(P.TS&TT – Văn Lang, 15/8/2020) - Năm 2020, Khoa Xã hội và Nhân văn Đại học Văn Lang bắt đầu tuyển sinh ngành Công tác xã hội. Trên thế giới, ngành Công tác xã hội đã trải qua lịch sử mấy trăm năm. Còn ở Việt Nam, Công tác xã hội hiện là một trong những nghề nổi bật thuộc khối khoa học xã hội, với tương lai ngành nghề rộng mở hơn trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Nghề của lòng nhân ái
Nhiều quan niệm cũ kỹ cho rằng ngành Công tác xã hội (Social Work) rất mông lung, học ra để làm những việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chỉ lo “chuyện bao đồng”. Thế nhưng ít ai biết Công tác xã hội là một trong những ngành học cao quý, ngành học của những tấm lòng nhân hậu, đã có lịch sử phát triển từ nhiều thế kỷ. Các nhân viên công tác xã hội làm công việc toàn thời gian không chỉ ở các nước Châu Âu mà còn xuất hiện phổ biến ở Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á… Tại Việt Nam, nghề Công tác xã hội dần trở nên phổ biến và thu hút sự chú ý với sinh viên khối ngành xã hội. Từ ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 là Ngày Công tác xã hội Việt Nam.
Những hoạt động xã hội vì cộng đồng nhiều vô kể, Đó có thể là câu chuyện của các cá nhân như mẹ Teresa – người phụ nữ nổi tiếng khắp bốn biển năm châu khi dành trọn đời cứu giúp người nghèo khổ; hay nỗ lực của ông Kailash Satyarthi (Ấn Độ) và nữ sinh Malala Yousafzai (Pakistan) cho cuộc đấu tranh chống lại đàn áp trẻ em, thanh thiếu niên và đòi quyền học hành cho tất cả trẻ em. Hoạt động xã hội có thể là nỗ lực của các tổ chức quốc tế như Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Liên minh bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì trẻ em như ChildFund International, Operation Simle, Tổ chức Tình nguyện vì giáo dục (VEO)… Tất cả đều chung mục tiêu vì người khác, bền bỉ kết nối, tương tác với xã hội để thúc đẩy các hoạt động vì cộng đồng.
Ở Việt Nam, hoạt động công tác xã hội xuất phát từ những cá nhân hay tổ chức tình nguyện nay đã được chuyên môn hóa, nghề nghiệp hóa thành công việc của những cán bộ, nhân viên Công tác xã hội.
Có rất nhiều chương trình hoạt động xã hội đã được tổ chức bài bản tại Việt Nam. Có thể kể đến chương trình “Ước mơ của Thúy” bắt nguồn từ câu chuyện của công dân trẻ TP.HCM Lê Thanh Thúy chống chọi với căn bệnh ung thư xương. Chị ra đi, ước mơ ở lại với Ngày hội hoa hướng dương hàng năm cho bệnh nhân ung thư khắp cả nước. Để hoạt động được tiếp nối trong suốt 13 năm (từ năm 2007), thành viên ban tổ chức và các tình nguyện viên không chỉ cần một trái tim biết cho đi mà còn được trang bị kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm trong hoạt động công tác xã hội.
Tương tự như vậy, Tổ chức Hành động vì động vật hoang dã (AWO) cũng được các thành viên chuyên nghiệp nuôi dưỡng suốt 10 năm qua. Đây là tổ chức tình nguyện đầu tiên của thanh niên Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ đa dạng sinh học. Thế hệ ban chủ nhiệm đầu tiên AWVC (tiền thân của của AWO) chính là những sinh viên theo học các ngành Công tác xã hội, Xã hội học tại các trường đại học phía Nam.
Và còn nhiều cá nhân, tổ chức trên dải đất hình chữ S tại bệnh viện, trường học, các tổ chức công, tư đang ngày đêm nhiệt huyết với lĩnh vực công tác xã hội. Như câu chuyện cặp song sinh dính liền Trúc Nhi – Diệu Nhi được hơn 100 y bác sĩ cả nước nỗ lực tách rời vào trung tuần tháng 7 vừa qua; bên cạnh tấm lòng của các y bác sĩ là sự chung tay của các cán bộ phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Các anh chị đã ngày đêm kêu gọi sự đóng góp từ cộng động để hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn của gia đình Song Nhi.
Điểm đặc sắc của ngành Công tác xã hội tại Đại học Văn Lang
Trong năm 2020, Trường Đại học Văn Lang mở ngành Công tác xã hội cho thí sinh trong cả nước. Khoa Xã hội và Nhân văn phụ trách xây dựng, đào tạo ngành học mới đặc sắc này.
Nếu bạn là người mang trái tim thấu cảm, hướng đến các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, muốn chữa lành những thương tổn của những người yếu thế (người vô gia cư, trẻ mồ côi, công nhân nghèo, người bị bạo hành, người có HIV…) và chung tay làm những việc có ích cho cộng đồng, bạn thực sự phù hợp với ngành Công tác xã hội.
Tại Trường Đại học Văn Lang, ngành Công tác xã hội được đào tạo theo định hướng ứng dụng – đặc trưng của Văn Lang. Chương trình giúp người học biết cách kết hợp giữa lý thuyết trên lớp và hoạt động thực hành tại các cơ sở xã hội.
Với hệ đào tạo bậc Cử nhân, bạn sẽ được lĩnh hội đầy đủ các kiến thức chuyên sâu về công tác xã hội cá nhân, nhóm, phát triển cộng đồng; nắm vững quy trình can thiệp và trợ giúp thân chủ, nhóm thân chủ.
Về mặt kỹ năng, người học sẽ được đào tào những kỹ năng chuyên môn như:
- Kỹ năng nhận biết, phân loại dữ liệu, thông tin về chính sách xã hội, vấn đề xã hội, các nhóm đối tượng yếu thế; từ đó phát triển tư duy sáng tạo, tư duy phản biện sâu sắc.
- Kỹ năng phân tích, tổng hợp các nguồn dữ liệu đa lĩnh vực.
- Kỹ năng thúc đẩy sự tự ý thức của thân chủ trong bối cảnh khác nhau.
- ác kỹ năng cá nhân như: khả năng lắng nghe, làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề.
Hiên nay, cơ hội việc làm trong lĩnh vực Công tác xã hội đặc biệt rộng mở. Sau khi tốt nghiệp, các tân Cử nhân hoàn toàn có thể chọn nơi làm việc phù hợp với mình, trở thành nhân viên công tác xã hội tại các cơ sở quản lý nhà nước, trường đại học, bệnh viện, trường học, doanh nghiệp. Nếu tự tin với khả năng tiếng Anh, bạn có thể làm việc tại các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.Nếu yêu thích nghiên cứu, bạn có thể tiếp tục học lên với những phần học bổng trao đổi văn hóa, học bổng trợ cấp để nâng cao trình độ chuyên môn tại nhiều quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ…
Theo định nghĩa của Hiệp hội nhân viên Quốc tế Công tác xã hội (IFSW): “Nghề Công tác xã hội thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, Công tác xã hội tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ. Nhân quyền và công bằng xã hội là các nguyên tắc căn bản của nghề”.
Có thể nói, Công tác xã hội là một nghề đúng nghĩa và không thể thay thế giữa vô số ngành nghề đa dạng trong thời đại cách mạng 4.0.
Thí sinh muốn xét tuyển vào ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Văn Lang có thể nộp hồ sơ xét tuyển học bạ, hạn cuối đến ngày 31/8/2020; hoặc đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT (thời gian điều chỉnh/ bổ sung nguyện vọng từ 09 – 18/9/2020).
Tổ hợp xét tuyển:
- C00: Văn – Sử - Địa
- C14: Văn – Toán – GDCD
- C20: Văn – Địa lý – GDCD
- D01: Toán – Văn – Tiếng Anh
Hồng Ngân
Ảnh: Tổng hợp từ Đội CTXH