TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

SARS-CoV-2 và dịch bệnh COVID-19: Những kiến thức khoa học cơ bản để phòng chống đại dịch toàn cầu

(VLU, 31/05/2021) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, TS. Phùng Quốc Đại - Khoa Y học Cổ truyền Trường Đại học Văn Lang đã có bài viết cung cấp thông tin khoa học và thời sự về dịch bệnh COVID-19, giúp độc giả có cái nhìn khách quan về sự nguy hiểm và hiểu bản chất các nội dung đang triển khai phòng chống dịch một cách hiệu quả.

I. Vì sao dịch bệnh do virus đáng sợ hơn dịch bệnh do vi khuẩn?

1. Dịch do virus lây nhiễm nhanh như vi khuẩn, nhưng KHÔNG có thuốc đặc trị đặc hiệu. Khác với vi khuẩn bị diệt bởi kháng sinh, virus không bị kháng sinh tác động.

Đây là lý do khiến virus và vi khuẩn cùng phương thức xâm nhập cơ thể qua các đường hô hấp, tiêm chích, sờ chạm,... nhưng cách chúng tấn công tiêu diệt tế bào con người khác nhau hoàn toàn. Vi khuẩn chủ yếu tiêu diệt tế bào từ bên ngoài tế bào. Virus giết tế bào ngay bên trong bản thân tế bào một cách khôn ngoan theo trình tự sau:

vlu phong chong sars covid a

  1. Bám lên màng tế bào;
  2. Cho đoạn gen chui vào bên trong tế bào, bỏ lại lớp vỏ bên ngoài;
  3. Chui tiếp vào nhân tế bào, và gắn đoạn gen virus vào chuỗi ADN tế bào người;
  4. Lập trình và kích hoạt sao chép, lắp ráp tạo thành vô số virus con (virion) ngay bên trong tế bào làm tế bào chết dần;
  5. Các virus con chui ra ngoài tế bào tiếp tục tấn công các tế bào bình thường khác.

Điều này khiến virus trở thành sát thủ giết người nguy hiểm nhất trong giới sinh vật!

2. Hệ miễn dịch chống lại virus bằng cách nào?

Có hai cơ chế dịch thể và tế bào:

  1. Bạch cầu lympho B tạo kháng thể diệt virus rất hiệu quả, nhưng chậm hơn tốc độ lây lan của virus trong cơ thể, do đó thường thất bại. Đây là lý do vì sao tỷ lệ tử vong cao sau nhiễm virus. 
  2. Tế bào giết-tự-nhiên (NK), tế bào lympho Null,... tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus, chứ không trực tiếp diệt virus, do đó hiệu quả thấp. 

Ngoài hai cơ chế chính này của hệ Miễn dịch, con người hiện chưa tạo ra loại thuốc diệt thứ sinh vật có cấu tạo vô cùng tối giản này. Tuy nhiên với lớp vỏ não đặc biệt, con người đã tạo ra vắc-xin trực tiếp kích hoạt lympho B để tăng tốc tạo kháng thể đặc hiệu diệt virus.

Virus là loài sinh vật cổ xưa nhất hành tinh, không cấu trúc tế bào, chỉ gồm các đoạn gen bọc trong vỏ protein, virus có cách để né tránh sự tấn công của hệ miễn dịch bằng quá trình đột biến, luôn biến hình thông qua việc tạo gen mới. Đây là vấn nạn của cuộc chiến sinh tồn giữa loài Người - đứng đầu nấc thang tiến hoá và kẻ xếp dưới cùng - virus.

vlu phong chong sars covid b


II. Tại sao các biến chủng của virus Corona SARS-CoV-2 rất nguy hiểm?

1. Biến chủng của virus là gì?

Thực chất đây là sự đột biến gen tạo ra chủng virus mới có cấu trúc di truyền khác với chủng gốc cùng loài, nhưng chưa đủ yếu tố tạo thành loài mới.

Theo qui luật Tiến hoá và Di truyền, mọi quần thể sinh vật đều thay đổi theo thời gian để thích nghi điều kiện sống. Điều kiện cần là sự đột biến gen. Do vậy sự xuất hiện các biến chủng SARS-Cov-2 là bình thường. Tuy nhiên bất thường ở đây là tần suất đột biến quá cao.

Hiện SARS-Cov-2 có các biến chủng được định danh từ quốc gia Anh, Ấn, Nam Phi, Brasil.

2. Biến chủng SARS-Cov-2 khác chủng gốc như thế nào?

Trước hết ta biết rằng virus có hai lớp được phân loại thành DNA virus và RNA virus. Virus Corona thuộc nhóm RNA virus.

Xét theo sự tiến hoá, thì RNA virus ở thang bậc thấp hơn, nhưng không đồng nghĩa chúng kém nguy hiểm hơn. Biến chủng của SARS-Cov-2 khác chủng gốc ở cấu trúc protein tạo nên "gai" (spike) trên bề mặt con virus. Đây cũng chính là kháng nguyên S, giúp virus bám dính lên màng tế bào, khâu đột phá để chui vào tế bào người.

Kháng nguyên S là đích tấn công mà các kháng thể được cơ thể tạo ra khi tiêm vắc-xin COVID-19 nhằm bất hoạt virus.

3. Tại sao SARS-CoV-2 xuất hiện nhiều biến chủng nguy hiểm?

Đây là quy luật tự nhiên, khi số lượng cá thể trong một quần thể tăng (thậm chí tăng cả số quần thể) dẫn đến tần suất đột biến tăng, tạo tiền đề xuất hiện các biến chủng mới, sau này hình thành loài mới.

Các biến chủng SARS-CoV-2 rất nguy hiểm, bởi:

  • Là những chủng virus "siêu" lây nhiễm, tốc độ lây lan rất nhanh, thời gian ủ bệnh ngắn.
  • Chủng đột biến có khả năng đề kháng, "trốn tránh" sự tấn công của hệ miễn dịch.
  • Giảm hiệu quả vắc-xin vì chủng đột biến đã thay đổi kháng nguyên S bề mặt, mà kháng thể do vắc-xin bào chế dựa vào kháng nguyên cũ không tác động vào được.
  • Nguy hiểm nhất là các biến chủng cho kết quả test huyết thanh âm tính ở người đang bị nhiễm. Đây chính là F0 "tàng hình" gieo rắc virus trong cộng đồng.


III. Tại sao đại dịch COVID-19 bùng phát?

1. Các "mắt xích" trong dịch tễ học dịch COVID-19

Cũng như các đại dịch (pandemic) trong lịch sử loài người, như Dịch hạch "Đen" thế kỷ XIV (chết trên 100 triệu người), Dịch Cúm Tây Ban Nha 1918-1920 (chết trên 50 triệu người), Dịch HIV/AIDS từ 1981 đến nay (chết trên 3,5 triệu người), Dịch COVID-19 cũng có ba khâu quan trọng làm dịch lây lan tồn tại, bao gồm:

a. Nguồn lây nhiễm 

- Dơi, được dự đoán là vật chủ chính tự nhiên của nhiều loài virus Corona.

- Người nhiễm SARS-CoV-2

b. Đường lây: người --> người, theo các phương thức: 

- Trực tiếp: tiếp xúc da-niêm mạc (bắt tay, sờ chạm); hô hấp (hít thở các giọt bắn lơ lửng trong không khí)

- Gián tiếp: dùng chung dụng cụ sinh hoạt.

c. Khối cảm thụ: người chưa nhiễm virus

2. Tại sao SARS-CoV-2 có thể gây đại dịch chết người?

SARS-CoV-2 có hai điều điện thuận lợi cho việc hình thành đại dịch, đó là dịch có từ hai đường lây nhiễm trở lên, và Virus đột biến với tần suất cao sinh biến chủng.

3. Các biện pháp phòng và chống dịch COVID-19

Nguyên tắc: Cắt đứt chuỗi "mắt xích" dịch tễ của bệnh

a. Đối với nguồn lây (người):

- Cách ly (guarantee) tuyệt đối: kể cả những trường hợp nghi ngờ do tiếp xúc.

- Điều trị tích cực (therapy), bao gồm liệu pháp kháng huyết thanh (truyền kháng thể chống virus từ người khỏi bệnh).

b. Đối với đường lây: thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trong đó:

- Đường da - niêm mạc: rửa tay sát khuẩn, tránh sờ chạm.

- Đường hô hấp: đeo khẩu trang, tránh nơi đông người, giữ khoảng cách khi giao tiếp.

c. Đối với khối cảm thụ: hiện áp dụng rộng rãi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là gây miễn dịch chủ động bằng tiêm vắc-xin Covid-19.


IV. Tạo miễn dịch cộng đồng
(Community Immunity/Herd Immunity)

Đây là lĩnh vực giao thoa giữa ba chuyên ngành: Dịch tễ học (Epidemiology); Miễn dịch học (Immunology); và Bệnh Truyền nhiễm (Infectious Diseases).

1. Thế nào là Miễn dịch cộng đồng?

Là một hình thức bảo vệ gián tiếp chống dịch nCoV xảy ra khi một tỷ lệ lớn (trên 70%) dân cư trong cộng đồng xã hội đã có đáp ứng miễn dịch với SARS-CoV-2, tạo nên một lớp bảo vệ cho những người chưa miễn dịch.

Malta là đảo quốc vùng Nam Âu trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt đến tình trạng Miễn dịch cộng đồng khi 70% dân số có kháng thể chống SARS-CoV-2 nhờ tăng tốc tiêm vắc-xin COVID-19 cho toàn dân.

Trong một xã hội đã đạt Miễn dịch cộng đồng, xác suất để một người nhiễm virus tiếp xúc với người đã miễn nhiễm dịch bệnh (người có kháng thể chống virus do tự nhiên hay nhân tạo) rất cao. Trong tình huống này, dịch bệnh không lây truyền, do cơ chế cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chặn đứng đường lây từ người nhiễm virus (màu đỏ) sang người lành (màu xanh dương). 

vlu phong chong sars covid d

2. Cách thức tạo Miễn dịch cộng đồng như thế nào?

Có hai phương thức:

  1. Tự nhiên: những người dương tính với SARS-CoV-2 nhưng đã khỏi bệnh. Tiến trình này diễn ra quá chậm để đạt tỉ lệ cao người có kháng thể chống virus trong cộng đồng so với tốc độ lây nhiễm rất nhanh của virus do thời gian ủ bệnh ngắn.
  2. Nhân tạo: tiêm vắc-xin COVID-19. Nhanh chóng đạt tỉ lệ trên 70% dân số trong xã hội có kháng thể chống virus nếu quốc gia đủ tiềm lực kinh tế và công nghệ bào chế vắc-xin.

vlu phong chong sars covid e


V. 
Có phải ai cũng nên tiêm vắc-xin COVID-19?

1. Nguyên lý: tiêm vắc-xin để kích hoạt hệ miễn dịch tạo kháng thể bất hoạt (chống lại) virus. Do vậy có hai đối tượng chính KHÔNG nên tiêm vắc-xin.

a. Người có sẵn kháng thể chống SARS-CoV-2

Người đã nhiễm virus. Ở nước ta đó là những bệnh nhân được Bộ Y tế xác nhận và đánh số rõ ràng. Đây là hiện tượng miễn dịch "mắc phải tự nhiên".

b. Người mà hệ miễn dịch KHÔNG có khả năng tạo kháng thể chống virus sau tiêm vắc-xin.

  • Người mắc các bệnh làm cơ thể suy kiệt
  • Người nhiễm HIV
  • Trẻ em đang bị suy dinh dưỡng; người lớn đang bị thiểu dưỡng.

Ngoài ra còn có nhóm người nên trì hoãn tiêm vắc-xin: đang bị sốt, đang bị các bệnh cấp tính, đang điều trị bệnh bằng các thuốc ức chế hệ miễn dịch.

vlu phong chong sars covid f

2. Tại sao vắc-xin bảo vệ chúng ta không bị virus (kể cả vi khuẩn) xâm nhập gây bệnh?

  1. Vắc-xin chỉ tác động gián tiếp qua hệ miễn dịch để làm mất khả năng gây bệnh của virus (bất hoạt).
  2. Vắc-xin về mặt sinh học có chứa một trong những thành phần chính cấu tạo nên bản thân virus (kháng nguyên: antigen)
  3. Các tế bào chủ yếu thuộc hệ miễn dịch tương tác và xử lý kháng nguyên virus trong vắc-xin để kích hoạt đáp ứng miễn dịch đặc hiệu chống virus xâm nhập cơ thể gồm Đại thực bào (macrophage); bạch cầu lympho T; bạch cầu lympho B.
  4. Lympho B là tế bào chịu trách nhiệm tạo ra kháng thể (antibody) đặc hiệu bất hoạt từng loại virus tuỳ thuộc vắc-xin chế tạo từ kháng nguyên của virus nào.

3.Quá trình hình thành kháng thể chống virus

  1. Khi tiêm vắc-xin, kháng nguyên của virus "đụng" ngay chiến binh Đại thực bào thường trực ở mọi ngóc ngách nơi chúng xâm nhập.
  2. Đại thực bào tóm bắt và "xử lý" kháng nguyên virus rồi thông báo đặc điểm nhận dạng cho các chiến sỹ xung kích lympho.
  3. Một loại lympho T chuyên biệt sẽ kích hoạt lympho B sau khi nhận thông báo từ Đại thực bào bằng cách "ra lệnh" bắt đầu dây chuyền sản xuất vũ khí tấn công.
  4. Lympho B sau khi nhận thông báo khẩn từ Đại thực bào và lympho T thì ngay lập tức chuyển trạng thái chiến đấu để nhanh chóng sản xuất hàng loạt kháng thể đặc hiệu hiện diện với số lượng lớn trong máu nhằm chống lại sự xâm nhập của virus nếu chúng chui vào cơ thể.

Quá trình tạo lượng kháng thể đủ để bảo vệ cơ thể tính từ lúc tiêm vắc-xin mất khoảng 7 ngày. Thông thường vắc-xin cần được tiêm nhắc lại sau mũi đầu tiên khoảng một tháng bảo đảm lượng kháng thể lưu hành trong máu luôn đạt mức cao.

vlu phong chong sars covid g

 

TS. Phùng Quốc Đại
Khoa Y học Cổ truyền


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag