(Truyền thông Văn Lang) Chuỗi hội thảo Mekong ICT về thông tin, truyền thông và công nghệ dành cho giới hoạt động xã hội và báo chí lần thứ 5 năm 2017 đã được tổ chức vừa qua tại Siem Reap, Campuchia từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 9 năm 2017.
Mekong ICT Camp là gì?
Mekong ICT Camp là chuỗi hội thảo kết hợp với tập huấn về thông tin, truyền thông và công nghệ cho các nhà báo, các nhà hoạt động vì sức khoẻ cộng đồng và phát triển xã hội ở tiểu vùng Mekong. Mekong ICT Camp lần đầu tiên được tổ chức bởi Thai Fund Foundation vào năm 2008, cho đến nay chuỗi hoạt động đã được diễn ra them vào các năm 2010, 2013 và 2015. Năm nay, Mekong ICT Camp được tổ chức tại Siem Reap, Campuchia từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 9 năm 2017.
Những người được chọn lựa để tham gia dự Mekong ICT Camp là các nhà báo, các nhà hoạt động xã hội, các lập trình viên và kỹ sư công nghệ thông tin. Các đại biểu được hoan nghênh từ mọi quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy nhiên chủ yếu ưu tiên các nước thuộc vùng Mekong, bao gồm Miến Điện, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Tổng kết hoạt động năm nay có sự tham gia của 126 chuyên gia và nhà hoạt động từ năm quốc gia tiểu vùng Mekong nói trên và Bangladesh, cùng một số chuyên gia về an ninh mạng, công nghệ thông tin và dữ liệu từ Singapore, Hoa Kỳ, Indonesia và Hồng Kông.
Nhận định từ các chuyên gia
Ông Ouk Kimseng, dưới sự chỉ đạo của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Bộ Thông tin Campuchia trong diễn văn khai mạc đã nhấn mạnh “Mekong ICT Camp giúp mở ra cánh cửa để kết nối và giúp mọi người có thể hiểu rõ hơn về văn hoá, lịch sử và các mô hình xã hội bên ngoài lãnh thổ quốc gia của họ. Chuỗi hoạt động này đóng vai trò trong việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc giữa các đại biểu thuộc các quốc gia khác nhau trong tiểu vùng Mekong. Từ việc cải thiện các chính phủ để xã hội hóa các doanh nghiệp nhằm cải thiện hợp tác và học tập, đầu tư vào con người để phát triển con người, kinh nghiệm và bài học từ Mekong ICT Camp có thể ảnh hưởng và định hình lại nhu cầu hiện tại cho các kế hoạch phát triển tương ứng cho từng quốc gia”.
Bà Puang Chompu từ tổ chức Thai Fund Organization, nhà tổ chức chương trình cho biết: "Mekong Camp 2017 tập trung vào dữ liệu mở. Dữ liệu mở có thể giúp các tổ chức xã hội hoạch định hoạt động tốt hơn, và nó làm các nhà hoạt động mạnh hơn. Lần này chúng tôi tập trung vào việc tận dụng các công cụ mở, dữ liệu mở cho nhà báo, nhà hoạt động. Công nghệ giờ có trong mọi lĩnh vực, và dữ liệu mở giúp cho mọi người mạnh hơn."
Arthi Suriyawongkul từ tổ chức Thai Netizen Network, một chuyên gia về an ninh mạng, nhận định: "Khu vực các quốc gia Mekong có rất nhiều vấn đề chung như lao động nhập cư, vấn đề ô nhiễm sông Mekong và nhiều thứ khác. Nhưng trong quá khứ, người Campuchia có thể nhận định nước sông Mekong cao đến mức nào đó, người Thái lại nói khác. Mọi thông tin thường là 'tôi tin là' - mà không dựa vào dữ liệu. Tuy nhiên mọi thứ giờ có thể hợp tác, tổng hợp và đưa ra phân tích đúng đắn dưới dạng dữ liệu. Ở Mekong ICT những chuyên gia khác nhau có thể tìm thấy mối quan tâm giống nhau, hoặc chồng chéo nhau. Và điều đó có thể thực hiện bằng sự tăng cường trao đổi và xử lý các dữ liệu cùng nhau."
Ông Norbert KLEIN một trong những cố vấn ban đầu của ODC (tổ chức của cộng đồng Internet ở Campuchia, đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập hệ thống Internet của Campuchia vào những năm 90) phát biểu “Thực tiễn đổi mới giả định rằng vẫn còn tồn tại nhiều lãnh vực cần được nghiên cứu trong thực tiễn sáng tạo trong tương lai. Đó là điều khiến chúng tôi đến đây, đó là những gì chúng tôi sẽ làm việc trong tuần này, và sau đó tiếp tục. Nhưng trong tuần này, chúng ta có thể xây dựng các liên kết để cùng nhau thực hiện nhiệm vụ đổi mới, vì lời mời của Mekong ICT Camp năm 2017 cho thấy rằng, mục tiêu chính của chuỗi hoạt động là tập trung vào hợp tác xuyên biên giới”.
Mekong ICT Camp 2017 Seed Grant
Ngoài các chuỗi hội thảo kết hợp với tập huấn về thông tin, truyền thông và công nghệ cho các nhà báo, các nhà hoạt động vì sức khoẻ cộng đồng và phát triển xã hội ở tiểu vùng Mekong; một cuộc thi với tên gọi Mekong ICT Camp 2017 Seed Grant với phần thưởng là khoản tài trợ 3.000 USD cho các ý tưởng và sáng kiến để phát triển xã hội đã được diễn ra ngay tại Mekong ICT Camp 2017. Năm nay, các nhà tài trợ sẽ trao kinh phí hỗ trợ cho 5 dự án tốt nhất (một cho mỗi nước ở khu vực Mekong bao gồm Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan). Các dự án được khuyến khích nằm trong các chủ đề như sau: sự minh bạch của chính phủ, môi trường và biến đổi khí hậu, khả năng phục hồi và thành phố thông minh, Wifi cho cộng đồng, an ninh và bảo mật Internet, đào tạo trực tuyến. Ngoài ra, bất kỳ dự án công nghệ nào hỗ trợ phát triển xã hội đều được hoan nghênh. Các cá nhân sau khi gửi ý tưởng cho Ban tổ chức sẽ có 1 phút để trình bày nhanh trước tất cả thành viên tham dự vào ngày 4 tháng 9. Sau đó, họ sẽ tập hợp một nhóm 2-4 người đến từ cùng một quốc gia và cùng nhau phát triển ý tưởng này xuyên suốt quá trình tham dự Mekong ICT Camp 2017. Vào ngày cuối cùng của chuỗi hoạt động, tức ngày 8 tháng 9 năm 2017, các đội sẽ trình bày dự án của mình tại Mekong ICT Marketplace, sau đó tất cả thành viên tham dự bao gồm cả Ban tổ chức sẽ bỏ phiếu kín để chọn 10 đội vào vòng chung kết (mỗi nước có 2 đội được chọn). Các dự án này sẽ được trình bày trên sân khấu và nhận các câu hỏi từ các chuyên gia để Ban tổ chức có thể đưa ra quyết định cuối cùng.
Nghiên cứu phát triển truyền thông số cho món ăn truyền thống của Việt Nam
Là một trong 16 thành viên Việt Nam tham gia Mekong ICT Camp 2017, ThS. Nguyễn Hoàng Mai, Giảng viên khoa Quan hệ công chúng & Truyền thông (QHCC&TT), Đại học Văn Lang đã mang đến ý tưởng nghiên cứu phát triển truyền thông số cho món ăn truyền thống của Việt Nam. Dự án bắt đầu từ kết quả nghiên cứu và khảo sát của sinh viên K19PR1 khoa QHCC&TT Đại học Văn Lang, Trần Hạnh Di về mức độ nhận thức và sử dụng món Phở trên 500 người Việt Nam và 100 người nước ngoài. Kết quả khảo sát nêu trên cho thấy người Việt thiếu sót những kiến thức căn bản về Phở và đối với người nước ngoài, Phở không nổi tiếng như chúng ta vẫn nhận định. Đó chính là hệ quả của hoạt động truyền thông chậm chạp, thiếu thông tin và thiếu cách thức thực hiện hiệu quả. Không chỉ món Phở, các món ăn truyền thống khác cũng chưa được chú ý phát triển truyền thông. Vậy nên xây dựng một chiến dịch truyền thông số chuyên nghiệp và sáng tạo, áp dụng các công cụ truyền thông đa dạng hiện tại, là vấn đề cấp thiết đặt ra cho ngành truyền thông Việt Nam.
Dự án nghiên cứu “phát triển truyền thông số cho món ăn truyền thống của Việt Nam” của ThS. Nguyễn Hoàng Mai tập trung vào đối tượng hướng đến đối tượng chủ yếu là các bạn trẻ Việt Nam, dưới 30 tuổi, có thói quen sử dụng smartphone và mạng xã hội thường xuyên, yêu thích ăn uống và cập nhật các xu hướng. Thông điệp truyền thông chính là “ăn uống lành mạnh để xây dựng một dân tộc khoẻ mạnh”, mong muốn định hướng việc ăn các món ăn truyền thống cân bằng và bổ dưỡng, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh và thức ăn công nghiệp. Dự án đã được cố vấn và góp ý từ ông Seelan Palay, Communications Manager của Engage Media, Singapore; người có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển truyền thông đại chúng ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc tổ chức nhiều buổi triển lãm, trình diễn, diễn đàn và hội thảo để nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động mang lại những thay đổi tích cực trong khu vực. Sau khi hoàn thiện ý tưởng và trình bày ở Mekong ICT Marketplace, dự án đã lọt vào chung kết 10 ý tưởng cuối cùng đại diện cho 5 quốc gia, Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan. Các nghiên cứu và dự án khác có thể điểm qua là “Love and (tech)care for environment and human being” và “Interactive online learning” từ Lào, “E-donation” và “CAM lost and found” từ Campuchia, “Global citizenship education-hybrid online training” từ Myanmar, “Float in flood” từ Việt Nam và “Thai-Laos Mekong local food festival” từ Thái Lan.
Có thể thấy nghiên cứu “phát triển truyền thông số cho món ăn truyền thống của Việt Nam” của ThS. Nguyễn Hoàng Mai, Đại học Văn Lang đã gây được sự chú ý nhất định về công tác truyền thông tại Việt Nam. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận sự quan tâm của bạn bè thế giới về ẩm thực và các món ăn truyền thống của Việt Nam là rất lớn. Và cùng với việc phát triển thông điệp ý tưởng “ăn uống lành mạnh để xây dựng một dân tộc khoẻ mạnh”, dự án này cần rất nhiều sự quan tâm hỗ trợ từ cộng đồng xã hội để có thể phần nào thay đổi nhận thức hành vi và thói quen ăn uống sinh hoạt của mọi người.
Tp.HCM ngày 19 tháng 9 năm 2017
Hoàng Mai