TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

GS. TS. Trịnh Xuân Thuận thăm Trường ĐH Văn Lang

(TT. Thông tin – Văn Lang, 26/7/2016) – Sáng 23/7/2016, GS. TS. Trịnh Xuân Thuận có buổi nói chuyện, giao lưu với cán bộ, giảng viên Trường Đại học Văn Lang tại phòng 203A, Trụ sở 45 Nguyễn Khắc Nhu, Q. 1, Tp. Hồ Chí Minh.

Hơn 80 cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Văn Lang tham gia buổi giao lưu, lắng nghe những chia sẻ từ GS. TS. Trịnh Xuân Thuận về cuộc đời làm khoa học của ông. Những câu chuyện nhỏ khơi mở nhiều suy nghĩ sâu sắc.

Thần tượng và con đường trở thành “người khổng lồ”

van lang trinh xuan thuan 7 2016 DSC00023

GS. TS. Trịnh Xuân Thuận mở đầu buổi giao lưu bằng câu chuyện về thần tượng thời phổ thông (khi ông theo học tại Trường Jean Jacques Rousseau – THPT Lê Qúy Đôn, Tp. HCM ngày nay): Albert Einstein. Tượng đài này khá vững chắc trong vườn học thuật hàn lâm của thế giới. Và cậu học trò Trịnh Xuân Thuận đã nhìn thấy trong chân dung Albert Einstein tự họa trong “How I see the world” những giá trị thực sự mà ông muốn xây dựng cho mình: con người biết làm khoa học, con người biết nhìn xã hội.

Ông không đặt thần tượng trên một bệ thờ để ngưỡng vọng; mà ông bắt đầu nhẩm tính khoảng cách giữa bản thân và thần tượng, tìm cách rút ngắn khoảng cách đó. Con đường du học mở ra từ đây. Vì ngoại ngữ ông được rèn luyện từ nhỏ là tiếng Pháp nên ông chọn điểm xuất phát là một trường đại học ở Thụy Sĩ (đất nước có tiếng Pháp là ngôn ngữ chính). Nhưng ông sớm tìm hiểu và biết rằng những người thầy vĩ đại trong lĩnh vực thiên văn học – ngành mà ông say mê, mong muốn được khám phá – đang giảng dạy ở những trường đại học trên đất Mỹ. Năm 1967, ông nhận được học bổng du học tại California Institute of Technology, Mỹ; từ 1970 đến 1974, ông tiếp tục việc học tại Đại học Princeton. Ông nhận thấy sự chuyển biến từ đây: đầu tiên là văn hóa Mỹ, xã hội Mỹ và sau nữa là nền học thuật Mỹ. Ông xác nhận lại chọn lựa của mình khi chạm vào chiếc kính thiên văn khổng lồ ở trường đại học. Và khi mục đích đã sáng rõ, ông cứ thế, tìm cách đi về phía trước.

GS. TS. Trịnh Xuân Thuận kể về cuộc đời của mình như vẽ nên quỹ đạo của một hành tinh, tất yếu đường đi là như vậy, tất yếu bản thân chuyển động như vậy. Nhưng không phải ai cũng có thể nhìn, tính toán và xác định được quỹ đạo ấy, như ông.

 Vũ trụ và con người

Cán bộ, giảng viên Văn Lang đến với buổi giao lưu không chỉ để nghe GS. TS. Trịnh Xuân Thuận nói chuyện về khoa học vũ trụ mà quan trọng hơn, họ nhận thấy điểm gặp gỡ trong công việc: những người tham gia giảng dạy và hoạt động nghiên cứu. Đáp lại mong đợi của mọi người, GS. TS. Trịnh Xuân Thuận đã mở ra những “chân trời khác” về thế giới và công việc.

Cách nhìn nhận về vũ trụ của GS. TS. Trịnh Xuân Thuận mang đậm tính triết lý. Vũ trụ mênh mông và con người thì hữu hạn. Những ngôi xa ở xa nên khi chúng ta nhìn thấy nó qua kính thiên văn nghĩa là chúng ta chỉ đang nhìn thấy quá khứ của nó. Tuổi của vũ trụ tính đến con số hơn ngàn tỷ năm và tuổi của con người thì chỉ khoảng 100 năm, vì vậy mà vũ trụ luôn là lĩnh vực bí hiểm với con người.

Năm 1961, con người lần đầu đặt chân lên vũ trụ. Năm 1965, Penzias và Wilson tìm ra bức xạ phông vũ trụ. Năm 1967, thiên thể nhỏ có tốc độ quay lớn pulsar được phát hiện. Năm 1969, con người lần đầu đặt chân lên mặt trăng. Năm 1981, lý thuyết lạm phát mô tả sự giãn nở gia tốc của vũ trụ được Alan Guth phát biểu… Những cột mốc thiên văn ấy không giúp tìm thấy hay chứng minh có loại vật chất nào có tốc độ nhanh hơn ánh sáng cả; nhưng nó khiến chúng ta suy nghĩ về sự vận động không ngừng của thế giới học thuật, của xã hội. Bởi niềm đam mê khám phá, sự tò mò gia tốc trí óc hoạt động chính là động lực để con người nhìn thấy ánh sáng trong vũ trụ bao la này.

GS. TS. Trịnh Xuân Thuận chia sẻ về định hướng nghiên cứu của các nước trên thế giới để cán bộ, giảng viên Văn Lang nhìn lại về hoạt động khoa học, công nghệ của Trường. Ông cho rằng, nghiên cứu khoa học cơ bản là nền tảng để phát triển các sản phẩm công nghệ, dịch vụ phục vụ cho đời sống. Do đó, với những trường định hướng đào tạo ứng dụng, tập trung vào các ngành kinh tế, xã hội như Văn Lang vẫn cần đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản. Phải nhìn thấy đường nối giữa định luật Newton với nền công nghiệp sản xuất máy bay, với việc chế tạo máy móc đưa người lên mặt trăng; phải nhìn thấy từ chiếc đèn điện của Edison đến phòng studio ngày nay. Nghiên cứu khoa học cơ bản là việc khó, mất nhiều thời gian, cần vốn đầu tư lớn mới có kết quả nhưng quan trọng, cần thiết. Với những nước, những trường còn khó khăn thì một bước đi ngắn hơn để tiếp cận với khoa học, công nghệ là “nhập khẩu” tri thức từ nước ngoài và phát triển nó.

van lang trinh xuan thuan 7 2016 DSC00062 suaLãnh đạo trường đại học Văn Lang trong buổi giao lưu với GS. TS. Trịnh Xuân Thuận

Trường ĐH Văn Lang vui mừng vì được chào đón, được học hỏi từ những người thầy lớn, như GS. TS. Trịnh Xuân Thuận. Mong rằng, những hướng dẫn mang tính gợi mở của giáo sư sẽ giúp cán bộ, giảng viên của Trường có thêm nguồn năng lượng và hứng khởi trong công việc giảng dạy, nghiên cứu của mình.

Minh An


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag