TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Trải nghiệm và mong đợi của sinh viên với E-learning

(VLU, 29/9/2021) Dạy học theo hình thức E-learning đã trở thành một xu hướng giúp các trường không bị gián đoạn kế hoạch đào tạo trước yêu cầu giãn cách xã hội vì tình hình dịch Covid-19. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, vấn đề học tập theo hình thức E-learning vẫn tồn tại nhiều khó khăn cần được các đơn vị đào tạo, thầy cô và các bạn học sinh, sinh viên cùng ngồi lại tháo gỡ.

Hiện nay, dạy – học theo hình thức E-learning đã khá phổ biến trong nhiều trường đại học. Nó vừa là một xu hướng tất yếu vừa là giải pháp để giúp các trường không bị gián đoạn kế hoạch đào tạo do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong đó, có Trường Đại học Văn Lang của chúng ta. Điều này không phải vì mục đích để các hoạt động được liên tục mà trên hết là để thực hiện bước chuyển trong việc nắm bắt về công nghệ, hội nhập và nâng tầm chất lượng, hình ảnh, vị thế của Trường trong giai đoạn mới. Người học được trải nghiệm học tập với E-learning ngày càng sâu rộng hơn. Qua đó, các bạn học hỏi được rất nhiều. Nhưng cũng còn có nhiều điểm khó khăn mà thầy, cô, Nhà trường cần quan tâm tháo gỡ. Bài viết này là một nghiên cứu thực tế, được thực hiện bằng khảo sát lấy ý kiến người học về trải nghiệm E-learning với sự tham gia của 505 sinh viên Trường Đại học Văn Lang, gồm các bạn từ năm thứ nhất đến năm thứ năm, đã từng tham gia học tập theo hình thức e-learning nhiều học kỳ với nhiều học phần khác nhau và một phiên phỏng vấn sâu để có thể hiểu rõ hơn những gì mà các bạn đã trải qua, từ đó gợi mở những hướng khắc phục.

Trải nghiệm học tập trên E-learning

Trang E-learning của Trường Đại học Văn Lang đã được hình thành và phát triển từ nhiều năm nay. Lúc đầu, đây là nơi giảng viên đưa thông tin các học phần để tạo thêm kênh tham khảo học liệu của môn học cho sinh viên và Nhà trường làm quen với các hoạt động của công tác đảm bảo chất lượng. Nhưng dần về sau, Nhà trường đã phát triển trang này thành một công cụ hỗ trợ chính thức cho quá trình đào tạo của Trường. Trang E-learning của Trường Đại học Văn Lang đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc thiết kế, tổ chức dạy và học thông qua hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS - Learning Management System) hay còn gọi là Trang học liệu điện tử, đang ngày càng phát huy tính năng và tác dụng của nó. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động dạy – học tại Trường vẫn được diễn ra và đảm bảo hiệu quả. Bên cạnh các ứng dụng khác, Nhà trường đẩy mạnh việc khai thác tất cả các tính năng của trang học trực tuyến (LMS) hiện có để cho thầy trò Văn Lang có thể đạt được những mục tiêu về đào tạo.

vlu trai nghiem hoc e learning bSinh viên học online tại nhà trong mùa Covid-19.

Khi tham gia học tập trên E-learning, những giá trị mà E-learning có thể mang lại cho các em là rất lớn, cụ thể: nhiều bạn đã đánh giá các giá trị ở mức độ tán thành khá cao (gồm tán thành và rất tán thành), cụ thể chủ động trong học tập (47.8%), linh hoạt về thời gian (46.5%), làm việc có kế hoạch (38.5%), phát triển thêm kỹ năng (34.7%), học liệu phong phú (34.3%), cảm thấy tự tin hơn (30.1%). Nhiều bạn cũng cho rằng khi học theo hình thức E-learning rất tiện lợi về thời gian, các bạn không mất thời gian di chuyển, có thể xem đi xem lại bài giảng của giảng viên nhiều lần khi cần, có thể làm đi làm lại các bài tập không giới hạn,…

Không những vậy, theo bạn Trần Vũ Bảo (sinh viên Khóa 26 ngành Tài chính – Ngân hàng): “Điều thú vị khi học trên E-learning là em có thể học trước các nội dung, chủ động thời gian trong học tập, có thể tìm hiểu những nội dung liên quan bằng nhiều cách khác nhau”.

Bên cạnh những giá trị khi học trên E-learning thì các bạn sinh viên gặp không ít những khó khăn, cụ thể ở mức tán thành và rất tán thành theo thứ tự là không được khai thác, sử dụng cơ sở vật chất của trường (74.5%), khó kết nối với bạn bè học cùng lớp, cùng nhóm (62.5%), ít được tiếp xúc với bạn bè, thầy, Cô (66.1%), làm việc nhóm không hiệu quả (50%). Nói về việc khai thác, sử dụng cơ sở vật chất của Trường, bạn Đặng Thái Đình Dũng (sinh viên K.26 ngành Đồ họa tương tác) chia sẻ thêm: “Khi học ở nhà bằng E-learning, không được sử dụng họa thất thì việc làm các bài tập vẽ có một chút bất cập là khi làm bài xong đến buổi học tiếp theo mới nộp bài cho thầy, lúc đó mới nghe được những góp ý của thầy, còn học ở họa thất, em vẽ xong được thầy góp ý luôn, buổi sau thầy giảng bài mới, không mất thời gian cho việc sửa bài. Ở họa thất, em được chiêm ngưỡng khả năng vẽ tay của một số bạn khác, nên khả năng lên trình nhanh hơn. Khi học ở nhà, tụi em chỉ tham khảo bài trên mạng, tự ngẫm ra cho nên chậm hơn học ở họa thất và thấy buồn vì không giao tiếp được với ai”.

Theo bạn Nguyễn Thanh Hoài (sinh viên K.25 ngành Dược): “Một chút khó khăn em gặp là khi làm bài thi, kiểm tra mà thời gian làm bài quá ít, hoặc câu hỏi quá dài, đọc mất nhiều thời gian, như vậy sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Nếu được, thầy cô cho thêm thời gian, nhất là với những câu hỏi dài”.

Nhiều bạn cùng có cảm giác hơi tiếc khi ở nhà học, không được lên Trường, không được lên thư viện. Theo các bạn, thư viện là nơi có nhiều sách để tham khảo, không gian học tập rất tốt và còn đẹp nữa, cảm giác này không có khi học trên E-learning.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên có cảm nhận chung rằng E-learning cùng lúc mang đến cho họ sự mới mẻ, nhiều điều để khám phá nhưng cũng tạo nên cảm giác khô khan, cứng nhắc và cô đơn, thiếu người đồng hành (tỉ lệ đồng ý tương ứng lần lượt là 42,1%, 44,3%, 43,1%). Nhưng khá bất ngờ khi bạn Nguyễn Thanh Hoài chia sẻ thêm: “Em thấy có đôi khi thầy mình cũng cô đơn, khi thầy hỏi nhưng các bạn ngại trả lời”. Khi giảng viên đặt ra những câu hỏi trên diễn đàn, chỉ vài bạn tham gia, thậm chí không có bạn nào tham gia nếu hoạt động đó không được đánh giá, tính điểm. 

Những mong đợi của sinh viên

Những khó khăn, hoặc cảm giác cô đơn khi học E-learning đến từ việc sinh viên chưa cảm nhận được sự đồng hành của thầy cô và bạn bè. Hoặc khi gặp phải những vấn đề chuyên môn cần hỏi, hay khó khăn về kỹ thuật, các bạn cần nhiều hơn những sự quan tâm và hồi đáp nhanh chóng đến từ giảng viên và Nhà trường. Do đó, khi được hỏi về những mong muốn cần cải thiện, hầu hết sinh viên đều có nhu cầu cần cải tiến ở mức trên 70% các nội dung như: sự hỗ trợ của các đơn vị (76.8%), cải tiến, bổ sung học liệu (71.9%), sự tương tác thường xuyên giữa giảng viên với sinh viên (71.1%). Cụ thể, sinh viên của chúng ta cho biết những mong đợi tập trung vào các vấn đề như sự quan tâm, hướng dẫn của thầy cô; sự hỗ trợ nhanh chóng của các bộ phận và một môi trường thuận lợi nhất cho việc học, truy cập các trang học liệu. Theo đó thì đa số sinh viên chúng ta mong đợi giảng viên đa dạng hóa các hoạt động để làm cho việc học trở nên thú vị hơn. Có thể kết hợp E-learning với các hoạt động học tập trải nghiệm bên ngoài hay thúc đẩy kết nối giữa người học với nhau qua các bài tập đòi hỏi sự tương tác nhóm.vlu trai nghiem hoc e learning cBuổi phỏng vấn về Trải nghiệm học E-learning giữa nhóm nghiên cứu và các bạn sinh viên Trường Đại học Văn Lang.

Bạn Đặng Thái Đình Dũng (sinh viên Khóa 26 ngành Công nghệ thông tin) cho biết: “Em mong thầy cô đưa ra nhiều ví dụ trực quan hơn, cung cấp cho sinh viên những đường link liên quan đến bài học để sinh viên tham khảo thay vì chỉ dựa vào bài giảng powerpoint”. Bạn Bảo thì mong rằng những ví dụ thầy cô đưa ra gần gũi với sinh viên hơn, mang tính thời sự, không nên dùng những ví dụ cách đây quá xa, sinh viên khó hiểu. Còn bạn Hoài với ngành học của mình (ngành sức khỏe) rất mong được sớm quay lại Trường để được làm các thí nghiệm, học các môn thực hành để sau này không bở ngỡ khi phải đối diện với nó.

Đặc biệt sinh viên mong thầy cô có nhiều trao đổi qua các kênh liên lạc, giải đáp kịp thời các câu hỏi; cần ghi nhận, khích lệ sự hiện diện và đóng góp của họ trong suốt quá trình.

Về kỹ thuật, công nghệ và cần một không gian đảm bảo tốt cho việc truy cập internet. Đó là lý do mà các bạn luôn rất cần sự hỗ trợ của các bộ phận như bộ phận phụ trách công nghệ thông tin. Điều này quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến từng thời điểm truy cập, đảm bảo tâm lý của người học không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề kỹ thuật.

Một điều đáng chú ý là đa số sinh viên đồng ý E-learning có thể thúc đẩy sự chủ động trong quá trình học nhưng những sự hỗ trợ được các bạn mong đợi hơn hiện nay tập trung ở khía cạnh tương tác với giảng viên, tổ chức lớp học, được kết nối với bạn bè. Điều này cho thấy sinh viên chúng ta vẫn còn cần nhiều sự hỗ trợ để có thể sẵn sàng hơn với môi trường số.

Và dù thừa nhận những lợi ích của việc học bằng hình thức E-learning, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhưng phần lớn các bạn đều cho rằng để học tập bằng hình thức này hiệu quả, bản thân các bạn, thầy, cô và phía Nhà trường cần phải cải tiến để hoàn thiện hơn.

Một vài gợi mở

- Sự đồng hành: sinh viên mong đợi thầy cô luôn đồng hành thông qua các phương tiện, ứng dụng khác nhau, kịp thời giải đáp các thắc mắc, chia sẻ kịp thời những khó khăn của các bạn. Bên cạnh đó, nhiều bạn mong muốn được lập nhóm, tương tác và học cùng nhau qua những ứng dụng.

- Sự hỗ trợ từ phía nhà Trường: tăng cường đường truyền, server đủ mạnh để không bị gián đoạn khi học E-learning. Nhiều bạn đưa ra ý kiến hy vọng Trường sẽ có khu vực/ hệ thống phòng phục vụ học trực tuyến có đường truyền tốt, được trang bị máy vi tính để tạo không gian học tập gần gũi.

- Vượt lên rào cản của bản thân: Phần lớn các bạn đều mong sớm trở lại Trường để có thể gặp được thầy, cô, được “thầy cô ở bên cạnh mình” (bạn Thế Huy), gặp bạn bè, lên thư viện, vào họa thất, phòng thí nghiệm, “rèn luyện hơn khả năng thực hành” (bạn Thanh Hoài),… Nhưng nhiều bạn cho rằng việc học theo hình thức E-learning kết hợp với những hình thức khác như blended learning là xu hướng chung và các bạn xem đây là một trải nghiệm thú vị. Nhiều bạn chia sẻ cần có suy nghĩ tích cực trong học tập, sẵn sàng đón nhận những cái mới, học cách thích ứng với hoàn cảnh, bối cảnh. Các bạn cho biết: “E-learning là hình thức học mới, là xu hướng hiện tại, chúng ta phải dần thích ứng với việc học này, nó sẽ đánh giá cao khả năng tự học của các bạn. Khả năng tự học có thể giúp mình học thêm nhiều kiến thức mới, nâng cao tri thức của bản thân” (bạn Vũ Bảo). “Nếu chọn giữa truyền thống với e-learning thì em vẫn chọn truyền thống. Tuy nhiên, theo khuynh hướng của xã hội thì E-learning không phải là một cái gì đó bất cập, nói đúng hơn là một cái gì đó hiển nhiên. Bởi vì sau này khi ra làm việc thì đâu ai chắc chắn rằng mình không phải ngồi vào lớp học để học thêm kỹ năng nữa. Thì thay vì mình dành nhiều thời gian ngồi trên lớp học với những học viên khác thì mình có thể ngồi ở nhà, thì lúc ấy mình chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian, cũng như là mình tìm được nhiều cái nguồn tư liệu ở trên mạng thì nó củng cố hơn nhiều kiến thức mình đang học” (bạn Đình Dũng).

Kết luận

Môi trường học tập nào cũng có thể mang lại những khó khăn và sự cô đơn. Điều này là khó tránh vì việc học là quá trình chúng ta tiếp nhận cái mới và rời bỏ nhận thức cũ. Trong E-learning thì sự cô đơn này như được nhân lên khi môi trường số tiềm ẩn nhiều ngăn cách. Sự trải lòng của sinh viên về những khó khăn thực tế và những mong đợi hiện nay có thể là cầu nối để Nhà trường, giảng viên có thể quan tâm hơn, tạo nên một môi trường giáo dục và đào tạo thân thiện, kết nối, hiệu quả tại ngôi trường Đại học Văn Lang của chúng ta.

Cộng đồng Văn Lang luôn hy vọng chúng ta có thể gặp được nhau trong các mục tiêu chinh phục môi trường số phía trước, để những sinh viên của chúng ta có thể vượt qua được sự cô đơn và nhanh chóng nắm bắt cơ hội, cùng kết nối và chia sẻ với một môi trường và cộng đồng rộng lớn hơn nữa và thực sự trở thành người quyết định chất lượng đào tạo của Trường.

TS. Huỳnh Bá Lộc & ThS. Lê Thu Hằng
Khoa Khoa học Cơ bản


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag