(VLU, 22/7/2021) - Trong học kỳ 2 năm nhất, sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa Trường Đại học Văn Lang thử sức với một môn học thú vị: Trang trí cơ sở. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, K26 Khoa Mỹ thuật & Thiết kế năm nay đã có một trải nghiệm “đặc biệt” khi học 100% qua màn hình trực tuyến, nhưng các bạn đã sáng tạo rất nhiều bức tranh cách điệu đẹp mắt về cảnh quan trường.
Môn học Trang trí cơ sở ngành là “cửa ải” mà bất kỳ sinh viên Thiết kế Đồ họa nào cũng phải trải qua trong 4 năm học đại học. Thông qua nhiều giai đoạn khác nhau gồm chép tư liệu, cách điệu nét mảng, cách điệu kỷ hà đen trắng, cách điệu kỷ hà màu để đi tới hoàn thiện bài vẽ, sinh viên năm nhất sẽ được học tập nhiều kiến thức bổ ích và kinh nghiệm về bố cục, mảng, miếng, làm nền tảng để tiếp tục phát triển trong các môn học sau.
Năm nay, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, toàn bộ quá trình học và tương tác giữa thầy và trò Văn Lang được diễn ra qua màn hình trực tuyến. Có nhiều lắm những khó khăn, bất tiện, nhưng học kỳ đặc biệt này cũng đem lại không ít kỷ niệm cho gia đình Thiết kế Đồ họa Văn Lang.
HỌC VẼ ONLINE – DỄ HAY KHÓ?
Học tập tại nhà chưa hẳn sẽ thoải mái hay dễ dàng hơn với người dạy và học, đặc biệt là trong mùa dịch Covid-19. Nhiều sinh viên thực hiện bài tập trong khu vực cách ly, thiếu thốn dụng cụ đủ đường; nhiều bạn vừa nghe giảng, làm bài, vừa trông cháu, trông em, hoặc đang trong tiết học phải xin phép để đi xét nghiệm theo yêu cầu; có bạn trong vùng tâm dịch đến tờ giấy để vẽ cũng không kịp đặt mua. Thế là cả cô và trò mày mò, nghĩ cách cùng nhau thực hiện bài tập với giấy báo,…
Nếu những lớp học tại trường gói gọn trong vài tiếng, thì lớp học online mùa dịch chưa bao giờ có giới hạn thời gian. Một buổi sáng là không đủ để sửa bài cho mấy chục sinh viên, nên thời gian “tăng ca” của giảng viên sau giờ học là điều thường gặp. Những ngày ở nhà tránh dịch, tin nhắn zalo, facebook của lớp, của thầy và trò cứ rôm rả từ sáng đến tận 11 – 12 giờ đêm! Nhưng chính nhờ sự không ngại “phiền nhau” sớm chiều ấy mà thầy trò càng thêm gắn kết.
Bạn Võ Phương Phi chia sẻ: “Mới đầu nghe bảo sẽ học online em cũng lo lắm! Em sợ việc tương tác với thầy cô sẽ bị hạn chế. Trong khi tính chất ngành học của em đòi sự liên kết giữa giảng viên và sinh viên rất nhiều, phải hỏi, phải sửa bài liên tục. Nhưng đến khi vào học, nhìn thấy sự nhiệt tình gấp bội của thầy cô trong những lớp học mùa dịch, em thấy yên tâm và thoải mái hơn hẳn. Nhiều lúc làm bài tập xong muộn, tận 9 giờ đêm em mới gửi bài nhờ cô xem giúp. Thế nhưng cô vẫn trả lời rất nhanh và hướng dẫn em đầy đủ các bước một cách nhiệt tình.”
Trong khi đó, bạn Trần Hồng Ân cho biết: Nếu ở trường được thầy cô chỉ dẫn ngay tại lớp, kèm từng bạn một trong tiết học thì quá trình sửa bài online lại “lắm công phu” hơn nhiều! Mỗi lần sửa bài là phải chụp lại bài vẽ, chỉnh ánh sáng sao cho tấm hình có màu sắc chân thực nhất để gửi thầy cô góp ý cho mình. Hồng Ân cho biết, trung bình 1 học phần, bạn phải gửi đi gửi lại hơn 10 file hình để hoàn thiện bài vẽ!
HỌC TỪ XA NHƯNG TÌNH THÂN THÊM GẮN BÓ
Không giống với những lớp học môn Trang trí cơ sở khác có đề tài rộng, hướng đến các góc phố, các địa điểm nổi tiếng tại TP. HCM, lớp học do ThS. Hồ Đặng Bạch Lý hướng dẫn đã lựa chọn Cơ sở chính Trường Đại học Văn Lang làm chủ đề cho bài tập. Cô chia sẻ: “Bên cạnh việc giúp các bạn có thêm kiến thức từ môn học, mình muốn khơi gợi tình cảm các bạn sinh viên dành cho cơ sở 3 – nơi đã gắn bó với các bạn trong suốt thời gian qua. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, những bức tranh về Văn Lang qua lăng kính của sinh viên K26 biết đâu lại là nguồn cảm hứng lan tỏa đến các bạn học sinh có mong muốn tìm hiểu Trường nhưng chưa có dịp đến tận nơi và tận mắt chứng kiến.”
Lệnh giãn cách xã hội được ban hành nhanh chóng, sinh viên K26 Thiết kế Đồ họa chỉ có vọn vẹn 2 ngày để khám phá và chụp hình Trường làm tư liệu học. Nhiều bạn ở quê thậm chí chưa kịp lên trường để ghi chép tư liệu. Chính lúc này đây, tinh thần chia sẻ, “Văn Lang là nhà” càng thêm tỏa sáng. Cả lớp học online bỗng trở nên sôi nổi vì những buổi share hình cùng làm bài tập rôm rả. Võ Phương Phi, cô bạn “đầu têu” cho phong trào “share yêu thương” này nhiệt tình kể lại: “Khi bắt đầu nhận đề tài, mình và các bạn còn đang ở TP.HCM bắt tay vào công việc “ngao du” khắp mọi ngóc ngách Cơ sở 3 ngay! Thời gian khá gấp rút nên mình nghĩ đến việc kết nối mọi người với nhau, phân chia khu vực chụp để tư liệu thêm đa dạng, tránh trường hợp trùng lặp. Tụi mình cũng share lên nhóm học để trao đổi và giúp đỡ các bạn ở tỉnh có thêm tư liệu vẽ!”
Đối với các bạn trẻ, việc những bức ảnh do chính tay mình chụp được các bạn lựa chọn để vẽ vừa mang một chút tự hào vì được hưởng ứng, công nhận, vừa là niềm vui vì được sẻ chia, được góp phần giúp đỡ, thắt chặt tình bạn hơn.
Thành quả sau cùng của những nỗ lực, những yêu thương được trao gửi trong màu dịch ấy là 26 bức tranh, 26 góc Văn Lang thật sinh động và rực rỡ sắc màu. Hồng Ân chia sẻ: “80% bài vẽ khiến mình rất hài lòng vì đây thực sự là món quà từ sự cố gắng và yêu thích của mình.”
Đối với Phương Phi, lớp học “Trang trí cơ sở” này là một kỷ niệm đẹp “độc nhất vô nhị”: “Mình nghĩ đề tài vẽ trường rất thú vị và nhiều “đất diễn” cho chúng mình vì những năm trước các anh chị đã khai thác quá tốt những địa điểm nổi tiếng tại TP. HCM rồi. Vì vậy, từ lúc phác thảo cho đến khi hoàn thiện bài vẽ, mình đều thực hiện trong tâm trạng khá thoải mái!”
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, học online vẫn là mối băn khoăn của nhiều bạn trẻ. Nhưng với sự nỗ lực không ngừng cải thiện chất lượng cũng như tinh thần luôn sẵn sàng “chiến đấu” của thầy trò Văn Lang, không chỉ lớp học Trang trí cơ sở Khoa Mỹ thuật & Thiết kế, mà với mỗi tiết học trực tuyến, sinh viên Văn Lang đều sẽ có những trải nghiệm và kỷ niệm thật tuyệt vời!
Hoài Anh
Hình ảnh: Nhân vật cung cấp