Nhận biết được tầm quan trong của tiếng Anh, nhiều người trẻ chủ động bằng mọi cách để học tốt môn này. Thế nhưng, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người trẻ ngại học. Vậy lý do là gì?
Không học cũng chưa đến mức chết!
Bạn đọc P.T.H.D (25 tuổi, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) đã có chia sẻ về việc ngại học tiếng Anh của mình và gửi về cho phóng viên, trong mail, H.D viết: “Mình đang làm việc ở thành phố du lịch, nhớ có lần đang đứng đợi sửa xe thì có mấy khách du lịch nước ngoài họ đến hỏi đường mình. Lúc đấy, chỉ muốn tìm cái lỗ nào chui xuống, rõ ràng là mình biết họ muốn hỏi đi đến đâu, vậy mà một từ cũng không biết để thốt lên được. Sau vụ đó, về lục lại sách vở, lại học, hình như được hai ngày gì đó rồi lại đâu vào đó, sách vẫn cứ nằm trên giá, còn người thì nằm trên giường”.
Nói về lý do tại sao biết tiếng Anh quan trọng nhưng vẫn không học, H.D chia sẻ: “Nếu nói đến lý do, có trăm lý do để mình không kiên trì với việc học. Nếu nói vì công việc mà bận đến độ không có thời gian học là tự dối mình vì trước hết là ý thức. Việc học tiếng Anh không giỏi làm mình không tự tin trước mặt mọi người nhưng nó không ảnh hưởng lớn đến công việc mình đang làm, và đó chính là lý do chuẩn nhất làm mình không có động lực để cố gắng hết mình”.
Còn P.T.H.T (nhân viên văn phòng tại Q.3, TP.HCM) thì hài hước: “Vì mình không giỏi nên có lẽ từ đó không thích học. Mà đã không thích thì có nhồi nhét mấy cũng không hiệu quả. Giống như không thích ăn chua mà bắt ăn chua thì chỉ ăn cho có lệ, còn người đã thích ăn thì chua mấy cũng không thành vấn đề”.
Người viết có dịp hỏi một số người trẻ tại Công viên Tao Đàn (Q.1, TP.HCM) về lý do ngại học tiếng Anh thì nhận được những câu trả lời như: “mình mất căn bản nên không biết bắt đầu từ đâu”, “mình cũng học nhưng thấy không có hiệu quả nên nản”, “bạn bè giờ nó nói tiếng Anh như gió còn mình thì một chữ bẽ đôi cũng không nên nói đi học tiếng Anh mình ngại lắm”, “biết là cần đó nhưng không học thì cũng chưa đến mức chết?”
Chuyện tới đâu hay tới đó
Học bất cứ môn gì cũng cần có thời gian, thế nhưng có một bộ phận người trẻ lại thiếu kiên nhẫn với tiếng Anh, bởi họ cho rằng có kiên nhẫn cũng chưa chắc làm được hay thấy khó như hái sao trên trời rồi tự đổ lỗi cho hoàn cảnh là vì công việc, là vì mình mất căn bản,…
“Sắp ra trường rồi mà một chữ bẻ đôi về tiếng Anh cũng không có, tầm quan trọng của tiếng Anh thì không thể phủ nhận, nhưng giờ đi làm nhiều nên không có thời gian học. Nếu có học cũng học không vào. Rồi cứ định định mãi từ năm nhất mà đến giờ vẫn chưa đầu tư cho tiếng Anh được”, D.V.T (sinh viên Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng), bộc bạch.
L.T.H (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), thì chia sẻ: "Theo H. thì thấy bị yếu tiếng Anh nên học tiếng Anh rất chán, ngồi học tiếng Anh mà cứ như nước chảy lá môn. Nhưng vẫn biết là rất quan trọng, nếu ra trường không có tiếng Anh thì thua thiệt người ta là điều tất nhiên. Nhưng giờ chưa bị dồn vào tình thế bắt buộc cần tiếng Anh nên cứ để trễ nãi. Chắc chuyện tới đâu thì hay tới đó”.
Còn theo thầy Trần Trinh Tường (giáo viên dạy tiếng Anh tại TP.HCM) thì cho rằng việc ngại học này thực ra là các bạn chưa thấy được tính ứng dụng cao và sự thăng tiến trong sự nghiệp khi có một ngoại ngữ để đi làm. Để con người ta làm một việc gì đó đều xuất phát từ cái “WHY”, nhiều bạn đi học chỉ vì nhà trường yêu cầu, học cho có bằng cấp nhưng chưa nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh nên học chỉ qua loa, một thời gian ngắn sau lại thiếu mất động lực.
Bên cạnh đó vẫn có nhiều bạn trẻ đã ý thức được kỹ năng tiếng Anh rất quan trọng, nhưng lại thiếu phương pháp, thiếu ý chí vì ngày nay có quá nhiều thông tin, quá nhiều sự giải trí ngắn hạn làm cho bạn dễ lười và bỏ cuộc trong việc chinh phục tiếng Anh.
"Để giải quyết được vấn đề thiếu động lực thì hãy tìm cho mình một đội nhóm, nơi mà mọi người cùng muốn hoc tiếng Anh, cùng có nhu cầu và sẵn sàng dành thời gian cho nhau để học hỏi. Xác định lý do tại sao, mục tiêu mình muốn học tiếng Anh rõ ràng, trước khi bắt đầu: vì điểm số, vì xin việc, vì muốn phát triển bản thân, hay chỉ đơn giản là yêu tiếng Anh, thích đi du lịch, du học và giao tiếp với người nước ngoài… rồi thường xuyên theo dõi quan sát đọc các mục tiêu đã viết. Đối với những bạn đã mất gốc, học sai phương pháp theo lối truyền thống thì hãy thay đổi cách học. Muốn nói được thì phải học bằng tai và nghe thật nhiều, tâp nhái theo… tìm người tập phản xạ", thầy Tường khuyên.
Bên cạnh đó, theo thầy Tường ngày nay tài liệu, video hướng dẫn học trên internet, youtube, facebook rất nhiều, nếu như bạn có ý chí bạn sẽ tìm thấy.
Nữ Vương - theo Tuổi trẻ