TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Kỷ niệm Ngày Thơ Việt Nam, Đại học Văn Lang tổ chức mạn đàm Thơ Nguyên tiêu

(P.TS&TT - Văn Lang, 28/02/2021) - Sáng ngày 27/02/2021, nhân kỷ niệm ngày Thơ Việt Nam, Câu lạc bộ Văn hoá Trường Đại học Văn Lang tổ chức chương trình mạn đàm thơ chủ đề “Thơ Nguyên Tiêu”.

vlu hoi tho nguyen tieu aChương trình mạn đàm thơ chủ đề "Thơ Nguyên tiêu" có sự tham dự của những cây bút quen thuộc với Trường Đại học Văn Lang như: nhà thơ Nguyễn Duy, nhà báo Dương Trọng Dật, TS. Hồ Tấn Phong,...

Là chương trình giàu ý nghĩa và giá trị nhân văn, chương trình mạn đàm thơ chủ đề “Thơ Nguyên tiêu” nhận được sự quan tâm của Hội đồng Trường, lãnh đạo và giảng viên, nhân viên Trường Đại học Văn Lang. KS. Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Trường Đại học Văn Lang, TS. Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng; TS. Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực, TS. Ngô Quang Trung – Phó Hiệu trưởng; Ông Trương Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn đã nhiệt tình tham dự sự kiện.

Chủ tịch Hội đồng Trường - TS. Nguyễn Cao Trí khẳng định những tác động tích cực mà hàng nghìn năm qua thơ ca đã đem đến cho đời sống con người: “Chúng tôi nghĩ rằng thơ văn và những tài năng trong lĩnh vực văn hoá xã hội là nguồn tài nguyên vô giá và ngày càng trở nên khan hiếm tại Việt Nam. Đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, sự phát triển thơ văn có xu hướng thu hẹp hơn. Những di sản thơ văn quý báu trở nên rất quan trọng, đặc biệt đối với những tổ chức đào tạo giáo dục như Văn Lang. Dù công nghệ A.I có phát triển thế nào cũng không thể thay thế thơ ca nghệ thuật, và vì vậy, những di dản văn hoá lớn càng cần được trân trọng và truyền bá rộng rãi cho thế hệ trẻ hiện nay”.

vlu hoi tho nguyen tieu gTS. Nguyễn Cao Trí bày tỏ: “Sự hiện diện của các văn nghệ sĩ như nhà thơ Nguyễn Duy, nhà báo Dương Trọng Dật là một chỗ dựa tinh thần rất lớn đối với Văn Lang, để chúng tôi có thêm nguồn động viên, nguồn cảm hứng và đưa ra những quyết định đúng đắn cho sự phát triển của Văn Lang.”

Trong không khí thân tình của buổi mạn đàm thơ, người tham dự lần lượt được lắng nghe những câu chuyện cuộc đời của người thi sĩ, những trăn trở, cách nhìn nhận cuộc sống qua lăng kính thơ ca và những câu chuyện về hoàn cảnh ra đời các thi phẩm. Mỗi nhà thơ đều có câu chuyện của riêng mình nhưng tất cả sở hữu một số điểm chung nhất định: họ là những con người đã sống, lớn lên và đi qua những cuộc chiến tranh khốc liệt và hào hùng của dân tộc; họ cũng là những con người giàu tình yêu, đặc biệt với quê hương đất nước, với con người; họ là những con người lạc quan, tìm thấy niềm vui và động lực sống ngay cả khi muôn vàn khó khăn gian khổ.

Trong chương trình, nhà báo Dương Trọng Dật – Giám đốc Nhà hát Truyền hình Văn Lang đã đọc lại bài thơ mình sáng tác năm 2020, cũng là món quà đặc biệt dành tặng KS. Bùi Quang Độ nhân dịp kỷ niệm sinh nhật:

“[…] Máu lãng tử chắp cánh cho những ý tưởng lãng mạn trong kinh doanh,
Chuyện làm ăn không phải chuyện làm đỏ đen trên chiếu bạc.
Chính những lãng mạn từ con tim, đã đưa anh vượt qua cái tư duy ao làng chật hẹp,
Thổi hồn vào những triết lý kinh doanh, nhân bản vị Con Người. […]”

vlu hoi tho nguyen tieu dKS. Bùi Quang Độ chia sẻ: “Tôi rất vui khi bản thân là một người yêu thơ lại được những nhà thơ làm thơ tặng mình nhân ngày sinh nhật. Thật sự rất quý giá.

TS. Hồ Tấn Phong – Trưởng Khoa Khoa học Cơ bản, đồng thời cũng là cây bút thân thuộc với Trường Đại học Văn Lang trong những phong trào, hoạt động thơ ca đã chia sẻ cùng mọi người chùm thơ thú vị lấy cảm hứng từ những mẩu chuyện nhỏ trong đời sống, là tiếng ca lạc quan động viên con người vượt qua khó khăn, trắc trở, đặc biệt là trong trận đại dịch Covid-19 vừa qua:

“Khẩu trang kín miệng người đi Tết,
Phố vắng, xác hoa cũng nhạt màu.
Em đi bên tôi, không rõ mặt,
Chỉ thấy mắt cười, để nhớ nhau.”

vlu hoi tho nguyen tieu eTS. Hồ Tấn Phong chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời và những bài thơ mình đã viết trong sự xúc động, bồi hồi.

Khép lại buổi mạn đàm là phần chia sẻ ý nghĩa của nhà thơ Nguyễn Duy. Thi sĩ Tre Việt Nam kể cho người tham dự về những biến cố trọng đại trong cuộc đời và câu chuyện chọn giọng riêng cho thơ mình thuở còn trẻ. Nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ: “Tôi lớn lên với sự quan tâm chăm sóc và dạy dỗ của bà ngoại. Bà tôi là một nhân vật rất lạ và đặc biệt mà theo tôi, đến nay, những người như bà không còn nữa. Bà tôi không biết chữ, nhưng bà thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích truyện tiếu lâm đủ mọi thể loại. Bà dạy dỗ tôi bằng văn học dân gian. Trí nhớ của các cụ có thể nói là tuyệt vời và họ đều nhớ những điều hay, tử tế và tốt đẹp ở trên đời, bởi thơ văn của dân tộc đều nói về những đạo lý làm người. Tôi đã lớn lên trong môi trường đó, tinh thần được ngâm tẩm trong ca dao của dân tộc cho nên thơ của tôi viết ra đều học từ ca dao”.

Nhà thơ Nguyễn Duy cũng chia sẻ thêm những khó khăn nhà thơ từng trải qua khi thay đổi giọng văn cho phù hợp với thời đại và nỗi buồn khi giọng văn đó không được đón nhận. Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng người ta không yêu thơ của mình bởi vì thơ của mình không hay. Không hay bởi vì mình nói giọng người khác, hồn người khác và lời của người khác. Sau đó, tôi quyết định quay lại với mình của chính mình, tôi quay lại với thơ lục bát”.

vlu hoi tho nguyen tieu fNhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ: bài thơ Tre Việt Nam trích trong tập thơ Cát trắng chính là một trong những bài thơ mở đầu cho hành trình quay về với giọng thơ dân gian của ông.

Những câu chuyện được kể, những bài thơ được xướng lên đã dẫn dắt người nghe đi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Chương trình “Thơ Nguyên Tiêu” khép lại nhưng qua những câu chuyện, bài thơ giàu ý nghĩa lại mở ra trong mỗi người tham dự xúc cảm, trăn trở và suy ngẫm riêng về cuộc sống, mang đến cho mỗi người những trải nghiệm cá nhân khó quên.

vlu hoi tho nguyen tieu hBan lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang chụp ảnh cùng các văn nghệ sĩ tham dự tổ chức chương trinh

 

Bài: Nguyễn Trung Nghĩa
Hình ảnh: Lee Minh Phương


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag