(VLU, 19/7/2021) - Tối ngày 15/7/2021, Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang phối hợp với Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF và Công ty Images Travel tiếp tục tổ chức hội thảo “Cách thức chuyển tải văn hóa và lịch sử vào bài thuyết minh của hướng dẫn viên mới vào nghề”, diễn ra trên ứng dụng trực tuyến Zoom.
Trong chuỗi chương trình hội thảo “Thị trường du lịch tiếng Pháp: Thấu hiểu để thành công" do Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang tổ chức kéo dài từ tháng 7 đến tháng 8/2021, hội thảo “Cách thức chuyển tải văn hóa và lịch sử vào bài thuyết minh của hướng dẫn viên mới vào nghề” là hội thảo thứ 2, thu hút gần 100 sinh viên và hướng dẫn viên tham dự.
Dưới sự điều khiển chương trình của TS. Trịnh Thị Thúy – Giảng viên Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang, phụ trách chương trình Hai Văn bằng Pháp - Việt và ông Nguyễn Ngọc Toản - Giám đốc Images Travel, hội thảo được dẫn dắt và trình bày bởi diễn giả Hoàng Thanh Sơn - hướng dẫn viên tự do xuất sắc phía Bắc, Tiếng Pháp chuẩn CFIT, Giảng viên thỉnh giảng và Thiết kế ý tưởng đào tạo du lịch trường Đại học Hà Nội.
Với kinh nghiệm 8 năm trong nghề hướng dẫn viên, từng đi nhiều loại tour khác nhau và 12 năm quản lý doanh nghiệp, trong 45 phút đầu của buổi hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Toản nói về nghề hướng dẫn viên du lịch và giải đáp các thắc mắc xoay quanh vấn đề: khách Pháp thích nghe gì từ hướng dẫn viên. Tập trung vào nhóm khách trung lưu với vị thế chiếm đa số, ông Nguyễn Ngọc Toản đánh giá du khách Pháp thuộc nhóm này rất thích nghe về văn hóa lịch sử bản địa nhưng không phải theo cách thuyết trình tổng hợp các diễn tiến lịch sử. Thay vào đó, người hướng dẫn viên nên tập trung nói về những sự kiện, sự vật đang tồn tại trước mắt cho du khách, qua đó khéo léo lồng ghép các chi tiết lịch sử, văn hóa của nước nhà gắn liền với những sự vật sự kiện. Chính những thứ đơn giản đời thường lại khiến du khách Pháp thích thú hơn bao giờ hết. Ông cũng đặc biệt lưu ý với các bạn hướng dẫn viên trẻ: “Pháp và Việt Nam đã có một giai đoạn lịch sử nhạy cảm, với tư cách một người hướng dẫn viên, chúng ta nên cung cấp các thông tin chính xác, đừng nên đưa các bình luận vào. Các bạn có thể lấy thông tin từ những quyển sách đã xuất bản của các phóng viên chiến trường các nước Châu Âu”.
Đến với phần thứ hai của chương trình, diễn giả Hoàng Thanh Sơn chia sẻ nhiều kinh nghiệm dành cho những bạn trẻ mới bắt đầu nghề hướng dẫn viên về cách truyền tải các yếu tố văn hóa, lịch sử, tôn giáo, phong tục sao cho hiệu quả khi thuyết trình với du khách. Để thành công trong bài thuyết trình, trước tiên người hướng dẫn viên phải biết những mong đợi của người Pháp và du khách Pháp. Theo diễn giả Hoàng Thanh Sơn, bên cạnh một số người Pháp yêu văn hóa và lịch sử, rất tò mò và luôn muốn có những lời giải thích cặn kẽ thì cũng có những du khách ưa thích việc thư giãn và tận hưởng chuyến đi hơn. Do đó, điều quan trọng là xác định nhu cầu của khách hàng để biết nên nói nhiều hay ít về văn hóa và lịch sử.
Sau khi đã xác định được nhu cầu của nhóm du khách, làm thế nào để người hướng dẫn viên có thể thỏa mãn những du khách ham giải thích? Trả lời cho câu hỏi này, diễn giả Hoàng Thanh Sơn khẳng định đọc sách là chìa khóa của thành công. Diễn giả Hoàng Thanh Sơn giới thiệu cho các hướng dẫn viên trẻ một số quyển sách bổ ích về lịch sử, văn hóa, văn minh và di sản như: Đất nước Việt Nam qua các đời (Đào Duy Anh), Bản sắc văn hóa Việt Nam (Phan Ngọc), Việt Nam một thiên lịch sử (Nguyễn Khắc Viện), À la découverte de la culture vietnamienne (Hữu Ngọc)...
Bên cạnh đó, để giúp các hướng dẫn viên trẻ có cái nhìn tổng quát hơn về lịch sử và văn hóa Việt Nam, diễn giả Hoàng Thanh Sơn nêu ra 4 thời kỳ quan trọng: thời kỳ văn hóa bản địa cách đây 2000-3000 năm; thời kỳ giao thương với Trung Quốc và các nước khu vực; thời kỳ “Nam tiến” mở mang bờ cõi và cuối cùng là thời kỳ mở cửa đất nước, giao lưu với các nền văn hóa phương Tây.
Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, TS. Trịnh Thị Thúy cũng đã đem đến cho người tham dự nhiều thông tin về chương trình Hai văn bằng Pháp - Việt tại Đại học Văn Lang, nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Từ năm 1997, Trường Đại học Văn Lang trở thành thành viên ngoài đại học công lập đầu tiên của tổ chức đại học cộng đồng Pháp ngữ (AUF). Năm 2009, chương trình đào tạo ngành Du lịch của Trường Đại học Văn Lang chính thức được công nhận tương đương với chương trình của Đại học Perpignan (Pháp). Đến năm 2010, chương trình bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên, đào tạo ngành Quản trị khách sạn. Vào năm 2021, chương trình này đã thu hút gần 200 sinh viên theo học. TS. Trịnh Thị Thúy cũng trình chiếu video clip giới thiệu về chương trình Hai văn bằng Pháp - Việt, chia sẻ một số ý kiến của sinh viên đang theo học về kinh nghiệm đạt được học bổng, cuộc sống du học tại Pháp…
Với những chia sẻ của diễn giả Hoàng Thanh Sơn và ông Nguyễn Ngọc Toản, buổi hội thảo thứ hai đã cho sinh viên và các hướng dẫn viên trẻ đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý cho nghề nghiệp của mình. Bên cạnh nội dung chất lượng, hội thảo còn dành những phần quà cho các câu hỏi hay và sẽ được công bố vào buổi tổng kết ngày 12/8/2021. Buổi hội thảo thứ 3 có chủ đề “Tổ chức, vận hành mảng Du lịch khách đoàn tại Pháp/ Triển vọng nghề nghiệp: Thiết kế và bán tour trong một Réceptif, bán cho các hãng du lịch khối Pháp ngữ” sẽ được diễn ra vào 19h, 22/7/2021 với sự dẫn dắt của diễn giả Michel Salaün - Chủ tịch tập đoàn Salaün Holidays.
Các bạn sinh viên quan tâm hội thảo có thể đăng ký tham gia các buổi hội thảo tiếp theo tại: https://bit.ly/vanlangwebinar
Mỹ Tiên