TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Khối Thi đua 23 tổ chức Tọa đàm về nghiên cứu khoa học ứng dụng và công bố quốc tế tại ĐH Văn Lang

(P.TS&TT – Văn Lang, 11/7/2020) - Ngày 11/7/2020, Trường Đại học Văn Lang tổ chức Tọa đàm “Nhận diện những nút thắt trong nghiên cứu khoa học ứng dụng và công bố quốc tế” – một hoạt động của Khối Thi đua 23 năm 2020.

Tọa đàm có sự góp mặt của Bà Ngô Thị Hoàng Các – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Tp.HCM, Phó Trưởng Ban thi đua khen thưởng Tp.HCM; Bà Lương Thị Hồng Hoa, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Thi đua khen thưởng; PGS. TS. Cao Hào Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, Trưởng Khối thi đua 23 năm 2020; TS. Lê Đình Lương, Chánh Văn phòng Trường ĐH Công nghệ Tp.HCM; ThS. Nguyễn Văn Xanh, Phó trưởng Ban Đào tạo Sau đại học – Trường Đại học Ngoại ngữ Tin học (Huflit); TS. Thông Văn Thái – Phó trưởng Phòng Công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; Ông Nguyễn Đăng Duy – đại diện Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang, gồm PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng; PGS. TS. Nguyễn Văn Áng – Phó Hiệu trưởng, cùng đông đảo CB – GV – NV nhà trường cũng đã tham dự Tọa đàm.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế của đội ngũ giảng viên tại các trường đại học Việt Nam hiện nay đã có những đóng góp đáng kể vào thành tích chung của nhà trường, đóng góp nguồn bài giảng và tài liệu tham khảo phục vụ công tác giáo dục, và là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp hạng đại học. Tại Trường ĐH Văn Lang, bên cạnh nhiều hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học được quan tâm đẩy mạnh cả về chất lượng và số lượng; nhà trường khuyến khích các bài viết công bố quốc tế, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm công bố quốc tế, tổ chức các khóa đào tạo về phương pháp nghiên cứu, trang bị kỹ năng nghiên cứu khoa học cho giảng viên. 

vlu toa dam nghien cuu khoa hoc ung dung

PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang – phát biểu khai mạc Tọa đàm: Không có trường đại học nào tự tin rằng hoạt động NCKH của mình đã có thể giải quyết trọn vẹn những vấn đề của xã hội. Trong khi đó, NCKH ứng dụng đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đại học. Những nút thắt của NCKH ứng dụng trong trường đại học đang nằm ở đâu? Tôi hy vọng Tọa đàm hôm nay là một sự khởi đầu để cùng trao đổi, bàn luận về câu chuyện làm sao để NCKH của đại học thực sự mang tính ứng dụng, đóng góp cho xã hội và xa hơn là mang được hình ảnh của NCKH Việt Nam ra thế giới. Tôi cũng mong muốn các trường đại học có thể hợp lực với nhau trong NCKH, ít nhất là các trường trong Khối thi đua 23, để tạo nên một thành quả có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn.

Tọa đàm "Nhận diện các nút thắt trong nghiên cứu khoa học ứng dụng và công bố quốc tế" là dịp để các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học trong Khối thi đua 23 chia sẻ kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu khoa học và công bố bài báo quốc tế. Tại đây, GS.TS. Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu liên ngành (CIRTECH) - Đại học Công nghệ Tp.HCM và TS. Phùng Văn Đông - Giám đốc Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam (AIT Vietnam) đã trình bày những tham luận giá trị về nghiên cứu khoa học ứng dụng và công bố khoa học quốc tế, định hướng cho nhiều giảng viên về nghiên cứu khoa học ứng dụng tại Việt Nam.


GS. TS. Nguyễn Xuân Hùng: Công bố quốc tế uy tín - nút thắt và giải pháp

dai hoc van lang khoi thi dua 23 hoi thao a

TS. NGUYỄN XUÂN HÙNG
 - Viện trưởng Viện Công nghệ Liên ngành CIRTech, Đại học Công nghệ TP. HCM.
 - Chủ tịch Hội Cơ học tính toán và Phó chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam.
 - Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Southern Queensland (Úc), Đại học Y khoa Đài Trung (Đài Loan), Đại học Sejong (Hàn Quốc).
Thành viên Ban biên tập Tạp chí Composite Structures (Q1), Underground Space (Scopus), Biomedicine (CMU-Scopus), CMC: Computers, Materials & Continua (Q1), Phó tổng biên tập Tạp chí Computer Modeling in Engineering & Sciences (Q3).
 - Công bố hơn 240 bài báo, trong đó hơn 190 bài báo trong danh mục SCIE với hầu hết Q1. Lĩnh vực nghiên cứu chính là tính toán mô phỏng trên máy tính kết hợp học máy và tính toán hiệu năng cao ứng dụng vào kỹ thuật.
 - Nhà khoa học Việt Nam duy nhất 6 năm liên tục trong top 1% những nhà khoa học có ảnh hưởng được trích dẫn cao. Giải thưởng Georg Forster (Quỹ Alexander von Humboldt) năm 2016 cùng nhiều giải thưởng uy tín khác.

Theo GS. TS. Nguyễn Xuân Hùng, để có được công bố quốc tế, các trường đại học cần có chính sách, tài chính và con người – ba yếu tố đầu vào để đưa vào “bộ lọc tối ưu”, từ đó đầu ra là bài báo và sáng chế. Tuy nhiên, hầu hết các trường đại học thiếu chính sách nhất quán về các yếu tố: nguồn nhân lực, ngân sách, cơ sở hạ tầng, cơ chế nghiên cứu. Giải pháp được ông đưa ra là các đại học có thể liên kết với nhau hoặc liên kết với các nguồn lực khác để bổ sung các yếu tố còn thiếu trong hệ thống của mình, từ đó hình thành các khối hợp tác liên trường trong NCKH ứng dụng và các nhóm nghiên cứu mũi nhọn trong các trường đại học.

Giảng viên là đội ngũ nghiên cứu của đại học, nhưng với các trường hiện nay, quỹ thời lượng dành cho giảng dạy đang chiếm phần lớn. Vì vậy, theo GS. TS. Nguyễn Xuân Hùng, lãnh đạo các trường đại học cần truyền cảm hứng cho giảng viên để cùng đạt được mục tiêu chiến lược trong NCKH. Để duy trì nghiên cứu dài hạn là một nỗ lực không mệt mỏi của cả giảng viên và nhà trường; và vì vậy, nhà trường cần đồng hành với giảng viên để giải quyết nút thắt trong nghiên cứu của từng người, như hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu để đánh giá NCKH, quy trình thực hiện NCKH và công bố quốc tế,…

TS. Phùng Văn Đông: Nghiên cứu khoa học ứng dụng và cách mạng công nghệ 4.0
vlu toa dam nghien cuu khoa hoc ung dung b

TS. PHÙNG VĂN ĐÔNG
 - Giám đốc Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam (AIT Vietnam)
 - Tiến sĩ Hệ thống thông tin - Đại học Công nghệ Sydney (Úc)
 - Với hơn 19 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và triển khai giải pháp CNTT trong lĩnh vực Giáo dục và Đô thị thông minh, ông đã đóng góp và lãnh đạo nhiều dự án CNTT trong nước thành công.
 - Tham gia đọc phản biện bài báo cho nhiều Tạp chí và Hội thảo quốc tế uy tín; hiện là phản biện thường xuyên cho Tạp chí Taylor & Francis, NXB Emerald và NXB IGI Global.
 - 02 giải thưởng Best Paper Award của Hội thảo hạng A về Hệ thống thông tin và của NXB Emerald năm 2017.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu và triển khai giải pháp CNTT trong lĩnh vực Giáo dục và Đô thị thông minh, đồng thời đang theo đuổi nghiên cứu các giải pháp công nghệ kỹ thuật số 4.0 như AI, Big data, Chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng và chương trình đào tạo cho Đô thị thông minh và Chuyển đổi số, TS. Phùng Văn Đông chia sẻ mối quan hệ giữa nghiên cứu khoa học ứng dụng và cách mạng công nghệ 4.0 trong thời kỳ công nghệ số. Theo TS. Phùng Văn Đông, công nghệ 4.0 chắc chắn ảnh hưởng đến tất cả mọi người và trong đó ảnh hưởng đến giới nghiên cứu, làm thay đổi nghiên cứu truyền thống. Big Data, Data Analytics, Data Science có thể kết hợp tốt với NCKH truyền thống, và trong xu hướng 4.0, NCKH sẽ ngày càng phát triển theo hướng liên ngành, đặt ra những ý tưởng mới và hướng đi mới cho nhà nghiên cứu.

dai hoc van lang khoi thi dua 23 hoi thao cSau 2 tham luận chuyên sâu, GS. TS. Nguyễn Xuân Hùng và TS. Phùng Văn Đông tiếp tục có những trao đổi thú vị với cán bộ - giảng viên các trường đại học trong Khối thi đua 23

Được truyền cảm hứng từ chia sẻ của hai diễn giả là những nhà khoa học uy tín, từng có nhiều nghiên cứu và công bố quốc tế, rất nhiều giảng viên của các trường đại học đã đặt câu hỏi để cùng tiếp tục đào sâu các vấn đề liên quan đến nghiên cứu khoa học ứng dụng. 

Nhiều câu hỏi thú vị liên quan đến các xu hướng mới trong nghiên cứu khoa học như công nghệ in 3D, nghiên cứu liên ngành và ứng dụng khoa học dữ liệu trong nghiên cứu liên ngành, triển vọng nghiên cứu và công bố quốc tế trong lĩnh vực kinh tế hay xã hội – nhân văn, xu hướng open access trong công bố khoa học quốc tế,... đã được các giảng viên đặt ra và được hai diễn giả nhiệt tình trả lời. Con đường nghiên cứu khoa học ứng dụng và tiến tới công bố quốc tế nhiều thử thách nhưng có hấp lực lớn với hầu hết giảng viên, do đó, nhiều câu chuyện "muôn thuở" trong nghiên cứu vẫn được đặt ra trong tọa đàm, như làm sao để bắt đầu chọn một đề tài nghiên cứu tốt, làm sao để cải thiện chất lượng nghiên cứu theo các tiêu chuẩn của công bố quốc tế, làm sao để phục hồi tinh thần và năng lượng cho công tác NCKH để vượt qua những giai đoạn chán nản,...

Với nội dung chuyên sâu và thiết thực, Tọa đàm “Nhận diện những nút thắt trong nghiên cứu khoa học ứng dụng và công bố quốc tế” đã tạo nên một không khí hứng khởi và giàu cảm hứng, truyền động lực và hé mở giải pháp cho nhiều giảng viên cũng như cho các trường đại học trong Khối thi đua 23 về công tác nghiên cứu khoa học, tiến tới công bố quốc tế, theo định hướng đưa hoạt động này đi vào chiều sâu, nâng cao vị thế của giới khoa học Việt Nam trên thế giới.

Bài: Mai Yến
Ảnh: Khánh Thịnh


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag