TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Nhà giáo Phan Huy Xu trong thế giới người hiền

(VLU05/9/2021) "Sáng nay, tôi làm việc ở nhà như mọi ngày. Đến trưa thì anh Nguyễn Văn Vĩnh (cựu sinh viên khóa 3, Khoa Du lịch Đại học Văn Lang) gọi đến báo hung tin: Thầy Phan Huy Xu mất lúc 4.30 sáng nay rồi anh Thành ơi! Thầy ra đi giữa lúc đại dịch đang hoành hành, để lại trong lòng học trò sự tiếc thương vô hạn. Một tấm gương lao động bền bỉ, cần mẫn, “hối nhân bất quyện” (dạy người không biết mệt) như các cụ xưa kia thường nói."

vlu thay phan huy xu eChân dung cố PGS. TS. NGƯT. GVCC. Phan Huy Xu

PGS. TS. NGƯT. GVCC. Phan Huy Xu sinh năm 1935, trong một gia đình họ Phan nổi tiếng ở đất Hà Tĩnh, chú ruột là cố GS. Phan Huy Lê.

Ông lấy bằng Tiến sĩ khá muộn ở tuổi 58 (năm 1993) và được phong Phó giáo sư năm 1996. PGS.TS. Phan Hu Xu công tác lâu năm tại Khoa Địa lý Đại học Sư phạm TP.HCM trước khi trở thành Trưởng khoa Du lịch đầu tiên của Đại học Văn Lang.

Nhà giáo Phan Huy Xu là một chuyên gia Địa lý học khi để lại một loạt công trình nghiên cứu có giá trị: Địa lý Liên Xô (1985); Địa lý kinh tế - xã hội thế giới (1994); Các nước Tây Âu (1996); Địa lý Đông Nam Á (1997); Tìm hiểu Địa lý kinh tế Việt Nam (1998); Một số vấn đề Địa lý kinh tế - xã hội thế giới (1998); Từ điển Địa lý Việt - Pháp (đồng tác giả, 2002); Thuật ngữ khoa học Trái đất Pháp - Anh - Việt (đồng tác giả, 2003),...

vlu thay phan huy xu bBa công trình nghiên cứu xuất bản sau cùng của PGS.TS. Phan Huy Xu

Sáng nay, tôi làm việc ở nhà như mọi ngày. Đến trưa thì anh Nguyễn Văn Vĩnh (cựu sinh viên khóa 3, Khoa Du lịch Đại học Văn Lang) gọi đến báo hung tin: Thầy Phan Huy Xu mất lúc 4.30 sáng nay rồi anh Thành ơi!

Nghe tin sét đánh ngang tai, tôi bàng hoàng, chết lặng! Thầy mất rồi sao! Con mới gọi điện thoại hỏi thăm thầy hơn tuần nay, vẫn nghe giọng rung rung của thầy như mọi khi!

Năm 1995, tôi thi đậu 4 trường đại học, nhưng sau cùng chọn Đại học Văn Lang mà bỏ qua Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường Đại học Luật TP.HCM và trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là trường Đại học KHXH&NV) trong sự phản đối của nhiều người thân và bạn bè.

Khoa Du lịch là một trong những Khoa đầu tiên của Đại học Văn Lang được thành lập năm 1995. Thầy Phan Huy Xu vừa nghỉ hưu năm 1995 (khi tròn 60 tuổi) thì ngay sau đó được lãnh đạo trường Đại học Văn Lang mời về làm Trưởng khoa Du lịch, bắt tay vào xây dựng từ nền móng.

vlu thay phan huy xu cPGS.TS. Phan Huy Xu chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Nhà trường, Khoa tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Du lịch, ĐH Văn Lang, 23/5/2015.

Chúng tôi là lớp sinh viên khóa 1 của Khoa và Trường. Mọi thứ đều mới mẻ không chỉ đối với sinh viên mà có lẽ cũng mới với thầy cô. Tuy rằng công việc Khoa bề bộn nhưng thầy dành thì giờ ghé xem các lớp sinh viên học tập và động viên, khích lệ. Uy tín và mối quan hệ tốt đẹp của thầy đã giúp chúng tôi được học với những nhà giáo ưu tú, tốt nhất.

Tôi còn nhớ, có lần thầy bước vào lớp cùng một người thầy đầu tóc bạc phơ có tầm thước nhỏ nhắn và giới thiệu: “Đây là học giả Minh Chi, bậc thầy về Phật học và Tôn giáo học. Thầy gọi bằng thầy và thầy cũng đi học và nghe giáo sư giảng. Các em phải cố gắng học tập nghiêm túc!”

Thầy Phan Huy Xu vào lớp ngồi nghe GS. Minh Chi giảng bài và ghi chép cẩn thận. Thầy muốn làm gương cho chúng tôi và bày tỏ lòng ngưỡng mộ, trân trọng với GS. Minh Chi. Tôi cũng có duyên gắn bó với GS. Minh Chi sau khi ra trường cho đến khi ông mất năm 2006.

Năm 2000, sau khi ra trường, tôi làm việc trong ngành du lịch và mưu sinh với nghề hướng dẫn viên Inbound tiếng Anh.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa!

Năm 2015, tôi dự Hội thảo khoa học và tình cờ gặp lại thầy sau 15 năm. Thời gian trôi nhanh và thật ái ngại trong ngần ấy năm tôi chưa gặp lại thầy để thăm hỏi. Nhưng cũng từ lần đó, tôi gắn bó bên thầy suốt những năm còn lại. Tôi hay đến nhà thầy trao đổi bài vở, tranh thủ học tập, tiếp thu ý kiến và kinh nghiệm làm việc. Tôi hay nói đùa: “Giờ thầy còn khỏe, con phải cố gắng khai thác tối đa vốn kiến thức và kinh nghiệm của thầy!”

vlu thay phan huy xu fPGS. TS. Phan Huy Xu và thầy cô đến dự lễ tri ân của tập thể cựu sinh viên Khóa III, Khoa Du lịch.

Ngờ đâu hôm nay thầy ra đi đột ngột, lòng tôi vô cùng thương tiếc. Tôi đang ngồi viết mấy dòng tri ân mà xúc động và nước mắt cứ trào ra!

Thầy cống hiến suốt đời cho sự nghiệp giáo dục và khoa học, thế nhưng thầy ra đi trong đại dịch COVID-19, học trò nhiều thế hệ không thể đến thắp nén nhang để tri ân và bái biệt. Mong thầy thông cảm!

Gắn bó với thầy suốt những năm qua, thầy luôn đôn đốc tôi tập viết. Đôi lúc tôi như con ngựa mệt mỏi leo lên sườn đồi, nhờ sự thôi thúc của thầy mà vượt qua sự lười biếng của bản thân. Thầy có đức tính cẩn thận, ứng xử nhẹ nhàng thâm thúy, cân nhắc từng từ, ngữ trong bài viết. Có phê bình ai, thầy cũng dùng lời lẽ nhẹ nhàng, tránh đao to búa lớn.

Thầy có tính tiết kiệm mà tôi rất quý. Thầy tiết kiệm từng tờ lịch cũ, từng tờ giấy A4 đã qua sử dụng còn trống chỗ. Thầy không nỡ bỏ mà tận dụng để phác thảo ý tưởng lên đó. Nét chữ từ bàn tay run rẩy của thầy nhưng rất đẹp theo từng đường nét. Tôi có đọc đâu đấy về cảm tác của một thiền sư Nhật Bản về người họa sĩ lớn tuổi. Ông nói: khi người họa sĩ đã gần trăm tuổi, một nét bút, một dấu chấm cũng là tuyệt tác của cuộc đời! Nét bút của thầy Phan Huy Xu cũng vậy.

Hai thầy trò đã cặm cụi viết và xuất bản ba cuốn sách và hơn 30 bài báo khoa học.

Có lần thầy bảo: “Thầy là dân Địa lý. Biển có tầm chiến lược rất quan trọng đối với Việt Nam. Thầy mong viết một cái gì đó về Biển đảo Việt Nam”.

Thầy cho tôi xem tập bài giảng Văn hóa biển Việt Nam soạn để giảng cho học viên cao học. Và rồi, hai thầy trò bắt tay viết về văn hóa biển đảo Việt Nam từ cuối năm 2016, hoàn thành bản thảo với tên gọi mà thầy tâm đắc: Văn hóa biển Việt Nam - Những phác thảo. Tôi đã gửi bản thảo từ giữa năm 2020 và hai thầy trò cùng chờ đợi xuất bản đứa con tinh thần. Tiếc thay! Vì dịch bệnh, công việc xuất bản chậm lại nhiều so với dự kiến và tôi luôn canh cánh trong lòng việc này.

Cuối tháng 6 vừa rồi, thầy gọi điện bảo tôi tập hợp các bài báo đăng trên Tạp chí Khoa học Đại học Văn Lang và đóng thành các bản để thầy tặng lãnh đạo Nhà trường trước khi thôi hẳn công tác cố vấn khoa học. Thực ra thầy vẫn đang trông tin đứa con tinh thần Văn hóa biển Việt Nam - Những phác thảo ra đời kịp lúc để tặng lãnh đạo trường.

vlu thay phan huy xu aTạp chí khoa học Đại học Văn Lang từ số 01 đến số 25 có bài viết của PGS.TS. Phan Huy Xu.

Là một nhà giáo có chuyên môn sâu, thầy Phan Huy Xu luôn cần mẫn làm việc. Là một người làm công tác quản lý giáo dục, thầy luôn được tin cậy giao trách nhiệm đứng đầu các khoa lớn. Là một thầy giáo, thầy không chỉ truyền đạt kiến thức, phương pháp nghiên cứu mà còn truyền lòng đam mê học tập. Nhà giáo Phan Huy Xu có rất nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành trong lĩnh vực chuyên môn và cũng trở thành những nhà nghiên cứu, người thầy. Nhiều sinh viên ra trường, trong đó có nhiều bạn từ Đại học Văn Lang đã trở thành những quản lý cao cấp trong các tập đoàn, công ty hoặc làm chủ doanh nghiệp. Có lần tôi đưa thầy đến nhà bà Tôn Nữ Thị Ninh nhân buổi hẹn trao đổi với phu quân của bà. Hai mái đầu bạc gặp nhau. Thầy Phan Huy Xu cười sảng khoái : “Tôi sống đến từng này tuổi, thấy mình lời quá anh ạ! Đã có bao nhiêu học trò thành đạt. Tôi đã sống quá lời!”

Sáng tinh sương hôm nay, thầy ra đi giữa lúc đại dịch đang hoành hành, để lại trong lòng học trò sự tiếc thương vô hạn. Một tấm gương lao động bền bỉ, cần mẫn, “hối nhân bất quyện” (dạy người không biết mệt) như các cụ xưa kia thường nói.

Là một học trò nhỏ trong nhiều học trò của nhà giáo Phan Huy Xu, tôi ghi lại những dòng hoài niệm như một nén nhang tưởng niệm người thầy mà tôi kính trọng trong đời.

Thủ Đức, 24.8.2021
Võ Văn Thành - Cựu sinh viên Khóa 1 Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag