TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Khoa Du lịch đồng tổ chức hội thảo về du lịch miền núi phía Bắc

(VLU, 31/8/2021) - Tối ngày 29/7, Hội thảo trực tuyến “Thấu hiểu tâm lý khách Pháp: Câu chuyện thành công của du lịch miền núi Phía Bắc Việt Nam” đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của hướng dẫn viên, sinh viên khối Pháp ngữ ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là buổi hội thảo thứ 4 trong chuỗi hội thảo “Thị trường du lịch tiếng Pháp: Thấu hiểu để thành công" do Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang phối hợp với Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF và Công ty Images Travel tổ chức.

Mở đầu hội thảo, những thông tin về đời sống sinh viên khi học tập tại Pháp được TS. Trịnh Thị Thúy – Giảng viên Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang, phụ trách chương trình Hai Văn bằng Pháp - Việt chia sẻ. Tiếp nối sau đó, các câu hỏi về mô hình tour du lịch Pháp, các công việc chính trong công ty du lịch ở Pháp ở hội thảo trước đó được ông Nguyễn Ngọc Toản – Giám đốc Công ty Images Travel tiếp tục giải đáp. Đây là hai nhân vật quen thuộc đồng hành cùng người tham dự trong suốt 4 hội thảo vừa qua.

Bước vào phần nội dung chính, diễn giả Lê Xuân Hiểu - Hướng dẫn viên Images Travel trình bày những kinh nghiệm thực tế về thị trường khách Pháp đối với tour miền núi phía Bắc.

 

vlu hoi thao du lich bÔng Hiểu đang trả lời câu hỏi của người tham dự về các yếu tố mà khách Pháp quan tâm trong chuyến đi

Sở hữu cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ, khu vực miền núi phía Bắc được phần lớn người Pháp lựa chọn khi đến Việt Nam. Tuy nhiên, để có được chuyến đi hoàn hảo ở vùng đất này thì không hề đơn giản vì hạ tầng giao thông còn thô sơ, số lượng đường xuống cấp ngày một gia tăng, các cung đường hiểm trở với những khúc quanh thử thách và chất lượng đường tàu hỏa không tốt. Thêm vào đó, tour miền núi có thể dao động từ 3-5 ngày hoặc có thể lên đến 21-26 ngày, những địa điểm lưu trú hạn chế về cơ sở vật chất và dịch vụ ăn uống. Để tổ chức tốt một hành trình du lịch cho du khách người Pháp, người hướng dẫn không chỉ cần lưu ý đến đặc điểm địa hình mà còn cần tìm hiểu về tâm lý của du khách Pháp.

Sự ham học hỏi, ham hiểu biết là một trong những đặc điểm nổi bật của dòng khách Pháp. Họ chọn lựa tour miền núi để tìm hiểm sự đa dạng các dân tộc, đa dạng văn hóa và sự đa dạng về địa hình, địa mạo của Việt Nam, muốn găp gỡ người dân bản địa để hiểu rõ hơn cuộc sống, phong tục và văn hóa. Với họ, một chuyến du lịch không chỉ dừng lại ở việc đến tham quan các điểm đến nổi bật, mua đồ lưu niệm, những tấm hình đẹp mà còn phải mang đến cho họ những cuộc gặp gỡ ý nghĩa với người dân bản địa để có thể s’imprégner de la culture locale (tạm dịch là thấm nhuần văn hóa địa phương). Đặc biệt, theo quan điểm của người Pháp, sống tức là không ngừng khám phá nên họ rất thích được tìm kiếm những điều mới mẻ.

Với những đặc trưng về địa lý và thói quen du lịch của khách Pháp, nhiệm vụ của hướng dẫn viên là đưa ra những thông tin hữu ích về an toàn ngay sau khi gặp khách như làm sao để qua đường an toàn, nên tránh những loại thực phẩm nào khi cơ thể chưa thích ứng, chú ý đến tư trang cá nhân,... Việc tổ chức, sắp xếp các hoạt động tham quan mỗi ngày để làm sao khách tận hưởng được chuyến đi chọn vẹn cũng là yếu tố quan trọng mà người hướng dẫn cần để tâm. Ngoài ra, hướng dẫn cần chú ý đến tình hình thời tiết để nhắc nhở khách về những vật dụng cần thiết cho chuyến đi. Tất cả những sự chuẩn bị cẩn thận và chăm sóc chu đáo sẽ là chìa khóa để chinh phục các du khách mọi lứa tuổi.

Bên cạnh đó, diễn giả nhấn mạnh kiến thức tuyến điểm, kỹ năng thực hành và khả năng ứng biến là 3 yếu tố đảm bảo tổ chức một tour miền núi thành công. Ông dành lời khuyên về việc người hướng dẫn nên tạo cho khách cảm giác yên tâm, đa dạng hóa các chủ đề thuyết minh, đặc biệt là các chủ đề thân thuộc, gần gũi với đời sống người dân như giáo dục, những lớp học xóa mù chữ vùng biên giới, các phương thuốc dân gian, tín ngưỡng hoặc tập tục, đa dạng các hoạt động tham quan và khuyến khích du khách tham gia hoạt động cùng người dân bản địa. Một số hoạt động nổi bật ở tour vùng núi phía Bắc có thể kể đến như xem cọn nước tại Pù Luông, dệt thổ cẩm cùng dân tại Mù Cang Chải, đi thuyền sông Nho Quế, đạp xe thung lũng Mường Lò-Nghĩa Lộ, cho khách trải nghiệm xay ngô, đập lúa, đá banh, thu hoạch khoai, sắn…. Một lưu ý quan trọng là trong khi tiếp cận, tham quan nhà dân là hướng dẫn viên phải đặc biệt tôn trọng và quan tâm đến thái độ của người dân bản địa. Không nên chỉ vì làm hài lòng khách mà tạo nên những cuộc gặp gỡ mang tính gượng ép vì hoạt động này chỉ thực sự có ý nghĩa nếu cả hai bên đều thấy thoải mái và thú vị.

vlu hoi thao khoa du lich cBuổi hội thảo thứ 4 trong chuỗi “Thị trường du lịch tiếng Pháp: Thấu hiểu để thành công" khép lại trong sự ủng hộ của người tham dự

Miền núi phía Bắc luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách thuộc cộng đồng Pháp ngữ, vì vậy, việc tìm hiểu về đặc trưng của du lịch miền núi phía Bắc đã giúp sinh viên và hướng dẫn viên trẻ có thêm nhiều kinh nghiệm khi dẫn khách tham quan các địa điểm du lịch ở khu vực này. Không chỉ được học hỏi kiến thức bổ ích, người tham dự đặt câu hỏi hay còn được nhận combo quà tặng từ trường Đại học Văn Lang và Công ty Images Travel tài trợ. 

 

Gia Hân


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag