(P.TS&TT – Văn Lang, 20/01/2021) - Ngày 20/01/2021, Khoa Nghệ thuật Sân khấu – Điện ảnh phối hợp cùng Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM tổ chức chương trình biểu diễn, giới thiệu Nghệ thuật Hát Bội cho sinh viên Văn Lang.
Được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM, Khoa Nghệ thuật Sân khấu – Điện ảnh Trường Đại học Văn Lang đã phối hợp tổ chức chương trình biểu diễn, giới thiệu Nghệ thuật Hát Bội với sinh viên Văn Lang. Chương trình nhằm giới thiệu và tạo sân chơi bổ ích cho các bạn sinh viên Văn Lang, đồng thời góp phần bảo tồn và lưu truyền loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc Việt Nam với thế hệ trẻ.
Ông Võ Hồ Hoàng Vũ – Phó Giám đốc điều hành Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM, cùng diễn giả, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hữu Danh đã dẫn dắt và cùng giao lưu, hướng dẫn sinh viên Văn Lang từng bước làm quen với nghệ thuật hát bội đặc trưng của dân tộc.
Tiết mục mở màn “Nhật Nguyệt Bát Thiên Vương”, một điệu múa phỏng theo nghi thức cúng tế trời đất của vua chúa ngày xưa, cầu cho mưa thuận gió hoà, đất nước thái bình, cũng là lời chúc ý nghĩa của chương trình dành cho Trường Đại học Văn Lang: “Dạy hay – Học giỏi – Thành công trong mọi lĩnh vực”.
Diễn giả, NSƯT Hữu Danh chia sẻ thêm: “Đây là điệu múa thiên về vũ trụ quan. Có thể thấy hai nghệ sĩ ở giữa cầm hai hình tròn, người nam đại diện cho mặt trời – tính dương và người nữ đại diện cho mặt trăng – tính âm. Còn bốn anh kép đầu đội kim khôi tượng trưng cho bốn phương Đông – Tây – Nam – Bắc và bốn cô đào đầu đội lông trĩ tượng trưng cho bốn mùa hoa nở Xuân – Hạ - Thu – Đông”.
Tại buổi biểu diễn, thầy cô cùng sinh viên Văn Lang còn được giới thiệu về nguồn gốc, xuất xứ, quá trình hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật Hát Bội qua những chia sẻ của diễn giả, NSƯT Hữu Danh. Ngày nay, tuy rằng các đoàn diễn không còn sáng đèn thường xuyên tại các rạp như thời hoàng kim nhưng Hát Bội vẫn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động văn hoá cộng đồng tại vùng đất Nam bộ. Hát Bội còn được xem là một loại hình nghệ thuật mang đậm giá trị và màu sắc tâm linh, không xa lạ với những ai đã từng tham gia lễ hội Kỳ Yên tại các đình miễu địa phương và tục hát chầu để nghinh cúng thần linh trong lễ hội.
Trích đoạn “Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá” cùng với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ Đông Hồ, Bảo Châu, Linh Khương, Hoàng Tuấn.
Trích đoạn Bà Huyện đánh ghen (kịch bản: “Ngao Sò Ốc Hến”) với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ Hoàng Hà, Loan Thanh, Hoàng Tuấn.
Sau mỗi trích đoạn biểu diễn, diễn giả, NSƯT Hữu Danh chia sẻ với giảng viên, sinh viên những thông tin quý về mặt nạ, các quy chuẩn ước lệ độc đáo trên sân khấu và văn chương trong hát bội. Cố GS. Trần Văn Khê từng viết rằng: “…coi hát bội không chỉ để xem diễn xuất, nghe ca hát, mà còn để thưởng thức văn chương trác tuyệt.”
Sinh viên Văn Lang được trải nghiệm vào vai diễn viên hát bội với các kỹ năng: vũ đạo, thử giọng thoại, giọng cười trên sân khấu hát bội
Khép lại buổi biểu diễn là trích đoạn lịch sử "Trần Bình Trọng tuẫn tiết" với sự tham gia của các nghệ sĩ Xuân Quang, Thanh Bình, Minh Khương, Hoàng Tuấn, Ngọc Giàu hiệp cùng nam nữ diễn viên của Nhà Hát Bội TP.HCM. Trích đoạn hào hùng biểu cảm đã đẩy cảm xúc của khán phòng lên cao, khép lại một đêm diễn và giao lưu, tìm hiểu nghệ thuật dân tộc vô cùng lý thú.
Trích đoạn lịch sử "Trần Bình Trọng tuẫn tiết"
Thông điệp mà chương trình mong muốn truyền tải đến đến khán giả tham gia thưởng thức buổi trình diễn nghệ thuật
Lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang tặng hoa tri ân các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM
Những lần gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ gạo cội và đặc biệt là với nghệ thuật Hát Bội như thế này sẽ giúp sinh viên có cái nhìn trân quý hơn những giá trị truyền thống.
Bài: Nguyễn Trung Nghĩa
Hình: Minh Phương