(VLU, 07/8/2021) - Tiếp nối chuỗi hội thảo khoa học bổ ích, ngày 06/8/2021, Khoa Công nghệ Trường Đại học Văn Lang tổ chức seminar học thuật chủ đề “Tổng quan về tế bào gốc – Cấu trúc, chức năng và các ứng dụng trong thẩm mỹ” với sự dẫn dắt của ThS. Lê Thanh Thảo.
Buổi hội thảo trực tuyến có sự tham dự của PGS. TS. Phan Phước Hiền - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ ứng dụng, PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh - Trưởng Khoa Công nghệ, TS. Nguyễn Hữu Hùng - Phó Trưởng Khoa cùng các thầy cô và hơn 60 bạn sinh viên Khoa.
Tại buổi hội thảo, ThS. Lê Thanh Thảo đã đem đến cho người tham dự những thông tin bổ ích, giới thiệu tổng quan về tế bào gốc (tế bào gốc tạo máu và tế bào gốc trung mô) và cho biết khái quát quy trình ứng dụng tế bào gốc trong lâm sàng, các yêu cầu về cơ sở vật chất và thu nhận, nuôi cấy tế bào gốc cũng như theo dõi sau khi cấy ghép.
Tế bào gốc là tế bào có khả năng tự làm mới, phân chia thành nhiều tế bào. Ngoài ra, tế bào gốc có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào chuyên biệt khác nhau như tế bào cơ, tế bào thần kinh, tế bào mỡ, tế bào cơ tim... tùy thuộc vào khả năng.
ThS. Lê Thanh Thảo cho biết, càng lớn tuổi số lượng tế bào gốc trong cơ thể con người càng giảm dần. Nếu một trẻ sơ sinh sở hữu lượng tế bào gốc ban đầu tương đương 100%, sau nhiều năm phát triển, đến 18 tuổi, số lượng tế bào gốc sẽ giảm hơn một nửa chỉ còn khoảng 40%, đến năm 30 tuổi còn khoảng 25% và đến năm 60 tuổi chỉ còn 5% so với mức ban đầu.
Buổi hội thảo cũng đề cập đến những khó khăn cao độ và quy chuẩn khắt khe cho việc ứng dụng tế bào gốc trong lâm sàng. Được biết, mỗi nước trên thế giới lại có một quy định riêng. Tại Việt Nam, các phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Phòng sạch tiêu chuẩn GMP WHO; Quá trình thu nhận, nuôi cấy, kiểm soát chất lượng phải tuân theo tiêu chuẩn lâm sàng; Đáp ứng tiêu chuẩn lưu trữ và quản lý hồ sơ từ giai đoạn thu mẫu, phân loại nuôi cấy, cấy ghép cho bệnh nhân đến giai đoạn theo dõi sau cấy ghép.
Cùng với thầy cô Khoa Công nghệ và PGS. TS. Phan Phước Hiền, ThS. Lê Thanh Thảo đã trao đổi và giới thiệu đến các bạn sinh viên tham dự những xu hướng ứng dụng tế bào gốc trong thẩm mỹ, chia sẻ thêm về cơ hội phát triển ứng dụng tế bào gốc trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ ở thời đại hôm nay. Hiện nay, Việt Nam đã và đang ứng dụng tế bào gốc trong lâm sàng rất nhiết song vẫn còn tồn tại những vướng mắc về rào cản pháp lý. ThS. Lê Thanh Thảo cho biết, trong ngành thẩm mỹ, người ta có xu hướng dùng những sản phẩm tự thân. Với những người có nhu cầu hút mỡ, họ có thể dùng những mô mỡ đã hút ra của mình lưu trữ và nuôi cấy. Khi có nhu cầu sử dụng, khách hàng có thể hiện hệ các trung tâm, đơn vị lưu trữ để tiến hành rã đông và nuôi cấy, sử dụng điều trị cho những chứng rối loạn hoặc giải quyết các vấn đề sức khỏe, sắc đẹp của bản thân.
Có thể nói, ứng dụng tế bào gốc trong thẩm mỹ là một hướng đi mới trong sinh học đang được Việt Nam đầu tư phát triển. Đối với sinh viên ngành Công nghệ thẩm mỹ nói riêng và sinh viên Khoa Công nghệ nói chung, những kiến thức mang tính ứng dụng cao được giảng dạy từ các thầy cô chuyên môn trong lĩnh vực càng là hành trang lí tưởng giúp các bạn vững vàng hơn trong quá trình xây dựng và phát triển nghề nghiệp của bản thân trong tương lai.
Với mong muốn tạo điều kiện học tập tốt, hỗ trợ người học đón nhận những kiến thức mới từ các nhà khoa học giàu kinh nghiệm thực tiễn, Khoa Công nghệ Trường Đại học Văn Lang dự kiến sẽ duy trì hoạt động tổ chức hội thảo học thuật theo tần suất 2 tuần/lần, mang lại cơ hội cho sinh viên được gặp gỡ, trao đổi cùng các chuyên gia trong ngành, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu và được cập nhật các thông tin khoa học thường xuyên hơn.
Hoài Anh