TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Livestream tư vấn tuyển sinh 2021 – tập 11: Học ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật Xét nghiệm Y học tại Văn Lang

(P.TS&TT Văn Lang, 08/05/2021) - 20g tối 01/04, Fanpage Trường Đại học Văn Lang tiếp tục phát sóng Livestream tư vấn tuyển sinh Nhà Lạc số 11 với chủ đề xoay quanh ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật Xét nghiệm Y học.

Sau ảnh hưởng của dịch Covid 19, xã hội cũng như nhiều thí sinh, phụ huynh bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của những công việc thuộc lĩnh vực y tế. Hiện nay tại trường Đại học Văn Lang có 4 ngành thuộc khối ngành sức khỏe, trong đó ngành Điều dưỡng và ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học nhận được sự quan tâm đông đảo của các bạn thí sinh.

Livestream tư vấn tuyển sinh số này có sự tham gia của ThS. Lý Thị Phương Hoa – Phó Trưởng Khoa Điều dưỡng và Kỹ thuật Y học, cô cũng chia sẻ quan điểm của mình về việc lựa chọn theo học ngành Điều dưỡng và ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học: “Hiện nay nhiều phụ huynh luôn muốn con em mình được làm việc trong môi trường y tế nhưng nhiều bạn thường có tâm lý rằng: vì tôi không học được bác sĩ nên tôi học ngành Điều dưỡng hoặc ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học. Thật ra xã hội đã phân công rồi, mỗi người đều có vị trí và vai trò nhất định của mình, chỉ cần bản thân mình thấy điều đó có ích là được.”

vlu livestream nganh ky thuat xet nghiem y hoc bThs. Lý Thị Phương Hoa - Phó Trưởng Khoa Điều dưỡng & Kỹ thuật Y học tham gia livestream tư vấn tuyển sinh cho các bạn thí sinh

Để tiện theo dõi nội dung, Website Trường Đại học Văn Lang tường thuật lại buổi Tư vấn trực tuyến số 11 với chủ đề “Học ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật Xét nghiệm Y học tại Văn Lang.”

MC đặt câu hỏi tương tác: Với vai trò và ý nghĩa quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng như hiện nay, thì cụ thể vai trò của những người đi theo ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học và ngành Điều dưỡng trong nền y tế và trong xã hội được nhìn nhận như thế nào ạ?

TL: Như chúng ta đã biết, trong thời gian vừa qua dịch Covid diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù đã có những bước ổn định nhưng cũng có nguy cơ sẽ đến đợt dịch thứ 4. Những thành viên trong đội y tế chính là những thành viên tuyến đầu chống dịch, họ cùng tham gia để đất nước có thể kiểm soát được bệnh dịch tốt nhất và những kết quả kiểm soát dịch cũng được cả thế giới đánh giá cao. Vì vậy, các bạn có thể thấy rằng xã hội cũng có cái nhìn khác hơn về vai trò của các thành viên trong ngành y tế, trong đó thì có ngành Điều dưỡng và ngành Xét nghiệm Y học.

MC đặt câu hỏi tương tác: Thưa Cô, có những điểm khác biệt nào trong định hướng đào tạo ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học và ngành Điều dưỡng Đại học Văn Lang ạ? Và sau khi học xong, văn bằng của các bạn sẽ là văn bằng gì?

TL: Thật ra các bạn đã có rất nhiều thông tin từ các phương tiện truyền thông rồi, cô sẽ chỉ thông tin thêm để cho chính xác hơn. Ngành Xét nghiệm Y học và ngành Điều dưỡng trong lĩnh vực y tế là ngành yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề. Sau khi tốt nghiệp xong các bạn sẽ thực hành tại bệnh viện thêm 9 tháng để hoàn tất

chương trình và nộp hồ sơ để được cấp chứng chỉ hành nghề. Hiện nay ngành Y tế chưa tổ chức kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề vì cần chờ các chính sách, quyết định chứng thức của ngành nhưng trong tương lai sẽ có. Đây là những ngành nghề đặc biệt, tiếp xúc với người bệnh, liên quan đến tính mạng, các bạn phải đảm bảo an toàn cho người bệnh, đó là những đòi hỏi rất cao của ngành Y tế đối với công tác chăm sóc sức khỏe con người.

Bạn Thái Phạm Trúc Mai: Học ngành Điều dưỡng sẽ học những môn nào trong học kỳ? Cô có thể khái quát gì về các môn học rõ hơn không ạ?

TL: Tất cả các bạn đều sẽ học những môn chung như các sinh viên ngành khác ở trình độ Đại học. Bên cạnh đó chúng ta cũng sẽ học những kiến thức liên quan đến cơ sở ngành như: Tâm lý y học, Giải phẫu, Sinh lý bệnh, Miễn dịch,.. hay học về Kỹ thuật Chăm sóc người bệnh, tìm hiểu các bệnh Nội khoa, bệnh Ngoại khoa, Sản phụ khoa. Qua những môn học như vậy chúng ta có thể biết một người bệnh thông thường nên nằm ở đâu, chăm sóc như thế nào, với người bệnh thở máy sẽ chăm sóc ra sao. Các bạn sẽ học thêm các phương pháp xử lý vết thương, phân biệt các dung dịch rửa khác nhau với những loại vết thương, tình trạng sức khỏe phù hợp. Thì đó là tất cả công việc của một người Điều dưỡng.

Bạn Đinh Hoàng Yến Phương: Một năm sinh viên học ngành Điều dưỡng sẽ học bao nhiêu môn, bao nhiêu tín chỉ và chương trình có nặng không ạ?

TL: Hiện nay trong chương trình đào tạo các bạn có 140 tín chỉ, trong đó nhà trường mong muốn các bạn có cơ hội hội nhập quốc tế, do đó số tín chỉ học tiếng Anh cũng khá nhiều, chiếm 21 tín chỉ. Các bạn sẽ đi 12 tuần ở bệnh viện để chăm sóc người bệnh liên quan đến các vấn đề nội khoa và ngoại khoa. Tiếp theo các bạn đi 15 tuần ở bệnh viện chăm sóc các bệnh nhi, người cao tuổi, những người bệnh cần phục hồi chức năng. Sau đó thực tập ở cộng đồng, tại các chuyên Khoa như khoa Hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu. Bình quân một học kỳ, các bạn sẽ học khoảng 20 tín chỉ tùy theo thiết kế. Nếu các bạn đi thực hành bệnh viện nhiều thì số tín chỉ sẽ ít hơn vì thời lượng cho 1 tín chỉ thực hành bệnh viện chiếm khá nhiều thời gian. Ngoài những thông tin cô chia sẻ, các bạn có thể tham khảo chương trình đào tạo trên website trường Đại học Văn Lang hoặc gửi về Khoa.

vlu livestream nganh ky thuat xet nghiem y hoc aTS. Lý Thị Phương Hoa đã có những chia sẻ thân thiện và giải đáp các thắc mắc của các thí sinh về ngành Điều Dưỡng và ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học.

Bạn Hoàng Kiều: Em đang mong muốn theo học ngành Điều dưỡng, tuy nhiên em không biết trong các cơ sở Y Tế vai trò của Điều dưỡng viên và Y Tá có khác gì nhau?

TL: Nếu bạn không sợ công tác chăm sóc người bệnh thì cô rất hoan nghênh bạn vào học ngành Điều dưỡng. Hiện nay trong hệ thống y tế, thuật ngữ Y tá không còn sử dụng trong bệnh viện mà chức danh nghề nghiệp gọi là Điều dưỡng. Trước đây, gọi Y tá là người phụ tá của bác sĩ, nhưng từ năm 1990, lịch sử của ngành thay đổi và có những chuyển biến tích cực hơn, chúng ta không còn sử dụng tên gọi đó nữa. Trong những thông báo chiêu sinh làm việc tại Nhật Bản, có những chức vụ như Hộ lý, Y tá,..thì các bạn nên tìm hiểu thật kỹ. Những người làm việc ở Nhật Bản có hai vị trí, một là Hộ lý - nhân viên chăm sóc, vị trí thứ 2 là công tác Điều dưỡng. Công tác Điều dưỡng ở nước ngoài sẽ có những quy định hành nghề riêng của họ, nếu bạn đáp ứng yêu cầu ở vị trí nào thì được làm việc ở vị trí đó.

Câu hỏi từ VLUBOX: Khi em tốt nghiệp ngành Điều dưỡng xong em muốn phấn đấu để trở thành Điều dưỡng Trưởng sẽ mất thời gian bao lâu và cần chuẩn bị gì ạ?

TL: Trước tiên các bạn phải có kinh nghiệm, sau đó các bạn có thể làm Điều dưỡng viên trước và đợi đơn vị nơi mình làm thực hiện quy hoạch lên làm cán bộ quản lý. Điều dưỡng Trưởng là một vị trí quản lý ở trong bệnh viện, chúng ta có Điều dưỡng Trưởng tour trực, Điều dưỡng Trưởng Khoa, Điều dưỡng Trưởng bệnh viện. Các bạn có thể làm một Điều dưỡng Trưởng tour trước để quản lý một nhóm người nhỏ trong tour trực của mình. Sau đó trở thành một Điều dưỡng Trưởng Khoa,các bạn sẽ quản lý số lượng nhiều hơn, quản lý cơ sở vật chất trang thiết bị trong Khoa đó. Nếu bạn giỏi hơn nữa thì sẽ làm Điều dưỡng Trưởng bệnh viện, thì đó là một hành trình phấn đấu rất lâu dài. Với trình độ Đại học, trở thành Điều dưỡng Trưởng Khoa là điều có khả năng nhưng để làm Điều dưỡng Trưởng bệnh viện bạn phải có trình độ sau Đại học, ví dụ như học Điều dưỡng chuyên Khoa 1 hoặc học Thạc sĩ. Hiện nay Việt nam mình đã có những chương trình đào tạo như vậy rồi nên các bạn có thể học thêm. Ngoài ra, các bạn cũng phải học và có chứng chỉ Quản lý Điều dưỡng nữa thì bạn mới được bổ nhiệm chức danh là Điều dưỡng Trưởng bệnh viện. 

Bạn Thanh Lộc: Khi học ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học sẽ được đào tạo những kiến thức gì?

TL: Hiện nay ở Khoa có 2 ngành, với những ai thích tiếp xúc trực tiếp với người bệnh sẽ chọn ngành Điều dưỡng, ngược lại những ai thích khám phá về thiết bị trong lĩnh vực Y tế lại chọn ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học. Đối với ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học, các bạn được thao tác trên những máy móc thiết bị, phân tích kết quả mẫu bệnh phẩm từ người bệnh, nhận diện sự bất thường trong máu như thế nào,.. Ngoài những môn học đại cương chung, các bạn sẽ học những Y học cơ sở của ngành Điều dưỡng. Các bạn sẽ học chuyên về những lĩnh vực Y học, xét nghiệm vi sinh,  xét nghiệm huyết học, giải phẫu bệnh trên các mẫu bệnh phẩm đã được người ta cắt hoặc học các môn Sinh học phân tử và thực hành, tiếp cận các labo tại bệnh viện.

Câu hỏi từ VLUBOX: Em có thấy Ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học học 8 học kỳ chính và 3 học kỳ hè, vậy học kỳ hè là sinh viên sẽ được học gì ạ? Nếu học như vậy, sinh viên có được nghỉ hè giống các bạn ngành khác không? Khi học các bạn được đăng ký tín chỉ hay được sắp thời khóa biểu sẵn?

TL: Học kỳ 3 chính là ý đồ của các thầy cô. Khi thiết kế học kỳ hè cho các em, trường muốn các em học nhanh, tốt nghiệp sớm và có cơ hội việc làm sớm hơn. Nếu các bạn không học học kỳ hè thì vẫn có thể học 2 kỳ bình thường, tuy nhiên sẽ học chậm hơn với các bạn lựa chọn học học kỳ 3. Với những ngành khác, sinh viên sẽ được chọn, đăng ký môn học trong giới hạn cho phép và theo quy chế đào tạo. Nhưng đối với ngành học sức khỏe, nếu đăng ký như vậy các bạn sẽ không thể đi thực hành đúng tiến độ đã tạo. Khi thầy cô thiết kế chương trình đều mong các em đảm bảo được tiến độ chương trình vì nếu bạn cứ đi lùi so với những bạn khác thì thời gian kéo dài rất lâu và không biết bạn sẽ có thể trả nợ môn hay tốt nghiệp kịp thời cùng với các bạn khác không.

Bạn Vy Vy Đinh: Ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y tế có hình thức thi chạy trạm là sao vậy ạ?

TL: Ngành nào cũng có thi chạy trạm hết. Ví dụ các bạn quan sát một tiêu bản trên kính hiển vi thì trên kính hiển vi số 1 sẽ muốn bạn quan sát hình thể của tế bào gì, tiếp đó các bạn chạy đến trạm số 2, quan sát hình thể của kết quả một mẫu bệnh phẩm khác trên lam kính đó. Các bạn thực hành sẽ được quan sát hết tất cả những tế bào và phải đọc đúng các tế bào đó như thế nào. Tùy theo môn học, số trạm mà các bạn chạy đã được mỗi thầy cô thiết kế riêng và khi vào học thầy cô sẽ hướng dẫn các bạn cách thi. 

Câu hỏi từ Livestream: Học ngành Điều dưỡng có được trải nghiệm bên Y học cổ truyền hay không ạ?

TL: Hiện nay các anh chị sinh viên năm 3 đang trong quá trình thực tập ở khoa Y học cổ truyền của bệnh viện Nhân dân Gia Định. Chúng ta sẽ có 10 ngày để thực tập tại đó, quan sát các thiết bị kỹ thuật mà Y học cổ truyền ứng dụng vào việc chăm sóc đối với người bệnh như thế nào, kết hợp Đông - Tây y ra sao. Để hiểu được Y học cổ truyền thì cần có thời gian nhiều hơn, do vậy các bạn có thể học thêm các chứng chỉ sau khi tốt nghiệp nhưng trong chương trình đào tạo của ngành Điều dưỡng trường Đại học Văn Lang đã có trải nghiệm gần 10 ngày tại Khoa Y học cổ truyền. 

Phụ huynh em Nguyễn Thị Trà My: Hơn một năm trải qua đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới đều khó khăn, nhưng vất vả nhất là lực lượng y bác sĩ tuyến đầu tham gia điều trị bệnh. Những lúc cao điểm, họ phải nhiều đêm không ngủ, thậm chí phải đối diện với sự nguy hiểm tính mạng bản thân trong khi làm nhiệm vụ. Nghe kể những câu chuyện này qua báo đài, bản thân tôi thấy băn khoăn trước quyết định của con tôi khi chọn học ngành Điều dưỡng. Các thầy cô có lời khuyên nào về việc chọn ngành này, ngoài năng lực cá nhân, cháu cần có những tố chất nào để theo đuổi công việc này?

TL: Khi các em hành nghề, nếu bản thân chưa bảo vệ được mình thì chính mình lại là người lây nhiễm cho bệnh nhân. Do đó điều đầu tiên các cô dạy chính là phải biết an toàn cho mình, biết chăm sóc bản thân thì mới có thể tạo an tâm cho người được chăm sóc. Gần đây, chính các em cũng là những người đưa ra các giải pháp an toàn cho sinh viên trong dịch Covid 19 và có báo cáo trong hội thảo khoa học. Ngoài ra học hết năm thứ 2, các bạn đã có thể biết cách mặc áo choàng, đeo găng tay nên nắm chỗ nào và cầm khẩu trang chỗ nào,... Thì đó là những kỹ thuật các em được học và để cho các em biết được cách tự bảo vệ bản thân mình.

vlu livestream nganh ky thuat xet nghiem y hocLivestream tư vấn tuyển sinh ở khung giờ 20g00 quen thuộc trên fanpage trường Đại học Văn Lang

Bạn Nguyễn Thanh Lộc - Bạn Võ Dương: Ngành Điều dưỡng tỷ lệ việc làm có cao không và sẽ thực tập ở bệnh viện nào vậy ạ?

TL: Hiện nay sinh viên Văn Lang đang đi thực tập tại bệnh viện nhân dân Gia định. Sắp tới khả năng tiếp nhận sinh viên đến bệnh viện sẽ theo quy định của ngành Y tế nên nếu nhóm sinh viên này ở bệnh viện nhân dân Gia Định, thì nhóm khác sẽ đi ở bệnh viện khác. Sắp tới chúng ta sẽ đi bệnh viện Thống Nhất, các em cũng có thể đi bệnh viện 175. Tùy theo từng thiết kế của chương trình mà các bạn khi vào học thì nhà trường đã có những hợp đồng với các bệnh viện và cơ sở thực hành của trường.

Bạn Phan Tường Vy – Bạn Huỳnh Tú: Em nghe nói ngành y học sau khi tốt nghiệp, em có thể làm việc ở Viện nghiên cứu vậy cụ thể trong đó em sẽ làm gì ạ? Ngoài ra em có thể làm việc ở những công ty trang thiết bị y tế bình thường được không?

TL: Hiện nay ở viện Pasteur có phòng xét nghiệm cũng nghiên cứu về các vấn đề sức khỏe cộng đồng, các bạn có thể làm những xét nghiệm để chẩn đoán, phát hiện những độc chất. Những kỹ thuật đó trong quá trình học đều đã học rồi vì vậy ở Viện nghiên cứu, các bạn hoàn toàn thực hiện được những kỹ thuật đó. Với ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học, các bạn có thể làm một kỹ thuật viên xét nghiệm tại bệnh viện, tùy theo quy mô của bệnh viện mà họ sẽ có những kỹ thuật riêng. Ngoài ra còn có thể làm ở phòng xét nghiệm tư nhân, tại các phòng khám hoặc các viện nghiên cứu, các công ty trang thiết bị y tế có liên quan. Cơ hội làm việc ở các công ty trang thiết bị y tế thì trong chương trình đào tạo của nhà trường cũng đã giới thiệu và tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp. Đây đều là những doanh nghiệp thường cung cấp trang thiết bị y tế cho trường và họ cũng thường hỗ trợ chúng ta trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, trải nghiệm trên các thiết bị.

Câu hỏi từ livestream: Em thấy ở các quốc gia Châu Âu rất phát triển khối ngành sức khỏe, không biết Khoa mình có liên kết nước ngoài và có được giới thiệu để trao đổi sinh viên hay không?

TL: Chỉ cần các bạn có nguyện vọng, đồng ý với những chính sách của nhà trường và thực sự có nhu cầu, nhà trường sẽ kết nối cho các bạn. Quan trọng là sự tham gia tích cực của các bạn để nhà trường thấy rằng các bạn không ngần ngại khi nhà trường triển khai những chương trình đó. Hiện tại nhà trường luôn có các cô đồng hành, các cô cũng luôn tìm hiểu xem đối tác của mình là ai, sinh viên của tôi sẽ đi thực tập ở những nơi nào, mức lương ra sao và việc quản lý sinh hoạt các em tại những quốc gia đó thế nào.

Buổi Livestream Nhà Lạc số 11 với ThS. Lý Thị Phương Hoa – Phó Trưởng Khoa Điều dưỡng và Kỹ thuật Y học, Trưởng Bộ môn Điều Dưỡng đã giải đáp các thông tin cũng như những chia sẻ thực tế nhất về ngành Điều dưỡng và ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học của trường Đại học Văn Lang. Nhà lạc hy vọng các thí sinh có thể chọn lựa ngành học phù hợp nhất cho bản thân. Livestream Nhà Lạc sẽ lên vào lúc 20g00 – 21g00 tại Fanpage trường Đại học Văn Lang.

Mai Thy (tường thuật)
 Sinh viên ngành Quan hệ công chúng


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag