(TT. Thông tin – Văn Lang, 23/8/2016) – Ngày 17/8/2016, Trường ĐH Văn Lang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Quốc gia về Công nghệ mở (RDOT), Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức tọa đàm “Thay đổi để tồn tại và phát triển của các trường đại học trong kỷ nguyên số”, tại phòng 203A, Trụ sở 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q. 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Năm 1999, Massachusetts Institute of Technology (MIT, Mỹ) quyết định tạo dựng vị trí cho riêng mình trong mảng đào tạo từ xa thông qua nguồn học liệu số. Ban đầu, nguồn dữ liệu này chỉ được chia sẻ trong phạm vi nội bộ, giữa các khoa với nhau, giữa các sinh viên với nhau. Đến năm 2002, OpenCourseWare (OCW) của MIT được mở ra cho toàn cộng đồng, cung cấp 32 khóa học. Chỉ một năm sau, chương trình này đã cung cấp hơn 500 khóa học, trong đó có cả những video bài giảng online. Tính đến cuối năm 2015, số lượng khóa học mà OCW của MIT cung cấp lên đến con số hơn 2.300. Đây chính là “cú hích” lịch sử để đưa đến một khái niệm mới, phổ biến trong nền giáo dục kỷ nguyên số hiện nay: Open Educational Resources (OER).
UNESCO nhận định học liệu mở có ảnh hưởng quan trọng, thay đổi hiện trạng giáo dục đại học. Từ MIT, “tâm bão” học liệu mở đã nhanh chóng lan rộng ra cộng đồng giáo dục đại học, và cả giáo dục phổ thông, ở các nước Âu – Mỹ. Hiện nay, học sinh, sinh viên Việt Nam có thể tiếp cận nhiều khóa học online, cung cấp miễn phí bởi các trường đại học lớn trên thế giới, do các giáo sư hàng đầu giảng dạy mà không phải gặp rào cản ngôn ngữ (do các khóa học này đã được thực hiện phụ đề nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt). Nếu muốn, sau khi hoàn thành các khóa học này, các bạn có thể đăng ký, nộp tiền thi lấy chứng chỉ môn học. Như vậy, học sinh Việt Nam hoàn toàn có khả năng học chương trình nước ngoài bằng tiếng Việt, lấy được bằng cấp quốc tế mà không cần ra nước ngoài, không cần đến trường.
Bàn cờ đã chuyển biến nhưng những trường đại học ở Việt Nam vẫn chưa nhận thức một cách sâu sắc thách thức trên; chưa có những thay đổi để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh. Ngôn ngữ và địa lý không còn là rào cản an toàn, giữ các trường đại học Việt Nam nằm ngoài vòng quay chung của thế giới nữa bởi yêu cầu hội nhập trong thời đại kỷ nguyên số trở thành yếu tố sống còn của mỗi con người, mỗi đất nước. Từ năm 2008, những học giả Việt Nam đã tự nguyên gia nhập vào cộng đồng của các chương trình OER trên thế giới. Những năm sau đó, Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có chính sách khuyến khích các trường xây dựng, chia sẻ nguồn học liệu, giáo trình online. Dù vậy, những hạn chế về tư duy, về phương pháp giảng dạy, về khả năng khai thác đã khiến cho bước đi của các trường đại học Việt Nam trên hành trình hội nhập cộng đồng OER còn chậm so với mong đợi và đòi hỏi của thời cuộc.
Thách thức đã hiện diện rõ ràng ngay trước mặt, dù không thể “phòng vệ” từ xa nhưng đến lúc gặp phải, chúng ta cần sẵn sàng giải quyết.
Gieo hạt và lắp ráp lego
Đó là hai liên tưởng mà diễn giả của buổi tọa đàm (Ông Lê Trung Nghĩa – Chủ tịch Hội đồng tư vấn chuyên môn của RDOT, Ông Đỗ Ngọc Minh – Giám đốc chương trình VOER, Qũy Việt Nam) đã dùng để đưa ra một số gợi ý, định hướng cho các trường đại học Việt Nam (trong đó có Văn Lang) nhằm phát triển học liệu mở, vượt qua những thách thức do kỷ nguyên số đặt ra trong tương lai gần.
OER Việt Nam đã có 10 năm vận hành. Tuy nhiên, công cụ được tổng thống Mỹ Barack Obama xem là “chìa khóa của giáo dục” này vẫn chưa thể giúp giáo dục Việt Nam mở cánh cửa để làm giàu tri thức tập thể và hội nhập thế giới. Còn một khoảng cách lớn, sẽ là một chặng đường dài phải đi nếu các trường đại học ở Việt Nam muốn dùng OER tạo ra “cuộc cách mạng trong lĩnh vực xuất bản học liệu”, như tạp chí Time ghi nhận với chương trình Connexions của Rice University, Mỹ. Vì vậy, các diễn giả cho rằng các trường đại học Việt Nam nên đầu tư xây dựng OER như việc “gieo hạt”. Trước mắt, các trường có thể sử dụng nguồn OER được chia sẻ để chọn lấy những tài nguyên học thuật tốt, hay cho dữ liệu đào tạo, cho tài liệu tham khảo, cho thư viện số của mình. Tiếp theo, các trường hãy huy động, kêu gọi đội ngũ giảng viên chia sẻ những gì mình có để tạo lập nguồn học liệu mở sử dụng trong nội bộ. Đó có thể chỉ là vài trang tài liệu giảng dạy, một mục nhỏ, một chương, hay cả một giáo trình. Và sẽ đến lúc, các trường tự tin xây dựng các khóa học từ xa, sử dụng nguồn học liệu này cho cộng đồng giáo dục. Phải có thời gian để hạt gieo xuống nảy mầm, lớn lên, ra hoa, kết trái. Nhưng nếu không gieo hạt, sẽ không có gì để thu hoạch. Vậy nên, bắt đầu là quan trọng.
Hai diễn giả của chương trình đã giới thiệu những cơ sở nền tảng của học liệu mở: giấy phép, công nghệ, tìm kiếm ứng dụng, tài chính, khóa học mở,… Từ đó, các diễn giả chỉ ra những kịch bản phát triển học liệu mở mà các trường có thể thực hiện, như việc lắp ráp lego. Giấy phép được cấp cho người dùng học liệu mở khác với luật bản quyền bởi giấy phép này cho phép người dùng sử dụng, chia sẻ, sao chép, phân phối, phân phối lại, áp dụng, pha trộn, tùy biến và xây dựng dựa trên tài liệu gốc, kể cả thương mại hóa miễn có ghi chú tác giả gốc của tài liệu. Vì vậy, từ những tài liệu nhỏ, những mục nhỏ, những chương riêng biệt, người dùng có thể kết hợp chúng với nhau, tạo thành những giáo trình khác nhau như việc lắp ghép lego, miễn sao đảm bảo việc biên soạn mục lục hợp lý, các tài liệu tuyển chọn vào có chất lượng và phù hợp nghĩa là khớp của những mảnh ghép nối được với nhau chắc chắn. Những mảnh lego nhỏ lẻ cạnh nhau sẽ tạo thành công trình xây dựng lớn, quái thú, siêu xe; những tài nguyên trong nguồn học liệu mở cũng có thể tạo nên những công trình học thuật thực sự như thế, nếu chúng ta biết khai thác hiệu quả.
Một chương trình OER muốn phát triển bền vững thì cần xây dựng được “kiềng ba chân”: Công nghệ - Nội dung – Cộng đồng (người đóng góp, người sử dụng). Cả ba yếu tố đều thể hiện vai trò của con người. Công nghệ là nền tảng, là công cụ; và nó chỉ phát huy tác dụng nếu con người có thể làm chủ được, nghĩa là lựa chọn, sử dụng, biến đổi nó phù hợp với yêu cầu của đơn vị. Nội dung là điều kiện để định vị một chương trình mở trong cộng đồng; nội dung học liệu được cập nhật, có tính chính xác, có sự đột phá, có cách truyền đạt dễ hiểu, sinh động sẽ nâng cao uy tín của chương trình, thu hút được người dùng gia nhập cộng đồng, và ngược lại. Cộng đồng người đóng góp là các chuyên gia đầu ngành, các giảng viên giàu năng lực; cộng đồng người sử dụng là những người có khả năng chọn lọc, kết hợp, khai thác hiệu quả tài liệu sẽ giúp cho chương trình đạt đến mục tiêu cuối cùng.
Với những nội dung được chia sẻ trong buổi tọa đàm, cán bộ, giảng viên Trường ĐH Văn Lang cảm nhận sâu sắc việc đầu tư cho công nghệ giáo dục là cần thiết đối với định hướng phát triển Trường trong thời gian tới; bởi giáo dục đại học rõ ràng đang nằm trong “thế giới phẳng”.
Minh An