(P. Tuyển sinh – Văn Lang, 03/7/2017) – Phát huy thế mạnh của ngành Kiến trúc Trường ĐH Văn Lang trong nghiên cứu khoa học và phát triển dự án cộng đồng, sắp tới, nhiều sinh viên Kiến trúc sẽ tham gia cuộc thi “Thiết kế Nhà nổi vùng đồng bằng Sông Cửu Long”.
“Thiết kế Nhà nổi vùng đồng bằng Sông Cửu Long” (Floating Settlement on the Mekong Delta) là cuộc thi do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Viện Kiến trúc Nhà nổi của Trường ĐH Kỹ thuật Cottbus – Senftenberg (Đức) tổ chức, nhằm thu hút sinh viên các cơ sở đào tạo Kiến trúc trong cả nước tham gia sáng tạo và đề xuất những ý tưởng mới cho các làng nổi vùng đồng bằng Sông Cửu Long - vùng đất có cảnh quan đẹp, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nhưng đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề lũ. Khu vực Sông Hậu chảy quanh Cù lao Mỹ Hòa Hưng (An Giang) là địa điểm được chọn để thiết kế trong cuộc thi này.
>>> Xem thông tin về cuộc thi Thiết kế Nhà nổi vùng ĐB SCL tại đây.
Để giúp sinh viên có thêm thông tin, hình ảnh về vùng đất đồng bằng sông Cửu Long cũng như kiến thức về thiết kế nhà nổi, Khoa Kiến trúc Trường ĐH Văn Lang đã mời TS-KTS. Nguyễn Thiềm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Tp. HCM, GĐ Cty TNHH Tư vấn Quy hoạch Kiến trúc và hạ tầng Phương Nam) và ThS-KTS. Châu Mỹ Anh (nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tp.HCM), tham dự Hội thảo và trao đổi, hướng dẫn sinh viên. Đây cũng là những kiến trúc sư có nhiều năm nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long, đã tham gia nhiều công trình thiết kế nhà nổi.
Tại buổi Hội thảo, TS.KTS Nguyễn Thiềm trình bày thực trạng của vùng đồng bằng Sông Cửu Long, đặc điểm khu vực Cù lao Mỹ Hòa Hưng (An Giang). Thông qua những video clip, hình ảnh trực quan sinh động, sinh viên phần nào hình dung về vùng đất, con người, nhà ở, sinh hoạt, và những khó khăn của người dân nơi đây. KTS. Nguyễn Thiềm cũng gợi mở cho sinh viên nhiều ý tưởng thiết kế dựa trên kinh nghiệm của mình.
Là người con vùng đồng bằng Sông Cửu Long, có nhiều năm làm công tác tổ chức, giám khảo các cuộc thi về thiết kế nhà nổi do Hội Kiến trúc sư tổ chức, ThS.KTS Châu Mỹ Anh đã phân tích cụ thể các tiêu chí Ban tổ chức đưa ra và nhấn mạnh: Trong vai trò một kiến trúc sư, ngoài việc đưa ra ý tưởng, giải pháp về kiến trúc và quy hoạch, thì tính khả thi của công trình cần được coi trọng như các giải pháp về môi trường, hạ tầng, giao thông, sự kết nối giữa làng nổi và đất liền, giải pháp phát triển sinh kế cho cư dân. Bên cạnh đó, các đặc điểm về địa hình, văn hóa, sự tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề giá thành vật liệu xây dựng cũng cần hết sức lưu ý vì đời sống người dân ở đây còn nhiều khó khăn…
Đã có 30 sinh viên ngành Kiến trúc Trường ĐH Văn Lang đăng ký tham gia cuộc thi. Sáng 01/7/2017, Khoa Kiến trúc tổ chức cho sinh viên tham quan khảo sát thực tế khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và Cù lao Mỹ Hòa Hưng.
Năm 2013, sinh viên Văn Lang từng xuất sắc giành 3 giải Nhất, Nhì, Ba trong cuộc thi “Nhà ở bền vững trong môi trường thiên tai và biến đổi khí hậu” do tổ chức phi chính phủ Habitat Vietnam và Siam Cement Group (Thái Lan) phối hợp tổ chức:
• Giải Nhất: Dự án nhà ở “Bên kia chợ nổi” (House in floating market) của Nguyễn Hồng Quân và Trần Trương Thúy Nhi (khóa 14), lấy cảm hứng từ cuộc sống lao động của người dân khu vực Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ.
• Giải Nhì: Thiết kế “Nhà lật sinh thái” (Eco flip house) của SV Đoàn Hữu Duy, và hai SV Trần Mỹ Kim, Nguyễn Thị Anh Tú (ĐH Kiến trúc Tp.HCM).
• Giải Ba: Thiết kế “Nhà ở mùa nước nổi” (House in flooding season) dành cho các hộ dân ở xã Vĩnh Hậu, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang của Lê Kim Diệu Thiện và Mai Hoàng Dương (khóa 15)
Nguyễn Liên