế), cùng sự dẫn dắt của nhà thơ Nguyễn Duy, đặc biệt là Nghệ nhân ưu tú Thanh Tâm - nghệ nhân đích truyền của nhạc quan triều Nguyễn.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang cho biết, Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, với mong muốn đem nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả đương thời, đánh thức tình yêu đối với âm nhạc truyền thống nơi sinh viên trên hành trình hướng về cội nguồn văn hóa Việt.
Bên cạnh những sáng tác lâu đời, trước đây chỉ được biểu diễn phục vụ Vua Chúa trong cung đình như Trình Tấu Đại Nhạc, Ca Huế Thính phòng: Tứ Đại Cảnh, Hoà Tấu Tiểu Nhạc: Hò Mái Nhì – Nam Bang, Hát Văn Huế - cổ bản được Nghệ nhân Ưu tú Thanh Tâm và Câu lạc bộ Phú Xuân biểu diễn, chương trình còn mang tới các tiết mục dùng lời nay hát với điệu xưa, dùng tiếng thơ đương đại của nhà thơ Nguyễn Duy hoà cùng cảm xúc sâu lắng về cội nguồn và thời cuộc qua các tiết mục như Tưởng Niệm – Nhớ Vua Duy Tân, …
Đến với đêm nhạc, khán giả đã được hoà mình vào không gian âm nhạc sang trọng nhưng không kém phần cổ kính, đặc biệt là các bạn sinh viên các ngành xã hội, nhân văn và nghệ thuật tại Đại học Văn Lang có thêm cơ hội được tiếp xúc gần hơn với một nét nghệ thuật truyền thống. Với lối thiết kế tinh tế của Hội trường N2T1, khoảng cách giữa sân khấu và khán giả được rút ngắn tối đa, người xem có thể thấy và cảm nhận rõ từng giai điệu được phát ra từ các nhạc cụ, từng câu hát ngân nga điệu nghệ của các nghệ nhân làm cho không gian âm nhạc được trọn vẹn cảm xúc hơn rất nhiều.
Hiểu rõ giá trị các hoạt động văn hoá – nghệ thuật trong môi trường đại học, trước đó, Trường Đại học Văn Lang đã tổ chức thành công đêm nhạc Khúc Dân Ca với những làn điệu dân ca Bắc Bộ của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc vào tháng 12/2019. Và sau Vọng Cố Đô với Nhã nhạc Cung đình Huế, Trường Đại học Văn Lang cũng mong muốn và đang ấp ủ nhưng đêm nhạc đậm chất văn hoá truyền thống với những chủ đề khác như Nghệ thuật âm nhạc Tây Nguyên hay những làn điệu hò Nam Bộ…, nhằm mang đến một không gian văn hoá, nghệ thuật đa dạng của Đại học Văn Lang dành cho các bạn trẻ nói chung và sinh viên Văn Lang nói riêng.
Xem thêm:
Fanpage Trường Đại học Văn Lang: Tường thuật trực tiếp đêm nhạc Huê "Vọng cố đô"
Báo Văn hóa: Sinh viên đắm mình trong đêm âm nhạc - nghệ thuật Huế "Vọng cố đô"
Thành ủy Tp.HCM: "Vọng cố đô" đến sinh viên Tp.HCM
Báo Điện ảnh Việt Nam: "Say mê âm điệu Huế trong đêm nhạc "Vọng cố đô"
Bản tin truyền hình Pháp luật VN: Đánh thức tình yêu âm nhạc dân tộc trong sinh viên
Bài: M.T
Ảnh: Minh Phương