(P.TS&TT – Văn Lang, 14/10/2020) - Vào các ngày 10, 12 và 13/10/2020, Trường Đại học Văn Lang tổ chức Kỳ thi Năng khiếu Sân khấu Điện ảnh với 23 thí sinh tham dự, ứng tuyển vào 2 ngành: Đạo diễn Điện ảnh – Truyền hình; Diễn viên Kịch – Điện ảnh – Truyền hình. Đây là kỳ thi Năng khiếu Sân khấu Điện ảnh đầu tiên do nhà trường tổ chức.
Kỳ thi Năng khiếu Sân khấu Điện ảnh đầu tiên
Được tổ chức vào ngày 10, 12 và 13/10/2020, Kỳ thi Năng khiếu Sân khấu Điện ảnh Trường Đại học Văn Lang gồm 2 vòng: Sơ khảo và Chung khảo.
Vòng Sơ khảo
Đối với thí sinh dự tuyển ngành Diễn viên Kịch – Điện ảnh – Truyền hình, tại vòng Sơ khảo, các bạn được yêu cầu đọc diễn cảm 01 bài thơ hoặc đoạn văn tự chọn, sau đó biểu diễn một năng khiếu riêng. Các thí sinh dự tuyển ngành Đạo diễn sẽ tham gia vòng thi Vấn đáp, trả lời các câu hỏi liên quan đến nhận thức cuộc sống, kiến thức xã hội và nghệ thuật, đồng thời chia sẻ với Ban giám khảo về động cơ theo đuổi ngành học.
Hoàn thành phần thi Năng khiếu Diễn viên, cậu bạn có cái tên rất đặc biệt Chên Đăp Họt đến từ tỉnh Kiên Giang chia sẻ: “Ban đầu ba mẹ không cho phép em theo nghề này. Nhưng rồi thấy em mê nghề quá, cũng cố gắng trong học tập nhiều, ba mẹ mới dần tin tưởng và ủng hộ em. Em rất sợ sẽ gặp những câu hỏi áp lực, những giám khảo khó nhưng khi được gặp các thầy cô ở đây, em cảm thấy thầy cô thân thiện quá! Những câu hỏi thầy cô đặt ra rất gần gũi với bản thân mình nên em gần như không cần phải diễn mà cứ thỏa thích bộc lộ trọn vẹn bản thân. Em còn được thầy Đặng Lưu Việt Bảo khen về chất giọng của mình trong phần thi năng khiếu nữa!”
Kết thúc vòng Sơ khảo, Đạo diễn. NSƯT Đặng Lưu Việt Bảo, Tổ trưởng tổ Diễn viên nhận xét: “Mặc dù số lượng của chúng ta ít, nhưng chất lượng lại tương đối tốt. Các bạn ấy rất nhạy cảm và cố gắng thể hiện hết mình. Trong vòng sơ tuyển hôm nay, thầy thấy ở các bạn có cảm xúc tốt. Các bạn còn rất trẻ, còn bỡ ngỡ nhưng cũng rất tự tin và hoàn toàn có đầy đủ tố chất để các giảng viên tại đây dìu dắt trở thành một người diễn viên tốt.”
Trong phần thi sơ khảo của ngành Diễn viên, các giám khảo đặt nhiều câu hỏi để thí sinh có cơ hội chia sẻ về bản thân nhiều hơn, bởi lẽ: “Cái tố chất quan trọng nhất của người diễn viên chính là cảm xúc. Chúng tôi đặt ra câu hỏi "các bạn có câu chuyện, kỷ niệm gì nhớ nhất trong cuộc đời mình" chính là để khai thác mạch cảm xúc trong các bạn. Là một người diễn viên giỏi, bên cạnh kiến thức, sự hiểu biết trong xã hội, các bạn phải có tình yêu thương với gia đình, với mọi người xung quanh. Có một bạn chia sẻ một câu chuyện rất hay nhé! Bình thường bạn ấy rất ngang ngược, luôn cãi lại bố mẹ. Rồi một ngày bất chợt, bố của cậu ta ngất đi. Cậu ta hoảng hốt. Cậu cứ nghĩ mình sẽ mất bố mãi mãi nhưng may mắn ông đã tỉnh lại. Từ đấy cậu ta bắt đầu suy nghĩ, biết sợ mất đi người thân yêu của mình và biết sống ngoan ngoãn hơn. Đó là một câu chuyện rất đời, nhưng đấy là những điều do chính cậu trải nghiệm và chứng kiến.” - Đạo diễn. NSƯT Đặng Lưu Việt Bảo nói.
Vòng Chung khảo
Sáng ngày 12/10/2020, thí sinh tham dự Kỳ thi Năng khiếu Sân khấu Điện ảnh Trường Đại học Văn Lang tập trung tại phòng chiếu để cùng thưởng thức bộ phim Hạnh phúc của mẹ. Thí sinh được xem 2 lần và ghi nhận các thông tin cần lưu ý vào giấy trắng. Sau giờ nghỉ trưa, các bạn được chia khu vực theo ngành và bắt đầu thực hiện bài viết phân tích phim dựa trên đề bài riêng của từng chuyên môn. Chia sẻ về bài thi của mình, bạn Trần Quang Minh nói: “Bài thi hôm nay em viết nhiều về Kiều Minh Tuấn. Em cho rằng, yếu tố quan trọng của một người diễn viên chính là cảm xúc và anh Kiều Minh Tuấn đã thể hiện rất trọn vẹn cảm xúc ấy dù ở bất kỳ góc quay nào.”
Phần thi cuối cùng diễn ra vào ngày 13/10/2020. Các thí sinh dự thi ngành Đạo diễn được tham gia ráp hình liên hoàn theo chủ đề, phải sắp xếp ảnh theo ý đồ để hình thành một bộ phim ngắn với đầy đủ mở đầu, phát triển và kết thúc. Có bạn chọn đề tài chiến tranh với hình ảnh “người mẹ mặt quỷ”, có bạn lại thể hiện sự sống và cái chết, tình cảm gia đình và bạn bè trong vòng lặp thời gian “5 giờ sáng”,… Các chủ đề được thí sinh lựa chọn khá dàn trải với những mục đích, điểm nhìn và cách kể riêng không ai giống ai.
Đối với nhóm Diễn viên, thí sinh tiến hành biểu diễn một tiểu phẩm kịch tự chọn hoặc bốc thăm theo đề của Ban giám khảo. Trong phần thi này, thí sinh được thỏa thích bộc lộ tài năng cá nhân thông qua nhiều tiểu phẩm với đề tài, thể loại đa dạng như kịch không lời, hài kịch, bi kịch, có bạn còn lồng ghép cả võ thuật, cải lương vào phần thi của mình.
Bắt đầu học võ từ năm lớp 6, thí sinh Hoàng Du đã có phần trình diễn ấn tượng khi xây dựng một tiểu phẩm ngắn đầy cảm xúc về câu chuyện hai anh em ăn trộm kết hợp phần biểu diễn võ thuật chào sân. Hoàng Du cho biết: “Ý định ban đầu của em là xây dựng dựa trên những điều đang có. Bản thân em có võ thuật, thì sẽ suy nghĩ cách để đưa ưu điểm này vào phần thi. Nhưng một tiểu phẩm hành động cần sự đối kháng qua lại hay một lớp học võ sẽ yêu cầu số lượng người tham dự và thời gian luyện tập để ăn khớp động tác. Vì vậy sau khi xem xét nhiều yếu tố, em mới chốt giải pháp cuối cùng cho phần diễn hôm nay. Qua phần diễn của mình, em muốn gửi tới mọi người thông điệp: Đôi khi những điều ta thấy không phải là tất cả. Một hành động có vẻ là xấu nhưng đằng sau nó là nghĩa cử cao đẹp. Đó chính là tình cảm, sự hi sinh của người anh dành cho người em.”
Thế hệ diễn viên, đạo diễn đầu tiên của Trường Đại học Văn Lang hình thành
Mỗi thí sinh tham dự đều có hoàn cảnh riêng. Có bạn đang học Quản trị Kinh doanh, Tâm lý học, PR… nhưng vẫn quyết định đăng ký thi tuyển để theo đuổi nghệ thuật; có bạn vốn đã tạm gác lại việc học từ 2, 3 năm trước nhưng khi thấy thông báo tuyển sinh của Khoa Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh Trường Đại học Văn Lang lại muốn được đi học; có người được gia đình ủng hộ hết mực như cô bạn Nguyễn Hiếu Vy được cô ruột Huyền Trang dẫn đi thi và sẵn sàng làm trợ diễn; cũng có bạn đã từng hoặc vẫn chưa được gia đình ủng hộ, phải thuyết phục hết lời, cố gắng chứng minh cho ba mẹ thấy quyết tâm theo đuổi nghề của con là nghiêm túc và đúng đắn như Chên Đăp Họt, như Hoàng Du. Nhưng dù ở đâu, hoàn cảnh nào, các bạn đều có một điểm chung nhất chính là niềm đam mê, tinh thần sẵn sàng dốc sức với con đường nghệ thuật mình theo đuổi.
Bạn Trần Quang Minh – thí sinh dự thi ngành Diễn viên chia sẻ: “Quyết định theo đuổi ngành Diễn viên là lựa chọn của chính em sau nhiều lần theo làm các bộ phim như Tình đầu thơ ngây, Mắt biếc,… Gia đình em làm về sản xuất, tuy nhiên em muốn tìm cho mình một lối đi riêng, không chịu sự tác động từ bên ngoài. Biết được Văn Lang tổ chức Kỳ thi Năng khiếu và mở Khoa Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh, em đã đăng ký để cho bản thân một cơ hội nuôi lửa đam mê và tiếp tục với lĩnh vực Điện ảnh và có thể làm những điều nổi trội hơn.”
Dù chỉ mới là những thí sinh ứng tuyển, nhưng hầu hết các bạn đều có sự tìm tòi và hiểu biết trong lĩnh vực nhất định, có tư duy và đặc biệt là góc nhìn riêng độc đáo – một yếu tố hết sức quan trọng khi làm nghệ thuật. Đạo diễn. NSƯT Đào Bá Sơn – một trong ba giám khảo thuộc tổ Đạo diễn chia sẻ: “Chúng ta nhiều khi có nhiều cách nói. Cách nói khôn khéo nhất là nói theo cách của đám đông. Nhưng chúng tôi không muốn hỏi anh về vấn đề báo chí nói thế nào mà hỏi chính anh. Thế thì anh phải tự hỏi trái tim của anh. Anh phải hỏi chính tư duy rằng anh thích cái gì, anh muốn điều gì, suy nghĩ của anh về vấn đề. Đó chính là cái tôi. Người nghệ sĩ mà thiếu cái tôi là hỏng. Chúng tôi đi tìm cái lõi của các em, muốn nghe cái thật của các em dù cái thật ấy có thể chưa đầy đủ, còn khiếm khuyết.”
PGS. TS. NGƯT Phan Thị Bích Hà, Trưởng khoa Nghệ thuật Sân khấu & Điện ảnh tổng kết: “Nhìn chung, các bạn rất trong sáng, có tư chất, rất hứa hẹn để trở thành những đạo diễn và diễn viên tốt. Điện ảnh nói chung và ngành đạo diễn nói riêng rất cần vốn kiến thức xã hội, đời sống sâu và rộng và vốn hiểu biết nhất định về các lĩnh vực. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần năng khiếu, một sự nhạy cảm, đánh giá, nhìn nhận và giải mã vấn đề một cách chính xác. Phải quyết liệt, tự tin, mạnh mẽ để đứng trước phim trường, trước những diễn viên, quay phim, tổ sản xuất, những con người cũng tài năng và có chuyên môn trong lĩnh vực của họ. Ngày hôm nay, cô nhìn thấy ở các bạn toát lên nét chân thật. Các bạn có bản lĩnh, trung thực và dám nêu lên suy nghĩ của chính mình. Đó là điều đáng quý.”
Tinh thần Văn Lang là nhà
Chưa một kỳ thi Năng khiếu nào tại Trường Đại học Văn Lang lại vui vẻ, ấm áp tình thầy trò, tình bạn bè và đồng môn tương lai như Kỳ thi Năng khiếu Sân khấu Điện ảnh. Những căng thẳng, hồi hộp khi đứng trước ống kính, trước ban giám khảo dường như bị xóa tan bởi những tiếng cười, tiếng hát, sự sôi nổi khi cùng nhau diễn tập của các thí sinh. Mặc dù mới chỉ quen biết nhau nhưng tinh thần đoàn kết của các bạn đã bền chặt không thua kém một lớp học chính thức đi cùng nhau 1, 2 năm trời. Các bạn chủ động bắt chuyện, hết mình hỗ trợ cho tiểu phẩm của mỗi bạn, cùng nhau đứng đợi và cổ vũ tinh thần cho đến lúc thí sinh cuối cùng hoàn thành phần thi. Đức Nhân chia sẻ: “Đến với Văn Lang, lần đầu tiên em đã nghĩ mình cứ đi thẳng vào là được nhưng thật sự là trường quá rộng nên em phải hỏi đường nhiều bạn. Nhưng nhờ thế mà em nhận ra rằng các bạn sinh viên Văn Lang rất nhiệt tình, có bạn thậm chí đã dắt em đến tận phòng thi luôn.”
Khoa Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh Trường Đại học Văn Lang được thành lập và chính thức tuyển sinh từ năm 2020 với 2 ngành Diễn viên Kịch, Điện ảnh – Truyền hình và Đạo diễn Điện ảnh – Truyền hình.
Đội ngũ giảng viên của khoa là những thầy cô làm nghề giàu kinh nghiệm, kiến thức và có nhiều tác phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước. Trường Đại học Văn Lang được đầu tư cơ sở vật chất tốt, với trang thiết bị hiện đại, có sân khấu, trường quay, máy quay phục vụ giảng dạy và thực hành. Theo định hướng đào tạo mang tính ứng dụng cao, người học sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết, đặc biệt là có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế tại trường quay và sân khấu, giúp sinh viên tích lũy đầy đủ kiến thức cùng kinh nghiệm để phục vụ cho công việc chuyên môn tương lai.
Bài: Hoài Anh
Ảnh: Lee Minh Phương - Thịnh Trần - Nhật Huy