TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Những thay đổi trong đào tạo nhân lực y tế (Kỳ 2)

Bài 2: Hình thành hai hệ thống năng lực

Một thời gian dài nhiều quan điểm cho rằng chỉ bác sĩ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ mới là những người giỏi (nhưng thực tế thạc sĩ, tiến sĩ chỉ mạnh về năng lực nghiên cứu), cho nên ít quan tâm đến năng lực quan trọng nhất của bác sĩ, đó là khám, chữa bệnh. Nhận thức được vấn đề, các bộ, ngành liên quan đang có những điều chỉnh, phân biệt năng lực nghiên cứu và lâm sàng.

Bất cập chồng bất cập

Chất lượng bác sĩ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên đào tạo là khâu đóng vai trò quan trọng nhất. Bộ Y tế đã ban hành chuẩn năng lực cơ bản đối với bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt, điều dưỡng và hộ sinh. Tuy nhiên, tiêu chí đặc thù về đào tạo nhân lực y tế chưa đầy đủ; quy mô đào tạo chưa gắn với nhu cầu và yêu cầu sử dụng; chất lượng đào tạo không đồng đều; năng lực nghề nghiệp chưa gắn với vị trí việc làm, chưa phân định rõ trình độ... Hiện nay, thời gian đào tạo bác sĩ là sáu năm, sau đó thực hành 18 tháng sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề một lần (có giá trị suốt cuộc đời) mà không qua thi cử. Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh và các trường đào tạo ngành y "mạnh ai nấy làm": Cơ sở đào tạo không tham khảo ý kiến đơn vị sử dụng nhân lực xem họ cần những gì; các cơ sở sử dụng nhân lực cũng không phản hồi cho nơi đào tạo về chất lượng nguồn nhân lực; cần bổ sung, tăng cường kiến thức và kỹ năng gì...

dao tao y te 003

Từ trước đến nay cứ nói đào tạo, người ta mặc nhiên chỉ nghĩ đến trường, mà quên mất một địa chỉ đóng vai trò quan trọng không kém là bệnh viện. Ðiều đó dẫn đến tình trạng dạy trên giảng đường nhiều, nặng về lý thuyết; tại bệnh viện, các bác sĩ ít tham gia giảng dạy, dẫn đến năng lực cần cho khám, chữa bệnh của sinh viên “có vấn đề”.

Tại hầu hết các nước trên thế giới, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để tạo ra năng lực nghiên cứu khoa học và giảng dạy, người có bằng cấp này thường làm việc tại các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo còn bác sĩ được đào tạo chuyên khoa (chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú) thiên về năng lực khám, chữa bệnh thường được bố trí làm việc tại bệnh viện. Trong khi đó, tại nước ta đang có sự lẫn lộn hai khái niệm này. Nhiều người cho rằng những cán bộ y tế trình độ thạc sĩ, tiến sĩ mới khám, chữa bệnh giỏi. Sự chưa rõ ràng đó được thể hiện cả ở quy mô cấp độ quốc gia (chỉ công nhận bằng thạc sĩ, tiến sĩ là bằng quốc gia).

Do chưa quan tâm đến năng lực khám, chữa bệnh, cho nên các bằng chuyên khoa chỉ có giá trị trong ngành y và ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng đào tạo nhân lực y tế. Ðể khắc phục các bất cập trên, thời gian qua dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ Bộ Giáo dục và Ðào tạo và các bộ, ngành liên quan tư vấn, xây dựng các quy định đưa việc đào tạo nhân lực y tế dần tiếp cận với thế giới, theo đúng nguyên lý đặc thù như vốn có của nhóm nhân lực này.

Tách bạch hai hệ thống năng lực

Nhằm đổi mới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, Bộ Y tế đang đề xuất mô hình đào tạo bác sĩ theo yêu cầu mới. Theo đó, quá trình đào tạo sẽ tách thành hai giai đoạn: học từ bốn đến năm năm cấp bằng cử nhân y khoa, rồi chia thành hai nhánh: theo hệ nghiên cứu (thạc sĩ, tiến sĩ) và lâm sàng (khám, chữa bệnh). Những người theo học lâm sàng sẽ học thêm hai năm (tại trường và bệnh viện) để được cấp bằng bác sĩ y khoa, tương đương trình độ thạc sĩ, nhưng chưa được hành nghề. Người có bằng bác sĩ y khoa phải có một năm thực tập hành nghề tại bệnh viện và thi chứng chỉ hành nghề, nếu đạt mới được khám, chữa bệnh và có thể tiếp tục học chuyên khoa. Hệ nghiên cứu do Bộ Giáo dục và Ðào tạo quản lý; hệ khám, chữa bệnh sẽ do Bộ Y tế quản lý.

Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ đưa ra các quy định để phân biệt rõ ràng việc sử dụng hai hệ thống năng lực nghiên cứu và chuyên khoa. Người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ sẽ tập trung vào hoạt động nghiên cứu, giảng dạy; muốn tham gia khám, chữa bệnh thì phải học để có bằng chuyên khoa. Ngược lại, những bác sĩ chuyên khoa muốn tham gia nghiên cứu thì đi học lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Như vậy sẽ không còn tình trạng đào tạo tràn lan thạc sĩ như hiện nay; giúp cho việc sử dụng nhân lực y tế hiệu quả hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, khi đổi mới theo hướng như vậy, việc đào tạo nhân lực y tế thay vì nặng về cung cấp kiến thức như hiện nay, sẽ phải chuyển sang đào tạo được các năng lực cơ bản mà hệ thống y tế cần. Khi xây dựng chương trình đào tạo dựa trên năng lực, các cơ sở đào tạo phải tích hợp được các lý thuyết cơ bản và hoạt động thực hành, giúp học viên có khả năng xử lý các tình huống hay xảy ra trong thực tế. Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ đẩy nhanh việc thực hiện Nghị định 111/NÐ-CP (ngày 5-10-2017) của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe. Nghị định đã nêu rất rõ trách nhiệm cũng như quyền lợi của bệnh viện thực hành vào quá trình đào tạo nhân lực y tế.

PGS, TS Nguyễn Ðức Hinh, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội phân tích: Thời gian đào tạo bác sĩ y khoa vẫn là sáu năm như hiện nay (mô hình phổ biến nhất của thế giới) và chỉ đào tạo một loại hình bác sĩ y khoa, không còn bác sĩ y học dự phòng và bác sĩ y học cổ truyền. Hai loại hình này sẽ được đào tạo sau đại học, là đào tạo bác sĩ chuyên khoa. Sau khi tốt nghiệp sáu năm, trở thành bác sĩ y khoa, được coi như ngang trình độ thạc sĩ. Tốt nghiệp xong, tất cả đều phải học thêm ba năm. Quá trình này chính là đào tạo bác sĩ chuyên khoa, trong đó có chuyên khoa y học dự phòng và y học cổ truyền cùng với nhiều chuyên khoa khác như: nội, ngoại, sản, nhi...

Trong ba năm này, bác sĩ được hưởng lương ngang mức thạc sĩ (thời gian học chuyên khoa thực chất là đã làm việc dưới sự bảo trợ của thầy giáo). Trong thời gian học chuyên khoa, sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Sau thời gian học chuyên khoa có thể học chuyên khoa sâu từ hai năm trở lên (thí dụ: chuyên khoa là bác sĩ ngoại thì chuyên khoa sâu là ngoại thần kinh, ngoại chấn thương, ngoại lồng ngực...). Ðào tạo bác sĩ chuyên khoa là tương đương bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa sâu tương đương bác sĩ chuyên khoa cấp II như hiện nay. Sự thay đổi như vậy không quá nhiều. Quá trình đào tạo chuyên khoa được đẩy lên sớm, khi các bác sĩ còn trẻ, việc học tập, tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, thời gian phục vụ nhân dân được dài hơn.

Thời gian tới, sẽ phải xây dựng chuẩn năng lực cho từng chuyên khoa, phát triển chương trình đào tạo để học viên khi ra trường đạt được chuẩn đó. Hội đồng y khoa sẽ thẩm định năng lực trước khi cấp chứng chỉ hành nghề. Sau đào tạo chuyên khoa sẽ là các khóa chuyên khoa sâu với cách tổ chức tương tự. Ðào tạo chuyên khoa sẽ thực hiện như đào tạo nội trú hiện nay và chỉ có duy nhất một loại hình này.

TRUNG HIẾU - theo Báo điện tử Nhân dân


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag