(VLU, 26/9/2021) - Ngày 23/9/2021, Trường Đại học Văn Lang phối hợp cùng Đại học Wageningen và Đại học Công nghệ Deft đồng tổ chức hội thảo quốc tế "Path to a Sustainable Water Future", tổng kết các kết quả nghiên cứu từ 4 nhóm dự án trong chương trình "Urrbanising Deltas of the World".
Hội thảo “Paths to a Sustainable Water Future” được chủ trì bởi Tổ chức The Netherlands Organisation for Scientific Research (NWO), Trường Đại học Văn Lang (VLU), Đại học Wageningen (WUR), Đại học Công nghệ Delft (TU Delft).
Với quy mô quốc tế, hội thảo quy tụ sự tham gia của một số đại học khác thuộc khối liên minh Châu Âu, Ghana, Việt Nam, Bangladesh, Mozambique, Indonesia, và nhiều công ty đa quốc gia quan tâm đến lĩnh vực sử dụng nguồn nước bền vững.
Hội thảo “Paths to a Sustainable Water Future” được tổ chức nhằm mục đích tổng kết các kết quả nghiên cứu của bốn dự án trong chương trình “Urbanising Deltas of the World” gồm:
- Dự án ENTIRE – Việt Nam do VLU và WUR đồng chủ trì
- Ba dự án do TU Delft chủ trì gồm DELTAP-Bangladesh, Sustainable Freshwater Supply for Urbanizing “Maputo”-Mozambique và Iwash-DIY Hand Washing Initiative-Bangladesh và Ghana
Hội thảo được tổ chức online với hai phiên làm việc chính. Ở phiên làm việc thứ nhất, đại diện các dự án giới thiệu tóm tắt về dự án cùng với các kết quả nghiên cứu điển hình. Ở phiên làm việc thứ hai, thành viên của bốn dự án và các khách mời được chia thành bốn nhóm (tương ứng với bốn dự án) và thảo luận xoay quanh các chủ đề liên quan đến ứng dụng kết quả nghiên cứu từ các dự án cũng như định hướng hợp tác và phát triển nghiên cứu trong tương lai.
Dự án “ENTIRE – Enabling sustainable Industrial development in Vietnamese delta’s: Reducing, recycling and multi-sourcing industrial water” đã được triển khai thực hiện từ cuối năm 2016. Trong phiên làm việc thứ nhất, GS. Huub Rijnaarts, PGS. TS. Kujawa - Roeleveld, PGS. TS. Judith van Leeuwen và PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu đã tổng quan mục tiêu của dự án nhằm phát triển công nghiệp bền vững tại các Đồng bằng của Việt Nam thông qua tái chế, tái sử dụng và đa dạng hoá nguồn nước công nghiệp và nhấn mạnh tầm quan trọng của các kết quả đạt được đến việc sử dụng nguồn nước bền vững, giảm thiểu cạnh tranh sử dụng nước ở ba lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, và đô thị.
Các kết quả này được đúc kết từ (i) nghiên cứu của NCS. Trần Thu Trang khi áp dụng khung phân tích năng lực thể chế nhằm đưa ra các góc nhìn đổi mới về quản trị và thể chế hướng đến sử dụng nước bền vững tại các khu công nghiệp của Việt Nam, (ii) từ nghiên cứu của NCS. Lê Minh Trường để chuyển đổi mô hình “Urban Harvest Approach” vào bối cảnh của Khu công nghiệp thành “Industrial Harvest Approach” nhằm tự chủ nguồn cấp nước trong công nghiệp, hướng đến tối thiểu hóa nhu cầu sử dụng nước và tối đa hóa hoạt động tái sử dụng, tái chế và tuần hoàn nước, và (iii) từ nghiên cứu xây dựng mô hình “Hỗ trợ ra quyết định sử dụng phương pháp VIKOR” để tích hợp hai yếu tố kỹ thuật công nghệ và quản trị vào quản lý nước hiệu quả của nghiên cứu viên Astha Bhatta.
Phiên thảo luận của dự án ENTIRE được chia thành bốn nội dung chính cũng diễn ra hết sức sôi nổi, đa dạng về góc nhìn từ các thành viên tham dự hội thảo.
Phiên thảo luận của dự án ENTIRE kết thúc với các ý kiến đóng góp xoay quanh việc (i) chuyển giao và ứng dụng các kết quả nghiên cứu cho các đơn vị thụ hưởng là các Cơ quan Quản lý Nhà nước, Công ty Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp; và (ii) mở rộng kết quả nghiên cứu từ ENTIRE cho các lĩnh vực lân cận (đô thị, nông nghiệp) thông qua dự án Aqua-Connect sắp được phối hợp triển khai bởi WUR và VLU.
Nối tiếp hội thảo chung của 4 dự án, Hội thảo Tổng kết dự án ENTIRE sẽ tiếp tục được diễn ra vào ngày 01/10/2021 sắp tới.
NCS. ThS. Trần Thu Trang - NCS. ThS. Lê Minh Trường - Gia Hân