(P. Tuyển sinh - Văn Lang, 27/6/2017) – Trong hai ngày 13 và 14/6/2017, 65 sinh viên khóa 19 ngành Kỹ thuật Phần mềm đào tạo theo chương trình CMU đã bảo vệ thành công 10 dự án tốt nghiệp tại Trụ sở Trường ĐH Văn Lang.
Capstone Project là dự án tốt nghiệp của sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm đào tạo theo chương trình của ĐH Carnegie Mellon (CMU) – Mỹ . Dự án Capstone được thực hiện vào hai học kỳ cuối của khóa học, xuất phát từ nhu cầu thực tế của các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Đây là quy định khắt khe của CMU – đại học nhiều năm liền xếp hạng số 1 của Mỹ về Công nghệ Thông tin – đối với chương trình đào tạo Kỹ thuật Phần mềm.
10 dự án Capstone năm 2017 của sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm xuất phát từ nhu cầu thực tế của 7 doanh nghiệp và tổ chức:
- “CMR – Chat” – đặt hàng: Công ty Trần Lê;
- “Công cụ quản lý quy trình” – đặt hàng: Công ty Anh Quân;
- “Phần mềm bán hàng tại các điểm kinh doanh” - đặt hàng: Công ty Online Intergrated Solutions;
- “Website quản lý kho – IOS” – đặt hàng: Công ty Online Intergrated Solutions;
- “Quản lý kho và bán hàng” – đặt hàng: Công ty Vinapool;
- “Ứng dụng tìm việc cho công ty Nhật” - đặt hàng: ông ty TNHH Allshigoto;
- “Phần mềm Quản lý Trung tâm Ngoại ngữ EMBASSY” – đặt hàng: Trung tâm Ngoại ngữ EMBASSY;
- “VINASWAP” – đặt hàng: Trung tâm Ngoại ngữ Saigon English Adventures.
- “Quản lý tin tức truyền thông hệ thống tuyển sinh” – đặt hàng: Trường ĐH Văn Lang;
- “Quản lý tác vụ tuyển sinh” – đặt hàng: Trường ĐH Văn Lang.
Với bốn buổi bảo vệ, 10 nhóm sinh viên đã trình bày khá tốt dự án của mình với các khâu cơ bản: Lấy yêu cầu khách hàng, Thiết kế cấu trúc, Viết mã, Kiểm thử và Chạy Demo. Bên cạnh đó, các nhóm cũng chia sẻ những khó khăn, rủi ro khi làm dự án phần mềm thực tế, mặc dù mỗi nhóm đều đã lên kế hoạch, phân chia công việc cho từng thành viên, tính toán thời gian đến từng giờ làm việc… Thông qua dự án thực tế, sinh viên thực sự được trải nghiệm công việc của một kỹ sư phần mềm tương lai, cũng là cơ hội để các bạn thể hiện năng lực của mình trước doanh nghiệp.
Từ ý nghĩa thực tiễn đó của quy trình thực hiện dự án Capstone, Trường ĐH Văn Lang nhận thấy tín hiệu đáng mừng hơn cả của chuỗi hoạt động Capstone Project 2017 là sự tham gia của các doanh nghiệp, công ty phần mềm: Global CyberSoft, Công ty Offience, Công ty Capgemini, Công ty TMA Solution, P.A.T Consulting, HCA, Công ty Nash Tech, Công ty LogiGear Việt Nam, Công ty DEK Technologies… Các doanh nghiệp chăm chú theo dõi phần trình bày của sinh viên, đặt câu hỏi, đánh giá cụ thể cho từng dự án. Tiềm năng của sinh viên thể hiện qua Capstone Project là cơ sở đáng tin cậy để một số doanh nghiệp (Công ty Capgemini, Công ty LogiGear Việt Nam, Công ty TMA Solution…) tiến hành phỏng vấn và tìm được những ứng viên phù hợp ngay trong buổi bảo vệ.
Chương trình Kỹ thuật Phần mềm được CMU chuyển giao đào tạo tại Trường ĐH Văn Lang từ năm 2008. Sau 9 năm triển khai, đã có 6 khóa sinh viên tốt nghiệp, chất lượng, sự khác biệt và những ưu việt của chương trình đã được kiểm định qua thực lực làm việc thực tế của kỹ sư phần mềm tại các doanh nghiệp. Trên thực tế, đội ngũ kỹ sư phần mềm tốt nghiệp từ Văn Lang được thị trường lao động chào đón, cơ hội việc làm, khả năng thăng tiến rộng mở. Theo khảo sát mới nhất, 100% sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp mức lương từ 8 đến hơn 10 triệu đồng/ tháng (khảo sát việc làm của Trường ĐH Văn Lang vào tháng 6/2016).
Nguyễn Liên
Hình ảnh: Nguyễn Liên, Nguyễn Linh, Khoa CNTT
Xem thêm:
Ngày Capstone Project, 25/5/2012: Những dự án thực đầu tiên.
Cử nhân ngành Kỹ thuật Phần mềm: Vững vàng khởi nghiệp.
80% Cử nhân ngành Kỹ thuật Phần mềm đã có việc làm sau 1 tháng tốt nghiệp.
Chương trình CMU - Văn Lang: sự khác biệt, tính cạnh tranh, những triển vọng.